No icon

cam-ngo-tay-du-ky-an-y-it-nguoi-biet-dang-sau-chuyen-vua-duong-dao-choi-am-phu

Cảm ngộ Tây Du (Kỳ 13): Ẩn ý ít người biết đằng sau chuyện vua Đường dạo chơi âm phủ

“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.

Hồi 11 của Tây Du Ký là câu chuyện nói về chuyến đi Âm phủ của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Nếu không có chuyến đi này, thì cũng sẽ không có chuyện thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Vậy chuyến dạo chơi của vua Đường có gì đặc biệt?

Có bài thơ rằng:

“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,
Đời người, bọt nước khác gì đâu.
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má.
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.

Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả.
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu,
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ,
Ở thiện trời thương, lọ phải cầu”.

Thật thú vị, mỗi bài thơ ở đầu mỗi hồi của Tây Du Ký chính là tinh thần của hồi truyện đó. Hiểu được thơ là ta hiểu được ý tứ mà tác giả gửi gắm trong nội dung của hồi truyện. Đó là nét đặc sắc của Tây Du Ký.

Hồi 11 của Tây Du Ký là câu chuyện nói về chuyến đi Âm phủ của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Đây có thể nói là màn khai diễn trước chuyến đi thỉnh kinh của thầy trò Đường Tam Tạng. Thực ra, không có chuyến đi Âm phủ của vua Đường thì cũng không có chuyến thỉnh kinh. Tuy nhiên, lần lại lý do dẫn đến việc vua Đường phải “chơi” Âm phủ, chúng ta sẽ thấy nhiều điều thú vị.

Nếu vua Đường không xuống Âm phủ, tận mắt chứng kiến là có Âm phủ thật, nơi đó những kẻ gian ác lọc lừa đều bị báo ứng thảm khốc bằng nhiều hình phạt ghê sợ nơi 18 tầng địa ngục thì ngài có tin vào cái lý “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” hay không? Một vị vua bách chiến bách thắng đang có một sự nghiệp lừng lẫy, có được giang sơn gấm vóc từ thanh gươm yên ngựa thì có chịu tin rằng dù ngài là kẻ vô địch ở cõi người cũng không thể thoát khỏi một ngày bị phán xét công và tội bởi một thế lực khác còn quyền lực hơn: Âm phủ?

Nếu vua Đường không xuống Âm phủ, tận mắt chứng kiến là có Âm phủ thật, thì liệu ngài có tin vào cái lý “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” hay không? (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Từ đó mới thấy rằng: Cuộc đời ngắn lắm, và vinh quang nơi cõi trần cũng thế, chỉ tựa như bóng dáng một con tuấn mã phi vụt qua khung cửa sổ, chớp mắt đã mất dạng, hay như một bong bóng nước vừa sủi lên đã vỡ tan. Một đời người có thể tóm gọn trong một ngày, như câu đố của nhân sư: Con vật gì sáng đi bốn chân, trưa đi hai chân, chiều đi ba chân.

“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu
Đời người bọt nước khác gì đâu
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu”.

Bởi vậy, sau khi về lại dương thế, ngài mới tin rằng đời người chỉ như giấc mộng mà thôi. Như giấc mộng nổi tiếng của Trang Chu, nằm mơ hóa bướm nên gọi là giấc điệp. Không biết Trang Chu nằm mơ hóa bướm hay bướm mộng hóa Trang Chu? Rốt cuộc có là kiếp bướm hay kiếp Trang Chu thì cũng đều là mộng, mỗi kiếp chúng sinh cõi trần cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi. Nếu đời là giấc mộng ngắn ngủi thì còn tranh giành làm chi vô ích, chỉ tạo thêm nghiệp dữ để chịu hình phạt nơi Âm phủ. Chi bằng hãy hồi tâm chuyển ý làm việc thiện để tích đức, đừng như vua Đỗ Vũ, mất nước rồi hóa thành chim Cuốc kêu khắc khoải.

