hoang-de-duong-thai-tong-va-nhung-cau-chuyen-cuoi-ra-nuoc-mat-trong-lich-su
Hoàng Đế Đường Thái Tông và những câu chuyện cười ra nước mắt trong lịch sử
- bởi tamthuc --
- 27/04/2018
Trong lịch sử văn hóa truyền thống của Trung Quốc có không ít các nhân vật Đế Vương vĩ đại và vô số câu chuyện lịch sử ly kỳ xoay quanh họ. Có những tích truyện bi tráng khiến cho người nghe xúc động nhân tâm, cảm thán khôn nguôi, nhưng cũng có những câu chuyện hài hước, khiến cho hậu nhân nghe xong liền khoan khoái mỉm cười mà cảm thấy hào hứng và đầy ý vị…
Đường Thái Tông, một Hoàng Đế từng được người đời tôn xưng là: “Thiên cổ nhất Đế” – Vị vua đứng đầu xưa nay trong lịch sử Trung Hoa với tài năng xuất chúng, văn võ song toàn, thành tựu phi phàm. Tuy nhiên, xung quanh nhân vật lịch sử này cũng có không ít câu chuyện hài hước, thú vị.
Đường Thái Tông gặp “Tân Thái Công”
Trong triều đại nhà Đường, có một vị nhân sĩ tên là Tân Uất, biệt hiệu là Thái Công. Tân Uất không những cơ trí, có tài năng xuất chúng mà tính cách cũng vô cùng hài hước, dí dỏm. Vì vậy, tuy tuổi còn trẻ mà Tân Uất đã đứng đầu khoa cử và được bổ nhiệm vào triều làm quan. Tuy nhiên, ông cảm thấy với tài năng của bản thân vẫn còn có thể thăng tiến hơn nữa, Tân Uất bèn tìm kiếm thời cơ để thể hiện năng lực kiệt xuất của mình.
Một ngày nọ, Tân Uất nghe tin Đường Thái Tông sắp đến Hành cung thị sát, ông bèn vội vàng chạy đến Hoàng Thành, đứng ngay bên đường dẫn đến Hành cung.
Không lâu sau, đoàn xa giá của Đường Thái Tông cũng đi đến gần nơi đó, Tân Uất lập tức đứng cúi người bên đường không ngừng ho khan.
Đường Thái Tông nhìn thấy, bèn lệnh cho tùy tùng đến phía trước xem xét tình hình, tùy tùng tuân lệnh tiến về phía Tân Uất, sau khi hỏi rõ tình hình bèn vội trở về, báo:
“Khải bẩm thánh thượng, đó là một vị quan viên tên gọi Tân Uất, biệt hiệu Thái Công”.
Sau khi nghe xong, Đường Thái Tông cảm thấy thú vị: Làm sao lại có người dùng danh hiệu của các bậc thánh hiền cổ xưa như thế nhỉ!… Nghĩ rằng người này chắc chắn phải có gì đó bất phàm, vì vậy cho truyền Tân Uất đến gặp mặt.
Khi Tân Uất đến trước mặt, Đường Thái Tông hỏi:
“Ngươi là người nào?”
Tân Uất đáp: “Vi thần tên là Tân Thái Công”.
Đường Thái Tông nghe xong nói: “Ừm, Tân Thái Công… vậy ngươi, vị Thái Công “mới” này cùng vị Thái Công cũ – Khương Tử Nha so sánh như thế nào? (“tân” cũng có nghĩa là “mới”)
Hóa ra, Đường Thái Tông đã biến từ “Tân” trong tên của Tân Uất trở thành “mới” trong “mới, cũ” mà nói, điều này cho thấy sự hài hước dí dỏm của ông.
Tân Uất đáp: “Thái Công cũ” – Tức Khương Tử Nha, đến năm 80 tuổi mới có thể gặp được Chu Văn Vương. Nhưng vi thần năm nay mới có 28 tuổi đã gặp được bệ hạ. Chỉ riêng điều này thần đã có phúc phận hơn Khương Thái Công rất nhiều rồi!”
