No icon

duc-mong-ma-ngoi-cao-cong-nho-ma-huong-nhieu-khac-nao-gieo-mam-tai-hoa

Đức mỏng mà ngôi cao, công nhỏ mà hưởng nhiều khác nào gieo mầm tai hoạ

Mấy năm trở lại đây, trong xã hội có một hiện tượng phổ biến, đó là một số người kiếm được rất nhiều tiền nhưng sau một đoạn thời gian hầu như đều tan gia bại sản.

Vì sao có rất nhiều người tuổi còn trẻ đã sớm lìa đời? Vì sao có một số người vừa nổi danh lại tự tử? Vì cớ gì một số người vừa thăng quan tiến chức lại lâm bệnh nặng? Lại vì sao có một số người vừa mới sắm nhà lầu xe hơi lại bị tai nạn xe cộ mà qua đời? Rốt cuộc, nguyên cớ tại vì sao?

Chính là vì bốn chữ này: “Đức không xứng vị”.

Hết thảy những thứ như của cải, trí tuệ, địa vị của chúng ta, người xưa chỉ dùng một chữ “vật” để nói lên tất cả. Vật là tài vật, là của cải, “Hậu đức tái vật” (giàu đức mới có nhiều của cải), kỳ thực chính là điều mà chúng ta gọi là phúc báo, có nhiều đức mới có thể có nhiều của cải, mới có thể đưa đến phúc báo.

Nhưng ngược với “Hậu đức tái vật” là câu: “Đức không xứng vị”. “Vị” chính là những đãi ngộ mà chúng ta được hưởng, câu này có nghĩa là đức hạnh của chúng ta không xứng với phúc báo mà ta đang hưởng. Nói cách khác, cũng giống như một chiếc bàn có thể chịu tải trọng được 10 phần sức nặng, nhưng nay chúng ta đặt lên nó tới 20 hay 50 phần sức nặng, thì hỏi chiếc bàn sao có thể chịu nổi đây? Gánh một sức nặng quá sức mình như vậy, nó sẽ lung lay, nó sẽ biến dạng, đây chính là dấu hiệu báo trước của việc sụp đổ.

Theo Phật Gia giảng: tiền tài, quyền lực, danh vọng đều là do phúc báo của mình mà ra. Vậy nên không đủ phúc thì không thể đạt được. (Ảnh: usplash.com)

Nên biết rằng, tiền tài, quyền lực, danh vọng đều là do phúc báo của mình, đều là nhờ vào đức của bản thân mà có được, vậy chúng ta có được những thứ đó chưa? Dựa vào điều gì mà thừa hưởng chúng? Là dựa vào đức hạnh của bản thân, dựa vào những gì bản thân cống hiến cho xã hội. Chúng ta có thể hưởng thụ hết thảy, cũng là nhờ phúc báo của mình. Ví như chúng ta được ăn ngon, được mặc đẹp, những thứ này cũng được gọi là phúc báo. Người xưa từng nói: “Quý thức ăn, quý áo mặc”, chúng ta cần phải biết yêu quý nó, làm người phải biết quý, biết luyến tiếc phúc, chúng ta phải biết quý trọng phúc báo của mình, không nên đi tiêu hao nó một cách phung phí, dễ dàng.

Phúc báo cấp cho một người có nhiều đóng góp như vậy là thích hợp, là xứng đáng. Trong “Liễu Phàm tứ huấn” có một câu nói, đó là: “Bách kim tài phú tất thị bách kim nhân vật, thiên kim tài phú tất định thị thiên kim nhân vật” (người có gia sản tiền trăm thì ắt là người được định sẵn có tiền trăm, người có gia sản ngàn vàng thì ắt là người đã được định sẵn có ngàn vàng). Câu này mang ý nghĩa là, phúc phần của một người có bao nhiêu thì sẽ được hưởng bấy nhiêu, tất cả đều đã được định sẵn cả rồi, người giàu có ngàn vàng thì nhất định là phước phần của họ đáng giá ngàn vàng. Một người nếu như tự dưng mà hưởng thụ phúc báo, hoặc không biết hạn chế đi tiêu hao phúc báo của mình, thì rồi sẽ đến một ngày phúc báo kia hao mòn không còn lại gì, lúc này tai họa sẽ ập đến.

Vì sao lại có nhiều người giàu có, nổi tiếng đều ăn mặc đơn giản như vậy? Như tỷ phú Mark Zuckerberg chỉ thích mặc những bộ áo quần đơn giản, những người như vậy nội tâm rất khiêm tốn, họ càng ăn vận đơn giản thì nội tâm càng kiên định, càng an tĩnh. Ngược lại, có rất nhiều thanh niên, tuổi trẻ chưa từng trải sự đời, nhưng lại thích dùng những thứ xa xỉ, nào là hàng hiệu đắt tiền, nào là nhà lầu xe hơi. Trước khi hưởng dụng những thứ đó, đừng quên tự hỏi bản thân mình: Ta đã làm được gì cho xã hội, ta xứng đáng hưởng thụ những thứ này sao? Nếu không xứng đáng, thì chỉ có thể là đang tự tiêu hao mất phúc báo của đời mình.

