No icon

le-thanh-tong-vi-hoang-de-den-tu-tien-gioi-p-tien-dong-chuyen-sinh-noi-tran-the

Lê Thánh Tông – vị hoàng đế đến từ Tiên giới (P.1): Tiên đồng chuyển sinh nơi trần thế

Là dân Việt Nam, hẳn không ai là không biết đến ông, người được mệnh danh là vị vua hiền minh nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Dưới thời ông trị vì, nước nhà thịnh trị, lân bang thần phục, quân sự hùng mạnh với binh uy áp chế bốn cõi, ngay cả nhà Minh cũng không dám vọng động. Trí tuệ của ông gồm cả quân sự, chính trị, kinh tế, thi ca…, không gì không thông hiểu, không gì không làm được. Vì sao ông có thể thành tựu được nhiều việc vĩ đại đến vậy?

“Quân quyền Thần thụ”, thiên tử chính là con Trời, là thụ mệnh Trời mà cai trị nhân gian, nên một vị chân mệnh thiên tử lẽ tự nhiên phải có trí tuệ và hiểu lòng Trời thì mới có thể giữ cho triều đại của mình thịnh trị lâu dài. Lê Thánh Tông chính là một vị vua như thế. Ông tuân theo Đạo Trời, tôn kính Thần Phật, nên triều đại của ông là triều đại cường thịnh nhất và cũng là giai đoạn ghi nhận nhiều giai thoại liên quan đến Thần Tiên và linh giới nhất. Tương truyền, Lê Thánh Tông là tiên đồng thác sinh từ thiên giới xuống trần gian trị vì nước Nam. Trong loạt bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm về gốc gác Thần Tiên của ông, xem có thấu hiểu được thiên cơ thú vị nào không nhé.

Phần 1: Tiên đồng chuyển sinh nơi trần thế

Trong thuật Lý Số bí truyền, tên và hiệu của một người chính là phản ánh cả tiền kiếp và tương lai của người ấy, thể hiện vận mệnh đã được định trước. Tên, hiệu và niên hiệu của vua Lê Thánh Tông dường như ẩn chứa những huyền cơ về nguồn gốc Tiên giới của ông…

Nguồn gốc Thần Tiên của Lê Thánh Tông được ghi lại trong sử như sau:

“Lê Thánh Tông (chữ Hán: 黎聖宗; 25 tháng 8 năm 1442 – 3 tháng 3 năm 1497) là con trai thứ tư của Lê Thái Tông. Mẹ của ông là Ngô Thị Ngọc Dao, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Cha bà là Ngô Từ, gia thần của Lê Thái Tổ, làm đến chức Thái bảo. Chị gái Ngô Thị Ngọc Dao tên Xuân, vào hầu Lê Thái Tông ở hậu cung. Ngô Thị Ngọc Dao theo chị vào nội đình, vua Lê Thái Tông thấy liền gọi vào cho làm cung tần.

Tháng 6, năm Đại Bảo thứ nhất (1440), Ngô thị nhập cung khi 14 tuổi, được phong làm Tiệp dư (婕妤), ở tại cung Khánh Phương. Sinh thời Ngô Tiệp dư sùng Phật giáo thường cầu tự, một hôm mộng thấy Thượng đế ban cho một vị tiên đồng, bèn có mang. Bà sinh Lê Tư Thành vào ngày 20 tháng 7 âm lịch (25 tháng 8 dương lịch) năm Đại Bảo thứ 3 (1442)”.

Cái tên nói lên nguồn gốc - Tiên đồng chuyển sinh nơi trần thế
Một hôm Ngô Tiệp mộng thấy Thượng đế ban cho một vị tiên đồng, bèn có mang. Bà sinh Lê Tư Thành vào ngày 20 tháng 7 âm lịch (25 tháng 8 dương lịch) năm Đại Bảo thứ 3 (1442)”. (Ảnh: )

Do có nguồn gốc cao quý nên vẻ ngoài của ông đã khác thường ngay từ nhỏ, “Đại Việt sử ký toàn thư” miêu tả: “Thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”.

Trong thuật Lý Số bí truyền, thì tên và hiệu của một người chính là phản ánh cả tiền kiếp và tương lai của người ấy, thể hiện vận mệnh đã được định trước. Vậy chúng ta hãy cùng nhìn vào tên của Thánh Tông và phân tích, biết đâu chúng ta có thể nhìn thấy nguồn gốc Tiên giới của ông.