Đường Thái Tông nghe xong không nhịn được cười, khen ngợi Tân Uất cơ trí, bèn lập tức ban khẩu dụ, truyền cho Tân Uất đến Trung Thư nhậm chức quan có phẩm hàm, chính thức phục vụ trong bộ máy quan chức Đại thần đương triều. Từ đó Tân Uất đã có được cơ hội thể hiện và phát huy hết tài năng của mình.
Chuyện Vũ sư Cao Thôi Sưu “gặp gỡ” Khuất Nguyên
Lại kể tiếp, Đường Thái Tông cũng là một người cực kỳ yêu thích nhạc vũ, ngoài việc truyền dạy binh sỹ tập luyện biểu diễn bản nhạc vũ “Tần Vương phá trận”, Đường Thái Tông còn thiết lập trong cung các bộ phận chuyên trách về nhạc vũ như: Thái Thường, Giáo Phường… Mà Cao Thôi Sưu chính là một trong những vị nhạc sư rất chuyên nghiệp được vua giao phó chuyên trách bộ phận này. Cao vũ sư chuyên về các loại nghệ thuật, là người tài hoa xuất chúng, tài hạnh vẹn toàn, thông minh cơ trí. Vì vậy không chỉ Đường Thái Tông mà ngay cả văn võ bá quan đương triều đều yêu thích Cao Thôi Sưu.
Vào mùa hè năm ấy, thời tiết vô cùng nóng bức. Đường Thái Tông đang mang nỗi lo quốc sự nên tâm tình không được vui vẻ. Vừa hay Cao Thôi Sưu được Đại quan nội thị truyền lệnh tới biểu diễn kỹ nghệ cho Vua xem. Tuy nhiên, Đường Thái Tông không có tâm tình xem kịch, vì vậy ban lệnh cho ông lui xuống.
Thấy vậy Cao Thôi Sưu vờ như không biết, còn nói đùa với Đường Thái Tông:
“Lẽ nào màn biểu diễn đặc sắc này của thần không thể khiến cho bệ hạ cười? Chỉ sợ ngài hẹp hòi không muốn ban thưởng vì vậy mới cố nhịn cười đây?”
Đường Thái Tông thấy Cao Thôi Sưu dường như đã quên mất lễ quân thần, bèn nổi giận mà ra lệnh cho người ném ông vào hồ nước ngay trước cung điện, để cho ông tỉnh cơn hồ đồ, nhân tiện cũng dạy cho vị nhạc sư già này một bài học giáo huấn.
Vì Cao Thôi Sưu vốn không biết bơi nên đã uống vài ngụm nước trước khi được thị vệ cứu lên bờ. Đường Thái Tông có phần nguôi giận đến nhìn Cao vũ sư lúc này bộ dạng đang “ướt như chuột lột”, không ngờ Cao Thôi Sưu vừa rũ nước vừa nhe nhởn cười giống như không màng gì tới bậc Thánh thượng vậy! Đường Thái Tông càng cảm thấy không vừa lòng, hỏi ông:
“Vì sao ngươi lại cười? Lẽ nào ngươi không sợ trẫm thấy chết mà không cứu?”
Cao Thôi Sưu đáp: “Lúc vừa mới bị ném xuống nước thần đã cực kỳ sợ hãi, nhưng sau đó lại gặp được một vị cổ nhân dưới hồ nước, thần nghe xong lời của vị ấy, tâm tình liền tốt lên, không còn sợ hãi nữa”.
Đường Thái Tông kinh ngạc hỏi: “Còn có cuộc gặp gỡ kỳ lạ như vậy sao? Nói trẫm nghe xem”.
Cao Thôi Sưu đáp: “Lúc nãy ở trong nước, thần đã gặp được Đại Phu của nước Sở thời Chiến Quốc, chính là Khuất Nguyên. Ông ấy nói: Bởi vì bản thân gặp phải tên hôn quân là Sở Hoài Vương mới trầm mình xuống đáy sông mà tự vẫn. Vậy mà nay thần gặp được vị Hoàng Thượng thánh minh, sao cũng xuống nước luôn rồi? Tiểu nhân biết Hoàng Thượng quả đúng là bậc thánh minh vậy nên mới không còn sợ nữa!”
