No icon

nguoi-viet-khong-xau-xi-su-ra-di-cua-mot-hieu-truong-va-tieng-dong-vong-ve-dao-lam-thay

Người Việt không xấu xí: Sự ra đi của một hiệu trưởng và tiếng đồng vọng về đạo làm Thầy

Loạt bài Người Việt không xấu xí của chuyên mục Văn hóa – Đại Kỷ Nguyên hy vọng sẽ mang tới làn gió mát lành giữa những trăn trở về hình ảnh ngày nay của người Việt Nam. Chúng tôi muốn cung cấp cho độc giả những góc nhìn khác, những tấm gương người Việt tuyệt đẹp trong nhân cách và lối sống, những nét đẹp đã từng tồn tại và trở thành bản sắc văn hóa một thời của cha ông. Để từ đó chúng ta cùng nhau học hỏi và thực hành, lan tỏa những nét văn hóa tốt đẹp.

Giữa những nỗi tủi hổ của dân tộc và sự chỉ trích lẫn nhau, một gợn nước nhỏ bé hy vọng sẽ trở thành cơn sóng lớn cuốn trôi những gì được đặt tên là xấu xí trong tác phong, lối sống của người Việt hiện đại. Thay vì cứ nói mãi về những điều chưa được, chúng ta hãy cùng thực hành với sự rộng lượng và đốc thúc lẫn nhau. Bởi cái xấu chỉ có thể bị đẩy lùi bởi cái Thiện.

***

“Muốn khôn thì phải có Thầy

Không Thầy dạy bảo, đố mày làm nên”

Chúng ta vẫn thường nói với nhau, người Việt hiếu học và “Tôn Sư trọng Đạo”, nhưng trước những biến đổi phức tạp của đời sống xã hội hiện đại ngày nay, có vẻ như truyền thống đó đang ngày càng đổi khác. Những tưởng đạo Thầy trò sẽ thay hình đổi dạng, sẽ mất đi cái thiêng liêng thuở nào, nhưng những gì tốt đẹp sẽ không bao giờ mất đi, xã hội sẽ vẫn vinh danh đạo nghĩa và tiếp tục lên án những suy đồi, lệch lạc.

Trong những ngày mưa của mùa thu tháng 10 này, nhiều thế hệ học trò đang sững sờ và thương tiếc trước sự ra đi của người Thầy vĩ đại, Nhà giáo – Phó Giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng trường PTTH Dân lập Lương Thế Vinh. Sự ra đi của ông đồ dạy toán nhưng yêu văn thơ đã để lại sự tiếc thương vô hạn và truyền cảm hứng cho nhiều lứa học sinh về việc sống sao cho tới lúc ra đi, những gì để lại sẽ là di sản vững trãi về những giá trị đạo đức và tâm huyết với xã hội.

Nhà giáo – Phó Giáo sư Văn Như Cương (Ảnh dẫn theo Kenh14)

“Người dạy học thì nhiều, nhưng hiếm có giáo viên được nhiều thế hệ học sinh biết và tin yêu, kính trọng như Thầy. Người học Thầy kính trọng, yêu quý Thầy. Người không học Thầy cũng kính trọng, yêu quý Thầy. Thầy mất đi, nhưng tiếng trống trường Lương Thế Vinh còn vang mãi…”, anh Nguyễn Hải chia sẻ.

Cô giáo dạy văn Trần Minh Như Trang, bồi hồi viết: “Người lái đò hôm nay rời bến sông. Con sông giáo dục ấy nhiều năm nay gặp không ít khó khăn. Người lái đò già cũng đã vất vả, bỏ nhiều công sức và tâm huyết. Hôm nay người đi, cả bến sông sao hiu quạnh quá”.

Nghề giáo thời nay khá nhiều trông gai và thiệt thòi, khi chúc mừng các học trò thi đỗ đạt, Thầy Văn Như Cương đã từng có mấy lời đáng suy ngẫm:

“Các em vào đại học, Thầy vui

Duy chút băn khoăn, thoáng ngậm ngùi

Ít em mong muốn vào sư phạm

Ai sẽ thay Thầy lúc mấy mươi?”

Có thể các bạn trẻ đang chưa thấy mặn mà lắm với nghề nhà giáo, nhưng những người Thầy như Thầy Văn Như Cương là minh chứng sống cho câu nói: “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Với quan điểm giáo dục “Trước hết phải làm người tử tế” của Thầy Văn Như Cương hay “Lấy nhân đức là cốt lõi, nhân trị hơn pháp trị. Bao dung, che chở, đùm bọc học sinh để từ đó các em có nhận thức, cố gắng hơn trong rèn luyện và học tập” của hiệu trưởng trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình – Thầy Nguyễn Trọng Khánh, họ đã khẳng định được hình ảnh người Thầy vẫn luôn được cả xã hội kính trọng nếu đạo làm Thầy còn được duy trì.

Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Khánh, trường THPT Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) trong buổi chia tay đầy cảm xúc với các em học sinh.

Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã viết: “Người ta hay nói: ‘đạo thánh là đạo rộng’, nghĩa là ai cũng được học đạo của thánh hiền, Thầy nào cũng muốn có nhiều học trò. ‘Thánh’ không phải ông thần ‘thiêng’ mà là người sáng suốt, biết phân biệt phải trái, biết làm ‘phúc’ cho dân. ‘Hiền’ là người tuân theo đạo lý, giữ mình trong sạch, vì việc ‘nghĩa’ có thể hy sinh, vì việc ‘nhân’ có thể bỏ mình, thương người, giúp đời.

‘Đạo’ là đường rộng. Thầy bao giờ cũng hết lòng. Từ trường học đưa ra đời những người trọng ‘lễ, nghĩa’, biết sửa mình, biết rằng ‘cái mà mình không muốn thì đừng đem ra mà làm cho người’; Khi lầm lỗi biết xấu hổ.

Xã hội có người bảo vệ nhưng Thầy và đạo là ‘sợi chỉ buộc chân voi’, tránh những cái sai sót lớn.”

Người làm Thầy xưa không chỉ dạy học trò kiến thức mà trước hết là dạy làm người, truyền rộng “đạo thánh hiền” cho dân chúng. Sao cho người học xong sẽ biết phân biệt phải trái, đúng sai, biết làm điều thiện lành cho người khác và cho cộng đồng. Người Thầy truyền dạy đạo lý giúp duy trì những giá trị đạo đức ước thúc hành vi con người.

Sợi chỉ sao buộc được chân voi, nhưng giáo dục như sợi chỉ ấy, mong manh, vô hình mà có sức mạnh có thể cầm hãm, ngăn ngừa được những dục vọng hay là những lực lượng vô ý thức của quần chúng. Vì được giáo dục, con voi kính cẩn sợ hãi, không dám vượt khỏi tầm kiểm soát của sợi chỉ, sợi chỉ vì thế vẫn thiêng liêng, vẫn đủ sức cầm giữ con voi không đâm quàng đạp bậy.

Ý thức của mỗi cá nhân, nền nếp của từng gia đình, cho tới trật tự của cả một xã hội, cũng chỉ nhờ sợi chỉ vô hình do đạo đức đời đời lưu truyền, để ngăn sự xuẩn động vô ý của con người mà thôi. Sợi chỉ mong manh nhưng cũng là sợi chỉ thiêng liêng, nhờ đó mà loài người mới thành xã hội có kỷ cương. Nếu sợi chỉ ấy mà đứt, thì chắc chắn sẽ nguy hiểm đến văn minh của nhân loại. Thế nên người Thầy cũng có vai trò thiêng liêng như thế, bởi Thầy duy trì và truyền rộng cái đạo làm người đúng đắn.

Thời xưa khi bắt đầu đi học, cha mẹ sẽ làm cái lễ “khai tâm” cho con mình, lễ thánh sư và lạy thầy. Bởi làm thầy không phải là một nghề nghiệp, đó là con đường truyền đạo và ươm mầm những con người tử tế, có ích cho xã hội. Nhà giáo Văn Như Cương cũng đã dặn dò học trò của mình rằng:

Các em có thể trở thành người nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ, lãnh đạo xuất sắc, chính khách uyên bác…, nhưng trước hết phải là người tử tế.

Ông cũng thể hiện quan điểm rất rõ ràng rằng: “Đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc tự ti, sợ hãi không phải mục tiêu của giáo dục”.

Thời xưa đi học, “Quyển sách học thứ nhất là “kinh ba chữ” (Tam tự Kinh), đã dạy rằng: ‘Bé không học, già làm gì?’, ‘Người không học, không biết lẽ’. Học đến bài ‘minh trăm chữ’, mở đầu bằng: ‘Tay cầm bát cơm thì nhớ đến cái khó nhọc của người làm ruộng, mặc tấm áo là không quên công vất vả của bà thợ dệt’. Học đến sách Minh tâm thì nhớ câu: ‘Cái mà mình không muốn, thì đừng làm cho người khác’. Trẻ ít được đi học, cũng ngâm nga quyển Gia Huấn của Nguyễn Trãi. Ông Trãi, vị tướng văn xử lý việc nước việc đời, mà không quên viết tập Gia Huấn bằng tiếng Nôm ta: ‘Thương người như thể thương thân’.