“Giấc điệp tàn rồi đời ảo cả
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ
Ở thiện trời thương lọ phải cầu”.

Trở về từ Âm phủ, vua Đường như biến thành một con người khác, ngài năng làm việc thiện: Ban lệnh đại xá thiên hạ, tha tử tù, thả cung nữ về quê lấy chồng, lại treo bảng cầu hiền. Đáng lẽ dương số của ngài đã tận, về lý thì nhờ Thôi phán quan giúp sửa sổ sinh tử nên thêm được hai mươi năm tuổi thọ. Nhưng nếu ngài không làm việc thiện thì sao xứng với số dương thọ tăng thêm? Chính là hợp với thiên ý: “Xưa nay làm phúc đều tăng thọ”.

Trở về từ Âm phủ, vua Đường như biến thành một con người khác, ngài năng làm việc thiện: Ban lệnh đại xá thiên hạ, tha tử tù, thả cung nữ về quê lấy chồng, lại treo bảng cầu hiền
Trở về từ Âm phủ, vua Đường như biến thành một con người khác, ngài năng làm việc thiện: Ban lệnh đại xá thiên hạ, tha tử tù, thả cung nữ về quê lấy chồng, lại treo bảng cầu hiền. (Ảnh: mofiin.com)

Nếu người xuống Âm phủ không phải vua Đường mà là một người khác, thì làm sao khi hồi dương có được ảnh hưởng đến cả nước đều làm việc thiện? Làm sao có đủ quyền hạn, sức mạnh quốc gia để tổ chức “đại hội thủy lục” như đã hứa để siêu độ cho những nạn nhân chết trận khi ngài đuổi hươu ở Trung Nguyên? Và đã làm việc thiện ấy thì ắt phải tôn Phật giáo lên hàng quốc giáo, phải có sẵn cao tăng Huyền Trang để nắm Phật Giáo với câu chuyện gia đình mà vua Đường biết rõ. Vì có tâm sốt sắng muốn làm việc thiện, tạo công đức cho muôn dân cõi Trung thổ thì mới cử Huyền Trang đi lấy kinh Tam Tạng của Đức Phật Tổ Như Lai ở Thiên Trúc.

Hình như ngài ngẫu nhiên vào vai người bảo trợ Phật Giáo và cuộc thỉnh kinh chăng?

Nếu bạn đọc chịu khó lần lại mạch truyện kể từ Hồi thứ 8, khi Tôn Ngộ Không sắp hết nạn 500 năm núi đè, thì Phật Tổ Như Lai mới hội chư Phật ở Linh Sơn và nói về ý định truyền kinh Tam Tạng cho người Nam Thiệm Bộ Châu. Từ đó, hai thầy trò Quan Âm Bồ Tát mới lĩnh mệnh để hội đủ các nhân vật sau này có mặt trong đoàn lấy kinh: Đầu tiên là ngựa bạch, rồi Sa Tăng, Bát Giới, Ngộ Không. Rồi xuất hiện Kim Thiền Tử – đồ đệ thứ hai của Đức Phật Như Lai kiếp này đã đầu thai làm nhà sư Huyền Trang. Tất cả họ đều từng là những Thần Phật vì buông lơi tâm tính mà bị giáng hạ xuống cõi trần. Đi lấy kinh là cơ hội để họ lập công chuộc tội, trở về và thậm chí vượt cảnh giới cũ. Đấy là những người đã được lựa chọn từ lâu lắm. Có nghĩa là ai có sứ mệnh của người ấy và đã đến lúc họ tái xuất.

