-tuoi-khiem-thi-tuoi-thanh-tien-cuoc-doi-truyen-ky-hon-ca-tieu-thuyet-cua-truong-tam-phong
5 tuổi khiếm thị, 130 tuổi thành Tiên: Cuộc đời truyền kỳ hơn cả tiểu thuyết của Trương Tam Phong
- bởi tamthuc --
- 14/04/2018
Trương Tam Phong, người sáng lập Thái Cực Quyền, tiên phong đạo cốt, thần công cái thế, ông 5 tuổi bước vào Đạo môn, 30 tuổi xuất gia đi khắp đại giang nam bắc tìm kiếm tiên đạo, 67 tuổi gặp được Chân Sư, năm 130 tuổi mới triệt ngộ đắc Đạo.
Trương Tam Phong vì tu hành đắc đạo, đã triển hiện ra dũng khí và nghị lực phi phàm, những trải nghiêm chân thật của ông còn đặc sắc và truyền kỳ hơn cả những tình tiết hư cấu trong các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp.
Trong Minh Sử ghi chép, Trương Tam Phong là người Liêu Đông, dáng người cao lớn khôi ngô, tầm vóc như rùa, phần lưng tựa như chim hạc, tai lớn mắt tròn, bộ râu dài ngoằng giống như thanh kiếm vậy. Dù là ngày đông hay ngày hè, ông chỉ mặc một chiếc đạo bào, một chiếc áo tơi. Còn về ăn uống, dù là một thăng hay là một đấu, ông đều có thể ăn hết chỉ trong một bữa, có khi mấy ngày ăn một bữa, hoặc là kéo dài đến hai ba tháng mới ăn một bữa. Ông còn có hai đại tuyệt kỹ đọc đến đâu là nhớ đến đó, một ngày có thể đi cả nghìn dặm.
Nhưng rất ít người có thể biết rằng, Trương Tam Phong được người đời cho là “Thần Tiên sống” này, vì để tìm cầu Đại Đạo chân chính, đã phó xuất chịu đựng những gian khổ vất vả mà người thường khó mà tưởng tượng được.
Theo chính sử, các tác phẩm như Tam Phong tiên sinh bản truyện có ghi chép, những năm cuối thời Nam Tống, Trương Tam Phong sinh ra trong một hộ gia đình bình thường, 5 tuổi mắc chứng bệnh về mắt, hai mắt gần như đã bị mù. Có một vị đạo nhân tự xưng là Trương Vân Am nói với cha mẹ ông rằng: Đứa trẻ này căn cơ bất phàm, cần phải tu hành mới có thể thoát khỏi khổ nạn của thế gian.
Thế là, Trương Tam Phong liền đi theo Trương Vân Am, tu Đạo trong cung Bích Lạc do Trương đạo nhân chủ trì. Nửa năm sau, hai mắt của ông đã sáng trở lại, nhưng ông lại không sốt sắng trở về nhà, mà một lòng kiên trì tu hành. Trương Tam Phong tư chất vô cùng thông minh, ông học tập kinh điển Đạo gia, đọc đến đâu là nhớ đến đó, và cũng đọc sơ lược các quyển điển tịch của Nho giáo, Thích giáo, thông hiểu được nội hàm chân chính trong đó. Năm ông 12 tuổi, vị đạo trưởng đưa ông về nhà.
Từ đó trở đi, Trương Tam Phong phụng dưỡng song thân, tham gia khoa cử tìm kiếm công danh. Đến triều nhà Nguyên, ông được tiến cử là tú tài, nhậm chức huyện lệnh, quen biết qua lại với các quan đại thần trong triều, tiền đồ thênh thang rộng mở.
Nhưng công danh lợi lộc nơi thế tục chỉ khiến ông ngày càng cảm thấy ngán ngẩm. Trương Tam Phong từng nói: “Danh lợi xưa nay chỉ như bụi trần”, điều ông muốn hướng về là cảnh giới thanh tịnh và tự tại siêu phàm thoát tục.
Năm ông 30 tuổi, cha mẹ đều lần lượt qua đời. Sau khi chịu tang xong, lại có một vị đạo nhân thần bí họ Khâu đến ghé thăm, cùng ông đàm luận về Đạo pháp. Lúc này, Trương Tam Phong trần duyên đã dứt, không còn vương vấn ràng buộc. Sau khi chuyện trò kết thúc, ông quyết tâm buông bỏ vợ con, quan chức và tất cả gia sản, bước trên con đường tìm tiên cầu đạo.
Thế là, Trương Tam Phong mang theo một đàn một kiếm, tây đến Thái Hành Sơn, Hằng Sơn; đông đến Lao Sơn, Thái Sơn; nam du ngoạn đến Tung Sơn, Vương Ốc Sơn, không quản gian lao khó nhọc, đi khắp các núi non chùa cổ. Trải qua hơn 30 năm tìm kiếm, Trương Tam Phong năm 67 tuổi (năm 1314) đã đặt chân đến núi Chung Nam, gặp được Hỏa Long Chân Nhân vốn đã đợi ông ở đó khá lâu.
