to-dong-pha-va-thien-su-phat-an-nhung-giai-thoai-de-doi-he-lo-ca-canh-gioi-cua-nguoi-tu-luyen
Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn: Những giai thoại để đời hé lộ cả cảnh giới của người tu luyện
- bởi tamthuc --
- 05/07/2018
Chuyện kể rằng Tô Đông Pha vốn có mối giao hảo với Thiền sư Phật Ấn, một thiền sư nổi tiếng đạo hạnh thời Tống. Giữa thi sĩ họ Tô và Thiền sư Phật Ấn đã để lại nhiều giai thoại thú vị, dưới đây là hai trong số đó.
Chuyện thứ nhất: “Phóng thí”
Một hôm, họ Tô sáng tác được một bài thơ lấy làm đắc ý lắm, bèn cho người mang tặng Thiền sư Phật Ấn đang tu ở chùa Kim Sơn. Nguyên văn bài thơ như sau:
“Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên”.
Tạm dịch là:
“Đảnh lễ bậc Giác Ngộ
Hào quang chiếu vũ trụ
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng”.
Thiền sư Phật Ấn xem xong bài thơ, chẳng nói gì, chỉ cầm bút phê vào đó hai chữ “phóng thí” (trung tiện) và cho người đem về trình lại Tô Đông Pha.
Đúng như Phật Ấn dự đoán, Tô Đông Pha xem xong lời phê, đùng đùng nổi giận, không nhịn được nên lập tức vượt sông để sang hỏi Phật Ấn cho ra lẽ.
Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: “Bài thơ của tôi sai sót chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ ‘trung tiện’ kia?”.
Thiền sư Phật Ấn cười khà khà: “Ông nói ‘tám gió thổi không động’ mà chỉ một cái ‘trung tiện’ đã phải bay sang sông rồi”.
Tô Đông Pha chợt ngẩn ra, hiểu thâm ý của Thiền sư Phật Ẩn nói rằng tâm mình chưa bất động.
Bát phong là tám ngọn gió đời, theo Phật Giáo, chúng bao gồm:
1. Lợi (lợi lộc)
2. Suy (hao tổn)
3. Hủy (chê bai chỉ trích)
4. Dự (gián tiếp khen ngợi người)
5. Xưng (trực tiếp ca tụng người)
6. Cơ (dựng việc giả để nói xấu người)
7. Khổ (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não)
8. Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan)
Chuyện thứ hai: Chuyện… đống phân bò
Một hôm, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn chơi và đàm luận với Thiền sư Phật Ấn cả ngày. Hai người ngồi kiết già đối nhau luận Thiền.
Đông Pha hỏi Phật Ấn: “Ngài thấy tôi thế nào?”.
Phật Ấn đáp: “Rất trang nghiêm, giống một ông Phật”.
Tô Đông Pha nghe nói, phấn khởi lắm. Phật Ấn hỏi lại: “Ông thấy ta ra sao?”.
Đông Pha thấy Phật Ấn mập tròn, lại mặc áo đen, bèn đáp ngay: “Giống một đống phân bò!”.
Phật Ấn không nói gì. Đông Pha cho rằng mình đã thắng một keo, lòng rất sung sướng, về nhà hớn hở nói với Tô tiểu muội là cô em gái: “Này muội muội, hôm nay anh đã thắng được hòa thượng Phật Ấn được một keo”. Nói rồi, ông thuật lại chuyện đối đáp vừa rồi.
Tô tiểu muội phận nữ nhi nhưng cũng là một bậc tài hoa xuất chúng, nghe vậy bèn cười nói: “Trời, anh thua đậm rồi!”.
Đông Pha tức khí mắng: “Ta làm sao mà thua? Nếu ta thua sao ông ấy không nói lại lời nào?”.
Tô tiểu muội hỏi: “Vậy em hỏi anh, Phật quý hay phân bò quý?”.
Đông Pha nói: “Đương nhiên là Phật quý rồi!”.
Tô tiểu muội nói: “Phật Ấn thấy Phật, còn anh thấy phân bò, thế có phải là anh thua không? Ấn lão hoàn toàn thắng còn gì nữa”.
Đông Pha tiu nghỉu, biết mình đã thua một keo nặng.
***
Tô Đông Pha là ai? Tên tục của ông là Tô Thức, hiệu Đông Pha. Ông là trí thức nổi tiếng sinh ra trong một gia đình khoa bảng thập phần tinh anh, thực đã chiếm hết cái giỏi của thiên hạ. Cả cha và em trai ông cũng đều là những kẻ văn chương nức tiếng thời Tống. Bản thân Tô Thức đỗ tiến sĩ năm 21 tuổi. Tô Đông Pha cùng cha và em ở trong số tám đại văn hào lớn nhất của Trung Quốc suốt bảy thế kỷ, từ thế kỷ thứ VII đến XIII.
Ông có tài đặt bút là thành văn, không cần lập dàn ý, hành văn cứ như nước chảy mây trôi không một chút trở ngại. Một trí thức, nhà thơ lớn đời Tống là quan chủ bạ Âu Dương Tu, hôm nào nhận được một bài văn của ông thì cả ngày sung sướng. Còn Hoàng đế Tống Thần Tông đến bữa ăn nào mà cứ cắm mắt vào bài vở, quên cả động đũa thì y như rằng là đang đọc văn của Tô Đông Pha.
Tô Đông Pha sinh ra trong một gia đình trí tuệ nổi tiếng như thế, bản thân ông ngoài tài viết văn thì trình độ thư pháp cũng vào loại thượng thặng, ông cũng là một họa sĩ nổi tiếng. Có thể nói về tài hoa bác học, thông minh hiểu rộng, đời Tống chẳng ai hơn được Tô Đông Pha.
