trung-than-can-gian-hoang-de-duoc-phuc-bao-chinh-phat-tren-lung-ngua-chu-khong-cai-tri-tren-lung-ngua
Trung thần can gián hoàng đế được phúc báo: ‘Chinh phạt trên lưng ngựa chứ không cai trị trên lưng ngựa’
- bởi tamthuc --
- 02/05/2018
Thân làm vua quan, nếu biết dùng tài năng địa vị của mình phân rõ thiện ác đúng sai, giúp đỡ muôn dân thì đều được mọi người kính trọng, “việc dữ hóa lành” và tạo phúc cho con cháu, tiếng thơm muôn đời. Giống như bậc hiền tài thời Thành Cát Tư Hãn, Gia Luật Sở Tài vậy.
Gia Luật Sở Tài (1189-1243), tự Tấn Khanh, hiệu Trạm Nhiên cư sĩ. Ông sinh tại Yên Kinh (nay là Bắc Kinh). Ông là hậu duệ của Hoàng tộc Khiết Đan, cháu đời thứ 8 của Da Luật Đột Dục Đông Đan vương nước Liêu. Cha ông là Da Luật Lý, một đại học giả đã Hán hóa ở trình độ cao, mãi tới năm 60 tuổi mới sinh ông.
Năm ông lên 3 tuổi thì cha mất, và mẹ ông đã một mình nuôi con lớn thành người. Nhờ chăm chỉ đèn sách, Gia Luật Sở Tài đã đậu Trung Giáp khoa Tiến sĩ. Ông có học thức uyên thâm, học được tri thức Nho, Đạo, Phật của người Hán.
Thành Cát Tư Hãn nghe danh tiếng của ông nên đã lệnh cho quân sĩ mời bằng được Gia Luật tới triều kiến năm 1218. Chỉ vừa mới gặp mặt, Thành Cát Tư Hãn đã rất ấn tượng trước thân hình cao lớn, tiếng nói sang sảng, dáng vẻ đĩnh đạc, lời lẽ gãy gọn khó ai sánh kịp của Gia Luật nên thân thiết gọi ông là “Ông râu dài”. Cuộc gặp mặt này đã có ảnh hưởng lớn đến công cuộc xây dựng triều đại Mông – Nguyên về sau.
Vốn được đánh giá là nhà quân sự nổi tiếng hung bạo và không khoan nhượng nhưng Thành Cát Tư Hãn phải “nhún mình” trước lý luận sắc bén, thông minh xuất chúng của Gia Luật Sở Tài. Chính người này đã góp phần dần dần cải biến Thành Cát Tư Hãn từ một bạo chúa thành một vị minh quân và xây dựng một đế chế Mông Cổ hùng mạnh dưới vó ngựa kéo dài từ Á sang Âu.
Một số giai thoại như sau minh chứng về sự thông thái anh minh của Gia Luật Sở Tài:
Thuận theo lòng trời, thực tập từ bi
Có một lần, quân Nguyên chinh phạt phía đông Ấn Độ, hành quân đến Thiết Môn Quan thì phát hiện một con thú rất kì lạ, chỉ có một sừng, thân hình giống như nai, đuôi lại giống như ngựa, biết nói tiếng người, bảo người thị vệ của Nguyên Thái tổ rằng: “Không nên tiến công vào vùng này, hãy xin hoàng đế của ông sớm ra lệnh thu binh mới là thượng sách”.
Thành Cát Tư Hãn nghe báo việc này cảm thấy hết sức kinh ngạc và khó hiểu, liền thỉnh giáo Sở Tài. Sở Tài đáp: “ Đây là con thú tốt lành, người ta gọi nó là Giác Thụy, có khả năng nói tất cả các thứ tiếng, biết yêu thích sự sống, chán ghét cái chết. Đây là điềm lành ngầm ý bảo hoàng thượng hãy thuận theo lòng trời, thực tập từ bi, bảo hộ bá tính vạn dân và sinh mạng của muôn vật”. Thành Cát Tư Hãn nghe tiên sinh nói thế, lập tức ra lệnh rút binh về nước.
Một lần khác, khi Gia Luật biết tin phần lớn quan sử ở các châu quận đều bạo ngược vô đạo, thường giết người một cách vô tội vạ, thậm chí xảo trá lấy vợ người, cướp đoạt tài sản… Quá xót xa, ông liền dâng biểu lên Nguyên Thái tổ xin hạ lệnh chấn chỉnh quan sử các châu quận, nghiêm cấm việc xâm hại dân chúng và tùy tiện giết người, lại yêu cầu tất cả các trường hợp dùng đến án tử hình đều phải trình lên hoàng đế xét duyệt, nếu ai trái lệnh sẽ bị xử chém. Sau khi Nguyên Thái tổ chuẩn y và ra chiếu chỉ, hành động bạo ác của quan sử ở các địa phương mới dần dần giảm bớt.
