nguoi-xua-ly-giai-nhu-the-nao-ve-giac-mo
Người xưa lý giải như thế nào về giấc mơ?
- bởi tamthuc --
- 16/03/2018
Trong “Tề Vật Luận” ( 齊物論 – Luận về sự bình đẳng của vạn vật), một chương trong cuốn sách triết học Nam Hoa Kinh của bậc thầy Đạo gia và triết gia thời cổ đại Trang Tử, nhà hiền triết đã kết thúc bằng một đoạn văn khó hiểu, trong đó ông chiêm bao thấy mình làm một con bướm.
“Xưa Trang Châu chiêm bao thấy mình là bướm vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Châu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Châu. Không biết Châu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Châu? Châu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa”.
Sau khi tỉnh mộng, Trang Tử đưa ra câu hỏi tự vấn sau đây:
Không biết ông đã mơ mình là một con bướm hay con bướm đang chiêm bao là ông hiện tại?
Cả thiên niên kỷ đi tìm lời giải cho giấc mơ
Ông Carl Gustav Jung, nhà phân tích tâm lý học tiên phong của Thụy Sĩ cho rằng: “Thiên nhiên thường mơ hồ, nhưng không giống như con người, nó không biết lừa dối. Giấc mơ tự bản thân nó không ẩn chứa điều gì: Nó là một nguồn thông tin hiển nhiên, một thực tế tự nhiên rõ ràng”.
Ít nhất kể từ triều đại nhà Thương khoảng 4.000 năm về trước, người Trung Quốc cổ đại đã rất coi trọng những giấc mơ, và coi đó như một phương thức để khám phá thế giới linh hồn. Triều đình và tầng lớp quý tộc nhà Thương tin rằng giấc mơ báo hiệu điềm tốt hoặc điềm xấu, vì vậy họ đã tham vấn những viên quan am hiểu về giấc mơ để diễn giải ý nghĩa của chúng.
Theo “Chu Lễ” (Lễ nghi đời nhà Chu), một bộ sách kinh điển của Nho giáo được tuyển tập vào thời Chiến Quốc (475-221 TCN), giấc mơ được phân thành 6 loại riêng biệt. Trong một tác phẩm khác được viết vào thời Đông Hán (25-220 SCN), danh sách được mở rộng sang 10 loại. Vào thế kỉ 16, tác phẩm “Mộng Chiêm Dật Chỉ” (Những nguyên tắc đoán giải giấc mơ) đưa ra 9 loại. Giấc mơ được diễn giải khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh y học hay tôn giáo.
Giấc mơ điểm hóa
Các bậc Sư phụ trong Đạo gia được biết đến với phương pháp chỉ đạo tu luyện gián tiếp. Con đường tiến tới giác ngộ của họ thường qua giấc mơ chứ không phải qua lời nói trực tiếp. Với khả năng thức tỉnh giác ngộ trong các đệ tử một cách tự nhiên, khác với việc thông qua một bộ giáo lý cứng nhắc, trong các câu chuyện dân gian và truyền thuyết Trung Hoa, giấc mơ thường được coi là một cách nói ám chỉ hoàn cảnh của nhân loại trong cái thế giới “thực tại” này. Chính vì vậy, người ta mới có câu ‘nhân sinh như mộng’.
Với tác phẩm “Chẩm trung kí” (枕中记 – Câu chuyện bên trong chiếc gối) được viết vào năm 719 thuộc triều đại nhà Đường, tác giả Thẩm Ký Tế đã miêu tả một giấc mơ như vậy. Trong câu chuyện, một chàng trai đang buồn phiền vì thi trượt kì thi đình, đã gặp được một lão Đạo sĩ. Lão Đạo sĩ đưa cho chàng trai một chiếc gối thần kì. Nằm trên chiếc gối ấy, chàng trai trẻ chiêm bao thấy một cuộc đời đầy công danh lợi lộc.
80 năm nhanh chóng trôi qua trong giấc mộng, đến khi tỉnh dậy, chàng trai lại đối diện với lão Đạo sĩ và nhận ra một sự thật: Công danh và lợi lộc trong giấc mơ là không khác biệt so với những phần thưởng “thực tại” đạt được qua sự truy cầu vật chất. Sau khi tỉnh ngộ, vị học giả trẻ đã dành cả cuộc đời mình cho sự thăng tiến tâm linh vượt ra khỏi được mất trong thế giới trần tục.