Nhưng thói thường con người tài hoa trác tuyệt thì hay mắc thói cao ngạo, mục hạ vô nhân. Đó là điều mà thi hào dân tộc Nguyễn Du đã viết: “Có tài mà cậy chi tài”. Con người tài trí liếc mắt qua là có thể hiểu được đạo lý rồi.
Có gì đâu, “bát phong xuy” có nghĩa là: Thấy Lợi không sinh lòng ham muốn, được cũng chẳng mừng rỡ, khi mất (Suy) cũng chẳng buồn bã âu lo, tiếc nuối. Khi bị chê bai chỉ trích (Hủy) cũng chẳng cảm thấy khó chịu, nhưng khi được gián tiếp khen ngợi (Dự) hay được trực tiếp ca tụng (Xưng) cũng chẳng vì thế mà vui thích hay lên mặt kiêu căng. Ngược lại có bị người đời dựng chuyện, vu khống (Cơ) cũng không vì thế mà mất bình tĩnh. Gặp khổ cũng chẳng để vào lòng. Khi sung sướng (Lạc) cũng không hoan hỷ.
Tựu trung lại, mọi kích động bên ngoài đều chẳng động được đến tâm. Những điều này đối với Tô Đông Pha thì chẳng có gì khó hiểu cả. Lại cộng với khiếu văn chương triệu người có một thì làm ra một bài thơ 4 câu như ở câu chuyện đầu tiên có gì là khó?
Nhưng từ ngộ ra được chân lý cho đến khi làm được là một quá trình lao khổ, những can nhiễu đến nhân tâm cũng khiến người ta khổ ải không kém gì việc cắt vào da vào thịt. Người ta chưa buông bỏ được bao nhiêu dục vọng và định kiến, chấp trước thì làm sao có thể trụ tâm vững như núi đá trước bao nhiêu những khiêu khích lúc khổ lúc lạc kia. Và bậc chân tu như Thiền sư Phật Ấn hiểu rất rõ điều đó.
Tu là phải thực hành, mới biết thôi đâu có đủ. Cái đó thì Đông Pha đang thiếu. Phật Ấn cũng quá hiểu ông bạn mình nên buông một lời chọc ghẹo xem anh bạn họ Tô đối diện với chữ “Hủy” thế nào. Đúng như dự đoán, chữ “phóng thí” đã động được đến tâm cao ngạo của họ Tô. Một tình huống mà bậc chân tu chỉ cười xòa một cái là xong.
Cũng như Phật Thích Ca thuở sinh tiền, có lần bị một kẻ đến chửi mắng xối xả mà Ngài vẫn cứ bình tĩnh như không. Thế mà, ai biết khi còn là người thường, thì Ngài đã là người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc, đừng nói giờ đây Ngài đã vượt quá xa cảnh giới người thường. Thế nhưng bậc Đại Giác Giả ấy cứ điềm nhiên nghe kẻ kia mạ lỵ đến rát cổ bỏng họng. Đến lúc chửi hết cả ý rồi, kẻ ấy thắc mắc sao Ngài có thể không phản ứng gì, thì Đức Phật lại mỉm cười bình thản, chậm rãi buông một lời nhẹ như tơ: “Ông chửi ta, ta không nhận thì thôi”.
Lại như khi Phật Ấn bị Đông Pha gọi mình là đống phân bò vậy. Nếu mình đúng là đống phân bò, thì tự sửa mình. Nếu không đúng, thì thôi. Mình là gì đâu có phụ thuộc vào việc người khác tùy tiện định nghĩa. Cho nên, cũng lại một chữ “Hủy” đó thôi, mà Phật Ấn đã phản ứng hoàn toàn khác.
Vậy là trong khi thường nhân Tô Đông Pha hớn hở tưởng mình đã tranh tiên thì hóa ra ông lại thua thêm một keo nữa về sự độ lượng. Bây giờ thì không còn là lời bông đùa chọc ghẹo “phóng thí” nữa, Phật Ấn thấy trong Đông Pha có nhiều Phật tính, còn Đông Pha ngược lại chỉ thấy ở Phật Ấn một đống phân bò. Trong tâm một bậc chân tu luôn thấy phần Phật tính của chúng sinh, nào có phải vì họ không thấy khía cạnh “đống phân bò”. Còn trong tâm một thường nhân cay cú thì thấy bậc chân tu cũng như đống phân bò mà thôi.
Hai keo đối đáp Đông Pha đều thua trắng.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là Tô Đông Pha nhận thấy là mình đã thua, rõ ràng là khó hơn rất nhiều một kẻ tài năng tầm thường nhận thua. Nhưng không có điểm hóa của Phật Ấn, làm sao sau này họ Tô có thể ung dung nổi trước cảnh “lên voi xuống chó” của hoạn lộ để tinh hoa phát tiết ra những “Thủy điệu ca đầu”, “Tiền Xích Bích phú”, “Hậu Xích Bích phú”…
Than ôi, khen bậc chân tu Phật Ấn nhưng cũng phải thấy làm được như Đông Pha liệu có mấy ai?
Kẻ viết bài này dẫu hết sức tầm thường cũng không chắc mình có thể hoàn toàn bình tâm nếu nhận được một bình luận “phóng thí”. Mong là độc giả có thể làm được tốt hơn.
Tỉnh Thức
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/to-dong-pha-va-thien-su-phat-an-nhung-giai-thoai-de-doi-he-lo-ca-canh-gioi-cua-nguoi-tu-luyen.html
Comment