No icon

vi-sao-luc-to-hue-nang-khong-biet-chu-chua-tu-thien-nhung-cuoi-cung-lai-dac-dao

Vì sao Lục Tổ Huệ Năng không biết chữ, chưa tu thiền nhưng cuối cùng lại đắc Đạo?

Có những người chỉ là tiều phu, nông phu nghèo khổ, chẳng được học hành, cũng chẳng tham thiền, tụng kinh, trì chú mà khai công khai ngộ — Vậy bí quyết của trí huệ ở đâu?

Người tu Phật, tu Đạo, khi khai ngộ đắc Đạo thì trí huệ khai mở, biết được bí ẩn của vũ trụ, của nhân loại, biết được các kiếp của bản thân và người khác, thần thông đại hiển, vượt vòng tử sinh, đến bờ giác ngộ. Do đó trong văn minh nhân loại hàng nghìn năm qua, tu luyện luôn hấp dẫn lớp lớp người người mong muốn vượt qua cảnh giới của người thường, thoát khỏi cõi mê, bể khổ.

Tu luyện thường hấp dẫn giới trí thức. Xưa rất nhiều Nho sỹ, quan lại từ quan quy ẩn, giới quý tộc, hoàng gia và vua chúa từ bỏ vinh hoa tột đỉnh vào rừng rậm núi sâu tu luyện cũng không ít. Tuy nhiên tu luyện không phân biệt tuổi tác, giai cấp, dân tộc, tri thức. Có nhiều người tầng lớp thấp trong xã hội, không biết chữ cũng tu luyện, trong lịch sử cũng đã xuất hiện những bậc Giác Giả, cao tăng đắc Đạo xuất thân từ tiều phu, nông phu không biết chữ, chưa tu thiền mà khai ngộ.

Lục tổ Thiền tông Huệ Năng

Ngài Huệ Năng (638-713) đắc Đạo lúc chưa xuất gia, là vị Tổ thứ sáu của Thiền tông, môn đệ và pháp tự của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Ngài họ Lư, cha làm quan bị giáng chức đầy tới Lĩnh Nam làm thứ dân tại Tân Châu, rồi mất sớm. Do đó Ngài không được đi học như đám trẻ cùng lứa tuổi mà phải ngày ngày vào rừng kiếm củi đem đến chợ bán lấy tiền nuôi mẹ, nuôi thân, thật là khổ cực trăm bề. Vì vậy Ngài có thân hình gầy ốm, đen đủi, trông rất quê mùa.

Tới khi Ngài 24 tuổi, một hôm có người mua củi bảo Huệ Năng đem củi đến tiệm. Khi đem củi đến, khách nhận củi trả tiền, Ngài nhận tiền xong liền bước ra khỏi cửa. Lúc đó Ngài bỗng nghe tiếng tụng kinh, và khi nghe qua câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Nên không bám vào điều gì mà sinh ra tâm niệm), tự nhiên tâm Ngài liền mở mang sáng tỏ khác thường (kiến tính). Ngài liền quay lại tìm hỏi người tụng kinh, mới được biết rằng đó là kinh Kim Cương thỉnh tại chùa Đông Thiền từ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.

Xứ Lĩnh Nam là nơi sinh ra của rất nhiều cao nhân ẩn mình, chỉ xuất thân rất bình dị nhưng đã tu luyện đắc Đạo. (Ảnh: Wikipedia)

Sau nhờ nhân duyên nên Huệ Năng lại được người giúp đỡ tiền bạc để yên bề mẹ già mà an tâm đến chùa Đông Thiền.

Đi bộ gần hai tháng mới tới nơi, Ngài tới làm lễ Ngũ tổ, Ngũ tổ hỏi: “Ngươi là người phương nào, muốn cầu việc chi?”.

Ngài đáp: “Con là dân Tân Châu, xứ Lĩnh Nam, ở phương xa tới đây lạy Tổ Sư, chỉ cầu thành Phật, chẳng cầu việc chi khác”.

Ngũ tổ nói: “Ngươi là người xứ Lĩnh Nam, là giống man di, thành Phật thế nào được?”.

Ngài Huệ Năng nói: “Con người tuy có phân Bắc Nam, cái thân man di này đối với Đại sư tuy chẳng giống nhau, chứ cái tánh Phật nào có khác chi?”.

Lúc ấy Ngũ Tổ thấy mọi người vây quanh, nên bảo Ngài: “Ngươi hãy theo mọi người xuống nhà dưới làm việc”.

Nhưng Ngài Huệ Năng gặng hỏi thêm: “Chẳng hay hòa thượng còn dạy làm công việc gì nữa? Vì tự tâm con thường sinh trí tuệ, chẳng lìa tự tính tức là có phúc điền rồi”.

Ngũ Tổ nói: “Căn tánh của người dã man này thật là sáng suốt, ngươi chớ nên nói nữa, hãy đi ra nhà sau mà làm công việc đi”.

