No icon

tinh-hoa-nghe-thuat-thu-hoa-trung-quoc-ve-cung-chinh-la-tu-luyen

Tinh hoa nghệ thuật Thư Hoạ Trung Quốc: Vẽ cũng chính là tu luyện

Thư Họa Trung Quốc hay còn gọi là Quốc Họa hay Thư Họa là ngành nghệ thuật cổ xưa nhất còn hiện hữu đến hôm nay. Không chỉ đơn giản là vẽ tranh hay trang trí, cái tinh hoa của Thư Họa còn thể hiện văn hóa truyền thống và triết lý uyên thâm về vũ trụ quan và nhân sinh quan. 

Một bức tranh thư họa xuất chúng không chỉ là đẹp mà còn phải thể hiện được cái “Thần” qua nét bút, cũng chính là sự giác ngộ và sự thăng hoa trong nội tâm của người họa sĩ. Qua đó, Thư Họa chính là một phương pháp để tu dưỡng tâm thân chứ không đơn thuần là một môn nghệ thuật nữa.

Kỹ Thuật Thể hiện Cái Thần trong thư Họa

Ngoài những yếu tố mang tính kỹ thuật sẽ trình bày ở phần dưới, điều mà làm cho các Thư Họa Gia Trung Hoa nổi danh nghìn năm chính là kỹ thuật thể hiện Khí Bút, hay nói cách khác là thể hiện cái Thần của người họa sĩ qua nét chữ hoặc bức tranh. Điều này là đặc trưng của Thư Họa Trung Hoa vì nó là biểu hiện của văn hóa Thần truyền, một nền văn hóa chú trọng tu dưỡng thân tâm để đạt đến hòa hợp tối cao với vũ trụ làm mục đích chính của nhân sinh chứ không chỉ đơn thuần là vẽ. Vẽ chỉ là 1 trong những cách mà Thư họa gia thể hiện trình độ tu dưỡng của mình mà thôi. Nên người viết cho rằng trình độ các Thư Họa Gia Trung Quốc hơn kém nhau chính là do sự tu dưỡng nội tâm vậy. Nếu nội tâm không tu dưỡng tốt thì sẽ không thể đạt đến đỉnh cao nghệ thuật.

Kỹ thuật này nói ngắn gọn chính là sự rèn luyện tu dưỡng tinh thần lâu năm cho đến khi Họa Gia đạt đến cảnh giới trước và trong khi vẽ hoàn toàn đắm mình trong một trạng thái siêu nhiên khi tinh thần thăng hoa hòa nhập vào vũ trụ mênh mông. Anh ta sẽ cảm được cái Thần vô hình của bức vẽ hay nét chữ mà mình muốn viết ra. Lúc đó tạm gọi là Nhập Thần, Thần Khí sẽ quán thông hết cơ thể Họa Gia đến cánh tay và phát ra ngoài thông qua nét bút. Lúc này không còn khái niệm cái gì là tay và cái gì là bút, mà chỉ là 1 bản giao hưởng của vũ trụ thể hiện qua người nghệ sĩ với đôi tay là chiếc bút lông.

Thư họa là một hình thức tu luyện, nếu nội tâm không tu dưỡng tốt thì sẽ không thể đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Ảnh dẫn theo NTD

Đại Thư Họa Gia Tô Thức từng nói về kỹ thuật này khi ông tán thưởng thư pháp của Nhược Quỳ: “Chữ viết tiêu sơ như mưa bay, phát tán một cách tự nhiên mà không chút nào cẩu thả.”

