su-trung-phat-khong-ngan-duoc-toi-ac-van-tiep-dien-vay-dau-la-luat-toi-cao
Sự trừng phạt không ngăn được tội ác vẫn tiếp diễn. Vậy đâu là luật tối cao?
- bởi tamthuc --
- 05/10/2017
Xã hội con người đã sử dụng hình phạt từ lâu đời như một cách để bảo đảm trật tự và công bằng. Chúng ta đã bị mê hoặc rằng đó là điều cần thiết, một phần tất yếu trong thế giới chúng ta để có được những thay đổi tích cực trong hành vi con người.
Thay đổi sẽ chẳng bao giờ xảy ra
Chúng ta thích lối suy nghĩ là đặt ra luật lệ, rằng nó gửi đi thông điệp đúng đắn, rằng nó có hiệu quả. Chúng ta là một xã hội yêu thích những hình phạt, rốt cuộc đó là cách duy trì trật tự trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta dùng nó để kiểm soát những tai họa, để thay đổi những hành vi sai trái của ai đó chống lại đám đông. Chúng ta có thể sử dụng một hình phạt trong một thời gian dài mà chẳng bao giờ để ý tới nó có còn phù hợp nữa không.
Sự trừng phạt chỉ là con sói đội lốt cừu, giống như vô vàn những thứ mà chúng ta yêu thích. Nó chỉ là những giải pháp ngắn ngủi mà ngỡ tưởng là sẽ giải quyết được chiều sâu của vấn đề nhưng thực chất thì chỉ xử lí bề mặt. Người ta tin rằng nó sẽ là một loại kỉ luật mang lại kết quả tốt đẹp, nhưng lại luôn thiếu những điều nên làm thật sự. Trong khi đó, chúng ta lại không chịu học hỏi thêm điều gì, bộc lộ ra sự bối rối khi xử lí vấn đề bằng cách lặp lại những chiến lược cũ như: cô lập, tra tấn hay sỉ nhục.
Sự trừng phạt không giải quyết được tận gốc vấn đề
Sự trừng phạt hiểu đơn giản là để tránh bị phạt thêm. Mọi người sẽ áp dụng nó vào mỗi hành vi của mình để tránh làm tổn thương người khác và phải hổ thẹn vì những việc mình gây ra… cho tới khi không còn ai canh phòng ai và họ có thể tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Người ta có thể sử dụng hình thức phạt hành chính nhiều lần để nhắc nhở và cho tới khi hành vi đó không bao giờ tái phạm.
Xử phạt là một biện pháp mang lại hiệu quả nhất định trong việc giảm thiểu các hành vi phạm tội. Nhưng chúng ta cũng thắc mắc là tại sao lại có những người tái phạm và bị bắt giam trở lại?
Có thể theo quan điểm của họ, những hành vi phạm tội đó là để trừng phạt kẻ đã gây tổn thương cho họ, đòi lại công bằng hay vì mưu cầu cải thiện cuộc sống khốn khó của mình, thỏa mãn dục vọng của bản thân. Chẳng phải chúng ta ai cũng có những nhu cầu đó, chúng ta cũng dùng chính những lý lẽ tương tự để áp đặt sự trừng phạt lên họ đó thôi. Con người vốn đầy những ham muốn, khi nó quá nhiều thì tạo thành mâu thuẫn. Xử phạt chỉ đơn thuần chuyển hướng các mâu thuẫn và đồng thời nó tạo ra kẽ hỏ để tội phạm lách luật. Đây chỉ là một biện pháp kiểm soát để hạn chế thiệt hại nhất mà không giải quyết được bản chất của vấn đề.
Sự trừng phạt chỉ có thể cưỡng chế hành vi con người, pháp luật cũng chỉ áp dụng được chế tài đối với những hành vi trông thấy được của con người, nhưng không thể nào ràng buộc nội tâm không thấy được của họ. Sự trừng phạt có thể cải biến một người đang nung nấu ý định giết người để trả thù thành một người bao dung, không cừu hận được không? Có thể khiến một doanh nhân đang định lách luật vì tiền thành một người biết thế nào là đủ, rũ bỏ ham muốn vô độ được không? Nó chỉ hạn chế bớt khả năng xảy ra những hành vi để hiện thực hóa nhân tâm của họ mà thôi.