Tên hiệu của Lê Thánh Tông tiết lộ căn cơ tu luyện

Ông có tên húy Lê Tư Thành (思誠), tên sử dụng trong các văn kiện ngoại giao với Trung Quốc là Lê Hạo (黎灝), hiệu Thiên Nam động chủ (天南洞主), Đạo Am chủ nhân (道庵主人), Tao Đàn nguyên súy (騷壇元帥). Ông có 2 niên hiệu là:

  • Quang Thuận (光順: 1460 – 1469)
  • Hồng Đức (洪德: 1470 – 1497)

Chữ Tư 思 trong Tư Thành gồm có chữ Điền trên chữ Tâm. Các trường phái tu Đạo gọi vùng bụng dưới là “đan điền”, khi tu luyện thì quán tưởng hết tâm ý vào đó lâu ngày sẽ thành đan, tức kết đan. Và chữ Thành 誠 có nghĩa là “thành tâm” tức là phải tu dưỡng tâm cho thành kính, thể hiện định lực và chính tín vào Thần của người tu. Tách chữ “Thành” này ra ta có bộ Ngôn 言 và chữ Thành 成 của “thành tựu”. Vậy phàm là những bậc chân tu muốn thành Đạo thì phải tu nơi Thân Khẩu Ý, mà quan trọng nhất là tu khẩu, là nơi phát ra Ngôn (lời nói).

Ghép 2 chữ lại thì ta thấy, rất có thể ông là một người kiếp trước từng tu hành, nhiều khả năng thuộc về Đạo gia.

Tên ông dùng trong văn kiện ghi là Lê Hạo 黎灝. Chữ Hạo này có nghĩa là to lớn, hay dùng trong chữ “hạo thiên”, nghĩa là bầu trời rộng lớn. Chữ gồm bộ Thủy 水 và chữ Cảnh 景 (gồm chữ Nhật 日, chữ Kinh 京 ghép lại) và chữ Hiệt 頁 nghĩa là đầu não. Khiến ta hình dung ra cảnh biển to lớn với mặt trời chiếu rọi nằm trong đầu não của một người.

Đạo Gia giảng thân thể người là một tiểu vũ trụ, và hơn thế nữa nơi trung tâm của đầu não là nơi chứa nê hoàn cung, là một nơi then chốt bậc nhất của tu luyện.

Nay nơi đầu lại có cảnh tượng mặt trời hùng vĩ trên biển cả mênh mông, chẳng phải là cảnh tượng người tu hành khai ngộ hay tu thành đến một cảnh giới cao nào đó là gì?

Và những người tu thành theo thuyết xưa sẽ được Thượng đế phong tước ở trên trời, liệt vào hàng Tiên ban. Vậy phải chăng các tên hiệu tiếp theo của ông cũng phản ánh điều đó?

Tên hiệu của Lê Thánh Tông tiết lộ căn cơ tu luyện
Các tên của vua Lê Thánh Tông đều có nội hàm rất sâu xa. (Ảnh: pinterest.com)

Lê Thánh Tông có các hiệu sau:

  • Thiên Nam động chủ (天南洞主): nghĩa là động chủ của trời Nam.
  • Đạo Am chủ nhân (道庵主人): nghĩa là chủ nhân của am tu Đạo.
  • Tao Đàn nguyên súy (騷壇元帥): nghĩa là thủ lãnh của Tao Đàn (gồm có 28 người tài giỏi nhất cả triều đình về văn thơ, con số 28 này giống với 28 vì tinh tú trong thiên văn học cổ đại Trung Hoa).

Các thánh vương trị vì thiên hạ nổi danh trong truyền thuyết tất cả đều là người tu Đạo (Nghiêu Thuấn, Thần Nông, Phục Hy, Hoàng Đế hay gần nhất như Lý Thái Tổ từ nhỏ cũng là đệ tử chân truyền của Phật môn) hay là người rất ưa chuộng Đạo thuật tu hành. Vì thế có thể nói rằng quốc gia chính là nơi tu luyện của vị đế vương đó, chính là động thiên phúc địa của bậc chân nhân đang đóng vai hoàng đế. Có lẽ vì thế mà các hiệu của Lê Thánh Tông hoàn toàn giống như hiệu của các Đạo sĩ tu Tiên nơi động đá (Thiên Nam Động Chủ, Đạo Am Chủ Nhân), hay là chủ của các tinh tú trong nhị thập bát tú.

