lam-dai-ngoc-dung-nuoc-mat-hoan-tra-an-tinh-nhu-the-nao
Lâm Đại Ngọc dùng nước mắt hoàn trả ân tình như thế nào?
- bởi tamthuc --
- 26/03/2018
Một đời của Lâm Đại Ngọc là một đời hoàn trả nước mắt, là vì Bảo Ngọc mà khóc hết nước mắt, hoàn trả ân tình tưới nước cam lồ khi cả hai còn ở nơi thiên thượng.
Giáng Châu tiên thảo chuyển sinh thành Lâm Đại Ngọc, lấy nước mắt hoàn trả ân tình
Đại Ngọc mất đi cha mẹ, thân thể yếu đuối nhiều bệnh, sống cuộc sống ăn nhờ ở đậu, cuối cùng vì Bảo Ngọc mà khóc, vì Bảo Ngọc mà qua đời. Nàng cứ thế mà đi hết cả một đời, quả thật khiến người ta chua xót rơi lệ. Nhưng đây lại chính là nhân duyên mệnh số của Đại Ngọc, cũng là mục đích mà nàng đến cõi đời này. Ngay trong hồi thứ nhất tác giả đã thông qua Chân Sĩ Ẩn để nói rõ nhân duyên: Nàng vốn là cây Giáng Châu tiên thảo trên trời như thế nào, cho đến việc nợ ân tình tưới nước cam lồ của Bảo Ngọc ra sao. Và vì để hoàn trả ân tình, nàng tự nguyện theo Thần Anh thị giả (tiền thân của Bảo Ngọc) xuống nhân gian, chuyển sinh thành cô em họ Lâm Đại Ngọc của chàng. Đây chính là căn nguyên cuộc đời bi kịch của Đại Ngọc.
Bởi lời giải thích nhân duyên như vậy chỉ thông qua vỏn vẹn vài nét bút, so với câu chuyện đồ sộ trong sách, thật sự là quá đơn điệu, gần như chẳng đáng để tâm. Lại cộng thêm câu chuyện tình đầy sống động, đã khiến người đọc bùi ngùi rơi lệ. Vậy nên độc giả thật sự rất khó tin rằng, khóc cạn hết nước mắt lại chính là tâm nguyện của Đại Ngọc, và bổn nguyện “hoàn trả nước mắt” lại chính là đầu mối mà Tào Tuyết Cần an bài cho nàng.
Nếu như muốn lấy nước mắt để hoàn trả ân tình tưới nước cam lồ trên thiên thượng, vậy thì nàng nhất định phải được ở bên Bảo Ngọc mỗi ngày, vì Bảo Ngọc mà cạn khô dòng lệ. Điều khiến người ta thương tâm nhất trên thế gian không gì hơn là chuyện tình lỡ dở, nam nữ chia lìa. Loại chấp trước này càng sâu đậm lại càng không thể cầu, càng khiến con người ta một đời sầu não đứt ruột, không ngừng đau lòng rơi nước mắt. Bởi vậy, tác giả vì nàng mà thiết lập thân thế và cảnh ngộ, vừa có thể ở gần Bảo Ngọc, một lòng si tình chàng, vừa có thể khiến nàng không ngừng đau lòng khóc cạn nước mắt.
Đại Ngọc phong thái cao quý, nhiều bệnh và cô độc là an bài tinh tế của tác giả
Câu chuyện Đại Ngọc hoàn trả nước mắt cho Bảo Ngọc là nhân duyên chính yếu nhất trong vô số các nhân duyên, cũng là nội dung thực chất rõ ràng duy nhất ngay trong hồi đầu. Từ đó nói rõ với mọi người, màn kịch lớn chính là bởi nhân duyên hoàn trả nước mắt này cần kết thúc, mới khiến rất nhiều nhân vật khác theo họ hạ thế chuyển sinh, cùng diễn vở kịch này. Bởi vậy khắc họa tình cảm bi thương của Bảo Ngọc – Đại Ngọc tất nhiên đã trở thành trọng điểm nhất. Mà màn diễn này, càng chấp trước thì càng bi thảm, càng có thể cảnh tỉnh người đời đang mê mờ trong chốn hồng trần về sự khổ sở mệt mỏi do cái tình huyễn hóa ra. Mong người đời cuối cùng có thể nhìn thấu những giả tướng hư ảo, từ đó phản bổn quy chân, nhảy thoát ra khỏi bể khổ giống như Bảo Ngọc vậy.
Vì lẽ đó, Tào Tuyết Cần đã bỏ ra công phu, an bài đầu mối nhân sinh để Đại Ngọc hoàn trả nước mắt, bắt đầu đi vào trong vở kịch, trình diễn một đời của Đại Ngọc, liên đới mở ra toàn bộ vở kịch lớn này.
