-nguoi-bi-ket-tren-hoang-dao-bac-cuc-chi-mot-nguoi-song-sot-nho-dieu-nay
5 người bị kẹt trên hoang đảo Bắc Cực, chỉ một người sống sót nhờ điều này
- bởi tamthuc --
- 22/04/2018
Đầu những năm 1920, có một người phụ nữ bất đắc dĩ tham gia vào một cuộc thám hiểm tới hoang đảo Wrangel ở phía Bắc Siberia băng giá. Đoàn thám hiểm gồm 5 người cuối cùng chỉ còn mình cô sống sót sau 2 năm đối mặt với băng lạnh, cá sấu và gấu Bắc Cực. Đây được coi là câu chuyện sống sót thần kỳ nhất được ghi nhận trong lịch sử hiện đại.
Đảo hoang hiểm nguy
Nằm ở Bắc Băng Dương, cách bờ biển Siberia 100 dặm về phía bắc và cách hơn 250 dặm kể từ điểm gần nhất của Alaska, đảo Wrangel gần như đóng băng chỉ trừ mùa hè ngắn ngủi, cộng thêm sương mù bủa vây quanh năm khiến việc tiếp cận nó vô cùng khó khăn.
Cách đây hai thế kỷ, vào năm 1764, khi nhà thám hiểm người Cozak là Serrgeant Andreev phát hiện ra đảo này, từ đó đến đầu thế kỷ 20, có khá nhiều đoàn thám hiểm quyết tâm chinh phục nó, nhưng chưa có ai từng ở lại đảo vì lý do thời tiết khắc nghiệt và mối hiểm nguy từ các loài động vật hoang dã chực chờ cướp mạng sống những ai dám bén mảng tới đây
Thế nhưng đầu thế kỷ 20, nhà thám hiểm người Canada là Vilhjalmur Stefansson vẫn muốn chinh phục nó. Năm 1914, trong lần thám hiểm đầu tiên, con tàu chở đoàn thám hiểm húc phải băng, trong chốc lát nó đã bị các tảng băng khổng lồ quanh đảo nghiền nát, khiến nhóm thám hiểm phải sống trên hoang đảo 9 tháng trước khi được một tàu đánh cá đến cứu.
Năm 1920, với những trải nghiệm rút ra từ lần thất bại trước, Vilhjalmur Stefansson lên kế hoạch quyết tâm chinh phục đảo lần nữa, nhằm tuyên bố chủ quyền cho Canada, nên ông đã vận động chính phủ tài trợ cho cuộc thám hiểm này. Nhưng chính phủ Canada khi ấy đã từ chối vì cho rằng sứ mệnh này đầy rẫy nguy hiểm. Tuy vậy, ông vẫn không từ bỏ quyết tâm của mình.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Năm 1921, Stefansson tập hợp được một nhóm thám hiểm do chính ông lựa chọn. Nhóm gồm Allan Crawford (người Canada, 20 tuổi), Fred Maurer (28 tuổi), Lorne Knight (28 tuổi) và Milton Galle (19 tuổi) đều là người Mỹ, tất cả đều có kiến thức vượt trội trong các lĩnh vực địa lý và khoa học, cũng như kinh nghiệm thám hiểm, trong số đó có hai người đã từng tới Bắc Cực.
Mặc dù Stefansson thành lập đoàn thám hiểm và tài trợ cho sứ mệnh này, nhưng ông không có ý định tham gia đi cùng. Ông tuyển mộ thêm những người Eskimo có khả năng thích nghi tốt với hoàn cảnh khắc nghiệt và có kỹ năng săn bắn, dựng trại và hỗ trợ đoàn. Nhưng sát đến ngày khởi hành, chỉ có một người duy nhất nhận lời đi theo đoàn.
Ngạc nhiên thay, đó lại là một người phụ nữ 23 tuổi, nhút nhát, thuộc tộc người Inuit, cao khoảng 1m50, không biết chút gì về khái niệm “thám hiểm” hay “sinh tồn nơi hoang dã”. Ngoài ra, cô cũng không có chút kỹ năng nào về săn bắn, bẫy bắt hay dựng trại. Thậm chí, cô còn sợ súng và gấu Bắc Cực.
Tên cô là Blackjack-née Ada Deletuk, sinh năm 1898 tại làng Spruce Creek ở Alaska, một vùng đất xa xôi nằm ở phía bắc của Bắc Cực. Ada hoàn toàn không biết thế giới bên ngoài ngôi làng của cô, và là một người mộ đạo.
Ở tuổi 16, Ada kêt hôn với một người đàn ông cùng làng. Họ có ba người con, nhưng hai trong số đó chết yểu trước khi người chồng cũng bỏ cô ra đi, để lại cho cô cậu con trai út mắc bệnh lao. Ada Blackjack chấp nhận đi theo đoàn thám hiểm trong vai trò của một thợ may và đầu bếp chỉ để có tiền chăm sóc và chữa bệnh cho con. Hành trang duy nhất cô đem theo ngoài ít quần áo cá nhân và kim chỉ là cuốn Kinh Thánh .