Lúc Nguyên Thái tổ xuất binh Nam chinh, Sở Tài dâng sớ xin phát lời kêu gọi những người trong hàng ngũ quân địch đầu hàng, đồng thời đề xuất ý kiến dùng cờ đầu hàng để phát cho những người chịu hàng thuận, rồi cho phép họ trở về quê hương chứ không giết hại, do đó bảo toàn được rất nhiều sinh mạng, mà việc chinh phạt cũng trở nên dễ dàng hơn vì giảm bớt sự kháng cự.
Sau đó, Nguyên Thái tổ mang quân đánh Biện Lương (nay là Khai Phong, Hà Nam), vị tướng cầm binh vì muốn trả thù sự chống trả quyết liệt của người Kim nên muốn ra lệnh phóng hỏa thiêu rụi cả thành, không để ai sống sót. Sở Tài biết chuyện liền lập tức dâng sớ lên Nguyên Thái Tổ nói rõ: “Mục đích xuất chinh của hoàng thượng là vì muốn mở rộng bờ cõi và nhân dân. Nếu như chúng ta thiêu rụi hết cả thành, như vậy mình chỉ được đất chứ không được người, thế thì đâu có tác dụng gì?”.
Thành Cát Tư Hãn xem tấu sớ rồi vẫn còn do dự chưa quyết định, Sở Tài liền tiếp tục trực tiếp can ngăn: “Tâu bệ hạ, trong thành này có biết bao những công trình kì xảo xinh đẹp, biết bao ngôi nhà chứa đầy vàng bạc châu báu, nếu như ta thiêu rụi hết cả thành, như vậy sẽ chẳng thu hoạch được gì cả, há không đáng tiếc lắm sao?”. Nguyên Thái tổ ngẫm nghĩ một lát, cho rằng lời của tiên sinh rất hợp lý, liền bác bỏ đề nghị đốt thành, lại hạ lệnh chỉ bắt tội những người chống đối, còn những ai đã quy thuận thì không truy cứu nữa. Nhờ đó đã bảo toàn được gần 150 vạn mạng người.
Lúc đó, số tù binh vượt ngục rất nhiều, quân Nguyên liền hạ lệnh bất cứ ai che giấu hoặc giúp đỡ tù binh chạy trốn đều bị giết sạch cả nhà. Sở Tài lại dâng sớ tâu lên Nguyên Thái Tổ: “Ngày nay Hà Nam đã được bình định, dân chúng đều là con của hoàng thượng. Những người tù binh vượt ngục cũng không biết trốn về nơi đâu, lẽ nào chỉ vì một người bỏ trốn mà giết oan rất nhiều người vô tội?”. Nguyên Thái tổ xem xong tấu sớ của Sở Tài, lập tức bãi bỏ mệnh lệnh đã ban ra.
“Chúng ta có thể chinh phục các triều đại trên lưng ngựa nhưng không thể cai trị cũng từ trên lưng ngựa”
Với những cống hiến của Gia Luật Sở Tài, Thành Cát Tư Hãn đã tin tưởng cho ông làm Tể phụ cho con trai thứ ba của mình, Oa Khoát Đài. Căn cứ vào chiến tích, người con thứ ba đã lên ngôi thay Thành Cát Tư Hãn khi vị đại hãn qua đời. Dưới thời Oa Khát Đài, hiệu Nguyên Thái Tông, Gia Luật Sở Tài vẫn tiếp tục dùng ảnh hưởng của mình để hướng vị vua mới theo con đường không chỉ đi chinh phạt mà còn xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị. Vị quân sư khẳng định: “Chúng ta có thể chinh phục các triều đại trên lưng ngựa nhưng không thể cai trị cũng từ trên lưng ngựa”. Và những lời ông nói đã được chứng minh hoàn toàn đúng đắn suốt 8 thế kỷ qua.
Năm 1244, năm thứ 3 đời Hoàng hậu Nãi Mã Chân, buồn vì sự ra đi của hiền thê cùng những muộn phiền trong chốn quan trường, Gia Luật Sở Tài đã qua đời, hưởng thọ 55 tuổi, ông ra đi mà dân chúng thời ấy đều xót thương rơi lệ. Cuộc đời của một trong những vị tướng, vị quân sư, vị quan đầy mưu trí và giỏi giang đã khép lại.
Sở Tài hầu cận bên vua, thường dùng lời mềm dẻo khuyên can mọi việc, giúp cho việc trị nước của vua được thêm phần nhân đức. Ông giữ chức Trung thư lệnh, sau khi chết được truy phong là Quảng Ninh Vương. Con trai ông làm tới chức Tả thừa tướng, 11 người cháu cũng đều được làm quan lớn. Ông được người đời sau tạc tượng để tưởng nhớ và tên tuổi được sử sách lưu danh với sự kính trọng sâu sắc. Đây phải chăng là phước báo lớn mà ông xứng đáng được hưởng vì tấm lòng chính trực, quảng đại, yêu thương muôn dân của mình.
Nhã Thanh tổng hợp
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/trung-than-can-gian-hoang-de-duoc-phuc-bao-chinh-phat-tren-lung-ngua-chu-khong-cai-tri-tren-lung-ngua.html
Comment