No icon

bi-mat-hong-lau-mong-bao-ngoc-hai-lan-du-ngoan-thai-hu-canh-ao-rot-cuoc-co-y-nghia-gi

Bí mật Hồng Lâu Mộng: Bảo Ngọc hai lần du ngoạn Thái Hư Cảnh Ảo rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Trong Hồng Lâu Mộng, có hai lần miêu tả tường tận về giấc mơ du ngoạn Thái Hư Cảnh Ảo của Bảo Ngọc. Lần thứ nhất là dùng hình thức dự ngôn để nói về số mệnh thiên định của các nhân vật nữ chính. Đương nhiên, không chỉ Bảo Ngọc mơ hồ không hiểu, mà ngay cả chúng ta cũng như vậy, tự hỏi rằng những bức tranh và văn tự trong quyển sổ vận mệnh kia rốt cuộc tiết lộ thiên cơ gì, và vì sao Tào Tuyết Cần lại lập ra những ẩn đố ấy?

Đọc hồi đầu tiên, đoạn Chân Sĩ Ẩn trong cõi mộng biết đá thiêng, hẳn chúng ta vẫn còn nhớ cuộc đối thoại mà Mang Mang đạo sĩ, tức vị thần tăng có liên quan với vận mệnh của Bảo Ngọc – Đại Ngọc – Bảo Thoa, đã dẫn dắt Bảo Ngọc đầu thai đến cõi người như thế nào, rồi lại luận bàn với Diễu Diễu chân nhân về nhân duyên giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc ra sao.

Bảo Ngọc lạc đến Thái Hư Ảo Cảnh, được Cảnh Ảo Tiên Tử gọi là Thần Anh thị giả. Trước đây Thần Anh chính là thành viên của nơi này, vì cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt mà động lòng trần, vậy nên mới có chuyện hạ phàm xuống nhân gian. Còn Đại Ngọc vì ân tình tưới nước Cam Lồ mà cũng theo chàng hạ phàm, nguyện dùng nước mắt cả một đời của mình để báo đáp. Bởi vậy biết bao nhiêu trai si gái oán vì để làm nổi bật màn kịch hoàn trả nước mắt này, mà cũng lần lượt chuyển sinh xuống nhân gian. Họ hoặc là trở thành chị em, hoặc là trở thành a hoàn bè bạn, đóng các vai diễn của mình, cùng nhau hoàn thành màn kịch lớn do duyên phận huyền ảo cấu thành nên.

Mượn màn kịch ấy, tác giả muốn nói nên sự ngắn ngủi của sinh mệnh và vinh hoa phú quý nơi thế gian con người. Cổ nhân vẫn thường nói “vô thường”, ý tứ là hết thảy mọi thứ mà con người thế gian chấp trước vào đều không lâu bền, không thể sở hữu lâu dài mãi mãi, đều là giả tướng hư vô ngắn ngủi. Từ đó, tác giả muốn nhắn nhủ người đời hãy nhảy thoát ra khỏi giả tướng, thoát khỏi biển khổ của hồng trần.

Bởi vậy, khi phác thảo kết cấu của bộ sách, Tào Tuyết Cần đã dùng hết bút mực tài hoa cả một đời, không lỡ để lạc mất một tình tiết nào, ví dụ như miêu tả tường tận về hoàn cảnh của Đại Ngọc trước khi bước chân vào Giả phủ, tang lễ trong cái chết của Tần Khả Khanh, nhà họ Tiết khi vào kinh thành, cách xử án của Giả Vũ Thôn đã biểu hiện ra quyền thế và phú quý của tứ đại gia tộc, v.v… Tào Tuyết Cần còn miêu tả một cách hết sức tường tận về cuộc sống xa hoa của đại gia tộc phú quý hiếm có này, đồng thời không ngừng nói cho chúng ta biết, những điều này chẳng qua chỉ là giả tướng hư ảo. Khi Đại Ngọc đến Giả phủ, Bảo Thoa theo đến cũng là vì thúc đẩy bản nguyện nhân sinh hoàn trả nước mắt của Đại Ngọc. Từ đó khiến người đời nhìn thấu giả tướng của hồng trần, thoát ly khỏi biển khổ của luân hồi, đến đây màn kịch hoàn trả nước mắt đã gần như đi vào quỹ đạo chính rồi.

