tri-tue-socrates-nguoi-thong-minh-nhat-la-nguoi-thay-duoc-that-ra-minh-chang-biet-gi
Trí tuệ Socrates: Người thông minh nhất là người thấy được thật ra mình chẳng biết gì
- bởi tamthuc --
- 28/04/2018
Có một lần kia, có người hỏi nhà tiên tri Delphi rằng liệu có ai thông thái hơn Socrate hay không, nhà tiên tri trả lời rằng không có ai thông thái hơn Socrates. Socrate hoàn toàn bị lúng túng bởi câu trả lời này, bản thân ông biết rằng, đối với con đường của trí huệ, ông không hay biết gì cả. Nhưng mà, Thần lại không thể nói dối được.
Ông bắt đầu đi khắp các nơi thăm viếng những người nổi danh về trí huệ, để tìm hiểu xem liệu Thần có phải đã sai lầm trong vấn đề này hay không…
Lời dẫn
Năm 399 Trước Công nguyên, nhà hiền triết Socrates bị một phiên tòa dân chủ của thành Athens tuyên án tử hình. Vào thời điểm này, mọi người trong thành Athens đang chuẩn bị đến đảo Crete cúng tế Thần Apollo. Tương truyền trước đó, hoàng tử thành Athens là Theseus tự nguyện làm một trong số những đứa trẻ đi đến đảo Crete để dâng lên cho quái vật trâu Minos, quyết tâm phá giải lời nguyền đã đeo bám người dân Athens bấy lâu nay. Trước khi đi, người dân Athens nguyện rằng, nếu họ có thể an toàn trở về được, thì hàng năm đều sẽ đến đảo Crete cúng tế Thần Apollo. Vậy nên cả thành đều đối đãi một cách rất nghiêm túc đối với nghi thức này.
Và để đảm bảo thành thị sạch sẽ, việc xử tử tù nhân được tạm hoãn lại. Socrates do đó bị đưa vào trong ngục giam, chờ sau khi cúng tế kết thúc sẽ hành quyết. Trong thời gian này, các môn đệ của ông đã thay phiên nhau đến thăm, bầu bạn với thầy mình trải qua những ngày cuối cùng của cuộc đời. Nhờ vậy, đã những cuốn sách ghi lại đối thoại giữa môn đệ và Socrate trong nhà ngục như “Crito”, “Phaedo” ra đời và còn nguyên giá trị cho tới ngày nay.
Khoảng 1 tháng sau đó, vị hiền triết tuổi đã ngoài 70 bảo vợ con ra ngoài, uống rượu độc trước mặt các môn đệ mà ung dung ra đi.
Socrates vì sao lại bị tòa án Athens phán tội tử hình, rốt cuộc ông đã làm gì? Đây không chỉ là câu chuyện về một triết gia sống chết vì triết học mà còn là một câu chuyện về trí huệ của con người vốn không như chúng ta vẫn lầm tưởng và tự hào về mình.
Đem trí huệ từ thiên thượng đến nhân gian
Hy Lạp cổ có lưu truyền câu chuyện rằng, một con quái thú mình sư tử đầu người có đôi cánh tên là Sphinx ngồi ở trên vách đá ngay gần thành Thebes. Con người đi qua nơi đây đều phải trả lời một câu đố, nếu trả lời sai, thì sẽ bị quái thú này ăn thịt. Câu đố đưa ra là: “Con gì sáng sớm đi bằng 4 chân, giữa trưa đi bằng 2 chân, đến tối lại đi bằng 3 chân?” . Oedipus trước khi trở thành quốc vương của Thebes đã trả lời đúng đáp án của câu đố này khiến Sphinx vì quá xấu hổ đã tự nhảy xuống vực sâu mà chết.
Đáp án của Sphinx là “con người”, bởi con người chính là ẩn đố lớn nhất trên thế gian này. Nhân loại một khi giải được ẩn đố này rồi, họ mới thật sự nhận thức về bản thân, khắc phục sợ hãi của chính mình, cuối cùng khiến nỗi sợ hãi này tiêu biến – cũng giống như khi con người tìm ra lời giải về chính mình thì quái thú Sphinx sẽ tự nhiên biến mất.
Trước Socrates, các triết gia Hy lạp cổ đại chỉ nghiên cứu và bàn luận về nguồn gốc của vũ trụ, nhân tố bản nguyên nhất tạo nên thế giới này, nguyên lý phát sinh hiện hữu. Họ mặc nhiên nhìn nhận sự hiện hữu của vũ trụ này: Cái gì có là có, cái không không thể sản sinh ra cái có và cái có không thể giản trừ cái không. Chưa có ai đặt ra câu hỏi rằng đâu mới là con đường giúp loài người nhận thức chính mình?