Hay như Đại sư D.T. Suzuki có đề cập vấn đề này ở bài luận về Thiền và hội họa, trong quyển Thiền Phật Giáo: “Một nét khác biệt khác của mặc họa chính là sự nỗ lực chụp bắt cái Thần đang lúc nó vận động. Vạn vật luôn vận hành, không có gì tĩnh lặng trong bản chất của nó. Khi bạn nghĩ rằng bạn đang giữ yên được nó thì nó trượt khỏi tay bạn rồi. Bởi vì trong cái khoảnh khắc mà bạn giữ nó, nó không còn sự sống nữa. Nó đã chết. Nhưng mặc họa cố gắng bắt giữ sự vật cùng với sức sống của nó, một điều cơ hồ không thể đạt được. Vâng, sự nỗ lực của người nghệ sĩ muốn thể hiện một vật thể sống động trên trang giấy dường như bất khả thi, nhưng người nghệ sĩ có thể đạt được ý muốn này ở một giới hạn nào đó nếu mỗi nét bút đều phóng phát trực tiếp từ cái thần khí nội tại, không bị ngoại giới và tạp niệm ngăn trở. Trong trường hợp này ngòi bút chính là cánh tay vươn dài ra. Hơn thế nữa, nó chính là Thần khí của nghệ, sĩ, thần khí này ứng hiện trong từng nét bút trên mặt giấy. Khi hoàn tất, bức mặc họa chính là một thực thể sống, hoàn bị và không hề là bản sao của bất kỳ sự vật nào.”

Để đạt được cái Thần trong hội họa, ngoại trừ việc chuyên tâm khổ luyện ra thì người họa sĩ còn phải am tường các loại kỹ thuật cũng như các công cụ chuyên dùng sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.

Bút lông (Mao Bút)- Đứng đầu Văn Phòng Tứ Bảo

Nguồn gốc:

Linh hồn của nét vẽ Thư Họa Trung Hoa đến từ nét bút của 1 loại bút đặc biệt có tên là “Mao Bút” tức “Bút Lông”. Đây là 1 phát minh tuyệt vời của người Trung Hoa hơn 2000 năm trước CN. Theo thuyết của Léon Wieger thì vào đời Tần, Trình Mạc (程邈) chế bút bằng que gỗ dập tưa ở đầu. Người ta chấm bút vào sơn đen rồi viết trên vải lụa. Về sau bút gỗ được cải tiến thành bút lông.

Sự phát minh bút lông cũng như các văn cụ khác như mực (mặc 墨 ), giấy (chỉ 紙 ), nghiên mực (nghiễn 硯) mà người Trung Quốc quen gọi là văn phòng tứ bảo (文房四寶) giữ vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hóa, truyền thụ tri thức, sáng tạo nghệ thuật. Cây bút lông Trung Hoa hoàn toàn khác hẳn dụng cụ viết ở các nước khác, bởi vì ở các nước khác có sự phân biệt rõ dụng cụ viết (bút) và dụng cụ vẽ (cọ) còn ở Trung Quốc thì không. Bút lông kiêm luôn hai chức năng viết và vẽ. Môn thư pháp (calligraphy) từ lâu vốn được xem là loại hình nghệ thuật đặc biệt. Người viết chữ đẹp được gọi là Thư Pháp Gia, được trọng vọng ngang với người vẽ tranh đẹp tức Thư Họa Gia.

Điều làm nên sự tuyệt diệu của bút lông chính là sự mềm mại của lông kết hợp với sự cứng cỏi của cán bút hội đủ cương nhu sẽ triển hiện hết cái Thần và cái Tâm Thái của người họa sĩ. Chính vì điều đó nên việc chọn nguyên liệu để làm nên chiếc Mao Bút đã nâng lên thành một nghệ thuật cao cấp.

Bút lông là sự kết hợp mềm mại của lông với sự cứng cỏi của cán bút hội đủ cương nhu sẽ triển hiện hết cái Thần và cái Tâm Thái của người họa sĩ. Ảnh dẫn theo dictionary.com

 

Phân loại và sử dụng bút lông:

1.Theo loại lông:

Các loại bút lông cổ rất đa dạng, nếu lấy loại lông để phân ra thì có, lông thỏ, lông dê trắng, lông dê xanh, lông dê vàng, râu dê, lông ngựa, lông hươu, lông nai, lông mèo, lông chó, lông chuột, lông điêu, râu chuột, đuôi chuột, lông hổ, lông sói, lông cáo, lông vượn, lông ngỗng, lông vịt, lông gà, lông lợn, tóc người, râu người, cỏ mao…

2. Theo tính năng:

Nếu dựa vào tính năng để phân loại có: ngòi cứng (硬毫), ngòi mềm (軟毫), ngòi kiêm hai đặc tính (兼毫). Nếu dựa vào quản bút mà phân biệt, có thủy trúc (水竹), kê mao trúc (雞毛竹), ban trúc (斑竹), tống trúc (棕竹), tử đàn mộc (紫擅木), kê dực mộc (雞翅木), đàn hương mộc (檀香木), nam mộc (楠木), hoa lê mộc (花梨木), huống hương mộc (況香木), sơn mài (雕漆), lục trầm tất (綠沉漆), ngà voi (象牙), sừng tê (犀角), sừng trâu (牛角), sừng lân (麟角), ngọc (玉), thủy tinh (水晶), lưu ly (琉璃), vàng (金), bạc (銀), sứ (瓷)…nhiều loại quản bút thuộc loại quý hiếm.