Nghe Ngũ tổ dạy thế, ngài Huệ Năng liền đi ra nhà sau, thì có một cư sỹ sai Ngài phụ trách công việc chẻ củi, giã gạo. Nhận những công việc nặng nhọc ấy, Ngài kiên nhẫn làm việc, vì đã từng làm việc cực nhọc quen rồi, nhất là việc bổ củi là công việc thường xuyên để tự nuôi sống bản thân trong suốt nhiều năm qua.

Mỗi lần giã gạo, nếu không có người phụ giúp, Ngài phải đeo trên lưng một số gạch đá cho đủ nặng mà giã, vì thân hình gầy ốm của Ngài không đủ nặng để đạp vổng đầu cối lên. Trải qua gần chín tháng như thế, Ngài không hề phàn nàn than thở với ai.

Ảnh minh họa: Powerapple

Sau này Ngũ tổ nói với các đệ tử rằng: “Ta nói cho đại chúng rõ, sự sống chết của người đời là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phúc điền chứ chẳng cầu ra khỏi biển khổ sống chết, nếu tánh mình mê muội phúc nào cứu được? Mỗi người hãy tự xem trí tuệ mình, lấy tánh Bát Nhã của bản tâm mình mà làm một bài kệ trình cho ta xem. Nếu ai hiểu đại ý, ta sẽ truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu, nối Huệ mạng Phật. Vậy các ngươi hãy đi làm kệ cho mau, chớ nên chậm trễ”.

Mọi người không ai làm được kệ, chỉ có thượng tọa Thần Tú, nghĩ mãi 4, 5 ngày mới viết lên bức tường phía nam nhà chùa bài kệ sau:

“Thân là cây Bồ Đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thời thời lau phủi sạch,
Chớ để bụi trần ai”.

Ngũ Tổ xem xong biết Thần Tú chưa khai ngộ, nhưng vẫn bảo mọi người trì tụng bài kệ này hàng ngày, sẽ đạt được nhiều lợi ích. Rồi bảo Thần Tú làm bài kệ khác, nhưng qua mấy ngày, Thần Tú không làm được bài kệ nào, lòng hoảng hốt, đứng ngồi không yên.

Mấy ngày sau, Huệ Năng đang giã gạo thì có một cư sỹ trẻ đi qua tụng bài kệ này. Ngài nghe xong biết người viết kệ chưa khai ngộ, bèn nói với cư sỹ trẻ: “Tôi cũng muốn chiêm bái bài kệ ấy để kết duyên đời sau. Tôi ở đây giã gạo, bổ củi đã gần chín tháng mà chưa từng đến nhà nguyện, mong huynh dẫn tôi đến chỗ có bài kệ để lễ bái”.

Khi hai người ra đến nơi, ngài Huệ Năng nói: “Tôi không biết chữ, xin vị nào đọc bài kệ giùm”.

Lúc ấy có quan Biệt giá tên là Trương Nhật Dung cất tiếng đọc lớn bài kệ, nghe rồi, ngài Huệ Năng lại nói: “Tôi cũng có một bài kệ vô tướng, mong ơn quan lớn viết giúp”.

Thấy Ngài quê mùa đen đủi, quan Biệt giá nói: “Ngươi cũng biết làm kệ sao? Việc này hiếm có”.

Nghe quan nói lời khinh miệt, Ngài trả lời rằng: “Muốn học đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chẳng nên khinh rẻ hàng sơ học. Có kẻ dưới bậc thấp mà thường phát trí huệ rất cao, có người bậc cao mà thường thường lại chôn vùi ý chí của mình. Nếu khinh người ắt có tội vô lượng vô biên”.

Trương Nhật Dung nghe Ngài nói có lý, không nói gì được nữa nên bảo: “Ngươi hãy đọc đi, ta viết giùm cho. Nếu ngươi đắc Pháp nhớ độ ta trước, đừng quên”.

Ngài Huệ Năng liền đọc lớn:

Bồ Đề cây chẳng có
Gương sáng đài cũng không,
Bản lai không một vật,
Nơi nào dính trần ai?

Bài kệ vừa viết xong, cả thảy mọi người tại đó đều nhốn nháo, kinh ngạc, khen hay, và rất lấy làm lạ, người người nói với nhau: “Lạ thay, người đen đủi quê mùa như thế, lại không biết chữ, mà làm kệ lại xuất thần như vậy!? Chúng ta chẳng nên xét người bằng diện mạo bề ngoài, bấy lâu nay chúng ta nào biết, và đã từng khinh dễ, sai khiến vị Bồ Tát xác phàm!”.

Con người khi buông bỏ mới là đắc Đạo, chứ không phải học cho nhiều những kiến thức lừa lọc. (Ảnh: Facebook)

Thượng tọa Huệ Viên

Thượng tọa Huệ Viên, họ Vu quê ở Toan Tảo, Khai Phong vốn làm nghề nông. Sau sư xuất gia ở chùa Kiến Phúc, bản tánh chậm chạp, trì độn nhưng làm việc rất chăm chỉ, cẩn thận.

Sư nghe Thiền đạo phương Nam rất hưng thịnh bèn xuất du đến chùa Ðông Lâm ở Giang Châu, bị tăng chúng trong chùa coi thường lắm. Một hôm sư hỏi huynh đệ rằng: “Thế nào là thiền?”.