Socrates là một trong những tư tưởng gia Hy Lạp cổ đại đầu tiên kêu gọi giới học giả và các nhà lãnh đạo quốc gia đương thời nên quan tâm nhiều hơn đến bản chất của con người. Ông xem con người có phần xác và phần hồn là một tổng thể thống nhất, ông tin có thượng đế là thần linh thấu suốt những điều tốt điều xấu và vì thế ông là người đầu tiên đề ra chuẩn mực đạo đức cho triết học về con người. Và đặc biệt ông tin có sự sống đời sau khi ông nói về sự bất tử của linh hồn.
Socrates luôn nhấn mạnh về đức hạnh và đạo đức, vì chỉ có đạo đức mới đưa con người đến gần hơn với các vị thần mà họ tôn thờ. Bởi vậy, Cicero, một triết gia La Mã cổ cho rằng, chính Socrates là người “mang triết học từ thiên thượng xuống nhân gian”.
Con người là thước đo để đo lường vạn vật bằng trí huệ của họ, nhưng nhận thức đối với bản thân thước đo này, trước Socrates thì hết thảy những học giả uyên thâm nhất Hy Lạp cổ đều không hay biết gì. Nhưng nếu như bản thân thước đo này có vấn đề, những thăm dò và giải thích với hết thảy sự vật trên trời dưới đất mà nhân loại đã có từ trước thời Socates, rất có khả năng chính là không có căn cứ đáng tin cậy.
Có một câu chuyện cười liên quan đến cha đẻ của triết học theo trường phái Miletus – nhà hiền triết Thales của của Hy Lạp cổ như thế này: Một buổi tối nọ, ông quan sát các vì sao trên bầu trời, có thể là bởi quá tập trung, không cẩn thận nên ông bị rơi xuống giếng. Một nữ nô đang giặt đồ bên cạnh nhìn thấy không khỏi phì cười, nói ông chuyện trên mặt đất còn chưa làm rõ, thế mà lại muốn làm rõ những chuyện trên trời. Đối với việc nhận thức con người – thước đo vạn vật, các nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại trước Socrates đều là giống như vậy.
Trí huệ của con người vốn không bao giờ là đầy đủ
Socrates theo đuổi việc tìm hiểu xem nhận thức của con người rốt cuộc là có bao nhiêu tính đáng tin cậy, đây được bắt đầu từ một lời sấm của nhà tiên tri ở Delphi. Đàn tế của nhà tiên tri Delphi được đặt bên trong thánh điện của Thần Apollo. Tại cổng vào thánh điện của Thần Apollo có viết một câu: “Hãy nhận thức chính mình”.
Có một lần, có người hỏi nhà tiên tri ở Delphi rằng liệu có ai thông thái hơn Socrates hay không, nhà tiên tri trả lời rằng không ai thông thái hơn Socrates nữa. Socretes nói bản thân ông hoàn toàn bị câu trả lời này làm cho lúng túng, vì ông thấy rằng, đối với con đường của trí huệ, ông không hay biết gì cả. Nhưng mà, Thần lại không thể nói dối được.
Ông bắt đầu đi đến các nơi thăm viếng những người nổi danh bởi trí huệ, xem thử xem liệu nhà tiên tri có phải đã nhầm lẫn gì không.
Người mà Socrates thỉnh giáo đầu tiên chính là một nhà chính trị. Socrates tự mình đã phát minh ra một loại phương pháp đặt câu hỏi không ngừng, thông qua đó khiến đối phương rơi vào tự mâu thuẫn, từ đó nhận biết được sự vô tri của bản thân đối với vấn đề. Socrates dùng loại phương pháp này rất mau chóng phát hiện người này không có trí huệ trong lĩnh vực am hiểu của bản thân ông ta, đồng thời giải đáp rõ cho ông ấy về điều này, kết quả là người này đã hận Socrates.
Socrates lại đi thỉnh giáo một vị thi nhân, xin họ giảng giải các chương mục trong các tác phẩm thi ca của mình, nhưng ông này lại không có năng lực làm như vậy. Socrates từ đây hiểu ra, điều mà các thi nhân dựa vào khi viết thơ vốn không phải là trí huệ, mà là một loại tài hoa và linh cảm, mà loại tài hoa và linh cảm này lại đến từ vị Thần nghệ thuật.
Ông tiếp tục đi thỉnh giáo thợ thủ công, phát hiện họ cũng khiến ông thất vọng y như vậy. Trong quá trình này, Socrates đã kết oán với rất nhiều người, nhưng ông nhận ra, chỉ có Thần mới là thông thái, và Ngài chỉ muốn dạy rằng kiến thức của con người chưa đi đến đâu cả, thậm chí không là gì hết.