3.Theo mục đích sử dụng:

Nếu phân theo mục đích sử dụng có sơn thủy bút (山水筆), hoa hủy bút (花卉筆), diệp cân (葉筋筆), nhân vật bút (人物筆), Y văn bút (衣紋筆), thiết cốt bút (設骨筆), thái sắc bút (彩色筆) ……

4.Theo chủng loại:

Chủng loại của bút rất nhiều, đến nay thường dùng là các loại: Tử hào (紫毫), Lang hào (狼毫), Dương hào (羊毫) và Kiêm hào (兼毫).

Bút Tử hào lấy lông trên sống lưng thỏ hoang để làm ra, lông có màu tím sẫm nên mới gọi là Tử hào. Lông thỏ có đặc tính cứng nên bút lông thỏ cũng gọi là Kiện hào bút (健毫筆), lông thường dài và nhọn, thích hợp viết chữ vuông vắn, ngay ngắn, các thư pháp gia thích dùng loại này.

Bút Lang hào là lấy lông sói chế thành. Người xưa dùng lông sói để chế bút nhưng ngày nay cái gọi là Lang Hào thực ra là lông chuột vàng (黃鼠「狼」之「毫」). Lông đuôi của chuột vàng nhọn có thể làm bút được, chất lông cứng sau lông thỏ và hơn lông dê, bút làm ra thuộc loại kiện hào bút (健毫筆 – bút lông cứng).

Bút Dương hào tức là làm bút từ lông đuôi hoặc râu của dê vàng. Thư pháp rất trọng bút lực nhưng lông dê thì mềm không có phong (ngòi nhọn), viết chữ sẽ bị “Nhuyễn nhược vô cốt – yếu ớt vô lực”, vì thế thư pháp gia các đời ít sử dụng loại này.

Bút Kiêm hào là việc lấy 2 loại lông khác nhau tạo thành, vì nó là sự hỗn hợp nên mới có tên gọi như thế. Ví như Tam tử thất dương, Ngũ tử ngũ dương…Kiêm Hào thường phối hợp một cứng một mềm, lấy lông cứng làm chủ, đặt làm lõi bên trong, gọi là “trụ” (柱); lông mềm bao bên ngoài, làm phụ gọi là “bị” (被) . Trụ là lông dài, bị là lông ngắn , thế gọi là “Bút có chính có phụ” (Hữu trụ hữu bị bút – 有柱有被筆). Do đó “bị” thường gồm nhiều tầng, thường lấy lông thỏ làm “trụ” (cốt), bên ngoài thêm một số “bị” bằng lông dê ngắn, sau đó lại thêm một lớp lông dê độ dài bằng “trụ”, tổng cộng 3 lớp, vì thế phần bụng bút thường to, đầu bút lại nhỏ, giữ được nhiều mực, rất tiện cho việc viết chữ. Đặc tính bút tùy vào tỷ lệ của hỗn hợp lông, khi cứng, khi mềm, khi hội đủ cứng mềm, hơn nữa giá thành thấp, so với những loại khác thì có điểm vượt trội hơn.

Việc chọn bút phù hợp cũng là yếu tố quan trọng tạo nên 1 tác phẩm thư họa đẹp. Ảnh dẫn theo hisgo.com

Cách chọn bút lông:

Bút là dụng cụ thiết thân của kẻ sĩ quân tử cũng như các Thư Họa Gia nên bút cũng phải có cái Đức của riêng mình. Bút có bốn cái “đức” (四德 – Tứ đức) (hiểu là đặc tính): đó là Tiêm, Tề, Viên, Kiện (尖、齊、圓、健):

Tiêm: Khi lông bút chụm lại, ngòi bút phải nhọn. Bút có nhọn thì viết chữ mới dễ ra góc cạnh, biểu lộ được thần thái. Các tác giả thư pháp thường khiêm tốn mà xưng là “phốc bút” (禿筆 – bút tù) nhưng loại bút tù không có ngòi nhọn khó biểu hiện được tinh thần của thư pháp. Khi mua bút mới, ngòi lông thường có keo nên tụ lại, rất dễ phân biệt. Khi kiểm tra bút cũ, trước hết nhúng ướt ngòi bút, ngòi bút sẽ tụ lại, có thể phân biệt bút tù hay nhọn.