Có nhiều loại hình luật pháp trong thế giới con người. Cũng có nhiều quy định trong mỗi gia đình và trong mỗi sở làm. Có những luật lệ địa phương cho mỗi bang mỗi tỉnh, pháp luật cho mỗi quốc gia, và pháp luật quốc tế. Những luật cao hơn ở trên những luật thấp hơn. Con người thiết lập tất cả luật trên. Tuy nhiên, vẫn có những luật cao hơn điều hành các hiện tượng tự nhiên mà không được thiết lập bởi con người. Những luật này không dễ dàng thấy được, nhưng con người có thể khám phá ra một vài điều nhờ quan sát và kinh nghiệm, ví dụ như 3 Định luật của Newton. Và tất nhiên có nhiều quy luật tự nhiên mà không được nhân loại biết đến. Luật của tự nhiên càng cao, chúng càng gần chân lý và càng khó khám phá ra được.
Những đảng viên của Đức Quốc xã đã tuân theo mệnh lệnh và phục vụ xuất sắc cho Đức Quốc Xã III và Hitler khi họ giết hại hàng triệu người Do Thái trong Thế chiến II. Nhưng bởi vì điều này, họ đã vi phạm những luật cao hơn. Cuộc chiến đã kết thúc từ lâu, nhưng những truy cứu về tội phạm chiến tranh của những Đảng viên Đức Quốc Xã vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Cho dù họ cố gắng lẩn trốn ở đâu, những người Do Thái vẫn sẽ tìm ra từng người một và mang họ ra tòa bởi vì họ đã vi phạm cơ bản đạo đức của nhân loại.
Đâu là luật tối cao?
Tiêu chuẩn đạo đức chính là một luật của tự nhiên. Nếu không có thước đo rằng cái gì là đúng là sai, thế nào là tốt là xấu thì con xã hội con người sẽ không thể kiểm soát nổi. Khả năng tự kỷ luật hay ước thúc bản thân theo một tiêu chuẩn đạo đức nhất định trái ngược hoàn toàn với những hình phạt. Quan trọng nhất là nó nhấn mạnh vào việc sửa chữa và cải biến hành vi. Bạn chỉ đơn giản là mong muốn thay đổi chính mình. Nó không phải phương pháp kiểm soát thiệt hại, không giống như hình phạt.
Tự kỷ luật hay ước thúc bản thân là một sự cân bằng tuyệt vời, được ví như kim cương trong bụi bẩn. Bất luận là bạn như thế nào, nó vẫn chấp nhận sự không hoàn thiện của bạn. Nó có lòng khoan dung với sai lầm của bạn trong khi hình phạt thì không có. Kỷ luật không phải là đi tìm kiếm sự hoàn hảo, mà là đặt ra sự kiểm soát với chính bản thân, yêu cầu bản thân vượt qua chính mình.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người tràn đầy ham muốn dục vọng, phải làm thế nào để có thể giữ vững được bản thân, tu thân thủ đức, làm một người có phẩm chất, làm sao để luôn an bình trong tâm, bình tĩnh suy xét lại bản thân và tự ước thúc (kiềm chế) tu thân? Đó là điều mà mỗi người cần suy nghĩ và thực hành được.
Khi xã hội có các quy phạm đạo đức và ai ai cũng đều thực hành, thì xã hội đó sẽ không còn cần tới các chế tài xử phạt nữa. Mọi người tự ràng buộc, hạn chế bản thân bởi trong tâm họ biết thế nào là đúng sai, thế nào là đủ. Những giá trị Chân – Thiện – Nhẫn hiện đang là tiêu chuẩn đạo đức phổ quát nhất có thể hướng con người tới làm người tốt, câu thúc từ suy nghĩ cho đến hành vi của con người.
