phat-hien-te-bao-hong-cau-cua-khung-long-trong-hoa-thach-trieu-nam
Phát hiện tế bào hồng cầu của khủng long trong hóa thạch 75 triệu năm
- bởi tamthuc --
- 11/06/2015
Các nhà khoa học tại Anh vô tình phát hiện dấu vết còn sót lại của tế bào hồng cầu và collagen trong móng hóa thạch khủng long 75 triệu năm tuổi được khai quật ở Canada.
Theo BBC, mới đây các nhà khoa học tại trường đại học Imperial London, Anh đã phát hiện những cấu trúc hình quả trứng nhỏ xíu, cùng với một lõi đậm đặc hơn ở bên trong giống như tế bào hồng cầu. Các nhà khoa học khám phá ra cấu trúc này khi đang khảo sát móng vuốt hóa thạch của khủng long Theropod tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London.
Trong mảnh hóa thạch khác, họ thu được nhiều sợi dài tương tự như collagen có trong gân, dây chằng và da động vật ngày nay.
Nhóm nghiên cứu sử dụng máy phân tích quang phổ tìm hiểu thành phần hóa học của cấu trúc được xem là protein collagen và tế bào hồng cầu trong hóa thạch. Họ phát hiện những đoạn nhỏ có trong collagen trông giống axit amin, thành phần cấu tạo nên protein. Ngoài ra, các tế bào hồng cầu của khủng long Theropod rất giống với tế bào hồng cầu của loài chim emu hay còn gọi là đà điểu châu Úc, một hậu duệ của khủng long.
“Có một mối liên hệ rất đặc biệt trong nhóm động vật có xương sống, đó là tế bào hồng cầu càng nhỏ thì tốc độ trao đổi chất càng nhanh. Động vật có tỷ lệ trao đổi chất nhanh sẽ có xu hướng là loài máu nóng, ngược lại tỷ lệ trao đổi chất chậm hơn sẽ là loài máu lạnh“, một thành viên nhóm nghiên cứu là Maidment nói.
Giới khoa học từ lâu đã tranh luận với nhau về việc khủng long là loài máu nóng hay máu lạnh, nhưng họ vẫn chưa có kết luận chính thức về vấn đề này. Các tế bào hồng cầu trong nghiên cứu nhỏ hơn so với chim emu. Tuy nhiên, đấy là do chúng bị nhỏ đi và co lại theo thời gian.
Chúng ta vẫn chưa hiểu rõ mối quan hệ giữa kích thước tế bào hồng cầu và tỷ lệ trao đổi chất bên trong khủng long. Vì vậy, nhóm nhiên cứu cần một mẫu lớn hơn từ nhiều loài khủng long khác nhau để làm sáng tỏ chủ đề tranh luận.
“Hầu hết những con vật có họ hàng gần gũi sẽ mang cấu trúc collagen tương tự nhau. Nếu chúng ta có thể trích xuất một số collagen và tìm thấy chúng ở nhiều loài khủng long, nó sẽ minh chứng cho mối quan hệ giữa các cá thể trong họ hàng của loài khủng long“, Maidment cho biết.
Video dưới đây là ảnh hiển vi điện tử được xây dựng lại thành các hình dạng 3D dựa trên các bộ phận nối tiếp thực hiện giống như các cấu trúc tế bào hồng cầu.
Theo VNE
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/phat-hien-te-bao-hong-cau-cua-khung-long-trong-hoa-thach-75-trieu-nam.html
Comment