Socrates giải thích rằng, Thần vốn không có nói Socrates có trí huệ, mà chỉ là muốn mượn Socrates biểu thị với người đời rằng, duy chỉ có những người giống như Socrates, biết được bản thân trên thực tế không hay biết gì cả, trí huệ của họ trên thực tế không chút giá trị gì, mới là bắt đầu có trí huệ.
Công việc vạch trần mà ông tiến hành với những người tự cho là có trí huệ này đã chiếm dụng toàn bộ thời gian của ông, và khiến ông rơi vào cảnh nghèo túng tột cùng, nhưng trách nhiệm làm chứng cho lời sấm của Thần khiến ông vô cùng vui vẻ.
Người phụng sự của Thần
Cả cuộc đời Socrates đã tuân theo ý chỉ ấy, như lời sấm truyền trên cổng vào thánh điện thờ Thần Apollo: “Hãy nhận thức chính mình” (“Gnothi seauton”) . Socrates chuyển hướng tập trung của các công trình nghiên cứu từ vũ trụ xuống bản thân con người, đây là một công việc rất là gan dạ, và nó đã chọc giận gần như hầu hết các nhân vật tiếng tăm trong thành Athens. Họ đều xem Socrates là kẻ thù không đội trời chung, cần phải đẩy ông vào chỗ chết mới hả dạ.
Nhưng Socrates không lùi bước, ông cho rằng công việc này là Thần giao phó cho ông: “Thần ra lệnh cho tôi thực thi một sứ mệnh tìm hiểu bản thân và thăm dò người khác”, nếu như chỉ vì đứng trước uy hiếp của cái chết mà từ bỏ sứ mệnh mà Thần giao phó cho, Socrates thấy nó giống như nỗi nhục trong chiến đấu chỉ vì tham sống mà từ bỏ chức trách của mình.
Giới quyền quý của thành Athens đã hiển lộ ra sự ngu xuẩn của mình trong quá trình bị Socrates thăm dò. Đó chính là thói ngạo mạn vốn đã ăn sâu bén rễ trong nhân tính và thói cuồng vọng tự cho mình là đúng, một khi chịu sự xung kích, nó ngay lập tức sẽ quay trở lại cắn trả người ta.
Câu nói “tự nhận biết chính mình” ở cổng đền Thần Apollo dường như chính là bảo con người hãy buông những ngạo mạn đã khiến con người trở nên ngu xuẩn kia xuống. Con người dùng trí huệ của mình như thước đo vạn vật, con người một khi tự cho mình là đúng, ngông cuồng tự đại, thì bản thân thước đo này chính là sẽ mất đi tiêu chuẩn.
Công việc của Socrates chính là bảo cho con người thấy được điều này, chỉ khi biết rõ bản thân con người là không biết gì cả, không có chút trí huệ nào, mới là bước khởi đầu của người hướng đến trí huệ. Tuy vậy, khi những tư tưởng quan niệm cố hữu bị xung kích, người ta lại tức giận một cách mù quáng.
Những kẻ xấu xa không cách nào tổn hại một người lương thiện
Socrates bị cáo buộc không tin vào những đấng Thần linh của thành Athens, làm bại hoại thanh thiếu niên, cuối cùng bị tòa án Athens tuyên phán tội tử hình.
Tòa án Athens vốn không phải lúc mới bắt đầu thì đã muốn phán Socrates tội tử hình, nếu như ông hối cải, từ bỏ nghiên cứu tìm hiểu triết học của ông, thì ông không nhất định phải chết.
Dựa theo pháp luật pháp của Athens, Socrates có thể chọn một con đường sống, ví như chỉ cần nộp phạt một khoản tiền lớn, có thể ông sẽ được miễn tội chết, nhưng ông đã từ chối.
Socrates còn từ chối tuân theo thông lệ, đưa con cháu khóc lóc thảm thiết trước tòa nhằm khiến quan tòa xiêu lòng. Ông nói cảnh tượng loại này sẽ khiến bị cáo và người dân cả thành Athens đều cảm thấy thật quá tức cười. Công việc của ông vẫn là muốn thuyết phục quan toà, chứ không phải là cầu xin họ khai ân.
Còn về phán quyết tử hình, Socrates nói:
Sợ chết vốn không phải trí huệ, bởi vì không có một người nào biết được cái chết có phải là chuyện tốt hơn hay không.
