No icon

khong-co-duyen-thi-khong-gap-mat-khong-co-no-thi-khong-the-ket-doi

Không có duyên thì không gặp mặt, không có nợ thì không thể kết đôi

“Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên chồng vợ”. Trong cuộc đời này, không có duyên thì không gặp mặt, không có nợ thì không thể kết đôi, trân quý cơ duyên vạn cổ ấy cũng chính là trân quý bản thân mình vậy.

Tại huyện Hoằng Nông thời Đường có một viên quan họ Lý, ông có một người con gái đã đến tuổi lấy chồng, muốn gả cho Lư Sinh. Quan huyện Lý đã chọn ngày xong xuôi để đón chàng rể về nhà. Vào ngày tổ chức hôn lễ, bên cạnh các quan khách xa gần, nhà họ Lý còn mời thêm cả một bà đồng cốt vốn đã quen thân với Lý gia từ trước.

Sáng hôm ấy, Lý phu nhân đích thân ra đón tiếp bà đồng cốt, nhân tiện hỏi rằng: “Phiền bà xem giúp con rể Lô Lang nhà ta có đường quan lộ hanh thông thế nào, phúc lộc dày mỏng ra sao?”.

Bà đồng cốt hỏi:

“Lô Lang có phải là vị tiên sinh có bộ râu hùm rất dài kia không?”

“Đúng rồi!”

“Nếu là người này thì nhất định không thể làm con rể của phu nhân. Con rể của phu nhân tướng mạo không giống thế này”.

“Thế thì con rể ta cần phải như thế nào?”

“Là một người tầm thước, da trắng, mặt nhẵn nhụi, không có một cọng râu nào”.

Ảnh minh họa: vietyo.com

Lý phu nhân rất kinh ngạc nói rằng: “Như lời bà nói thì con gái ta hôm nay không thể gả chồng được sao?”.

Bà đồng cốt nói một cách chắc nịch: “Sao lại không? Tối nay nhất định sẽ gả chồng!”.

Lý phu nhân nói: “Bà nói lung tung gì vậy, đêm nay đã là ngày gả chồng rồi, lẽ nào không phải là Lô Lang sao?”.

“Ngay cả ta cũng chẳng biết sao lại thế!”, bà đồng cốt trả lời.

Vừa dứt lời thì đã thấy bên ngoài tiếng trống tiếng nhạc nổi lên, Lô tân lang bước tới dâng sính lễ rồi quỳ trước lễ đường. Lý phu nhân kéo tay bà đồng cốt, nhìn qua khe cửa phía sau lễ đường, chỉ vào Lô Sinh mà nói mỉa rằng: “Bà xem sính lễ đây này, chắc chắn đêm nay là thành thân rồi, cậu ấy sao có thể không phải là con rể của ta được? Thật là nực cười, nực cười!”

Tôi tớ trong nhà Lý phu nhân cũng cười giễu bà đồng cốt, tất cả họ cùng cất tiếng phụ họa theo: “Bà lão này quen thói bốc phét lên tận mây xanh, lần này thì không chuẩn rồi nhé!”. Bà thầy tướng số chỉ im lặng không nói thêm lời nào.

Rất nhanh sau đó, họ hàng và bè bạn đều tụ tập đông đủ tại lễ đường, ai cũng xuýt xoa trước đồ sính lễ thành hôn thịnh soạn. Sau khi hành lễ bái đường xong, Lô tân lang bước vào động phòng hoa chúc. Nhưng thật không ngờ rằng, khi Lô Sinh vừa lật chiếc khăn trùm đầu của tiểu thư Lý, liếc nhìn một cái thì giật nảy người, toàn thân run rẩy, kêu lên thất thanh: “Ai da!”, rồi chạy vụt ra ngoài.

Họ hàng, bạn bè chạy tới hỏi, cậu cũng lắp bắp không trả lời, chỉ cắm đầu chạy thẳng một mạch ra khỏi cửa, leo vội lên lưng ngựa, quất 2 roi liên tiếp rồi phóng đi như bay. Trong số những họ hàng bè bạn có vài người vội vàng đuổi theo hỏi xem đã xảy ra chuyện gì. Lô Sinh không chịu nói rõ nguồn cơn, chỉ xua tay nói: “Không thành rồi, không thành rồi!”. Chẳng còn cách nào khác, họ đành quay trở về kể lại câu chuyện của Lô Sinh.

Quan huyện Lý biết chuyện thì giận giữ hét lớn: “Còn ra thể thống gì nữa! Còn ra thể thống gì nữa!”. Rồi ông nghĩ: Con gái mình xinh đẹp như hoa như ngọc nhường ấy, sao lại đến nông nỗi này? Dứt khoát phải gọi mọi người tới xem xét tỏ tường!

Ông bèn mời họ hàng bạn bè tới trước cửa phòng, rồi gọi con gái ra bái kiến. Quan huyện Lý chỉ vào con gái mình và nói: “Mọi người xem nhé, đây chính là tiểu nữ nhà ta được hứa gả cho họ Lô, phải chăng là con gái ta dung mạo quá xấu xí? Hôm nay họ Lô vừa nhìn thấy đã bỏ chạy, nếu không để mọi người xem thử, thì mọi người sẽ cho rằng con gái ta là thứ quái vật gì đó!”.