Vậy nên trước khi bắt đầu diễn màn kịch này, nhất định phải để Bảo Ngọc trong mộng du ngoạn đến Thái Hư Ảo Cảnh, cho chàng biết trước số mệnh của các chị em bên cạnh mình. Cảnh Ảo Tiên Tử không những để chàng lật xem mỗi từng quyển sổ về vận mệnh của các chị em, nhìn thấy vận mệnh của 12 cô gái nhà phú quý mà Đại Ngọc và Bảo Thoa đứng đầu danh sách, cũng để chàng nhìn thấy vận mệnh của Hương Lăng và những a hoàn bên cạnh mình như Tập Nhân, Tình Văn, v.v. Vận mệnh của những cô gái này, đặc biệt là những tiểu thư con nhà phú quý đều được nhắc đến trong 12 quyển sổ chính, lấy Đại Ngọc xếp đầu bảng. Sau đó, Tiên Tử lại tiến thêm một bước, dùng 12 khúc hát trong “Hồng Lâu Mộng” mà không ngừng khải thị cho chàng, dặn chàng hãy ghi nhớ những ca từ này. Lời ca được hát trên thực tế chính là vận mệnh bất đắc dĩ của những cô gái con nhà quý tộc.

Trong mộng Bảo Ngọc du ngoạn đến Thái Hư Ảo Cảnh (Ảnh: youtube.com)

Dẫu là trong quyển sổ vận mệnh hay là lời ca, hết thảy đều lấy Đại Ngọc làm đầu bảng. Cuộc đời của Đại Ngọc ắt phải gắn liền với Bảo Thoa, là có liên quan chặt chẽ với nhau, không cách nào thoát ra được. Trên thực tế, khúc hát trong Hồng Lâu Mộng đã nói rõ một cách tường tận cụ thể hơn về số mệnh của những nhân vật nữ chính trong tác phẩm, kết cục cuối cùng hết thảy đã an bài. Khúc hát cuối cùng trong “Hồng Lâu Mộng” chính là “Phi điểu các đầu lâm” (Chim bay về rừng):

Quan thì cơ nghiệp suy tàn
Giàu thì vàng bạc cũng tan hết rồi
Có ơn, chết để trốn đời
Rành rành báo ứng những ai phụ lòng

Mạng đền mạng đã trả xong
Lệ đền lệ đã ròng ròng tuôn rơi
Oan oan đừng lấy làm chơi
Hợp tan đã trốn được trời hay chưa?

Gian nan là bởi kiếp xưa
Giá mà phú quý là nhờ vận may
Khôn thì vào cửa “Không” này
Dại thì tính mệnh có ngày mất toi.

Như chim khi đã hết mồi
Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành.

Đây chính là dự ngôn về kết cục cuối cùng của toàn bộ quyển sách: nhạc hết người đi, mỗi người đều tự có nhân duyên của mình. Đương nhiên Đại Ngọc nợ ân tình tưới nước Cam Lồ nơi thiên giới sẽ khóc cạn hết nước mắt, Bảo Ngọc cũng sẽ nhìn thấu hồng trần. Nhân duyên hễ hết, đường ai nấy đi, nào có chuyện thuận theo mong muốn của người đời? Đương nhiên Bảo Ngọc chuyển sinh vào nhân thế, từ sớm đã không còn nhớ Thái Hư Ảo Cảnh này chính là nơi chàng từng ở, cho nên không thể lĩnh hội được khải ngộ của Tiên Tử. Bởi vì chàng vẫn chưa diễn hết quá trình đến thế gian con người, chưa thật sự nhìn thấy được quá trình nhân sinh của những chị em bên cạnh mình. Vậy nên “Thạch Đầu Ký” ngày nay đã trở thành “Hồng Lâu Mộng”, trích từ cái tên trong ca khúc mà Cảnh Ảo Tiên Tử đặc biệt soạn cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc xác thực đã trải qua một kiếp nhân sinh ảo mộng giàu sang êm ấm nơi cõi người. Tên của ca khúc Hồng Lâu Mộng cũng xác thật đã chỉ ra nội hàm thật sự bên trong quyển sách này, bởi hàm nghĩa bề mặt của Hồng Lâu (lầu hồng) là tượng trưng cho gia tộc phú quý.

Những quyển sổ vận mệnh giống như ẩn đố và những ca khúc trong Hồng Lâu Mộng, mục đích là nhắc nhở chúng ta rằng, câu chuyện sẽ từng bước từng bước thuận theo những dự ngôn ấy mà diễn hết quá trình sinh mệnh của từng nhân vật chính. Cho đến khi chứng kiến kết cục của các nhân vật, sau khi trải nghiệm một cách hết sức rõ ràng sống động, thì sẽ để Bảo Ngọc du ngoạn Thái Hư Cảnh Ảo lần nữa, để chàng ngộ Đạo, đồng thời vén mở ra những ẩn đố trong quyển sổ và ca từ.