Cũng được sáng tác vào thời nhà Đường, tác phẩm “Nam Kha Thái thú tự truyện” của Lý Công Tá kể về một chàng trai tên là Thuần Vu Phần với trải nghiệm tương tự. Có một lần Vu Phần uống quá chén, chàng bất giác ngủ thiếp đi. Trong mộng, chàng nhìn thấy hai vị sứ thần khoác áo bào màu tím (màu tím là màu biểu thị cho bậc hiền triết trong tín ngưỡng dân gian Trung Hoa) đưa mình lên xe ngựa của họ.
Hai vị Thần dẫn Vu Phần đến một thế giới bên trong cái lỗ cây rỗng. Tại đó, chàng trai trẻ được ban cho một cuộc sống hạnh phúc, quyền lực và thoải mái ở nơi đây. Chàng trở thành một vị quan và cưới công chúa. Tuy nhiên, khởi đầu đầy hứa hẹn này kéo dài không lâu sau khi Vu Phần bại trận trong cuộc chiến chống quân xâm lược, và vợ của chàng cũng quỵ ngã trước bệnh tật. Cuối cùng, khi bị triều đình thất sủng, chàng phải cáo quan về “quê nhà”.
Lên xe ngựa của hai vị sứ thần, chàng được đưa trở lại cõi trần. Khi quay ra khám xét cái cây rỗng, chàng nhận thấy rằng thế giới trong giấc mơ đó chỉ là một tổ kiến. Một cuộc đời đầy đủ vinh nhục đã trôi qua trong thời gian chỉ một giấc ngủ trưa. Sau khi hiểu được rằng sự thăng trầm của đời người không khác mấy so với những gì đã xảy ra trong tổ kiến, chàng quyết định rời làng và đi ở ẩn như một vị Đạo sĩ.
Rất nhiều giấc mơ, rất nhiều hiện thực
Như được ẩn chứa trong đoạn kết của “Nam Kha Thái thú tự truyện”, người Trung Hoa tin rằng giấc mơ không chỉ đơn thuần là sự tưởng tượng trong tiềm thức, mà đó còn là cả một thế giới hoàn thiện bên ngoài không gian chúng ta. Với sự tồn tại của những cảnh giới hoàn thiện này, một chủ đề quán xuyến trong việc đoán giải giấc mộng của người xưa là bản chất tương hỗ sau cùng giữa giấc mơ và hiện thực. Trong sự trầm ngâm của Trang Tử, cuộc sống tự nó có thể là những gì phản chiếu một thế giới lớn hơn, bên ngoài tầm với của ý thức con người.
Hơn 2000 năm Phật giáo đều giảng dạy về khái niệm luân hồi – con người được sinh ra trên thế giới này là dựa theo những hành động trong các kiếp sống trước. Thế giới chúng ta đang sống chỉ là một trong rất nhiều thế giới khác, những thế giới thực tại tương đương, và giấc mơ là con đường tiếp xúc với chúng.
Vạn vật đều bình đẳng
Trong “Tề vật luận”, Trang Tử viết rằng: “Khi chúng ta ngủ, các linh hồn sẽ giao tiếp với nhau”. Trong một thế giới liên tục thay đổi, giấc mơ sẽ trở nên thật hơn và hiện thực dần chìm vào giấc mơ. Một nền văn minh cũng giống như tổ của loài kiến, một giấc ngủ đêm có thể chứa đựng cả một đời trải nghiệm. Cái đẹp và cái xấu, hạnh phúc và đau khổ, ngay cả sự sống và cái chết đều có thể hòa trộn vào một dòng chảy liên tục của sự tồn tại không ngừng luân lưu.
Trong một giấc mơ, khi đối thoại với một chiếc đầu lâu biết nói, Trang Tử đã rất ngạc nhiên khi nghe đầu lâu miêu tả về cái chết giống như hạnh phúc chốn hoàng cung, có thể giúp nó thọ ngang Trời Đất. Khi hỏi chiếc đầu lâu xem nó có muốn trở lại kiếp người hay không, Trang Tử chỉ nhận được một câu trả lời đầy vẻ khó chịu:
“Làm sao ta có thể từ bỏ những vui thú của một vị vua để lại chịu nhận những đau khổ của kiếp sống con người?”.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Ngọc Mai biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-xua-ly-giai-nhu-the-nao-ve-giac-mo.html
Comment