chuyen-co-phat-gia-say-ma-ngo-dao-kia-say-tinh-tinh-ma-tranh-doat-ay-tinh-say
Chuyện cổ Phật gia: Say mà ngộ Đạo kìa say tỉnh, tỉnh mà tranh đoạt ấy tỉnh say
- bởi tamthuc --
- 11/05/2018
Chiều buông tịnh mịch. Chuông điểm ngân nga. Phía xa xa, rừng phong, khóm trúc đứng lặng im như tạc vào bức tranh hoàng hôn màu tím nhạt, vài cánh chim chấp chới bóng chiều bay mỏi…
Ở Kỳ viên Tịnh xá, sau khi giảng pháp cho chư tăng và cư sĩ khắp nơi tụ về, Đức Thế Tôn vào Hương Thất an nghỉ. Vừa đặt lưng xuống, Ngài bỗng nghe tiếng đập cửa ầm ầm, rồi tiếng la ó lè nhè của một gã phàm nhân nào đó, có vẻ như y đang say rượu.
Đức Thế Tôn nhủ thầm:
Kẻ say này có lẽ thừa lúc cổng mở, đã lẻn vào Tịnh xá.
Ở bên ngoài, kẻ say kia vẫn vừa đập cửa vừa la lớn:
– Ông Phật ơi! ông Phật!… Cho tôi làm Phật với! Cho tôi làm Phật đi mà!… Tôi cũng muốn… muốn… làm Phật! Khà khà! Bộ chỉ mình ông là làm Phật được thôi à?
Đức Thế Tôn ngồi dậy, ra mở chốt cửa. Thấy một gã say dơ dáy, y phục tả tơi, Ngài động lòng trắc ẩn gọi thị giả A Nan:
– Này, A Nan! ông tắm rửa, cạo tóc và thay cho vị thí chủ này một bộ y phục sạch. Rồi tìm cho anh ta một chỗ nằm nghỉ.
A Nan vâng lệnh. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, cạo tóc vận y, gã say được đưa đến một gốc cây im mát trong tịnh xá. Gã đánh một giấc ngon lành cho đến sáng hôm sau mà chẳng cần biết đến có trời đất sao trăng gì ở trên kia sất!
Khi tỉnh dậy, hắn bỡ ngỡ nhìn quanh thấy toàn thầy tu mặc áo vàng đi đi lại lại, vào ra tất bật trông đến hoa cả mắt.
Thốt nhiên hắn dòm lại mình, thấy cũng đang mặc y phục tăng nhân, lại sờ tay lên đầu thấy trụi lủi, cảm giác như gió đang lùa mát đến tận óc! Hắn kinh hoàng quá!
Không còn biết mình là ai, vội vàng quýnh quáng co giò bỏ chạy một mạch ra phía cổng. Các Tỳ kheo chạy đuổi theo bắt lại. Nhưng một số khác biết chuyện đã ngăn cản:
– Này, chư hiền, cứ để mặc cho hắn chạy đi. Hắn chỉ là một gã say, hôm qua Thế Tôn bảo tôn giả A Nan tắm rửa, cạo tóc đắp y vào cho hắn đấy!
– Thật thế sao? Tại sao Đức Thế Tôn làm chuyện lạ nhỉ? Biết hắn say mà vẫn tiếp duyên cho hắn xuất gia?
– Hãy để hắn đi cho khuất, rồi chúng ta sẽ đến thỉnh giáo đức Thế Tôn về việc này.
Thế là họ kéo nhau đến Hương Thất đức Phật mà bạch hỏi:
– Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không hiểu vì nguyên nhân gì mà Ngài lại tiếp duyên cho một gã say như thế? Xin Đấng Thiện Thế khai thị cho chúng con ạ?
– Này các Tỳ kheo, các ông dường như đang trách ta vì đã tiếp duyên tu hành cho một gã say. Nhưng ta hỏi các ông, trong lúc hắn say, tại sao không cầu chuyện gì khác, mà lại cầu được làm Phật? Như thế là hắn đã gieo một cái nhân tốt đẹp, ta phải tiếp duyên cho hắn, vì ta không hẹp gì mà không cho hắn phát nguyện làm Phật.
Vả lại, có bao nhiêu người “tỉnh” mà đâu có biết cầu được làm Phật như hắn? Vậy thì ai tỉnh, ai say? Huống chi, hắn có uống rượu vào mà say, thì bất quá chỉ say vài canh giờ rồi tỉnh lại. Cho nên, bệnh say của hắn, thì ta đây không cho là trầm trọng.
Trái lại, có biết bao nhiêu kẻ trên thế gian này, dù không uống rượu mà vẫn say, không phải say vài canh giờ như hắn, mà say muôn kiếp ngàn đời chưa tỉnh! Hỡi ôi! Cái bệnh say đó: say trong vô minh, say trong thất tình lục dục, say trong danh lợi phồn hoa, say trong bon chen nhân thế ấy… Ta mới gọi là một chứng bệnh trầm kha!
***
Chiều lại buông. Bóng tà dương tịch mịch. Từng đoàn cư sĩ hành hương và lữ khách du cảnh núi non, viếng thăm Tịnh xá lục tục rời chốn thanh nhàn trở về nhân thế. Này tâm tư trĩu nặng, này gối mỏi chân chùn lết thết xuôi theo từng bậc đá. Chẳng ai thèm để ý đến một người đàn ông vận bộ tăng phục mới tinh vẫn còn nguyên nếp gấp đang rảo bước phăm phăm, vượt lên từng bậc đá dốc đứng, đi ngược hướng cả đoàn người mà tiến về nơi đỉnh núi.
Phía xa xa mái Tam quan của Kỳ viên Tịnh xá ẩn hiện thấp thoáng sau làn khói mây màu lam tím. Tiếng chuông chiều ngân nga.
Quả đúng là:
Say mà ngộ Đạo, kìa say tỉnh
Tỉnh mà tranh đoạt, ấy tỉnh say
Xưa nay danh lợi nào theo mãi
Nhắm mắt luân hồi tay trắng tay
Bén duyên Đại Pháp, tu theo Pháp
Không uổng cơ duyên một kiếp này…
Đường Tân (biên tập)
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/chuyen-co-phat-gia-say-ma-ngo-dao-kia-say-tinh-tinh-ma-tranh-doat-ay-tinh-say.html
Comment