Như vậy, giai thoại ở trên ghi nguồn gốc ông là tiên đồng được Thượng đế phải xuống trần gian có lẽ không phải là không có lý?

Niên hiệu của Lê Thánh Tông thể hiện trí tuệ của bậc tu hành đạt Đạo

Chưa hết, khi ông lên ngôi thì lại lấy 2 niên hiệu là Quang Thuận 光順 và Hồng Đức 洪德.

Niên hiệu nhằm thể hiện uy quyền cũng như năng lực của 1 vị hoàng đế trị dân.

Quang Thuận có thể hiểu nghĩa rộng là nền chính trị sáng rõ, bốn phương quy thuận (“quang thiên hóa nhật, tứ phương thuận chi”). Nhưng chúng ta đang tìm hiểu về gốc tích của Lê Thánh Tông nên cái tên này sẽ còn mang hàm nghĩa khác.

Chữ Quang 光 gồm có bộ Hỏa 火 ở trên và chữ Nhân 儿 ở dưới ghép thành, phải chăng người cầm ngọn lửa giơ cao trên đầu là Quang (sáng sủa)? Nhưng ánh sáng này không phải lửa thường, mà chính là trí huệ sáng suốt do tu luyện mà thành. Cũng có ý nghĩa là đức độ của bậc tu hành đó sáng soi khắp cõi cho nhân dân noi theo (Thuận). Cũng như Phật gia có câu: “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”.

Sang đến thời Hồng Đức là đỉnh cao của nền đại trị nhà Lê, Hồng Đức nghĩa là đức lớn trải khắp thiên hạ. Vậy người thế nào có thể có đức lớn nhường ấy để thiên hạ nương nhờ? Chính là người tu hành có thành tựu nên mới xứng đáng với ngai vị cửu ngũ chí tôn mà đem lại phúc lành cho muôn người trong nước mà thôi.

Lời bàn:

Vì sao Ngọc Hoàng Đại Đế phải tu hành 3200 kiếp, trải thêm vô số kiếp tích đức mới có thể chính thức lên ngôi Thiên Đế mà cai quản trời đất? Vì ngôi vị càng tôn quý dành cho người có đức càng lớn. Vì đức lớn đó phải trải khắp trời đất để triệu tỷ muôn ức vô số chúng sinh nương nhờ nơi đó mà sinh tồn. Nếu chẳng đủ đức thì chẳng phải trời sụp đất nứt hay sao?

Niên hiệu của Lê Thánh Tông thể hiện trí tuệ của bậc tu hành đạt Đạo
Thời vua Lê Thánh Tông, nước Đại Việt là một trong những nước lớn mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á, nguồn gốc sinh mệnh của ông cũng không hề tầm thường. (Ảnh: pinterest.com)

Thiên tử cũng vậy, vốn là thay mặt Thiên Đế cai trị nhân gian. Nên muốn ngồi lên ngai cao, muốn thiên hạ thái bình, quốc gia thịnh trị phải là đem đức của mình trải khắp thiên hạ thì mới làm được. Không phải bậc Thánh thì ai có thể làm thế. Do đó mới nói, thánh vương chính vị là vì thiên hạ trước chứ có phải vì bản thân đâu. Vì phúc trạch họ Lê sâu dày và thành tâm chính ý nên Thiên Đế phái tiên đồng hầu cận chuyển sinh xuống trời Nam. Vừa là phúc báo của dân Việt đã trải nhiều năm chiến chinh tao loạn, vừa là để tuyên dương cái Đạo và Đức của trời đất vậy. Thật là đáng kính thay.

Vậy mà ngày nay lắm kẻ ngôi cao chưa ấm chỗ đã nghĩ kế hút máu dân nghèo, giở trò quyền lực mà bòn rút quốc khố để vun vén cho túi tham không đáy. Hay đâu người làm Trời nhìn, từng tư từng niệm xấu tốt, mỗi hào mỗi tội đều ghi rõ trong sổ âm ty. Khi nhắm mắt trăm năm mới biết đời người là giấc mộng. Gia tài kia có khác chi đất bùn. Mỗi đồng tiền bòn rút là một lần nợ nghiệp tính lên người. Thân lại chẳng biết kiếp nào trả hết nợ nghiệp để mà siêu sinh đây. Quả thực đáng thương thay.

Tĩnh Thuỷ

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/le-thanh-tong-vi-hoang-de-den-tu-tien-gioi-p-1-tien-dong-chuyen-sinh-noi-tran-the.html

Comment