tro-choi-co-that-truyen-nam-o-trung-quoc
Trò chơi cổ thất truyền 1.500 năm ở Trung Quốc
- bởi tamthuc --
- 24/11/2015
Các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện các phần còn lại của một trò chơi bí ẩn, đã biến mất cách đây 1.500 năm, tại một hầm mộ 2.300 tuổi ở tỉnh Sơn Đông.
Tại khu lăng mộ các nhà khảo cổ tìm thấy một khối xúc xắc 14 mặt làm từ răng động vật, các mảnh nhỏ hình chữ nhật có sơn số và miếng gạch vỡ từng là một phần bàn cờ. Sau khi được phục dựng, các nhà khoa học nhận thấy mảng gạch được “trang trí hình hai con mắt, bao quanh là những họa tiết đám mây và tia chớp“, nghiên cứu công bố trên Tập san Di tích văn hóa Trung Quốc cho hay.
Ngoài ra, bên trong lăng mộ còn có một hài cốt, nhiều khả năng thuộc về một tên trộm, nằm trong đường hầm dẫn vào mộ được bọn trộm đào trước đây.
Trò chơi thất truyền
Theo Livescience, 12 mặt của khối xúc xắc được đánh số từ 1 đến 6 bằng chữ Triện, một loại cổ tự (seal script), mỗi số xuất hiện hai lần, hai mặt còn lại được để trống.
Các mảnh hình chữ nhật sơn số (trên) và mảnh gạch phục dựng có hình đôi mắt cùng họa tiết mây và sét bao quanh của trò chơi cổ. Ảnh:Livescience
Di chỉ được tìm thấy dường như là một phần của trò chơi tên “bo”, hay còn gọi là “liubo”. Những chuyên gia nghiên cứu vẫn chưa xác định chắc chắn cách thức trò chơi cổ tiến hành, bởi trò chơi đã bị thất truyền từ 1.500 năm trước và các luật lệ của nó cũng thay đổi trong thời gian còn phổ biến.
Tuy nhiên, bài thơ do người đàn ông tên Song Yu sáng tác 2.200 năm trước để lại vài manh mối về trò chơi như sau:
TAMTHUC“Sau đó, với xúc xắc tre và các miếng ngà; trò chơi Liu Bo bắt đầu; mỗi người chọn một bên; họ lần lượt gieo xúc xắc tiến quân; các bên hào hứng dọa dẫm nhau; mỗi khi được làm vua, số điểm lại tăng gấp đôi; tiếng hô to ‘năm trắng’ vang lên!“
Lăng mộ bề thế
Các phần còn lại của trò chơi cổ được tìm thấy tại một khu lăng mộ bề thế. Bên trong có hai đường dốc lớn dẫn tới cầu thang xuống phòng chôn cất. Cạnh mộ, các nhà khoa học phát hiện 5 chiếc hố chứa những vật dụng dành cho người chết ở thế giới bên kia. Thời cổ đại, các ngôi mộ, sâu khoảng 100 m, thường có một gò đất cao phủ bên trên, song gò đất này đã bị phá hủy.
“Lăng mộ lớn bị bọn trộm khoắng hầu như sạch sẽ”, các nhà khảo cổ viết. “Hầm chứa quan tài hầu như bị xới tung và cướp phá, để lại nhiều hư hại“.
Lăng mộ 2.300 năm tuổi có diện tích rộng lớn thuộc về một quý tộc nước Tề. Ảnh:Livescience
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 26 đường hầm dẫn vào lăng mộ do các tay săn trộm đào. Một trong số các đường hầm này chứa một thi thể với tư thế co quắp, có thể là xác tên trộm mộ. Thời điểm, nguyên nhân cái chết, tuổi tác và giới tính của hài cốt này vẫn chưa được xác minh rõ.
Với các bằng chứng tìm được, các nhà khảo cổ tin rằng, lăng mộ là nơi an táng một quý tộc nước Tề. Vào thời điểm lăng được xây dựng, Trung Quốc chưa thống nhất. Trong suốt thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, nước Tần của vị vua nổi tiếng tàn bạo Tần Thủy Hoàng dần dần chinh phục các nước khác ở Trung Quốc, trong đó có cả nước Tề.
Tề quốc tồn tại tới năm 221 trước Công nguyên, cho đến khi bị Tần Thủy Hoàng chinh phạt. Sau khi thống nhất thành công Trung Quốc và trở thành vị vua đầu tiên của triều đại này, Tần Thủy Hoàng đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng lăng mộ hoành tráng cho riêng mình, được canh gác bởi một đội quân đất nung hùng hậu.
Di tích lăng mộ cổ 2.300 năm tuổi tại thành phố Thanh Châu được khai quật năm 2004 bởi các nhà khảo cổ của Bảo tàng thành phố Thanh Châu phối hợp cùng Viện Di sản văn hóa và khảo cổ học tỉnh Sơn Đông. Phát hiện được công bố lần đầu tại Trung Quốc năm 2014 trên Tập san Wenwu. Mới đây, bài báo được dịch sang tiếng Anh và đăng trên Tập san Di sản Văn hóa Trung Quốc.
Theo vnexpress
Comment