Ở trường thì thầy đồ dạy lễ trước, dạy văn sau. Lễ là tổ chức, là sắp xếp, là phép làm người, làm dân. Cho đến khi vào trường đại tập rồi, mà các vị ‘tôn sư’ vẫn đặt văn chương sau đạo đức.” – (trích: Hà Nội thanh lịch)

Đạo làm Thầy là ở đó, dạy con người ta cái hay, cái đúng, dùng sự nghiêm khắc mà bao dung để nắn chỉnh những mầm non. Bản thân người Thầy cũng là tấm gương về nhân cách và lối sống để học trò nhìn vào. Khi Thầy Văn Như Cương ra đi, không ít những dòng tâm sự như thế này đã được viết lên: “Có một người đàn ông, là Thầy giáo để lại sự kính trọng cho bao thế hệ học trò; là cha khiến con cái tôn trọng, noi theo; là chồng khiến người vợ yêu thương, mong nhớ…”

“Năm lớp 10 vào trường, với bố mẹ, tôi là đứa trái tình nết, chỉ có chút thông minh mà coi trời bằng vung, nghịch ngợm không ai bằng. Thế mà hết nửa học kỳ ở Lương Thế Vinh, tôi thay đổi hẳn. Thầy nghiêm khắc, đã phạt ai thì thẳng tay, nhưng đã dạy dỗ trò nào thì cũng hết lòng. Tôi không phải sợ thầy, mà nể và tôn kính.

Để sau này, mỗi khi có dịp về trường, tôi vẫn mải miết đi tìm dáng ông thầy già mặc chiếc áo sơ mi trắng, đeo đai quần chỉnh tề, với mái tóc bạc trắng và câu nói quen thuộc: ‘Thế nào hả Dũng, đã chịu lớn chưa hay vẫn luẩn quẩn làm đứa trẻ nghịch ngợm, thế thì không trưởng thành được đâu'”, học sinh Nguyễn Thế Dũng, khóa 07-10, nhớ lại.

Người Thầy có thể cảm hóa học trò, có thể để lại bao tiếc thương trong lòng các thế hệ từng theo học, có thể khiến những người làm nghề kính trọng và nể vì bởi sự tâm huyết, thẳng thắn, đó là vì người Thầy đã trọn đạo làm Thầy, đã hiểu đúng và làm tròn trách nhiệm, xứ mệnh của mình. Thầy giáo không phải chỉ là một nghề nghiệp kiếm miếng cơm manh áo. Thế nên chừng nào người Thầy còn giữ đạo làm Thầy, thì trò sẽ giữ đạo làm trò và vị trí của người Thầy sẽ luôn được tôn vinh và nể trọng.

Nhiều học sinh đã rơi nước mắt khi nghe bài “Bụi Phấn” trong buổi chia tay Thầy Nguyễn Trọng Khánh về nghỉ hưu.

Nhà báo đồng thời cũng là nhà giáo Diệp Văn Cương từng viết: “Đạo làm Thầy: lúc con người còn ấu thơ, thì muốn chi cũng nhờ có cha mẹ. Đến khi tuổi vừa khôn lớn thì theo Thầy nấu sử xôi kinh, từ đó cho đến thành nhơn (nhân – người), hoặc nên hoặc hư, bao nhiêu trách nhiệm cũng về phần Thầy. Nên sách Thông Thơ nói rằng:

Thầy là để dứt điều độc ác của con người, sửa điều tà vạy của con người”

Những người làm Thầy, xin hãy nhớ và truyền giữ đạo làm Thầy, không phải là phải thực hành lối sống thanh đạm, bần hàn như những ông đồ thời xưa, mà ở thời đại nào thì xã hội vẫn luôn đòi hỏi phải có những người Thầy thực hành đạo đức và tâm huyết, có trách nhiệm với việc định hướng cả một thế hệ. Để những lớp người trưởng thành với sự tử tế trong nhân cách đó sẽ không bao giờ quên công ơn những người Thầy của mình.

Nhà giáo Văn Như Cương giữa bày học trò luôn kính trọng và thương yêu vị hiệu trưởng đặc biệt. (Ảnh dẫn theo: News.zing)

Trời thu man mác tháng mười
Ngang qua trường cũ nhớ người thầy xưa
Bỗng sao trời lại đổ mưa?
Hay là giọt nước tiễn đưa người thầy?
Trường im, im cả cành cây
Lặng lòng một phút tiễn thầy đi xa
Bao nhiêu cây trái nở hoa
Cũng từng ghi dấu tay già thầy chăm
Mai sau dẫu cả trăm năm
Gương thầy còn sáng như trăng rằm mùa thu!

(Bài thơ do người dùng Internet với tên Dân thường chia sẻ trên News.zing sau sự ra đi của cố nhà giáo Văn Như Cương)

Thu Hiền

Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-viet-khong-xau-xi-su-ra-di-cua-mot-hieu-truong-va-tieng-dong-vong-ve-dao-lam-thay.html

Comment