No icon

nha-vat-ly-khong-lo-the-ky-nen-tang-cua-khoa-hoc-la-duc-tin

Nhà vật lý khổng lồ thế kỷ 20: Nền tảng của khoa học là… Đức Tin?

Max Planck, cha đẻ Thuyết Lượng tử, từ lâu đã nói rằng đức tin là nền tảng của khoa học. Nhưng gần đây, Richard Dawkins, một giáo sư Đại học Oxford, tuyên bố điều ngược lại: đức tin là vô nghĩa. Vậy ai đúng, ai sai? Đây không phải một câu hỏi tôn giáo, mà là một câu hỏi khoa học và triết học đòi hỏi một câu trả lời rõ ràng…

Gần đây, trong một cuộc họp mặt bạn bè cũ lớp phổ thông, tôi giật mình khi được nghe một ý kiến hùng hồn: “Tôi không tin vào tôn giáo nào cả; tôi chỉ tin vào lý luận…”. Tôi trộm nghĩ, anh bạn này từng là một giảng viên toán của Đại học Bách khoa, năm nay đã 74 rồi mà sao còn bồng bột như trẻ thơ vậy? Điều nực cười là trước đó anh ấy còn nhắc đến “Định lý Gơ-đen” , để rồi lại phát ngôn hoàn toàn trái với tinh thần của Định lý Gödel như thế. Điều này chứng tỏ anh ấy chẳng hiểu gì về Gödel cả. Tuy nhiên, tôi phải cám ơn anh ấy, vì nhờ anh ấy mà tôi có cảm hứng để viết tiểu luận này.

Lâu nay, nhiều lúc tôi tưởng chủ đề ĐỨC TIN đã cũ lắm rồi, vì nó đã được thảo luận khá nhiều trên các diễn đàn học thuật khoa học, triết học, tôn giáo. Những người thông sáng lẽ ra phải tỏ tường lắm, nhưng hóa ra không phải. Một nghịch lý hiện ra trước mắt: chữ nghĩa nhiều đôi khi hoặc nhiều khi lại làm cho người ta trở nên tối tăm, bởi nó lôi kéo con người vào vương quốc lý luận rắm rối, thay vì dùng trực giác để đánh hơi sự thật, tức là dùng ĐỨC TIN để nhận diện chân lý. Trong bối cảnh xã hội chạy theo chủ nghĩa hình thức “sính chữ nghĩa”, “sính lý luận” như hiện nay thì hiện tượng “chỉ tin vào lý luận” như anh bạn tôi không phải là duy nhất, mà là một thực trạng của xã hội hiện đại, một “mốt thời thượng đóng bộ trí thức”, giống như không cận thị cũng phải đeo kính cận. Hệ quả là hình thành cả một tầng lớp “học giả” thích đề cao lý luận, hạ thấp vai trò của trực giác và đức tin! Đó là lý do để Albert Einstein phải lên tiếng phàn nàn:

  • “Tư duy trực giác là một món quà thiêng liêng và tư duy lý luận là một tên đầy tới trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà tặng” (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honors the servant and has forgotten the gift) [1] .

MAX PLANCK đức tin

Trong đám “học giả” ấy, nổi bật lên một nhân vật, đó là Richard Dawkins, một cựu giáo sư Đại học Oxford, nhà khoa học vô thần nổi tiếng nhất, một nhà bảo vệ thuyết tiến hóa kiên định nhất, và một kẻ ghét Thượng Đế đến mức có những phát ngôn làm cho hương hồn cụ Nietzsche ở thế giới bên kia có lẽ cũng phải giật mình nhỏm dậy. Chẳng hạn, trong một cuộc đối thoại tại Đại học Oxford năm 2012, Dawkins nói với Đức Tổng Giám mục Canterburry ở Anh:

  • “Cái mà tôi không sao hiểu được là tại sao ngài không thể nhìn thấy vẻ đẹp phi thường của ý tưởng cho rằng sự sống khởi đầu từ hư không ─ đó là một điều đáng kinh ngạc, tao nhã, đẹp đẽ, tại sao ngài lại muốn làm xáo trộn điều đó bằng một cái gì đó rắm rối như Thượng Đế?” (What I can’t understand is why you can’t see the extraordinary beauty of the idea that life started from nothing – that is such a staggering, elegant, beautiful thing, why would you want to clutter it up with something so messy as a God?) [2]
MAX PLANCK đức tin
Richard Dawkins. Ảnh: ytimg.com

