No icon

-do-hinh-than-bi-cua-a-dong-luu-truyen-ngan-nam-den-nay-nhan-loai-van-chua-hieu-thau

4 đồ hình thần bí của Á Đông lưu truyền ngàn năm đến nay nhân loại vẫn chưa hiểu thấu

Người Á Đông từ thời thượng cổ đã lưu truyền 4 bức đồ hình thần bí, chứa đựng bí ẩn của vũ trụ. Hàng ngàn năm nay, nhân loại nghiên cứu chúng chuyên chú không mệt mỏi, nhưng đến nay vẫn chưa thể hiểu thấu.

1. Thái cực

Trong “Chu Dịch” có viết: “Dịch có Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái”.

Dịch là nhật nguyệt, dịch là Âm Dương, thái cực đồ là phù hiệu đại diện cho nhật nguyệt, Âm Dương của dịch. Âm dương là do nhật nguyệt đại diện.

Thái cực đồ có hai “con cá Âm Dương” đen trắng. Cá trắng biểu thị là Dương, cá đen biểu thị là Âm. Trong cá trắng có một con mắt đen, trong cá đen có một con mắt trắng, biểu thị trong Dương có Âm, trong Âm có Dương. “Cá Âm Dương” đen trắng cũng biểu thị sự vật có tính độc lập tương đối, Âm Dương có mặt độc lập tương hỗ, không được lẫn lộn.

Đường cong chữ S trong đồ hình phân chia rõ ràng thái cực đồ thành 2 phần liên quan, biểu thị vạn vật trong thế gian đều liên quan ước chế lẫn nhau, do đó có Âm Dương, có chuỗi thực phẩm (sinh vật này là thực phẩm của sinh vật kia), có tương sinh tương khắc.

“Thái cực” trong Kinh Dịch tương thông với chữ “Đạo”, chính vì vạn vật do Đạo sinh ra, do đó vạn vật biến hóa đều do Thái cực, biến hóa thành Lưỡng nghi, Tứ tượng, Bát quái (Ảnh: NTDTV).

“Thái cực” trong Kinh Dịch tương thông với chữ “Đạo”, chính vì vạn vật do Đạo sinh ra, do đó vạn vật biến hóa đều do Thái cực, biến hóa thành Lưỡng nghi, Tứ tượng, Bát quái.

“Hệ từ truyện” viết: “Một Âm một Dương gọi là Đạo”, “Đạo của Trời gọi là Âm và Dương”, đồng thời dẫn lời Khổng Tử: “Hình nhi thượng gọi là Đạo, hình nhi hạ gọi là khí”, do đó Nho gia công nhận: “Đạo là cái lý biến hóa Âm Dương”. Đạo tức là phép tắc của vũ trụ vận hành, tự nhiên biến hóa.

Đồ hình Thái cực thể hiện cái đẹp hình thức và cái đẹp hài hòa của sự chuyển hóa tương hỗ, thống nhất của các mặt đối lập. Sau này nó lại phát triển thành kết cấu của cái đẹp của tạo hình Á Đông. Như “Hỷ tương phùng”, “Loan phượng tương minh”, “Long phượng trình tường” v.v…, đều có hình thức một trên một dưới, một chính một phản tổ hợp thành các hình tượng cát tường sinh động tốt đẹp, được mọi người rất ưa thích.

2. Bát quái

Bát quái chia thành tiên thiên Bát quái và hậu thiên Bát quái. Tiên thiên Bát quái đồ cũng được gọi là Phục Hy Bát quái đồ. Căn cứ của tiên thiên Bát quái được nói trong “Kinh dịch”: “Thiên Địa định vị, sơn trạch thông khí, lôi phong tương bạc, thủy hỏa bất tương xạ, Bát quái tương thác”

Ý nghĩa là Trời và Đất định vị trí ở trên và dưới, núi và đầm khí quán thông nhau, sấm sét và gió kích hoạt lẫn nhau, nước và lửa ngược nhau, Bát quái hình thành hiện tượng đan xen giữa các vật với nhau.