Tề: Khi bóp đầu bút bằng ra, các đầu lông trải đều ra. Bút được gọi là “tề” nếu đầu các sợi lông bằng nhau, không thò thụt, khi vận bút sẽ đạt được cảnh giới “Mọi sợi lông đều có lực” (萬毫齊力 – Vạn hào tề lực). Tuy nhiên muốn kiểm tra điều này phải làm bút mất lớp keo đi, vì vậy khi mua không kiểm tra được.

Viên: Chỉ việc ngòi bút tròn đều, lông bút dầy dặn. Lông bút dầy tức là khi viết sẽ có lực, nếu không dáng chữ sẽ gầy guộc, thiếu sinh lực. Bút “viên” khi vận sẽ được như ý. Khi chọn mua bút, ngòi bút có keo, quan sát kỹ sẽ biết có tròn đều hay không.

Kiện: Là sự đàn hồi của ngòi bút, thử ấn ngòi bút rồi nhấc bút lên, ngòi trở về trạng thái cũ. Cây bút có sự đàn hồi, lúc vận bút sẽ được như ý, thông thường, lông thỏ, lông sói đàn hồi hơn lông dê, khi viết chữ sẽ có khí thế. Về vấn đề này, sau khi rửa sạch lớp keo, nhúng ẩm bút rồi ấn thử sẽ biết bút có “kiện” hay không.

Mực Tàu – Đệ Nhị Trân Bảo

Đối với Thư Họa Trung Hoa thì Mực là 1 phần không thể thiếu nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Nó chỉ thua Bút Lông vì Bút Lông có thể dùng Mực để tạo ra tranh vẽ chứ nếu xét về độ tinh vi khi chế tạo thì có thể nói mực còn khó làm hơn Bút Lông nhiều.

Con người bắt đầu dùng mực từ 2.500 trước Công nguyên. Người Trung Quốc và Ai Cập sử dụng nó trước tiên. Giữa thời Ngụy Tấn mới chế ra thỏi mực bằng cách lấy khói sơn hòa với than tùng hoặc bồ hóng khuấy với dầu thực vật, keo thực vật (nhựa thông) làm thành những thỏi mực vuông và dài, gọi là mực Tàu. Trong tiếng Hán tượng hình, chữ “Mo” (âm Hán – Việt là mặc) được biểu đạt bằng một chữ “Hắc” 黑 (đen) bên trên và chữ “Thổ” 土 (đất) ở phía dưới. Nó nói lên nguồn gốc chất liệu đầu tiên của sản phẩm này. Đó là một loại đá đen tự nhiên hay bán tự nhiên.

Để làm ra Mực tốt tính ra có đến hơn 20 giai đoạn, dùng nhiều kỹ thuật khác nhau, lại thêm một số bí mật gia truyền. Người Trung Hoa thường nói: “Vàng dễ kiếm, mực khó tìm”. Trong thư pháp, mài một đĩa mực là lúc người nghệ sĩ đặt hết tâm hồn, để cho lòng tĩnh lặng. Vì như đã nói ở trên, sự tĩnh lặng nội tâm để đạt đến cảnh giới cao siêu là điều quan trọng nhất của một thư họa gia. Đổ một chút nước lên mặt nghiên, một tay giữ nghiên cho vững, tay kia cầm thỏi mực quay đều đặn, chầm chậm theo hình tròn cho tới khi mực sánh lại. Mực tốt không bao giờ nghe tiếng sột soạt khi mài và người biết cách mài không thể cho thỏi mực vạt sang một bên.