Lần thứ hai du ngoạn Thái Hư Cảnh Ảo, Bảo Ngọc ngay tức thời nhớ lại rằng trong lúc nằm mơ đã từng đến nơi này, nội dung bên trong quyển sổ số mệnh mà lúc đầu xem không hiểu cũng sẽ nhớ ra, cảm giác hoàn toàn chân thật. Những quyển sổ nhìn vào giống như là ẩn đố, nhưng điều được nhắc đến lại chính là số mệnh trời định của các cô gái mà Đại Ngọc là người đứng đầu bảng danh sách: Đại Ngọc khóc cạn nước mắt mà chết, Thám Xuân gả chồng xa, Nghênh Xuân gặp phải “sói Trung Sơn” bị giày vò hành hạ đến chết, quý phi Nguyên Xuân hưởng thụ phú quý ngắn ngủi tạm thời cũng sớm rời bỏ thế gian, Tích Xuân xuất gia, Tương Vân từ khi sinh ra đã là cô nhi nay lại phải ở góa trong khi tuổi còn thanh xuân, Vương Hy Phượng mưu mô toan tính ngược xuôi cả một đời, đến cuối cùng lại tài tận mạng vong, Tần Khả Khanh chết sớm, Xảo Thư suýt chút nữa bị cậu ruột bán đi, Diệu Ngọc gặp phải tai kiếp… Những cái kết vô tình và cảnh ngộ bất hạnh này, từng màn từng màn đều phát sinh ngay trước mắt Bảo Ngọc.

Màn kịch xoay quanh Bảo Ngọc cho người đọc trải nghiệm thật sống động “Sinh ly tử biệt” nơi thế gian. (Ảnh: youtube.com)

Sau khi trải qua hết thảy, Bảo Ngọc đột nhiên hiểu ra tình cảm chấp trước mãi không buông kia đều là thứ phù vân hư ảo. Dù cho con người có lưu luyến thế nào, thâm tình nặng nghĩa ra sao, đến cuối cùng đều không cách nào cải biến được số mệnh. Chấp trước mãi không buông, chỉ có thể kìm hãm bản thân trong nỗi thống khổ vô cùng. Vậy nên sau khi từ Cảnh Ảo trở về, con người chàng trở nên điềm tĩnh khác thường, thái độ đối với Tập Nhân và Bảo Thoa cũng hoàn toàn khác hẳn. Bảo Ngọc còn nói với chị dâu không cần phải lo lắng về khoa thi của con trai chị là Lan Nhi, bản thân chàng nhất định sẽ thi đậu, Lan Nhi cũng như vậy. Đó hoàn toàn là một thái độ đã nhìn thấu cõi trần, không còn bị mê lạc nữa. Vậy nên nhân lúc tham dự kỳ thi lớn chàng đã rời khỏi thế gian, đi theo vị Thần tăng rồi biệt tăm biệt tích, trên thực tế chính là trở về quê nhà ban đầu của mình nơi Thiên thượng.

Toàn bộ quyển sách lấy Bảo Ngọc làm trung tâm, từ việc nhìn thấu số phận trời định của các chị em bên cạnh mình, đến cuối cùng buông bỏ hết thảy chấp trước, ngộ Đạo quay trở về trời, qua đó nhắc nhở người đời đừng bị những thứ phù phiếm hư ảo nơi thế gian làm cho mê lạc. Ngộ Đạo quay trở về mới là mục đích của nhân sinh.

Vậy nên tác giả mới tỉ mỉ an bài hai tình tiết Bảo Ngọc du ngoạn Thái Hư Cảnh Ảo: Lần đầu tiên đặt ra dự ngôn, lần sau cùng là giải đáp dự ngôn. Kết cục về số phận của các chị em mà Đại Ngọc đứng đầu bảng là để khuyên bảo mọi người đừng nên chấp vào thế gian, chứ hoàn toàn không phải là đối đãi tiêu cực với cuộc sống nhân sinh của mỗi người.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Vũ Dương biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/bi-mat-hong-lau-mong-bao-ngoc-hai-lan-du-ngoan-thai-hu-canh-ao-rot-cuoc-co-y-nghia-gi.html

Comment