Phục Hy Bát quái đồ (Ảnh: NTDTV)

Trên đồ hình, trên là Càn, dưới là Khôn, đại diện cho Trời và Đất; Trái là Ly, phải là Khảm, đại diện cho lửa và nước, ý là chỉ mặt trời và mặt trăng. Chúng ta không lạ gì với 4 quẻ này, như quốc kỳ Hàn Quốc là như thế. Tiếp theo, bên trái góc trên là Đoài, bên phải góc trên là Tốn, đại diện cho đầm và gió. Tiếp theo, bên trái góc dưới là Chấn, bên phải góc dưới là Cấn, đại diện cho sấm và núi.

Từ triều Tống về sau này, Bát quái có 2 loại có thứ tự là “Càn – Đoài – Ly – Chấn – Tốn – Khảm – Cấn – Khôn” và “Càn – Khảm – Cấn – Chấn – Tốn – Ly – Khôn – Đoài”. Cái trước gọi là “Thứ tự Bát quái Phục Hy”, cái sau gọi là “Thứ tự Bát quái Văn Vương”.

Hậu thiên Bát quái đồ còn gọi là Văn Vương Bát quái đồ. Căn cứ hậu thiên Bát quái đồ cũng là “Kinh Dịch”: “Đế xuất hồ chấn, tề hồ tốn, tương hồ ly, trí dịch hồ khôn, thuyết ngôn hồ đoài, chiến hồ càn, lao hồ khảm, thành ngôn hồ cấn”.

Văn Vương Bát quái đồ (Ảnh: NTDTV)

Ý nghĩa là Thiên đế (có thể chỉ sao Bắc cực) xuất phát từ vị trí quẻ Chấn, đến vị trí quẻ Tốn khiến cho vạn vật sinh trưởng chỉnh tề, đến vị trí quẻ Ly khiến vạn vật nhìn lẫn nhau, đến vị trí quẻ Khôn khiến vạn vật được trợ giúp, đến vị trí quẻ Đoài khiến vạn vật vui vẻ hoan hỷ, đến vị trí quẻ Càn khiến vạn vật giao chiến lẫn nhau, đến vị trí quẻ Khảm khiến vạn vật lao khổ mệt mỏi, đến vị trí quẻ cấn khiến vạn vật thành công hạ màn.

Phương vị của hậu thiên Bát quái có quan hệ đối ứng với phương vị đông nam tây bắc: Chấn, Ly, Đoài, Khảm lần lượt đại diện cho chính đông, chính nam, chính tây, chính bắc, 4 quẻ còn lại lần lượt là 4 góc đông nam, tây nam, tây bắc, đông bắc.

Trong đồ hình, vị trí quẻ càn (Trời) ở tây bắc, mà khôn (Đất) có vị trí tây nam. Cấn là núi, gần với Trời, ở đông bắc, tốn là đồng đều bằng phẳng, gần với Đất, ở đông nam. Tiếp đến, 4 quẻ còn lại lần lượt là: Chấn ở đông, Đoài ở tây, Ly ở nam, Khảm ở bắc.

Có người cho rằng tiên thiên Bát quái phản ánh cảnh tượng trước khi thế giới sinh ra, mà hậu thiên Bát quái thì ngược lại. Cũng có người cho rằng tiên thiên Bát quái và hậu thiên Bát quái lần lượt đại diện cho khái niệm không gian thẳng đứng lập thể và thời gian (tương tự như chiều không gian của Tây học). Như Trương Triều đời Thanh viết trong “U mộng ảnh” rằng: “Tiên thiên Bát quái thì xem chiều đứng, hậu thiên Bát quái thì xem chiều ngang”

3. Hà Đồ

Trong “Dịch – Hệ từ thượng” viết: “Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi” (Sông Hoàng Hà xuất hiện Hà Đồ, sông Lạc thủy xuất hiện Lạc thư, Thánh nhân phỏng theo chúng”

Long mã cõng “Hà Đồ” (Ảnh: NTDTV)

Hà đồ và Lạc thư theo truyền thuyết cổ đại Á Đông là điềm lành mà Thượng Thiên trao cho. Tương truyền bậc Thánh vương nếu có nền chính trị nhân đức, Thượng Thiên sẽ trao cho Hà đồ Lạc thư, tượng trưng Thiên tử quy về Thiên mệnh, có quyền uy hợp phép quản lý thiên hạ.