Đáp ứng nhịp độ nhanh của cuộc sống hiện đại, ngày nay, mực cũng được sản xuất và bán ra dưới dạng đóng chai để tiết kiệm thời gian cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, mực phải được mài trên nghiên đá, mới là thứ mực “hoạt” (sống), là thứ mực chứa đựng sự hài hòa âm dương. Và công đoạn mài mực không phải là việc tốn thời gian mà chính là lúc người nghệ sĩ có thể tập trung tâm thức trước khi múa bút tạo nên tác phẩm của mình. Có như vậy, ta mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của động tác mà Tô Thức (1034 – 1101), thi sĩ nổi tiếng đời Tống đã từng ngợi ca, rằng âm thanh của tiếng mực mài trên nghiên như một thứ âm nhạc thanh bình và tao nhã.

Trong thư pháp, mài một đĩa mực là lúc người nghệ sĩ đặt hết tâm hồn, để cho lòng tĩnh lặng. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

 

Giấy Thư Họa

Giấy là 1 phát minh mang tính cách mạng đối với các thể loại nghệ thuật và một Thư Họa Gia không thể nào trổ hết tài năng của mình nếu không có 1 loại giấy thích hợp. Trong hàng ngàn năm lịch sử của mình, Thư Họa Trung Hoa đã phát triển nên rất nhiều loại giấy, đại khái có thể phân loại, ta sẽ dựa vào đặc tính của nguyên liệu tạo ra giấy.

Tất cả các nguyên liệu chủ yếu để làm giấy đều lấy từ sợi thực vật như tre, gỗ. Sợi từ tre tính cứng, lúc làm ra giấy thường ít hút mực, sợi từ gỗ tính mềm, lúc tạo ra giấy hút mực rất mạnh, từ đó, ta có thể phân chia giấy làm ra thành hai nhóm lớn:

1. Giấy hút mực ít, được làm từ tre trúc, bề mặt thường trơn láng. Khi viết, mực thường nổi trên bề mặt, không loang, tạo sắc thái riêng. Giấy loại này ở Việt Nam không có, chỉ có vài chủng loại giấy của Trung Quốc như: Trừng Tâm Đường Chỉ, Nê Kim Tiên, hiện nay có thêm Dương Chỉ – 洋纸.

Trừng Tâm Đường Chỉ – 澄心堂纸: là loại giấy được Nam Đường Lý Hậu Chủ sử dụng, nổi danh cùng loại mực Đình Khuê Mặc, bề mặt phẳng nhẵn, mịn màng, có tên gọi là “Hoạt như xuân băng, mật như tỷ” 滑如春冰密如玺”, là loại giấy thượng phẩm ít hút mực. Loại giấy kém hơn gọi là Lãnh Kim Tiên 冷金笺, cũng có đặc tính tương tự.

Thục Chỉ – 蜀纸: Tương truyền Tây Thục được chân truyền cổ pháp tạo giấy của Sái Luân (蔡伦), vì thế mới có tên là Thục Chỉ, nổi tiếng từ đời Đường về sau, có các loại: Tiết Đào Tiền , Tạ Công Tiên… Có thuyết cho rằng, nước vùng này tinh khiết, tạo được đặc tính riêng cho giấy. “Tạ Công Tiên” có mười sắc, nên còn gọi là Thập Sắc Tiên. “Tiết Đào Tiên” tuy được làm theo cổ pháp nhưng màu nhuộm mau phai, không thể để lâu.

Tàng Kinh Chỉ – 藏经纸: Được dùng trong cửa Phật hoặt dùng làm giấy in kinh sách, còn có tên gọi là Kim Túc Tiên có hai màu vàng và trắng.

Đời Minh, Thanh thường dùng Nê Kim Tiên – 泥金牋, Lạp Tiên – 蜡牋, Lãnh Quang Tiên – 冷光牋 tới nay ít thấy. Tới nay chỉ có Nhật Bản vẫn còn chế loại giấy Ô Tử Chỉ thuộc nhóm giấy này, nhưng giá rất đắt, lại không để được lâu vì vậy không có tính thực dụng.

2. Giấy hút mực nhiều được làm từ sợi của các loại gỗ, hút rất nhiều mực, bề mặt hơi ráp, mực rơi xuống mặt giấy sẽ loang ra, khi viết thường quét thêm tương (chưa khảo được loại tương gì), hoặc xoa một lớp sáp lên trên.