Đại Ngọc vừa xuất hiện là đã có liên quan với Giả Vũ Thôn. Như phần trước có nhắc đến, Giả Vũ Thôn đại biểu cho một mặt giả tướng của nhân sinh, tất nhiên sẽ do ông dẫn dắt độc giả vào trong màn kịch lớn do nhân duyên huyền ảo cấu thành này. Bởi vậy, sau khi Chân Sĩ Ẩn theo đạo sĩ đắc Đạo rời đi, tác giả rất mau chóng đã để Giả Vũ Thôn kết nối quan hệ thầy trò với Đại Ngọc.
Giả Vũ Thôn được Chân Sĩ Ẩn chu cấp lên kinh thành tham gia ứng thí, không lâu đã thi đậu tiến sĩ, trở thành huyện thái gia. Lại bởi tham ô mà bị bãi miễn chức quan, ông đành phải sắp xếp cho gia quyến trở về quê nhà trước, còn ông thì một mình du ngoạn thiên hạ. Khi ông đến vùng Duy Dương, vừa khéo nghe thấy quan Ngự sử tuần muối được hoàng thượng khâm điểm năm nay chính là phụ thân của Đại Ngọc. Đến đây, Giả Vũ Thôn đã được tác giả liên hệ một cách hợp lý với Đại Ngọc: Vừa khéo hơi cảm phong hàn, trên người đã hết sạch tiền bạc, nghe nói Lâm Như Hải – phụ thân của Đại Ngọc – đang tìm thầy dạy học cho con gái, cứ như thế một cách tự nhiên đã trở thành thầy của Đại Ngọc. Tổ tiên của Đại Ngọc từng là liệt hầu truyền thừa bốn đời và cũng là dòng dõi thư hương. Đại Ngọc thân thể yếu đuối lắm bệnh, Lâm gia chỉ có mình nàng nên Đại Ngọc không có anh chị em nào khác, cha nàng cũng không có anh em ruột thịt. Vậy là sau khi cha mẹ mất, Đại Ngọc bên nội không còn họ hàng nào khác để nương nhờ, cũng một cách tự nhiên mượn hành tung của Giả Vũ Thôn bàn giao rõ ràng ở đây.
Từ đây, Đại Ngọc danh chính ngôn thuận được bà ngoại đón về nuôi dưỡng, nhờ đó có thể ở bên cạnh Bảo Ngọc không ngừng rơi lệ. Bởi vậy, tác giả mới để cho Đại Ngọc có thân phận cao quý nhưng số mệnh lại bất hạnh. Nàng cần phải có thân phận cao quý, bởi vì Bảo Ngọc xuất sinh trong dòng dõi quý tộc. Nếu muốn an bài nàng từ nay về sau ở cùng Bảo Ngọc, thì nàng phải có mối quan hệ mật thiết với chàng. Bởi vậy, mẹ của Đại Ngọc chính là cô của Bảo Ngọc, hơn nữa mẹ nàng còn là cô con gái được Giả mẫu thương yêu nhất. Vậy nên, mẹ của Đại Ngọc vừa mới qua đời, Giả Mẫu bởi thương con gái mất sớm, xót xa cô cháu ngoại không có anh chị em nào khác bầu bạn, cha thì bận với công việc chính sự, không chăm lo chu đáo đến nơi đến chốn được, lại không có gia đình chú bác nương nhờ, thân thể yếu đuối lắm bệnh, tất nhiên phải đón nàng đi.
Cũng chính là nói, Đại Ngọc cần được an bài sinh ra trong một gia đình phú quý như vậy, mới có thể hợp tình hợp lý được bà ngoại đón vào Giả phủ, từ đây theo sát Bảo Ngọc, hoàn trả nước mắt kết thúc duyên nợ. Nếu Đại Ngọc có anh chị em hoặc chú bác, thì theo quy củ của thời đó, nàng không được phép ở nhà bà ngoại lâu dài như vậy được. Nếu mẹ của Đại Ngọc không phải là con gái yêu của Giả mẫu, hơn nữa bà mất khi Đại Ngọc chỉ mới lên 5 tuổi, thế thì cũng sẽ rất khó có cơ hội từ nhỏ đã đến bên Bảo Ngọc, ở cùng với nhau, gắn bó như hình với bóng. Cộng thêm tấm lòng yêu thương và thu xếp của Giả mẫu đối với Đại Ngọc càng khiến cho Bảo Ngọc và Đại Ngọc gắn kết hơn. Hết thảy những an bài này, mới nhìn thì thấy rất tự nhiên, nhưng đều là vì để cho Đại Ngọc từ nhỏ có thể rời khỏi Lâm gia, bước vào Giả phủ cùng với Bảo Ngọc lớn lên, dùng nước mắt hoàn trả ân tình mà an bài kỹ lưỡng.