Thiên hạ thời vua Phục Hy, Long mã xuất hiện ở sông Hoàng Hà, vua bèn phỏng theo hoa văn của nó vẽ Bát quái, gọi là Hà đồ”. Tương truyền thời vua Phục Hy thời thượng cổ, sông Hoàng Hà ở địa giới huyện Mạnh Tân phía đông bắc Lạc Dương nổi lên một con long mã, có 2 cánh, cao 8 thước 5 tấc, trên thân có vẩy rồng, đạp sóng nước như đi trên đất liền, lưng cõng “Hà đồ”, dâng cho Phục Hy. Phục Hy dựa vào đó diễn dịch thành Bát quái, sau này là nguồn gốc của “Chu Dịch”.

Hà đồ là kết cấu dùng các chấm để biểu thị tổ hợp thành, từ 1 chấm đến 10 chấm, hình thành một tổ hợp đồ hình: 5 vào 10 cấu thành trung cung, số lẻ là dương, màu trắng, đại diện cho Thiên số (sinh số). Số chẵn là Âm, màu đen, đại diện Địa số (thành số).

Hà đồ lấy 10 số hợp thành 5 phương, ngũ hành, Âm Dương, tượng Thiên Địa. Hình thức đồ hình lấy vòng trắng làm Dương, là Trời, là số lẻ; chấm đen là Âm, là Đất, là số chẵn. Đồng thời lấy Trời Đất hợp 5 phương, lấy Âm Dương hợp ngũ hành.

Phương bắc: Một chấm trắng ở trong, 6 chấm đen ở ngoài, biểu thị sao Huyền Vũ, ngũ hành là thủy (nước).

Phương đông: 3 chấm trắng ở trong, 8 chấm đen ở ngoài, biểu thị sao Thanh Long, ngũ hành là mộc (cây, gỗ).

Phương nam: 2 chấm đen ở trong, 7 chấm trắng ở ngoài, biểu thị sao Chu Tước, ngũ hành là hỏa (lửa).

Phương tây: 4 chấm đen ở trong, 9 chấm trắng ở ngoài, biểu thị sao Bạch Hổ, ngũ hành là kim (kim loại, vàng).

Ở giữa (trung ương): 5 chấm trắng ở trong, 10 chấm đen ở ngoài, ngũ hành là thổ (đất).

Trong bố cục chữ thập của Hà đồ, số theo phương ngang (8, 3, 10, 4, 9), tổng là 34, số theo phương dọc (7, 2, 5, 1, 6) tổng là 21, vừa đúng chia 55 thành 2 phần 21 và 34. Mà 21 và 34 là hai số kề nhau trong dãy Fibonacci (dãy Fibonacci ví dụ như: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144…, hai số cạnh nhau có tỷ số sát với tỷ lệ vàng), hoàn toàn giống với tỷ lệ vàng.

4. Lạc thư

“Sông Lạc xuất hiện Lạc thư, rùa Thần cõng văn tự xuất hiện, bày trên lưng, có số đến 9, vua Vũ lấy đó tính thứ tự, thành 9 loại, là thứ tự của Đạo”. Tương truyền thời vua Đại Vũ, sông Lạc huyện Lạc Ninh phía tây Lạc Dương nổi lên một con rùa Thần, rùa dài 9 thước, lưng cõng “Lạc thư”, dâng cho Đại Vũ. Đại Vũ dựa vào đó trị thủy thành công, liền chia thiên hạ làm 9 châu, lại dựa theo đó định đại pháp 9 chương, quản lý thiên hạ, được lưu truyền và thu lục trong sách “Thượng thư”, tên là “Hồng phạm”

Rùa Thần cõng “Lạc thư”. Đại Vũ đắc được (Ảnh: NTDTV)

Phương Khổng Chiếu đời Minh viết trong “Chu Dịch thời luận” rằng: “Nguồn sông Hoàng Hà xa, nên thể hiện là đồ hình, nguồn sông Lạc gần, nên sử dụng thư (sách), long (rồng) ngụ ở mã (ngựa), lấy Thiên hành gửi ở Địa hành vậy, rùa là linh trí của phương bắc mà con người sử dụng, tức là chỉ trí huệ, chẳng phải sinh động đó sao”. Điều này nói rõ ý nghĩa của truyền thuyết cổ xưa và khởi nguồn của Hà đồ Lạc thư.