Họ đùa: “Ði hỏi xem! Cái gì kêu được thì là thiền” (trong tiếng Hán, Thiền cũng có nghĩa là ve sầu).

Sư không hiểu, bèn ngồi quay vào tường suy nghĩ mãi cứng cả lưng. Sau vài tháng, sư đi ra sân chùa, bỗng trượt chân té nhào, bèn khai ngộ.

Sư nhờ một hành giả: “Tôi không quen bút mực, muốn làm một bài tụng, nhờ ông viết giùm lên vách”.

Hành giả cười bằng lòng viết:

Gặp lần này, gặp lần này!
Muôn lượng vàng ròng cũng tiêu ngay
Nón đội đầu, bao cột lưng,
Gió mát trăng trong đầu gậy quảy.

(Giá nhất giao, giá nhất giao.
Vạn lượng hoàng kim dã hợp tiêu
Ðầu thượng lạp, yêu hạ bao
Thanh phong minh nguyệt trượng đầu thiêu).

Ngay ngày đó sư rời Ðông Lâm. Ðến khi Thiền sư Tổng thấy được bài kệ, giật mình nói: “Có cao tăng đắc Đạo đến đây! Kệ hay quá! Không thể thêm gì vào nữa!”.

Thượng tọa khổ nhọc suy nghĩ, trong lúc suy nghĩ đã nhận ra chân Pháp, để lại bài kệ rời núi. (Ảnh: miui.com)

Bí mật của trí huệ

Lục Tổ Huệ Năng chưa một ngày tham thiền, tụng kinh, hàng ngày vất vả vào rừng kiếm củi nuôi mẹ già, chỉ ngẫu nhiên nghe được một câu trong kinh Kim Cương mà khai ngộ.

Thượng tọa Huệ Viên mới bước vào thiền, còn chưa hiểu thiền là thế nào, các huynh đệ đồng môn trêu đùa mà chẳng biết, cứ ngỡ là thật, ngồi suy nghĩ mà khai ngộ.

Cả hai Ngài khi khai ngộ, trí huệ đại hiển, vẫn không biết chữ, nhưng lại biết rõ bí ẩn của trời đất, nhân sinh, nhân loại, nhìn thấu cái mê chốn nhân gian, không gì không rõ, không gì không thấu tỏ, khiến các bậc đại sư, đại trí cũng phải bái phục, vái lạy xin được làm đệ tử.

Chúng ta cứ ngỡ học nhiều hiểu rộng, đọc hết sách Đông Tây kim cổ là có thể thành giáo sư, tiến sỹ, bác học. Nhưng biển học vô bờ, kiến thức nhân loại mênh mông, chỉ một môn học cũng đã không mò tới tận cùng được, nói chi đến biết hết kiến thức nhân loại? Cho dù có người thông minh tuyệt đỉnh, trí nhớ siêu phàm, có thể học hết kiến thức của nhân loại, thì rốt cuộc cũng chỉ là người thường, vẫn không thể trí huệ khai mở, thấu tỏ lẽ Trời, thoát vòng sinh tử, nhảy khỏi luân hồi, đến bờ trí huệ.

Nhưng có những người chỉ là tiều phu, nông phu nghèo khổ, chẳng được học hành, cũng chẳng tham thiền, tụng kinh, trì chú mà khai công khai ngộ — Vậy bí quyết của trí huệ ở đâu?

Hai Ngài có điểm giống nhau ở chỗ đều là người chân thành, thật thà, chất phác, thiện lương, và cả hai đều chịu khổ chịu khó nhọc. Khi có cái tâm muốn tu luyện, trở về với bản tính nguyên sơ, phản bổn quy chân, tu tâm dưỡng tính, nhẫn nại chịu khổ, thì tự khắc được các Thần Phật phù hộ độ trì mà tu thành viên mãn.

Phật gia có câu: “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới” (Phật tính một khi xuất ra thì chấn động khắp thế giới mười phương), các Giác Giả nơi Phật giới sẽ lặng lẽ gia trì. Chỉ cần họ tu tâm đoạn dục, bỏ chấp trước, duy trì thường hằng, ắt công thành viên mãn.

Lão Tử dạy: “Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi”, nghĩa là: Theo việc học thì ngày ngày thọ ích, tăng kiến thức, còn theo tu Đạo thì ngày ngày giảm bớt chấp trước, giảm bớt dục vọng. Giảm bớt chấp trước và dục vọng rồi, lại giảm tiếp, giảm đến vô vi là đắc Đạo.

Như vậy, học là tăng tri thức, kiến thức nơi xã hội người thường, còn tu Đạo là buông bỏ chấp trước, trừ bỏ dục vọng, danh, lợi, tình nơi xã hội người thường — Đó chính là bí mật của trí huệ!

Nam Phương

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/vi-sao-luc-to-hue-nang-khong-biet-chu-chua-tu-thien-nhung-cuoi-cung-lai-dac-dao.html

Comment