Giấy này không bóng bằng loại giấy Tiên (như ở trên) và xuất hiện muộn hơn, nhưng là loại giấy quan trọng đối với Thư pháp.

Một Thư Họa Gia không thể nào trổ hết tài năng của mình nếu không có 1 loại giấy thích hợp. Ảnh dẫn theo metmuseum.org

Giấy Dó Việt Nam: được làm từ sợi cây Dó , màu ngà vàng, độ hút mực tùy theo độ dày của giấy, giữ được khoảng vài trăm năm. Giấy Dó hiện nay còn giữ được nghề chủ yếu vì phục vụ cho giới hội họa, vì vậy không có các khổ giấy cần thiết cho Thư pháp, mẫu mã cũng không đa dạng.

Tuyên Chỉ và Phỏng Tuyên – 宣纸 (Việt Nam gọi nhầm là Xuyến Chỉ): lấy tên Tuyên Thành ở An Huy. Tuy nhiên chỉ có vùng phụ cận của Tuyên Thành mới sản xuất giấy. Nhiều nơi cũng sản xuất giấy Thư pháp rồi cũng lấy tên là Tuyên Chỉ. Hiện nay loại giấy Tuyên được ưa chuộng là: Ngọc Bản Tuyên – 玉板宣, làm từ gỗ dâu, rạ và vỏ cây Đàn Mộc ngâm tro, vì vậy giấy hút mực rất nhiều. Dùng giấy này, nếu viết quá chậm, mực sẽ loang mạnh tuy nhiên có nhiều thư pháp gia lợi dụng được điểm này, viết ra nhiều tác phẩm mang phong vị riêng như Bao Thế Thần, Tề Bạch Thạch. Hiện nay, độ hút mực của giấy Tuyên đã được giảm bớt tiện cho người viết hơn.

Ngoài giấy Dó và giấy Tuyên, Việt Nam hiện nay còn thịnh hành viết loại giấy Điệp vốn dùng làm tranh Đông Hồ. Giấy Điệp thực chất là một tờ giấy Dó, quét một lớp Điệp (Vỏ sò giã nát trộn với màu thiên nhiên và hồ) trên bề mặt. Giấy này ít hút mực, đặc tính tương tự giấy làm từ tre, bề mặt bóng, có ánh sáng của vỏ sò. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào khổ giấy dó, nên giấy Điệp cũng không đa dạng về kích cỡ, đồng thời không giữ được lâu bởi màu Điệp mau phai, dễ gẫy mạch giấy.

Nghiên Mực

Đối với những nhà thư pháp và họa sĩ, nghiên có tầm ảnh hưởng quan trọng lên chất lượng mực. Nghiên tác động đến lượng và kết cấu của thứ mực được mài trên đó. Trung Quốc có bốn loại nghiên được đặc biệt chú ý.

Đoan nghiễn (giản thể: 端砚; phồn thể: 端硯; bính âm: Duānyàn) được sản xuất tại Triệu Khánh, Quảng Đông, có tên dựa theo tên của quận Đoan (quận trị sở thời nhà Đường). Đoan nghiễn làm từ đá núi lửa, thông thường có màu tím hoặc đỏ tím. Nghiên có nhiều loại vân đẹp do sự đa dạng của các loại vật liệu có trong đá, góp phần tạo nên những thiết kế độc đáo và những mắt đá (bao thể) được Trung Quốc thời xưa xem là có giá trị. Vào thời Tống người ta khai thác thêm đá màu xanh lá cây. Đoan nghiễn được phân loại rất cẩn thận theo từng nguồn gốc mỏ mà từ đó người ta khai thác đá. Một số mỏ chỉ mở ra để khai thác trong một số khoảng thời gian riêng biệt trong lịch sử. Chẳng hạn, mỏ đá Ma Tổ Khanh vốn chỉ được khai thác trong thời vua Càn Long trị vì, sau này đến thời hiện đại mới được mở trở lại.

Hấp nghiễn (giản thể: 歙砚; phồn thể: 歙硯; bính âm: Shèyàn): có nguồn gốc từ huyện Hấp (tỉnh An Huy) và huyện Vụ Nguyên (tỉnh Giang Tây), được chế tác lần đầu dưới thời nhà Đường. Vào thời Đường, cả hai huyện này đều nằm dưới quyền của huyện Hấp, Huy châu. Hấp nghiễn thường mang sắc đen, trên đó có những vân màu vàng. Cũng như Đoan nghiễn, chúng được phân loại dựa theo nguồn gốc mỏ đá.