Lạc thư thực tế là 9 cung, tức là từ 1 đến 9 sắp xếp thành, ngang, dọc, chéo, tổng của 3 số đều là 15, trong toán học thuộc về ma trận kỳ ảo bậc 3, người xưa đã tổng kết thành khẩu quyết: đội 9 đạp 1, trái 3 phải 7, 2, 4 là vai, 6, 8 là chân, số 5 ở giữa.

Số 1 là vị thái dương, số 9 là số thái dương, do đó 1 và 9 đối nhau.

Số 2 là vị thiếu âm, số 8 là số thiếu âm, do đó 2 và 8 đối nhau.

Số 3 là vị thiếu dương, số 7 là số thiếu dương, do đó số 3 và 7 đối nhau.

Số 4 là vị thái âm, số 6 là số thái âm, do đó số 4 và 6 đối nhau.

Phép này lấy số của Lạc thư để luận dịch, cái lý âm dương, cái số chẵn lẻ, cái nơi phương vị, nếu hợp phù tiết, tuy hệ từ chưa từng nói rõ, mà đã suy được ra, như ngón tay trên bàn tay vậy. – “Lạc thư biện” của Vương Y.

Phối hợp với Bát quái hình thành: 1 khảm, 2 khôn, 3 chấn, 4 tốn, 5 trung cung, 6 càn, 7 đoài, 8 cấn, 9 ly. Thứ tự này, được ứng dụng trong phong thủy học, gọi là “Lạc thư quỹ tích”.

Trong kỳ môn độn giáp, thì là: 1 bạch khảm thủy hưu môn, 2 hắc khôn thổ tử môn, 3 bích chấn mộc thương môn, 4 lục tốn mộc đỗ môn, 5 hoàng ký trung cung, 6 bạch càn kim khai môn, 7 xích đoài kim kinh môn, 8 bạch cấn thổ sinh môn, 9 tử ly hỏa cảnh môn.

Hà đồ là thể, Lạc thư là dụng, Hà đồ chủ thường, Lạc thư chủ biến, Hà đồ trọng họp, Lạc thư trọng phân, vuông tròn che chở nhau, Âm Dương ôm ấp nhau, sử dụng tương hỗ lẫn nhau, không thể chia cắt.

Đại Kỷ Nguyên bàn:

Thái cực, Bát quái, Hà đồ, Lạc thư, bốn đồ hình cổ xưa đến nay vẫn là một bí ẩn đối với nhân loại. Ai đã sáng tạo ra những đồ hình này?

Kỳ thực, văn hóa truyền thống phương Đông vốn là văn hóa Thần truyền. Không chỉ bốn đồ hình kể trên, nhiều kiệt tác về nghệ thuật, văn học, v.v… dường như vượt xa trí huệ của con người. Ví như danh tác “Tây Du Ký” có nội hàm tu luyện uyên thâm, mỗi lần đọc lại có hiểu biết mới về đạo lý tu tâm và vũ trụ.

Bốn đồ hình cổ xưa ấy vốn không phải là người thường làm ra, nên trí tuệ người thường vĩnh viễn không hiểu được. Bởi chúng là món quà từ Thiên thượng, nên con người chỉ có trong không ngừng tu tâm dưỡng đức, kính Thiên hiểu mệnh, thăng hoa cảnh giới tinh thần thì mới lĩnh hội được nội hàm chân thực.

Theo NTDTV
Nam Phương biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/4-do-hinh-than-bi-cua-a-dong-luu-truyen-ngan-nam-den-nay-nhan-loai-van-chua-hieu-thau.html

Comment