Thật kinh ngạc! Hóa ra Richard Dawkins, một đại diện bênh vực thuyết tiến hóa mạnh mẽ nhất, đã không dừng lại ở chỗ cho rằng sự sống ra đời một cách ngẫu nhiên từ vật chất không sống như cái thuyết “Abiogenesis” của họ quả quyết, mà còn đi xa tới mức tuyên bố sự sống ra đời từ hư không (!!!).

Khi Stephen Hawking nói vũ trụ ra đời từ hư không, không cần có Chúa, tôi đã thấy khoa học đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng lắm rồi (vì nó bắt đầu chống lại những nguyên lý cơ bản của chính nó). Nhưng khi nghe Dawkins mô tả “vẻ đẹp phi thường” của hiện tượng sự sống ra đời từ hư không thì tôi giật mình nhận ra rằng Hawking vẫn còn tỉnh táo, trong khi Dawkins đã đạt tới mức điên rồ!

Thật mỉa mai, các nhà khoa học như Dawkins bác bỏ đức tin tôn giáo, nhưng lại muốn mọi người phải tin vào một chuyện quái gở phản khoa học như sự sống ra đời từ hư không! Hóa ra không phải các vị đó phản đối đức tin, mà đúng ra là các vị ấy chỉ phản đối đức tin của người khác, và muốn mọi người phải tin theo đức tin của mình ─ tin rằng sự sống hình thành ngẫu nhiên từ vật chất không sống (Abiogenesis), và bây giờ còn hơn thế nữa, tin rằng sự sống ra đời ngẫu nhiên từ hư không!

Tóm lại là các vị ấy có đức tin riêng. Nhưng dường như Dawkins không ý thức được rằng bản thân ông đang suy nghĩ theo đức tin, vì thế ông mới dõng dạc tuyên bố:

  • “Đức tin là vô nghĩa” (Faith is non-sense) [3] !

Tuyên bố trên của Dawkins hoàn toàn phản lại tư tưởng của Max Planck, một nhà vật lý lỗi lạc trong thế kỷ 20, cha đẻ của Thuyết Lượng tử. Vậy bất kỳ ai yêu sự thật đều không thể làm ngơ trước tuyên bố này. Hoặc Dawkins, hoặc Planck, phải có một người đúng, một người sai. Thật thú vị khi chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc này trong một bài báo nhan đề “Why would Max Planck Reject Richard Dawkins?” (Tại sao Max Planck sẽ bác bỏ Richard Dawkins) [4] của John Spencer, một Tiến sĩ Triết học về vật lý lượng tử. Sau đây là lược thuật nội dung cơ bản của bài báo đó.

Tại sao Max Planck sẽ bác bỏ Richard Dawkins?

Richard Dawkins nguyên là một giáo sư tại Đại học Oxford về phổ biến khoa học cho công chúng. Do đó, theo Spencer, chúng ta có thể giả định một cách hợp lý rằng ông biết rõ quan điểm của Max Planck về đức tin, bởi Max Planck là cha đẻ của vật lý lượng tử và là một trong những nhà khoa học quan trọng nhất trong lịch sử khoa học hiện đại. Nhưng thật không may, quan điểm của Dawkins về đức tin hoàn toàn trái với Planck nên chúng ta buộc phải phỏng đoán theo hai hướng: hoặc Dawkins biết rõ Planck hoặc không biết gì. Nếu Dawkins không biết gì về Planck thì vai trò đại diện cho khoa học trước công chúng của ông đáng bị nghi ngờ. Ngược lại, nếu ông biết rõ về Planck thì chắc chắn ông đã cố tình tảng lờ và có thể đã che giấu những ý kiến của Planck bất lợi cho quan điểm của ông. Vậy Planck đã nói gì? Đây, xin độc giả đọc kỹ từng chữ:

  • “Bất kỳ ai đã nghiêm túc tham gia vào công việc nghiên cứu khoa học dưới bất kỳ hình thức nào đều nhận ra những chữ sau đây được viết trên lối vào cổng của ngôi đền khoa học: Bạn phải có đức tin. Đó là phẩm chất mà không nhà khoa học nào được miễn trừ.” (Anybody who has been seriously engaged in scientific work of any kind realizes that over the entrance to the gates of the temple of science are written the words: Ye must have faith. It is the quality which the scientists cannot dispense with) [5]
MAX PLANCK đức tin
Max Planck, cha đẻ thuyết lượng tử. Ảnh: bigthink.com

Thiết tưởng quan điểm của Planck về đức tin trong phát biểu nói trên quá rõ ràng đến nỗi, bất kỳ ai đề cập đến đức tin trong khoa học mà tảng lờ ý kiến của Planck thì chắc chắn người ấy không công bằng và phi khoa học. Spencer nhấn mạnh: “Tảng lờ thông tin quan trọng này là hoàn toàn phi khoa học”. Vậy phải hỏi một lần nữa: Dawkins có biết Planck không?

Theo Spencer, vấn đề bất ổn chủ yếu của Dawkins không phải là ở chỗ ông ta đã sai khi ra sức chỉ trích nền tảng của tôn giáo, mà ở chỗ ông ta cố gắng suy nghĩ vượt quá khả năng của bản thân khi xem xét những vấn đề liên quan ở tầm mức sâu sắc hơn. Dawkins thích nói chuyện với những người mà ông ta tin rằng có thể dễ dàng điều khiển dẫn dắt họ hoặc coi thường họ, nhưng ông ta dường như không sẵn sàng hoặc không dám hoặc không thể đối đầu với sức mạnh trí tuệ của một nhân vật khổng lồ trong khoa học như Max Planck. Để kiểm chứng điều này, hãy thử tìm kiếm xem có một tài liệu tham khảo nào trong rất nhiều sách báo của Dawkins liên quan đến Planck không? Tuyệt nhiên không! Sự vắng mặt những tham khảo như thế chắc chắn là điều đáng ngờ.

Đây không phải là chuyện tầm thường, vì tầm vóc của Planck lớn đến mức buộc bất kỳ một người làm khoa học nào trong thời đại ngày nay đều phải biết. Những tiến bộ lớn nhất trong khoa học và công nghệ trong một trăm năm qua sẽ không thể xảy ra nếu không có cơ học lượng tử, trong đó Planck là một trong số những nhà khoa học có đóng góp lớn nhất, nếu không phải là người khởi xướng đầu tiên và chủ yếu. Chúng ta không thể mong đợi Dawkins trích dẫn tất cả mọi người, nhưng trong khi tuyên bố rằng khoa học đã nghiền nát tôn giáo mà bỏ qua các quan điểm của Planck về vấn đề này thì rõ ràng là Dawkins có một cái gì đó quan trọng để che giấu (hoặc sợ hãi).

Quỹ “Richard Dawkins vì Khoa học và Lý lẽ” (Richard Dawkins for Reason and Science) cũng vừa đăng một bài báo của Adam Lee. Lee mở đầu bài viết của mình bằng cách trích dẫn Planck (với một giọng điệu dường như độc quyền cho quan điểm vô thần của mình): “Một chân lý khoa học mới không giành chiến thắng bằng cách thuyết phục đối thủ của mình và khiến họ nhìn thấy ánh sáng, mà là vì đối thủ của nó cuối cùng sẽ chết, và thế hệ mới lớn lên sẽ quen thuộc với chân lý mới ấy ”. Tôi (Spencer) mạnh mẽ khuyến nghị rằng Lee (và nhóm Dawkins) hãy thực sự đọc cuốn sách gốc của Planck mà từ đó Lee đã trích dẫn. Đó là cuốn “Scientific Autobiography and Other Papers” (Tiểu sử tự thuật về khoa học và các công trình khác), xuất bản năm 1949. Nếu họ đã từng đọc cuốn sách này, họ sẽ dễ dàng (nhưng có lẽ không vui) phát hiện ra rằng Planck sẽ hoàn toàn không đồng ý với Dawkins và chủ nghĩa vô thần đương đại nói chung. Có thể ví việc Lee trích dẫn Planck với ý đồ ủng hộ chủ nghĩa vô thần là một việc bóp méo tư tưởng của Planck tương tự như trích dẫn Hitler để ủng hộ tư tưởng hòa bình. Nếu không tin thì xin để Planck tự nói lên ý kiến của ông:

  • “Trong khi các hoạt động của cả tôn giáo lẫn khoa học tự nhiên đều đòi hỏi đức tin vào Thiên Chúa thì đối với tôn giáo Chúa là điểm khởi đầu, và đối với khoa học Chúa là điểm kết thúc của mọi quá trình tư duy… Bất kể chúng ta nhìn vào đâu và xa đến đâu, không ở đâu chúng ta tìm thấy một sự mâu thuẫn giữa tôn giáo và khoa học tự nhiên. Trái lại, chúng ta có thể tìm thấy một sự tương hợp hoàn toàn tại chính những điểm quan trọng mang ý nghĩa quyết định. Tôn giáo và khoa học tự nhiên không loại trừ lẫn nhau, như nhiều người đương thời của chúng ta tin như thế hoặc sợ như thế; Tôn giáo và khoa học bổ sung cho nhau và cái này là điều kiện cần thiết của cái kia” (While both religion and natural science require a belief in God for their activities, to the former He is the starting point, to the latter the goal of every thought process… No matter where and how far we look, nowhere do we find a contradiction between religion and natural science. On the contrary, we find a complete concordance in the very points of decisive importance. Religion and natural science do not exclude each other, as many contemporaries of ours would believe or fear; they mutually supplement and condition each other) [6]

Một số tác giả vô thần khác cũng có giọng điệu giống Dawkins. Chẳng hạn trong cuốn “The End of Faith” (Sự cáo chung của Đức tin), Sam Harris tuy cũng đề cập đến cuốn sách của Planck, “Where Is Science Going?”, nhưng ông không chia sẻ với Planck những tư tưởng về đức tin, hoặc về mối quan hệ tương thích giữa khoa học và tôn giáo. Thậm chí ông còn buộc tội Planck là “có tội” vì đã quan tâm đến ý chí tự do (free will). Nhưng những kết tội vô lý đó càng cho thấy Planck là một thiên tài khoa học vĩ đại,… chứ không ấu trí như những nhà khoa học tầm thường.

Ý kiến trao đổi

Tôi đã gửi tới TS John Spencer ý kiến bình luận sau đây:

  • “Đây là một bài báo ngắn nhưng thú vị. Cám ơn TS John Spencer. Vâng, tôi cũng cho rằng Richard Dawkins sợ sự thật. Phần lớn các nhà tiến hóa cũng sợ sự thật. Họ cố gắng che giấu sự thật. Trong con mắt của tôi, những người như Richard Dawkins có một số kiến thức hàn lâm nhất định, nhưng kém minh triết và trực giác. Nếu chúng ta hiểu tư tưởng của Planck, Einstein, Gödel,… thì chúng ta không thể chấp nhận Dawkins và những người theo đuôi ông ta. Họ thật ngu xuẩn”.

TS John Spencer trả lời:

  • Đúng thế, nếu Planck, Gödel, và Einstein đúng (đặc biệt là Planck và Godel, và kể cả Einstein nữa khi tư tưởng của ông được hiểu một cách tổng thể thay vì phân mảnh), thì một số khía cạnh quan trọng trong các giả định của Richard Dawkins về thực tại phải sai. Tôi muốn nói rằng Dawkins, Sam Harris,… rất thông minh theo các tiêu chí học thuật phổ biến, và theo cách riêng của họ, cũng cố gắng tìm sự thật. Ngay cả Sir Roger Penrose, người ủng hộ cuốn sách của tôi, cũng ủng hộ một trong những cuốn sách của Harris. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, Dawkins và người vô thần nói chung không đi đủ xa trong việc theo đuổi sự thật. Một ví dụ: nếu lập luận logic dẫn tới kết luận logic của nó, thì chúng ta có thể khám phá ra rằng không có nền tảng logic cho logic, và không có nền tảng khoa học chặt chẽ nào cho khoa học . Một cái gì đó sâu sắc hơn bao quát cả khoa học và logic, mà nhiều nhà khoa học đi tiên phong trong vật lý hiện đại đã nhận thấy ở mức độ này hoặc mức độ khác. Thực tế là chủ nghĩa thần bí đích thực đã đề cao logic và khoa học. Tôi nhận ra rằng đó là một tham vọng lớn, và những ai muốn tìm hiểu điều này sâu hơn có thể nghiên cứu Luật Vĩnh cửu (Eternal Law). Toàn bộ khoa học và logic, khi được hiểu tới phần cốt lõi sâu sắc nhất của nó, nhất thiết phải quay lại với Cái Một (The One). Như Werner Heisenberg, cha đẻ Nguyên lý Bất định của Cơ học Lượng tử, người đoạt Giải Nobel vật lý năm 1932, đã viết: “…cuộc tìm kiếm Cái Một, để đạt tới cội nguồn cuối cùng của mọi hiểu biết, không nghi ngờ gì nữa đã đóng một vai trò tương tự trong nguồn gốc của cả tôn giáo lẫn khoa học” (the search for the “one,” for the ultimate source of all understanding, has doubtless played a similar role in the origin of both religion and science.) [7]

Bình luận bổ sung

1/ Tại sao John Spencer nói: “không có nền tảng logic cho logic”?

Ấy là vì mọi hệ logic đều phải dựa trên những tiên đề được thừa nhận. Sự thừa nhận này không phải là logic, mà là kết quả của trực giác, được số đông đồng thuận. Nói cách khác, mọi hệ logic đều phải dựa trên một nền tảng phi logic, đó là ĐỨC TIN đối với hệ tiên đề. Chẳng hạn:

Dựa trên niềm tin vào hệ 5 tiên đề do chính mình nêu lên, Euclid đã xây dựng nên Hình học Euclid, một thứ hình học mà Albert Einstein từng say đắm đến nỗi gọi nó là “cuốn sách nhỏ hình học thiêng liêng” (The Holy Geometry Booklet). Hệ 5 tiên đề này hình thành trong đầu Euclid hoàn toàn do trực giác. Không có bất kỳ một chứng minh logic nào cho hệ 5 tiên đề đó. Đã từng có nhiều tham vọng muốn chứng minh Tiên đề 5, nhưng sau hơn 2000 năm, tham vọng này đã hoàn toàn thất bại. Lúc ấy nhân loại càng thấy Euclid vĩ đại, không phải vì những chứng minh logic tuyệt đẹp của ông, mà vì cái trực giác thiên tài đã giúp ông liệt kê ra hệ 5 tiên đề đó, bao gồm Tiên đề 5 kỳ lạ.

Tiên đề phản tiên đề 5 cùng với 4 tiên đề còn lại của Euclid hợp lại thành một hệ tiên đề mới, làm nền tảng cho một thứ hình học mới, được gọi là Hình học Phi-Euclid, trong đó tổng ba góc trong một tam giác lớn hơn, hoặc nhỏ hơn 180 độ.

Câu chuyện về Tiên đề 5 và Phản tiên đề 5 là một trong những trang lịch sử toán học kỳ diệu nhất của nhân loại. Càng hiểu rõ sự kỳ diệu ấy bao nhiêu, càng thấy rõ vai trò của trực giác lớn bấy nhiêu. Qua đó sẽ thấy khoa học được khai phá chính bởi niềm tin vào cái mà trực giác khai phá, thay vì lý luận sách vở!

Dựa trên 3 định luật cơ bản của cơ học, Isaac Newton đã xây dựng nên Cơ học Newton. 3 định luật này được Newton và các bậc tiền bối khám phá ra nhờ quan sát và thí nghiệm, thay vì logic. Thông qua quan sát và thí nghiệm, các nhà vật lý TIN rằng vũ trụ tuân thủ các định luật. Đó là sức mạnh cơ bản của khoa học, và sức mạnh ấy dựa trên niềm tin cho rằng vũ trụ có trật tự, và có Đấng ban hành luật lệ, thay vì ngẫu nhiên vật chất tương tác theo các định luật. Không thể dùng logic để chứng minh 3 định luật Newton. 3 định luật ấy đóng vai trò như các tiên đề của Cơ học Newton, tương tự như 5 tiên đề của Hình học Euclid.