Quả nhiên dưới tấm khăn lụa đỏ là một tiểu thư dịu dàng, yêu kiều, nhan sắc tuyệt đỉnh có một không hai. Họ hàng, bè bạn thi nhau bàn luận: “Quả là Lô sinh vô phúc”, “Lô lang vô duyên”, “Đúng là ngày phạm, phạm phải hung thần”, v.v… Ai nấy cũng bàn luận ngược xuôi không dứt. Quan huyện Lý phẫn nộ mà rằng: “Ta nghĩ rằng cậu Lô đó không không còn cơ hội làm rể nhà ta nữa. Vậy trong số quan khách có mặt tại đây hôm nay, có vị nào muốn đính hôn cùng tiểu nữ nhà ta thì tối nay có thể thành hôn, họ hàng bè bạn tại đây có thể làm chứng cho điều này, mọi người đều là những ông mối, bà mối lớn”.

Dứt lời, một chàng nho sinh họ Trịnh bước ra từ trong đám quan khách, tiến về phía trước và cung kính nói rằng: “Tiểu tử bất tài, mong được làm con rể của ngài”. Mọi người đưa mắt nhìn, người này họ Trịnh, mặt trắng như thoa phấn, môi đỏ như tô son, dưới cằm không có lấy một cọng râu, nhìn rất trang nghiêm mẫu mực.

Mọi người đồng thanh nói: “Một cô nương như thế kia thì phải sánh đôi với công tử này mới đúng!”. Hơn nữa tuổi tác và dung mạo của đôi bên cũng tương đồng, lại môn đăng hộ đối. Lúc đó mọi người bèn đẩy hai vị cao niên ra làm mối, rồi chọn một cậu thanh niên trẻ tuổi làm phù rể và mời cô gái ra ngoài giao bái thành thân, rồi vào động phòng.

Nho sinh bước vào xin được làm con rể. Quả đúng là nhân duyên do trời đã định sẵn. Ảnh: tinmoi.vn

Vì bà đồng cốt đã tiên đoán trước nên lần này cả nhà Lý phu nhân đều tin phục, không bao giờ dám chế giễu lời nào nữa. Sau khi thành hôn, Trịnh Sinh gặp lại Lô Sinh, hai người trước kia vốn là bằng hữu thân thiết. Trịnh Sinh hỏi: “Sao tối hôm đó huynh lại như vậy?”. Lô Sinh nói: “Khi lật khăn trùm đầu xuống ta nhìn thấy hai mắt nàng ấy đỏ ngầu, to như hai cái đui đèn, nanh thì dài vài tấc, thò cả sang hai bên miệng, đó đâu phải là hình người? Có khác gì hình con quỷ dạ xoa trong cung đâu, ta nhìn thấy mà tim đập chân run!”.

Trịnh Sinh cười nói: “Cô ấy đã được gả cho đệ rồi”. Lô Sinh không tin hỏi lại: “Đệ không sợ à?” Trịnh Sinh nói: “Mời vãn huynh tới nhà, đệ sẽ mời cô ấy ra gặp huynh”. Họ Lô đi theo Trịnh Sinh về tới nhà, thì thấy tiểu thư Lý trang điểm nhẹ nhàng bước ra ngoài, trông nàng diễm lệ tự nhiên, hoàn toàn khác với dáng vẻ hôm trước cậu gặp trong phòng, khiến Lô Sinh hối tiếc khôn nguôi. Sau này mọi người kể lại lời tiên đoán của bà thầy tướng số, cậu mới hiểu ra nhân duyên là số mệnh, cũng chỉ biết thở dài mà thôi.

***

Trong dân gian có câu rằng: “Hữu duyên thiên ý năng tương ngộ, Vô duyên đối diện bất tương phùng”.

Con người sống ở trên đời, vạn sự đều là tuỳ duyên. Hôn nhân cũng vậy, đều là do Trời định, không phải cứ cưỡng cầu là được. Ngày nay người ta không còn tin rằng nhân duyên là do Trời định, mà giảng thuyết nào là tự do tình ái, tự do yêu đương. Kỳ thực, nói đi nói lại, cuối cùng cũng chỉ tìm được người mà Trời đã định cho mình mà thôi, chỉ là con người không tin, mà cho rằng phải tìm mới thấy, phải theo đuổi mới giành được.

Cũng chính vì đạo đức của nhân loại đang trượt dốc nên mới xuất hiện những chuyện nam nữ bại hoại, tình yêu phóng túng. Hiện nay còn thuyết giảng nào là hôn nhân sét đánh, sống thử, tình một đêm, đây đều là những hành vi bất hảo nhất của con người, không phải là những việc trong phạm trù đạo đức mà Thần đã quy định cho nhân loại. Không tuân theo tiêu chuẩn làm người mà Thần đã đặt định thì con người sẽ không thể cảm nhận được hạnh phúc thực sự là gì. Và hãy thử nhìn lại xem, con người hiện nay có hạnh phúc không khi tỷ lệ ly hôn ngày một tăng cao, bạo lực gia đình ngày một nhức nhối, những mối tình vụng trộm ngày một ngang nhiên, khiến mỗi lần nhắc tới hôn nhân ai nấy đều tái mặt, chỉ e không thể cùng nhau sống tới đầu bạc răng long…

Văn hóa Á Đông 5.000 năm đã đặt định tiêu chuẩn làm người theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Những giá trị truyền thống và quy phạm làm người ấy giúp con người hạnh phúc, có được cuộc sống đong đầy niềm vui. Nếu chúng ta có thể lĩnh hội nội hàm sâu sắc thuần chính nền văn hoá huy hoàng của lịch sử ấy, chúng ta có thể nhận ra sự biến dị của văn hóa hiện đại ngày nay, để trở về với quỹ đạo của một con người chân chính và trải nghiệm một cuộc sống hạnh phúc thực sự.

Theo Secretchina
Hiểu Liên biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/khong-co-duyen-thi-khong-gap-mat-khong-co-no-thi-khong-the-ket-doi.html

Comment