-cau-noi-kinh-dien-cua-khong-tu-tung-chu-chau-ngoc-kinh-dien-truyen-doi
8 câu nói kinh điển của Khổng Tử, từng chữ châu ngọc, kinh điển truyền đời
- bởi tamthuc --
- 19/04/2018
“Ba người cùng đi, ắt có người là thầy mình, chọn cái tốt của họ mà học theo, cái chưa tốt của họ để sửa bản thân”.
Khổng Tử (551 TCN – 479 TCN), tên Khâu, tự Trọng Ni, người ấp Tưu, nước Lỗ cuối thời Xuân Thu. Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà chính trị vĩ đại cổ đại, là người sáng lập học phái Nho gia, là một trong 10 đại danh nhân trong lịch sử thế giới.
Dưới đây là 8 câu nói đại kinh điển của Khổng Tử, từng chữ từng chữ đều kết tinh trí huệ siêu phàm của bậc Thánh nhân, ai đọc được đều thụ ích.
1. Có đức thì không cô độc, ắt sẽ có người gần gũi
Nguyên văn: Đức bất cô, tất hữu lân.
Câu này tuyển chọn từ ‘Luận ngữ’. ‘Đức’ ở đây có nghĩa là người có đạo đức, ‘bất cô’ chính là không cảm thấy cô đơn, có nghĩa là, người có đạo đức sẽ không cảm thấy cô đơn.
2. Người không lo xa, ắt có buồn gần
Nguyên văn: Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu.
Câu này trích từ ‘Luận ngữ – Vệ Linh Công’. Chỉ con người nếu không có mưu kế hoạch định lâu dài, thì sẽ có ưu sầu họa hoạn sắp đến. Câu nói này chứa đầy trí tuệ của tiền nhân, khuyên răn chúng ta cần phải thu lúa trước khi trời mưa, không nên luôn chúi mắt vào sự việc hiện tượng trước mắt, mà quên mất những kỳ vọng xa xôi mà con người tích cực phấn đấu.
3. Cái mình không muốn, chớ làm cho người
Nguyên văn: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.
Câu này xuất xứ từ ‘Luận ngữ – Nhan Uyên’. Nếu bản thân mình không muốn người khác đối đãi với mình như thế này, cứ suy từ mình ra người, thì bản thân mình cũng không nên đối đãi với người khác như thế. Quan hệ qua lại giữa người với người thực sự cần phải kiên trì nguyên tắc này, đó là thể hiện tôn trọng người khác, bình đẳng đối xử.
4. Người trong bốn biển, đều là anh em
Nguyên văn: Tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã.
Câu này có nguồn gốc từ ‘Luận ngữ – Nhan Uyên’, nghĩa là khắp thiên hạ đều là anh em thân thích, biểu thị người trong thiên hạ đều tương thân tương ái, chung sống hòa thuận như anh em ruột thịt.
5. Có bằng hữu từ xa tới, chẳng phải vui lắm thay
Nguyên văn: Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ.
Câu này xuất xứ từ ‘Luận ngữ – Học nhi’, ý nghĩa là: có bằng hữu chí đồng Đạo hợp từ phương xa đến, đó chẳng phải là việc rất đáng vui mừng sao?
6. Với ba quân, có thể đoạt chủ soái của họ; Với trai nam nhi, không thể đoạt chí của anh ta được
Nguyên văn: Tam quân khả đoạt soái dã, thất phu bất khả đoạt chí dã.
Quân đội của một quốc gia (ba quân) có thể lấy đi chủ soái của họ, nhưng với trai nam nhi thì không thể cưỡng ép anh ta thay đổi chí hướng được. Câu nói này nói lên tầm quan trọng của lập chí. Người không có chí hướng, mãi mãi vẫn chỉ là kẻ tầm thường bất tài, sẽ không làm nên bất cứ trò trống gì.
7. Kẻ trí không mê hoặc, kẻ nhân không ưu sầu, kẻ dũng không sợ hãi
Nguyên văn: Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ.
Câu này trong ‘Luận ngữ – Tử Hãn’. Người nhân đức thì không ưu sầu, người trí tuệ thì không mê hoặc, người dũng cảm thì không sợ hãi.
8. Ba người cùng đi, ắt có người là thầy mình, chọn cái tốt của họ mà học theo, cái chưa tốt của họ để sửa bản thân
Nguyên văn: Tam nhân hành tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi.
Câu nói này dường như người người đều biết nhà nhà đều hay, có nguồn gốc từ ‘Luận ngữ – Thuật nhi’. Ý nghĩa là: ba người cùng đi với nhau, trong đó nhất định có thầy của mình. Mình chọn mặt tốt của người ấy để học tập theo, thấy mặt chưa tốt của người ấy thì đối chiếu lại bản thân mình, sửa chữa khuyết điểm của bản thân mình.
Theo lszj.com
Nam Phương biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/8-cau-noi-kinh-dien-cua-khong-tu-tung-chu-chau-ngoc-kinh-dien-truyen-doi.html
Comment