Đoàn thám hiểm gồm 4 người đàn ông – những người từng có trải nghiệm quý giá về sinh tồn và kiến thức thám hiểm đã coi cô là một trở ngại và phiền toái cho chuyến đi của họ. Nhưng họ buộc lòng phải chấp nhận để cô đi cùng vì không tìm được người thay thế. Trước ngày khởi hành, họ chế nhạo Ada Blackjack rằng, cô sẽ không bao giờ có thể chịu đựng nổi gian khó.
Tuy nhiên, sự thật không hẳn thế.
Thảm kịch chờ đón họ
Ngày 9/9/1921, đoàn thám hiểm lên đường mang theo các trang thiết bị và thực phẩm dự trữ đủ dùng trong 6 tháng. Dựa trên lý thuyết của nhà thám hiểm Stefansson, thì nguồn thực phẩm này cùng với nguồn thịt tự săn bắn đủ giúp họ duy trì 1 năm trên đảo, sau đó sẽ có tàu tới tiếp ứng thực phẩm cho năm sau.
Stefansson dự diến cho đoàn thám hiểm ở lại đảo Wrangel trong hai năm – là khoảng thời gian cần thiết để luật pháp quốc tế thời ấy công nhận chủ quyền cho một đất nước có công dân sinh sống tại đây.
Theo kế hoạch, sau khi đổ bộ lên đảo Wrangel hoang vu, họ sẽ dựng trại, khám phá thực địa, thu thập mẫu đất và chời đợi cho đến khi Stefansson thuê một con tàu đến tiếp ứng nguồn thực phẩm cho đoàn thám hiểm vào mùa kế tiếp.
Ngày 16/9/1921, con tàu gặp nạn trên hải trình từ biển Chukchi đến đảo Wrangel khiến tàu bị chìm tức khắc. Nguồn thực phẩm dự trữ cũng bị mất theo. Họ buộc phải đổ bộ lên đảo, dựng lều, thiết lập trạm khí tượng, bắt đầu tìm kiếm thức ăn và chờ đợi tàu cứu viện.
Trong khi những người đàn ông săn ngỗng, cáo… để làm nguồn thức ăn dự trữ, thì Ada Blackjack vừa khâu vá, nấu ăn vừa hát Thánh ca. Họ đã trải qua vài tháng trên hoang đảo khá ổn, nhưng khó khăn bắt đầu khi nguồn thực phẩm dần cạn kiệt.
Tháng 1/1922, họ chỉ bẫy được vài con cáo, gấu và mòng. Tuy rất lo lắng, nhưng đoàn thám hiểm vẫn trông ngóng tới mùa hè, sẽ có tàu chở thực phẩm tiếp tế họ.
Ngày 2/6/1922, một cơn bão lớn đổ ập lên đảo, khiến một vùng biển rộng lớn quanh đảo Wrangel bị đóng băng. Hy vọng tàu tới tiếp ứng dần trở nên vô vọng, đoàn thám hiểm phải đối mặt với thực tế rằng, nguồn thực phẩm không thể đủ cho họ duy trì thêm 1 năm nữa trên đảo.
Đầu năm 1923, tình hình trở nên tồi tệ: Những cơn đói triền miên hành hạ mọi người và một thành viên trong đoàn là Knight bị mắc bệnh Scorbut (bệnh do thiếu vitamin C dẫn đến lở loét da).
Ngày 28/1/1923, Crawford, Maurer và Galle quyết định để Ada ở lại chăm sóc Knight, còn họ sẽ băng qua băng tuyết để tới Siberia tìm kiếm sự trợ giúp. Trong cái lạnh 56 độ âm, Ada giúp 3 người đóng gói đồ đạc lên xe trượt tuyết. Galle hứa với Ada rằng họ sẽ quay trở lại đón cô ấy. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, một cơn bão lớn càn quét đảo và từ đấy không ai nhìn thấy 3 người đàn ông ấy nữa.
Giữ vững Đức tin, Thần tích xuất hiện
Những tháng kế tiếp, Ada chăm sóc bệnh tình Knight trong vai trò 6 trong 1: Bác sĩ, y tá, bạn đồng hành, người giúp việc, người canh gác và thợ săn. Dù vậy, Knight vẫn đầu hàng số phận, để lại Ada cô độc trên hoang đảo, trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm: Băng tuyết, thực phẩm khan hiếm và nguy cơ bị gấu tấn công.