Chân sẽ hướng con người tới sự chân thật, không gian dối, giả tạo, xu nịnh, hời hợt bề ngoài, thẳng thắn đối diện với lỗi lầm…
Thiện sẽ hướng con người tới sự bao dung, từ bi, luôn biết đặt mình vào vị trí người khác, không gây ra cho người khác những tổn thương mà chính bản thân không muốn hứng chịu, lấy việc giúp người làm vui, không tham lam mà vô ý chiếm đoạt lợi ích của người khác…
Nhẫn sẽ hướng con người tới sự tĩnh tại trong tâm, không ngông cuồng dựa vào thế lực, không bị cám dỗ bởi sự tình bên ngoài, không quan tâm tới điều hơn lẽ thiệt, không thù hận mà tổn hại thân tâm, ở trong động mà giữ được tâm thái cân bằng, từ đó thoát khỏi những mê hoặc ham muốn…
Nếu ai cũng thực hành Chân – Thiện – Nhẫn thì những người nông dân sẽ không phun thuốc tăng trưởng độc hại cho cây, người bán hàng sẽ không cân thiếu, tráo hàng, người thày sẽ tận tâm, người học sinh sẽ cung kính, người làm quan sẽ thật sự vì dân mà phục vụ… ai ai cũng làm tròn vai trò và trách nhiệm của mình, xã hội sẽ tự đi vào trật tự và yên ổn.
Chúng ta hãy nhanh chóng thoát khỏi ảo tưởng rằng bỏ tù một loạt các giám đốc ngân hàng thì sẽ chấm dứt được tình trạng gian lận và tham nhũng trong ngân hàng. Tôi cũng mong rằng chúng ta nên thay đổi những suy nghĩ lối mòn đã hình thành từ lâu, rằng phá bỏ các mạng lưới buôn bán ma túy sẽ chấm dứt được cuộc chiến tranh ma túy, hay chống lại tội phạm khủng bố đang từng giờ chèn ép tới từng hơi thở của nhân loại ngày nay thì sẽ loại bỏ được chủ nghĩa khủng bố, hay cả những suy nghĩ cho rằng nhà tù và xử phạt là cách để giảm thiểu tội phạm và giải quyết vấn đề trị an xã hội. Nó chỉ là cách suy nghĩ và giải quyết bề mặt mà trên thực tế thì mọi gốc rễ của vấn đề lại từ chính con người gây ra.
Không phải chúng ta ngây thơ khi cho rằng bên ngoài xã hội kia không có những kẻ xấu xa. Nhưng tính cách của một con người quyết định lên những gì mà họ làm, đánh vào tính cách của họ là đánh vào động cơ của chính họ, hay lớn hơn là hành động của họ. Vậy tính cách con người là gì? nó là một sợi dây mỏng manh nhưng mạnh mẽ. Nếu bạn không cẩn thận, nó sẽ bị thù hận và ác tâm khống chế, còn nếu bạn có đạo đức để ước thúc thì dù với tính cách như thế nào, tất cả chúng ta sẽ đều hướng tới một điểm chung.
Con người thích ẩn nấp dưới những câu chuyện hoang đường rằng không ai có thể kiểm soát họ, và không ai biết họ là ai và họ trở thành ai. Đó là một sự tự hủy hoại đầy dối trá rằng họ có thể nắm giữ và làm chủ toàn bộ cuộc sống. Bởi không có niềm tin níu giữ và nhắc nhở họ rằng cuộc sống có quy luật vận hành tối cao, nếu chúng ta làm trái với những tiêu chuẩn đạo đức phổ quát nhất, chúng ta đã làm điều xấu và điều xấu sẽ có lúc quay trở lại với chúng ta, nó có quy luật vận hành riêng được con người nhận thức là Luật Nhân Quả. Sự ảo tưởng về việc không ai biết được trong tâm ta nghĩ gì khiến con người sẵn sàng làm điều xấu, nghĩ điều xấu, nhưng có vẻ không phải như vậy. Kinh nghiệm cuộc sống của nhân loại đã dần hé lộ, có những luật vô hình nhưng tác động được đến chúng ta.
Tịnh Tâm – Thu Hiền
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/su-trung-phat-khong-ngan-duoc-toi-ac-van-tiep-dien-vay-dau-la-luat-toi-cao.html
Comment