Rồi “bỗng nhiên” xuất hiện hai anh đồ gàn ngâm vịnh thơ vui thú tiêu dao nơi núi non, miền sông nước ở ngoại thành Tràng An. Vui miệng rồi hai chàng lại “tình cờ” đề cập chuyện thầy bói Viên Thủ Thành giúp xem bói để ngày nào cũng đánh được cá. Cũng lại “tình cờ” nơi quãng vắng ấy một tên quỷ Dạ Xoa nghe được về báo lại Long Vương Kinh Hà. Ông này đánh cuộc với người thầy bói về chuyện mưa nắng và vì “tình cờ” có lệnh làm mưa của Ngọc Hoàng Thượng Đế đúng như người thầy bói đã đoán nên ông ta sẽ thua cuộc. Vì cố tình trái mệnh trời để mong thắng cuộc, Long Vương Kinh Hà phạm tội bị chém đầu. Và “tình cờ” người chém đầu hắn lại là thừa tướng Ngụy Trưng, sủng thần của vua Đường. “Tình cờ” hơn nữa, dù vua Đường đã triệu Ngụy Trưng vào cung nhưng ông này đã chém đầu Long Vương Kinh Hà trong giấc mộng. Và như vậy mới dẫn đến chuyện vua Đường bị kiện phải xuống Âm ty để đối chất. Ở đó, “tình cờ” đã có người bạn vong niên của Ngụy Trưng là Thôi phán quan nâng đỡ. “Tình cờ” là Long vương Kinh Hà cũng đã hết số trong sổ sinh tử nên vua Đường không bị rầy rà gì. Phần sau thì bạn đọc đã biết.

Liệu có thể chừng ấy nhân vật, chừng ấy sự việc tiếp nối liên hoàn nhau theo một logic chặt chẽ như vậy lại có thể là những việc “tình cờ” hay không? Giống như một vở kịch có lớp lang hoàn chỉnh nhất. Bạn đọc chắc cũng đã tự có câu trả lời.

Cho nên trên đời này không có việc gì là ngẫu nhiên, tình cờ hết. Đức Phật Tổ Như Lai là người đã an bài cho đoàn lấy kinh kể từ những sự việc đầu tiên cho đến 81 nạn mà sau này thầy trò Đường Tăng gặp phải. Nhưng trong sự an bài ấy, các Thần Phật là nhìn vào thái độ, tâm tính và hành động của những người lấy kinh để đánh giá ai đạt ai không.

Trên đời này không có việc gì là ngẫu nhiên, tình cờ hết. Đức Phật Tổ Như Lai là người đã an bài cho đoàn lấy kinh kể từ những sự việc đầu tiên cho đến 81 nạn mà sau này thầy trò Đường Tăng gặp phải
Trên đời này không có việc gì là ngẫu nhiên, tình cờ hết. Đức Phật Tổ Như Lai là người đã an bài cho đoàn lấy kinh kể từ những sự việc đầu tiên cho đến 81 nạn mà sau này thầy trò Đường Tăng gặp phải. (Ảnh: chatnews.net)

Có lẽ vì đã nhìn thấy an bài ấy ngay từ đầu nên Bồ Đề tổ sư, người thầy Đạo gia của Tôn Ngộ Không mới đặt pháp danh cho khỉ đá là Ngộ Không, một Pháp danh đậm chất nhà Phật, tức là ngộ ra cái lẽ “Sắc tất thị Không, Không tất thị Sắc” theo Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Rồi sau khi Ngộ Không thành đạo, ngài vội vã đuổi Ngộ Không đi sau khi tiên đoán những điều kinh thiên động địa về tương lai của y.

Ấy mới là:

“Đúng thay, thật đúng thay!
Ở lành quả gặp hay.
Lòng lành thường tha thiết,
Đường đẹp mở ra ngay.

Đừng có làm điều ác,
Hẳn ít chuyện chông gai.
Đừng bảo không báo ứng.
Quỷ thần đã an bài”.

Bình Nguyên

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/cam-ngo-tay-du-ky-13-an-y-it-nguoi-biet-dang-sau-chuyen-vua-duong-dao-choi-am-phu.html

Comment