Đặc điểm của nghiên mực huyện Hấp là mịn nhẵn như ngọc, lúc mài trơn như dầu, không nghe tiếng, sử dụng bền. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Thao (Hà) nghiễn (giản thể: 洮(河)砚; phồn thể: 洮(河)硯; bính âm: Táo(hé) yàn): được làm từ đá lấy từ đáy sông Thao ở tỉnh Cam Túc. Nghiên làm từ đá này được dùng lần đầu tiên dưới thời nhà Tống và nhanh chóng được người xưa ưa chuộng. Trên nghiên có những vân khác lạ có dạng những ruy băng gợn sóng mang các sắc thái khác nhau. Đá sông Thao là loại đá kết tinh và trông tựa như ngọc bích, ngày càng trở nên hiếm và khó tìm. Người ta dễ bị nhầm giữa đá sông Thao với đá xanh để làm Đoan nghiễn, tuy nhiên có thể phân biệt chúng dựa vào đặc tính kết tinh của đá sông Thao.

Trừng Nê nghiễn (giản thể: 澄泥砚; phồn thể: 澄泥硯; bính âm: Chéngníyàn) là loại nghiên làm từ gốm. Nghiên này có nguồn gốc từ Lạc Dương, Hà Nam và có từ thời Đường.

Ấn Triện – Dấu ấn riêng của Họa Gia

Ấn chương 印章 (con dấu, con triện) là một nét văn hóa rất độc đáo của Trung Quốc. Khắc ấn là một nghệ thuật, nghiên cứu và giám định ấn là một môn học được dạy trong nhà trường. Ấn có thể bằng vàng, đá quý, ngà, xương. Ấn dùng trong công văn giấy tờ đã đành, nhưng ấn có thể kết hợp với thư (thư pháp) và họa (tranh thủy mặc), chúng bổ túc nhau mà tương hỗ tương thành. Một bức họa có thư pháp và một hoặc nhiều ấn chương trở thành một chỉnh thể gọi là “kim thạch thư họa cộng nhất thể” 金石書畫共一體 (ấn triện bằng đá hay vàng, thư pháp, hội họa hợp nhất thành một thể).

Trong sinh hoạt hàng ngày, người Trung Quốc phân biệt hai loại ấn chương là công và tư. Ngoài ra tư ấn còn có danh chương 名章 (khắc tên, biệt hiệu tác giả) và nhàn chương 閑章 (có nội dung đa dạng). Chúng có hình vuông, tròn, chữ nhật, bầu dục, đa giác.

Ấn chương là một yếu tố quan trọng của một bức thư pháp hay một bức họa. Đặt đúng vị trí, ấn chương tôn thêm giá trị của tác phẩm; ngược lại, sẽ làm hỏng nó. Nghiên cứu kỹ ấn chương, người ta có thể giám định một bức thư họa là chính bản hay ngụy tạo.

Mỗi thư họa gia có không ít ấn chương, như Tề Bạch Thạch cả chục biệt hiệu nên số ấn chương cũng nhiều chẳng kém. Chuyên gia về ấn có thể xác định ấn được khắc vào khoảng thời gian nào trong cuộc đời tác giả.

Ấn chương là một yếu tố quan trọng của một bức thư pháp hay một bức họa. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Trên đây là những điều hết sức cơ bản về ấn chương. Ta cần nhớ mấy điểm chính về các loại ấn chương như sau:

1/ Nhàn chương 閑章: cũng gọi dẫn thủ chương 引首章 (vì đóng ở đầu tác phẩm) hoặc tùy hình chương 隨形章 (vì tùy theo hình dạng có sẵn của cục đá mà khắc ấn). Nội dung nhàn chương phải phù hợp nội dung tác phẩm. Nói chung, khi đem tác phẩm mừng tặng ai, nhàn chương với nội dung “như ý cát tường” là an toàn và bảo đảm nhất. Trong số nhàn chương cũng phân ra mấy loại:

a- Niên hiệu chương 年號章: Ghi giáp tý 甲子, ất sửu 乙丑, bính dần 丙寅, nhất cửu cửu bát niên 一九九八年, v.v.