Vị đạo nhân thần bí đã dùng thời gian 4 năm, truyền thụ cho ông chân pháp tu luyện và bí quyết luyện đan. Sau đó, ông xuất sơn xuống núi vân du rèn luyện, mãi đến năm 1324, lại đặt chân lên trên núi Võ Đang tám trăm dặm.
Chân Nhân Thái Cực Trương Tam Phong, 5 tuổi vào đạo môn, 30 tuổi xuất gia tầm tiên cầu đạo, 67 tuổi gặp được chân sư, 130 tuổi mới triệt ngộ đắc Đạo. Những trải nghiệm chân thật của ông, truyền kỳ và đặc sắc vượt rất xa những tình tiết hư cấu được gia công trong các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp.
Kể từ sau khi Chân Võ Đại Đế tu đạo phi thăng, núi Võ Đang trải qua các triều đại lịch sử đều từng xuất hiện rất nhiều người tu Đạo nổi tiếng, ví như Doãn Hỷ đời nhà Chu, Đới Mạnh đời nhà Hán, Tạ Doãn đời Ngụy Tấn, Lã Động Tân đời nhà Đường, Trần Đoàn thời Ngũ Đại, Hồ Đào Huyền đời nhà Tống, v.v. Ở trong ngọn núi lớn chứa đầy linh tính và bầu không khí tu Đạo này, Trương Tam Phong ngồi đối diện vào vách tường 9 năm, năm ông 130 tuổi đã triệt ngộ đắc Đạo.
Ở trong núi, Trương Tam Phong truyền rộng Đạo Pháp, dẫn dắt các đệ tử tu sửa lại đạo quán sau chiến loạn, mang đến huy hoàng trước nay chưa từng có cho núi Võ Đang. Tên của ông với núi Võ Đang, từ đó đã gắn chặt với nhau.
Trương Tam Phong còn để lại tuyệt học võ thuật Thái Cực Quyền cho người đời. Vào thời xưa, đạo sĩ tu luyện có truyền thống học võ, tức là nội ngoại kiêm tu. Trong quyển Vương Chinh Nam Mộ Chí Danh, cuốn sách ghi chép về nội gia quyền sớm nhất có ghi lại, Trương Tam Phong năm hơn 70 tuổi mơ thấy Huyền Võ Đại Đế, vị chủ thần trấn giữa núi Võ Đang, đích thân truyền thụ quyền pháp thượng thừa cho ông.
Ngày hôm sau, Trương Tam Phong bị hơn 100 tên cướp vây đánh, ông phát quyền xuất chưởng vô cùng nhẹ nhàng mềm mại, lại có thể lấy một địch trăm, đại hiển thân thủ. Một ông già, tay không tấc sắt đánh bại hơn một trăm tên đại hán khỏe mạnh, uy lực của nội gia quyền có thể nói là xuất thần nhập hóa!
Hoàng Bách Gia, truyền nhân của Thái Cực Quyền trong Nội Gia Quyền Pháp nói, Thái Cực Quyền đã dung hợp tinh hoa võ thuật của hai gia phái Phật và Đạo, có thể lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương, trở thành môn võ thuật có một không hai trong thiên hạ.
Thái Cực Quyền uy lực vô cùng được luyện xuất lai như thế nào? Người luyện Thái Cực Quyền, trước tiên phải là người tu thân dưỡng tính. Trương Tam Phong có giải thích trong trước tác của mình rằng, luyện Thái Cực Quyền trước hết cần phải hiểu rõ huyền cơ của Thái Cực, sức mạnh của nó không nằm ở chỗ ra tay nhanh chậm, dùng lực lớn nhỏ, mà là phải tu luyện ra công năng của Thái Cực ở trong không gian khác. Lúc ra tay, ý ở trước quyền, dùng ý niệm phát huy công lực của quyền pháp, để cho đối thủ tự mình gục ngã, đạt đến cảnh giới “bốn lạng bạt nghìn cân”.
Thái Cực Quyền vốn là thần công “siêu phàm nhập thánh” mà Thần truyền cấp cho con người. Bởi Đạo gia là tu luyện theo kiểu đơn truyền, khẩu truyền tâm thụ là chính, bí mật trong nó trước nay thật khó để cho con người thường thăm dò mà biết được.
Theo các tư liệu lịch sử, Thái Cực Quyền truyền đến thời của Vương Chinh Nam, Vương chỉ truyền lại một thân võ công cho Hoàng Bách Gia. Một đời của Hoàng Bách Gia, đều không thể tìm được truyền nhân thích hợp, chỉ có thể tiếc cho Thái Cực Quyền trở thành “tuyệt kỹ” giống như “Quảng Lăng Tán” vậy.
Thái Cực Quyền hôm nay chỉ vỏn vẹn lưu lại chiêu thức, nhưng lại không có tâm pháp, bởi vậy không biểu hiện ra được uy to lớn và tinh thâm trong đó. Nhưng sự huy hoàng từng có của nó cũng đủ để người đời sau nhớ mãi trong lòng. Trên thế gian này, đã từng có Thần Tiên lưu lại một đoạn giai thoại truyền kỳ cho con người.
Theo NTDTV
Vũ Dương biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/5-tuoi-khiem-thi-130-tuoi-thanh-tien-cuoc-doi-truyen-ky-hon-ca-tieu-thuyet-cua-truong-tam-phong.html
Comment