Làm được bao nhiêu, đắc được bấy nhiêu. Đằng sau cuộc sống an nhàn hạnh phúc của một người là cả một quá trình không ngừng cố gắng. Nếu không xứng đáng, thì là đang tự tiêu hao phúc báo của đời mình. (Ảnh: pinterest.com)

Thời gian trước, nền kinh tế phát triển theo hình thức mở cửa, thoải mái, mọi người chỉ coi trọng mục đích, kết quả mà không quan tâm đến phương thức, hành vi. Người ta dám làm, dám nghĩ, dám thay đổi, rất nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ vào kiếm tiền bất chính. Nhưng những năm trở lại đây, kết cấu xã hội được điều chỉnh, cơ hội đầu cơ trục lợi ngày càng ít, rất nhiều người hoang mang, lúng túng không biết nên kinh doanh như thế nào, lại nghĩ đến việc đầu cơ trục lợi, chỉ lo sẽ có một ngày phải trả giá.

Nhưng trong số họ, có mấy ai ngẫm nghĩ rồi tự hỏi bản thân: Ta còn có đóng góp giá trị gì cho xã hội? Xã hội này thật tàn khốc nhưng cũng thật công bằng: Chỉ có người tạo ra giá trị mới có được giá trị. Đóng góp cho xã hội được bao nhiêu thì có thể an tâm hưởng thụ đến bấy nhiêu phúc báo. Một khi có phúc báo, thì không phải ta đi kiếm tiền mà là tiền tự tới với ta. Người xưa từng nói, người kiếm tiền chỉ được hai chân, còn tiền đi kiếm người được tới tám chân, đây cũng chính là đạo lý này.

Một người là làm thế nào để được giàu sang phú quý? Là từ bố thí mà có được, càng bố thí càng giàu có. Mà ngày nay, có rất nhiều người tuổi trẻ không đủ đức hạnh, chẳng đóng góp công lao gì cho xã hội, liền mù quáng truy cầu hưởng thụ, chỉ biết chú trọng ăn đắt mặc sang, không kể một năm du lịch nước ngoài bao nhiêu lần, ăn bữa cơm cũng tiêu mất một lượng tiền thật lớn, những việc này hết thảy đều là tự gieo mầm họa cho bản thân. Xin hãy nhớ thật kỹ rằng: Đức mỏng mà vị cao, công ít mà của nhiều, trí thiếu mà mưu lớn, đều là tai họa đang ẩn mình. Ý tứ chính là: Một người có phẩm đức thấp kém lại ngồi ở vị trí quan trọng, một người có công lao đóng góp rất nhỏ lại chiếm giữ nhiều của cải, một người trí tuệ kém cỏi nhưng lại nắm giữ quyền to, thì cũng là như đang ẩn nấp một mối họa lớn.

Ở đời, có nhân mới có quả. Đức mỏng mà vị cao, trí ít mà mưu lớn, lực yếu mà mang nặng, như vậy chuyện tốt đẹp sẽ không bao giờ tìm đến. (Ảnh: pinterest.com)

Ngày nay, giới trẻ, học sinh cũng như trẻ nhỏ, không cần biết bản thân mình như thế nào đều muốn mọi thứ phải tốt nhất. Một phân tiền cũng không kiếm được lại muốn thứ tốt nhất, sao có thể được? Đây là do đâu mà học được, do xu thế xã hội, do cha mẹ dạy, hay do thầy cô giáo dạy? Trẻ nhỏ là không hề biết, hưởng phúc nhiều thì sẽ gặp được kết quả gì? Cha ông chúng ta đã từng nói rằng, “giảm phúc, giảm thọ”, hưởng nhiều hơn sẽ hao tổn phúc báo, đây cũng là đạo lý.

Xin đừng quên rằng, tuổi thọ và phúc báo là năng lượng, cơ thể con người cũng là một loại năng lượng. Chúng ta ngày nay thể hiện tình yêu thương với con trẻ hoàn toàn trái ngược đạo lý thường ngày. Cha mẹ càng yêu chiều, con càng dễ sinh bệnh, càng dễ dàng gây họa, sinh mệnh càng yếu ớt. Vì sao có nhiều người tuổi đang trẻ lại lìa đời? Vì sao có nhiều người mới ngoài ba mươi tuổi đã đột phát bệnh nặng? Là bởi vì đem phúc báo, năng lượng tiêu dùng đã hao cạn rồi. Bởi vậy, một người chẳng hề truy cầu, chỉ ăn uống mộc mạc, mặc giản dị, như vậy mới thực sự có lợi cho bản thân mình. Gia Cát Lượng từng nói: “Tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức”, lấy sự an tĩnh của nội tâm để dưỡng thể xác và tinh thần, lấy tác phong sống tiết kiệm để mà dưỡng đức hạnh. Đây xem như là một đạo lý đúng đắn để làm người.

Chỉ có hiểu rõ đạo lý này, mới có thể hiểu được thế nào là phúc phần, thế nào là an tâm hưởng phúc. Cũng như Chu Dịch có viết: “Nhà làm việc thiện tất sẽ được hưởng nhiều phúc; nhà làm việc ác, tất sẽ gặp nhiều họa”.

Đức không xứng vị, tất sẽ có tai họa. Đức mỏng mà vị cao, trí ít mà mưu lớn, lực yếu mà mang nặng, như vậy chuyện tốt đẹp sẽ không bao giờ tìm đến.

Theo Soundofhope
Minh Phúc biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/duc-mong-ma-ngoi-cao-cong-nho-ma-huong-nhieu-khac-nao-gieo-mam-tai-hoa.html

Comment