Toàn bộ khoa học dựa trên các tiên đề. Toàn bộ các tiên đề dựa trên trực giác và kinh nghiệm, tức niềm tin. Tóm lại, nền tảng của khoa học là ĐỨC TIN, như Max Planck khẳng định!

Đó cũng là lý do để Spencer nói “không có nền tảng khoa học chặt chẽ nào cho khoa học”.

Xem thêm:

2/ Tại sao Spencer nói khoa học nhất thiết phải quay lại với Cái Một (The One)?

Cái Một ở đây tức là Chúa, là Thượng đế, hoặc Đấng Sáng tạo, Đấng Thiết kế, hoặc Đấng Lập trình cho vũ trụ. Nhưng tại sao khoa học rốt cuộc phải quay về với Chúa?

Có hàng trăm câu trả lời đẹp đẽ và thú vị. Chúng ta sẽ thảo luận kỹ điều này trong một dịp khác. Tuy nhiên cần biết rằng Chúa không hiện ra cho chúng ta thấy Ngài, mà chỉ gửi tới chúng ta những thông điệp tế nhị dưới nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề là chúng ta phải tỉnh thức để nhận ra bản thông điệp đó. Albert Einstein đã mô tả bản thông điệp đó một cách hình tượng rất thú vị:

  • “Tự nhiên chỉ để lộ ra cho chúng ta thấy cái đuôi con sư tử. Nhưng trí óc tôi chẳng có gì để nghi ngờ sự tồn tại của con sư tử có cái đuôi ấy, mặc dù nó không thể để lộ bản thân nó cho chúng ta thấy, bởi vì kích thước quá khổng lồ của nó” (Nature shows us only the tail of the lion. But there is no doubt in my mind that the lion belongs with it even if he cannot reveal himself to the eye all at once because of his huge dimension) [8] .

Mỗi chúng ta đều có một chiếc antenna để nhận thông điệp của Chúa. Nhưng tùy theo định hướng của chiếc antenna của bạn, bạn có thể nhận được hoặc không nhận được bản thông điệp quý giá này. Blaise Pascal đã nói rõ điều này từ bốn thế kỷ trước:

  • “Chỉ có ba loại người: 1/ Những người đã tìm thấy Chúa và phụng sự Chúa; 2/ Những người chưa tìm thấy Chúa và đang tìm Ngài; 3/ Những người không tìm kiếm Chúa hoặc không tìm thấy. Loại người thứ nhất có lý trí và hạnh phúc; Loại người thứ hai có lý trí nhưng không hạnh phúc; và loại thứ ba là dại dột và bất hạnh” (There are only three types of people; those who have found God and serve him; those who have not found God and seek him, and those who live not seeking, or finding him. The first are rational and happy; the second unhappy and rational, and the third foolish and unhappy) [9] .

CHÚ THÍCH:

[1] https://quoteinvestigator.com/2013/09/18/intuitive-mind/

[2] https://www.telegraph.co.uk/news/religion/9102740/Richard-Dawkins-I-cant-be-sure-God-does-not-exist.html

[3] Xem tài liệu trong chú thích 4

[4] https://drjohnhspencer.com/richard-dawkins-faithnonsense-max-planck-faithfoundation-of-science/#comment-1214

[5] “Where is Science Going?”, Max Planck, 1932, trang 214.

[6] Scientific Autobiography and Other Papers, 1949, trang 184 và 185-186

[7] Phẩn thảo luận trong bài báo đã dân của TS John Spencer.

[8] http://www.azquotes.com/quote/601867

[9] https://www.azquotes.com/author/11361-Blaise_Pascal

Tác giả: Phạm Việt Hưng

Thông tin về tác giả:  Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/nha-vat-ly-khong-lo-the-ky-20-nen-tang-cua-khoa-hoc-la-duc-tin.html

Comment