Vậy nên, Giả Vũ Thôn vừa mới trở thành thầy giáo của Đại Ngọc chưa lâu, mẹ của Đại Ngọc đã bệnh mất, tiếp đó Giả mẫu cử người đến đón, Đại Ngọc đành phải từ biệt cha đến ở nhà bà ngoại, từ đây từng bước từng bước khóc cạn hết nước mắt cho đến khi nàng ra đi. Còn Giả Vũ Thôn sau khi khởi được tác dụng dẫn dắt độc giả vào trong vở kịch, cũng bởi thân phận là thầy giáo của Đại Ngọc, được an bài cùng đến Giả phủ với Đại Ngọc, được Giả phủ tiến cử mà bước vào quan trường, tương lai sẽ có mối liên hệ qua lại nhất định với Giả phủ. Ông vừa theo đuổi công danh hư huyễn, vừa chờ đợi đến ngày câu chuyện kết thúc, sau khi công danh mất hết, cùng với Chân Sĩ Ân tổng kết toàn bộ quyển sách.
Đại Ngọc lấy thân phận và nguyên nhân hợp tình hợp lý nơi thế gian, sau khi đến Giả phủ, vừa mới trông thấy Bảo Ngọc liền giật mình: Người này sao trông quen thuộc đến vậy, hình như đã từng gặp ở đâu rồi. Và Bảo Ngọc cũng như thế, mở miệng nói bản thân đã từng thấy qua em gái này. Những lời tự thuật này chính là nhắc nhở độc giả: Giáng Châu tiên thảo đã đến thế gian, chuyển sinh thành tiểu thư Lâm Đại Ngọc của Lâm gia, nguyện vọng nàng theo Bảo Ngọc chuyển sinh đến nhân gian đang được thực hiện. Sợi dây nhân duyên này đã được kết nối, và từ đây sẽ bắt đầu hoàn trả nước mắt.
Bởi vậy ngay sau đó, lập tức diễn ra cảnh Bảo Ngọc ném ngọc quấy khóc. Chàng hỏi Đại Ngọc có ngọc báu ngay từ trong bụng mẹ hay không, biết nàng không có loại “thông linh bảo ngọc” này, chàng mới đem viên ngọc vốn là hạt giống sinh mệnh của mình đập cho vỡ nát. Viên bảo ngọc đó chính là hòn đá ngoan cố trong tay thần tăng mà Chân Sĩ Ẩn từng thấy trong mơ. Thế là, Lâm Đại Ngọc và Bảo Ngọc từ đâu đến, rốt cuộc là ai, cũng đã được bàn giao vô cùng rõ ràng. Hơn nữa bám sát nhân duyên hoàn trả nước mắt của Đại Ngọc, vừa mới gặp được Bảo Ngọc, đã khiến nàng vì sự càn quấy của Bảo Ngọc mà khóc một trận, nghĩ rằng bản thân lỡ lời mới khiến Bảo Ngọc đập nát viên ngọc. Thật là mỗi lúc đều ở trong nhân duyên không thể biết được biểu hiện đằng sau. Cái ngày gặp gỡ đó cũng chính là ngày nàng bắt đầu rơi nước mắt vì Bảo Ngọc. Mãi đến một ngày kia, nàng tự nhận thấy nước mắt hình như không còn nhiều nữa, cuối cùng bởi hôn sự giữa Bảo Thoa và Bảo Ngọc khiến nàng quá đỗi thương tâm, khóc cạn hết những giọt nước mắt sau cùng, nước mắt cạn khô nôn ra máu mà chết.
Bảo Thoa là vì để hoàn thành cho Đại Ngọc mà đến
Bảo Thoa chính là vì để hoàn thành cho mối tình đau buồn của Đại Ngọc mà đến, là nhân vật then chốt thúc đẩy câu chuyện. Dựa theo mục đích đời người đã được định trước như vậy, Bảo Thoa cũng là thân bất do kỷ mà đến Giả phủ. Nhưng nàng lại có dung mạo, học thức, tính cách, các phương diện đối nhân xử thế nói chung đều vượt trội hơn cả Đại Ngọc, trở thành “mối uy hiếp” đã được định trước một cách hiển nhiên, chứ không phải Bảo Thoa cố tình tranh giành Bảo Ngọc với Đại Ngọc. Tất cả đều là vì tâm nguyện đến thế gian hoàn trả nước mắt của Đại Ngọc mà tạo thành. Vậy nên, Đại Ngọc đến Giả phủ không lâu, có quan hệ gắn bó với Bảo Ngọc, thì Bảo Thoa cũng theo đó mà đến. Vậy nên tác giả mới nói, ai có thể xem hiểu được vở kịch nhìn vào thì thấy hoang đường này, người đó sẽ buông bỏ chấp trước đối với công danh cũng như những thứ tình cảm hư ảo, ngộ đạo mà quay trở về trời. Chính là giống như Không Không đạo nhân, bởi sao chép quyển “Thạch Đầu Ký” để truyền ra thế gian, cuối cùng đã ngộ Đạo vậy.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Thiện Sinh biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/lam-dai-ngoc-dung-nuoc-mat-hoan-tra-an-tinh-nhu-the-nao.html
Comment