Socrates bày tỏ, ông sẽ không bởi vì được sống mà từ bỏ trách nhiệm Thần đã giao phó cho ông. Ông nói, ông không nghe theo con người, mà chỉ nghe theo Thần. Socrates nói: “Này người dân Athens! Tôi tôn kính các vị, yêu quý các vị, nhưng tôi vẫn sẽ nghe theo chỉ dụ của Thần chứ không nghe theo các người. Hơn nữa chỉ cần tôi vẫn còn có sinh mệnh và sức lực, tôi quyết sẽ không ngừng thực tiễn triết học, dạy bảo triết học, và khuyên răn mỗi một con người mà tôi gặp được … Bởi tôi biết đây là mệnh lệnh của Thần, hơn nữa tôi chắc chắn rằng, trong đất nước này không xuất hiện việc nào tự hào hơn thực thi sứ mệnh của Thần”.
Kẻ bất nghĩa sẽ đón nhận sự trừng phạt lớn hơn
Socrates nói: “Không gì có thể tổn hại đến tôi, bởi vì một kẻ xấu thì không thể nào tổn hại một người tốt hơn anh ta được. Tôi không phủ nhận là Anytus có lẽ có thể giết chết tôi, hoặc lưu đày tôi, hoặc tước đoạt quyền lợi công dân của tôi. Hơn nữa hắn ta có thể tưởng tượng, và những người khác cũng có thể tưởng tượng những tổn hại to lớn mà hắn ta cưỡng chế lên tôi. Nhưng tôi lại không đồng ý với loại cách nghĩ này, bởi vì sai lầm trong loại hành vi này – loại sai lầm tước đoạt sinh mệnh người khác một cách không ngay chính này – sẽ là tội lỗi lớn hơn thế rất nhiều”.
Socrates nói với những người đã định tội ông rằng, ông nói ông sắp phải chết, mà khi con người ta sắp chết là được ban cho năng lực tiên tri. Ông nói: “Tôi muốn nói lời tiên tri cho những hung thủ đã giết hại tôi rằng: Sau khi tôi chết đi rồi, ngay tức khắc sẽ có sự trừng phạt to lớn hơn rất nhiều so với những gì các người đã áp đặt lên tôi đang chờ đón các người…Nếu như các người cho rằng cách thức mà các người dùng để giết hại người khác có thể ngăn chặn những lời khiển trách về lối sống sa đọa của các người, thế thì các người đã nhầm rồi.”
Đó là một loại biện pháp trốn tránh vừa không có khả năng mà lại cũng không vẻ vang gì. Biện pháp dễ dàng nhất, cao quý nhất vốn không phải là không cho phép người khác nói chuyện, mà là cần phải thay đổi chính mình.
Dù có chết đi vẫn là đang sống, chỉ có Thần biết được người nào tốt nhất thôi
Socrates nói, cái chết cùng lắm chỉ là một giấc ngủ mà không có nằm mộng, cùng lắm chỉ là linh hồn di cư đến một thế giới khác. Hơn nữa “Nếu như một người có thể trò chuyện cùng Thần âm nhạc Orpheus, cùng Thần nghệ thuật Muses, cùng nhà thơ vĩ đại Hesiod và nhà thơ Homer, thế thì anh ta còn có thứ gì mà không nguyện ý vứt bỏ đây? Nếu đúng thật là như vậy, thế thì hãy để tôi chết hết lần này đến lần khác vậy!”.
Socrates tin chắc rằng, trong một thế giới khác, ông có thể trò chuyện với những người đã chết đi bởi chịu sự bức hại từ những kẻ bất chính, và nhất là ông có thể tiếp tục với việc theo đuổi tri thức của ông: “Trong một thế giới khác, mọi người sẽ không vì một người nêu ra vấn đề, mà xử tử anh ta, tuyệt đối sẽ không. Hơn nữa ngoài việc hạnh phúc hơn chúng ta ra, họ còn bất tử vĩnh viễn.”
Socrates sau cùng nói rằng: “Thưa quý thẩm phán, cả quý bạn nữa cũng nên giữ hy vọng trước cái chết, và lấy chân lý này làm điều tâm niệm: Không ác quả nào có thể xảy đến với người thiện, dù trong đời này hay sau khi chết, vì Thần thánh không bao giờ bỏ rơi họ”.
“Nhưng đã đến lúc chúng ta chia tay nhau, tôi bước vào nẻo chết, và quý vị trở lại đường sống. Bên nào rồi sẽ nhận lấy số phần lợi hơn? Đâu ai biết được, chỉ có Thần biết mà thôi”.
Thiện Sinh
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/tri-tue-socrates-nguoi-thong-minh-nhat-la-nguoi-thay-duoc-that-ra-minh-chang-biet-gi.html
Comment