Để sống sót trong vùng hoang dã đông lạnh ấy, Ada lấy cát để giữ ấm chân, học cách đặt bẫy để thu hút cáo trắng, tận dụng khẩu súng của Knight để học cách bắn chim, bắt hải cẩu làm thịt dữ trữ, và dựng một chiếc bệ bằng gỗ làm nơi trú ẩn để có thể phát hiện những con gấu Bắc cực từ đằng xa. Cô còn tạo ra một chiếc thuyền làm từ những mảnh gỗ trôi dạt vào bờ. Thậm chí, cô mày mò cách sử dụng máy ảnh mà đoàn thám hiểm để lại và chụp khá nhiều ảnh, trong đó có những bức cô chụp chính mình.
Trong một bức ảnh tự chụp cô đứng ngoài lán trại, người ta có thể cảm nhận thần thái lạc quan của Ada, bất chấp hoàn cảnh nghiệt ngã với vô vàn hiểm nguy rình rập.
Ngày 20/8/1923, gần 2 năm sau ngày Ada tới đảo Wrangel, một tàu cứu trợ do Stefansson điều đến để giải cứu đoàn thám hiểm đã cập bờ. Có điều, họ chỉ có thể gặp được người phụ nữ duy nhất trong đoàn còn sống sót.
Nhưng điều làm đoàn cứu hộ kinh ngạc là, họ đã chứng kiến “ Ada đang làm chủ cuộc sống khá tốt trong môi trường khắc nghiệt không thể tưởng tưởng nổi, như thể ngay cả khi không có tàu cứu hộ đến, thì cô ấy vẫn có thể sống thêm ở đó 1 năm nữa, mặc dù CÔ ĐỘC trên hoang đảo thật sự là MỘT TRẢI NGHIỆM KHỦNG KHIẾP” – tờ Los Angerles Times viết năm 1924.
Sự trở về như một thần tích của cô là tâm chấn cho một loạt những lời ngợi khen và khâm phục của báo chí. Truyền thông ca ngợi cô như là “Người hùng”, “Người can đảm nhất”, “Nữ Robinson Crusoe”, nhưng người phụ nữ bé nhỏ ấy vẫn điềm tĩnh tránh xa sự chú ý và danh hiệu dành cho mình. Cô chỉ đơn giản cho biết: “Là một người mẹ, tôi cần phải sống để trở về với con trai mình” và nhấn mạnh rằng: Cô có Đức tin.
Cô tiết lộ, trong hai năm sống trên hoang đảo ấy, cô vẫn thường xuyên đọc Kinh Thánh, hát những bài Thánh ca và một mực giữ niềm tin vào Đấng Tối Cao luôn ở bên cô và tiếp cho cô thêm sức mạnh. Trong những thời điểm ngặt nghèo và suy kiệt về thể xác, cô vẫn giữ được tinh thần điềm tĩnh và lạc quan đối mặt với thực tại, điều mà bốn người bạn đồng hành của cô – vốn được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học và kinh nghiệm sinh tồn nơi hoang dã – đã không thể làm được.
Ada trở về đoàn tụ với cậu con trai Bennett và dùng khoản tiền lương cô được chi trả trong thời gian trên hoang đảo để chữa trị bệnh tình cho con. Trong khi nhà thám hiểm Stefansson và những người khác hưởng lợi từ câu chuyện về cuộc thám hiểm thảm khốc ấy, người hùng Ada Blackjack không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ việc khai thác câu chuyện của chính cô. Cô và con trai sống lặng lẽ trong cảnh bần hàn, dù vậy không ai nghe thấy cô ca thán hay mất đi sự lạc quan vào cuộc sống.
Năm 1972, người con trai Bennett qua đời vì đột quỵ ở tuổi 58. Gần một thập kỷ sau, ngày 29/5/1983, Ada Blackjack qua đời tại nhà dưỡng lão ở Palmer (Alaska), hưởng thọ 85 tuổi. Bà được chôn cất ngay bên cạnh người con trai Bennett của mình.
Có thể nói, sự sống sót thần kỳ của một người phụ nữ bình thường đã làm nên điều phi thường. Không ai có thể tin nổi người phụ nữ bé nhỏ ấy, không được trang bị bất kỳ chút kiến thức nào, lại có thể sinh tồn tới 2 năm trong một môi trường tiềm ẩn quá nhiều hiểm nguy như đảo Wrangel.
Câu trả lời thật rõ ràng. Ada có niềm tin mãnh liệt vào Đấng Tối Cao, niềm tin bất tử ấy đã che chở, bảo hộ cô bình an trước mọi nguy hiểm. Dù là ở phương Tây hay phương Đông, cổ nhân đều truyền lại rất nhiều truyền thuyết về Thần tạo ra con người. Thần Phật dạy con người hành thiện tích đức, và nếu một lòng tín ngưỡng Thần Phật và làm theo những điều Ngài khuyên dạy, cuộc đời bạn sẽ nhận được thiện báo.
Xuân Trường
Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/5-nguoi-bi-ket-tren-hoang-dao-bac-cuc-chi-mot-nguoi-song-sot-nho-dieu-nay.html
Comment