b- Nguyệt hiệu chương 月號章: Ghi tên tháng như hoà nguyệt 和月, cốc vũ 谷雨, thịnh hạ 盛夏, v.v.

c- Trai hiệu chương 齋號章: Ghi tên hiệu của thư trai 書齋 (phòng đọc sách) của ta như Mặc Nhân Cư 默人居, Thụy Đức Thảo Đường 瑞德草堂, Tích Tự Các 積字閣, v.v.

d- Nhã thú chương 雅趣章: Nội dung loại này rất đa dạng, ghi nỗi lòng, hoài bão, ý chí, danh ngôn, phương châm v.v. Thí dụ: Lạc nhi khang 樂而康 (vui vẻ mạnh khoẻ), khổ trung lạc 苦中樂 (sướng trong cảnh khổ), thiên địa tâm 天地心 (lòng trời đất), mặc thú 墨趣 hay mặc lạc 墨樂 (thú vui thư pháp), thần công 神功, cần phấn 勤奮 (siêng năng cố gắng), khổ công 苦功 (công phu khổ luyện), trị học 治學 (chuyên học), tửu trung tiên 酒中仙 (tiên trong rượu), thanh thú 清趣 (thú vui thanh nhã), sư cổ bất nệ 師古不泥 (noi theo xưa mà không câu nệ), thư đức 書德 (đức viết chữ), tinh cần 靜勤 (tinh chuyên và cần mẫn), phúc thọ 福壽 , mặc hương 墨香 (hương thơm của mực), quan viễn 觀遠 (nhìn xa), v.v.

2/ Yêu chương 腰章: Đối với một bức trung đường (trực phúc, tức là tấm hình chữ nhật đứng) mà quá dài, dù có đóng dẫn thủ chương rồi thì vẫn cảm thấy trống trải. Ở ngang thắt lưng tác phẩm ta đóng thêm một ấn. Ấn chương đóng ở ngang lưng bức thư pháp gọi là yêu chương (yêu 腰: eo thắt ngang lưng). Yêu chương phải nhỏ hơn nhàn chương và danh chương, có thể hình chữ nhật, vuông, hoặc tròn.

3/ Danh chương 名章: Ấn chương khắc tên hoặc tự hiệu của tác giả, đóng dưới hạ khoản. Có thể đóng hai ấn chương nội dung khác nhau, nhưng tốt nhất là một ấn bạch văn và một ấn chu văn. Các chữ này khi đã in trên giấy phải theo thứ tự ngược chiều kim đồng hồ thì mới đúng quy cách.

Thư Họa Trung Hoa qua hàng nghìn năm phát triển quả thật là thể hiện đỉnh cao của trí tuệ và đạo đức của cổ nhân, qua đó thấy được rõ ràng nhất của trình độ văn hóa và nhân văn của một xã hội. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Nghệ thuật chính là biểu hiện của tinh thần con người, cũng là phần nhận thấy được rõ ràng nhất của trình độ văn hóa và nhân văn của một xã hội. Thông qua nghệ thuật ta có thể thấy được đạo đức và nhân văn của xã hội đó như thế nào. Thư Họa Trung Hoa qua hàng nghìn năm phát triển quả thật là thể hiện đỉnh cao của trí tuệ và đạo đức của cổ nhân, nó không những có thể giúp ta nâng cao nhận thức thẩm mỹ mà còn có thể làm bình yên tâm hồn vốn luôn xao động của con người hiện đại. Qua rèn luyện nghệ thuật cá nhân có thể đạt được sự tĩnh tâm hiếm có để cảm thụ được nét đẹp của cuộc sống và vũ trụ quanh mình đồng thời giảm đi những dục vọng cá nhân vốn có thể chôn vùi cả tuổi thanh xuân một cách vô ích. Thay vì vùi đầu vào điện thoại thông minh hay máy tính cả ngày thì việc thưởng thức vài bức thư họa để thư giãn tâm hồn có lẽ sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ để cải thiện sức khỏe tâm hồn của bạn.

Tĩnh Thủy

Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/tinh-hoa-nghe-thuat-thu-hoa-trung-quoc-ve-cung-chinh-la-tu-luyen.html

Comment