Đường Thái Tông nghe xong không nhịn được bèn cười lớn, hết lời khen ngợi sự thông minh hài hước của Cao Thôi Sưu, đoạn truyền lệnh lập tức ban thưởng cho ông một trăm xấp tơ lụa.
Đường Thái Tông và La Hắc Hắc tiếp đoàn sứ thần Tây Vực
Khi Đường Thái Tông còn tại vị, trong cung có một cung nữ họ La, nàng gảy đàn tỳ bà rất hay và có một trí nhớ vô cùng tốt: bất luận là nhạc khúc gì, chỉ cần nghe qua một lần nàng sẽ nhớ kỹ nhạc luật, và có thể đàn ra đúng với giai điệu. Nhưng bởi vì cung nữ này có làn da “bánh mật” mà tự ti, luôn cảm thấy mình không xinh đẹp. Mọi người trong cung cũng thường gọi nàng là “Hắc Hắc cầm nương”. Tuy nhiên Đường Thái Tông lại không cảm thấy như vậy, ngược lại còn rất quý mến nàng, ban cho La Hắc Hắc làm nữ nhạc sư của hậu viện cung, chuyên hướng dẫn những cung nữ khác trong cung đàn hát.
Một lần có đoàn sứ giả của Tây Vực đến nhà Đường tham dự yến hội. Họ mang theo một nhạc sư chơi đàn tỳ bà. Không những người này có thể chơi được những nhạc khúc có độ khó cao, hơn nữa dây đàn tỳ bà của người này còn dày và cứng gấp đôi những cây đàn thông thường khác, cho nên khó mà đàn mô phỏng theo được. Trong lòng Đường Thái Tông hiểu được thâm ý của sứ giả nước Tây Vực: Họ biết trên lĩnh vực quân sự không phải là đối thủ của Đại Đường, nên muốn sử dụng âm nhạc trong yến hội để tỷ thí. Vì vậy Thái Tông đã sớm sắp xếp cho La Hắc Hắc ẩn thân sau ngai vàng nghe đối phương diễn tấu, sau đó chuẩn bị ứng phó.
Sau khi nhạc sư Tây Vực biểu diễn, ai ai cũng tán dương, ca ngợi không dứt. Nhưng Đường Thái Tông đột nhiên nói:
“Khúc nhạc này vốn dĩ được nhiều người diễn tấu rồi, sao không tấu lên một nhạc khúc tự sáng tác?”
Nhạc sư Tây Vực nghe xong bèn đàn một khúc mới, nhạc khúc nhẹ nhàng, biến hóa khôn lường, tiếng đàn giống như tiếng châu rơi xuống mâm ngọc, một lần nữa quần thần trong triều lại tấm tắc ngợi khen.
Thế nhưng riêng vua Đường Thái Tông lại thản nhiên nói:
“Ngươi nói đây là nhạc khúc ngươi tự sáng tác ra, nhưng Trẫm đã từng nghe nhạc sư trong cung diễn tấu qua không biết bao nhiêu lần rồi”.
Nói xong, ngài cho vời La Hắc Hắc sau màn trướng đến, đứng trước mặt chư hầu bốn phương và đoàn sứ giả Tây Vực mà đàn lại khúc nhạc lúc nãy nhạc sư Tây Vực đã vừa diễn tấu, dường như không chút sai biệt khiến cho toàn thể đại điện kinh ngạc ngỡ ngàng.
Sự hiện diện và tài năng đàn tấu của La Hắc Hắc khiến cho nhạc sư Tây Vực và đoàn sứ giả cảm thán khôn nguôi, chỉ có thể cáo biệt rời khỏi. Chư hầu bốn phương cũng khâm phục từ tận đáy lòng.
Sự kiện trong yến tiệc đó, sau này được Tây Vực loan truyền, tất cả mọi người đều tin tưởng rằng Đại Đường đầy rẫy nhân tài, Đường Thái Tông Hoàng Đế lại cơ trí tài ba, khó mà không phục. Từ đó các nước lân bang liên tục tỏ ý kết chư hầu. Những nước trước đó còn chưa hàng phục cũng nguyện ý xưng thần.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Khải Phong biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/hoang-de-duong-thai-tong-va-nhung-cau-chuyen-cuoi-ra-nuoc-mat-trong-lich-su.html
Comment