sau-ngay-song-cung-bo-toc-nguyen-thuy-suc-khoe-cua-vi-giao-su-bien-doi-lon
Sau 3 ngày sống cùng bộ tộc nguyên thủy, sức khỏe của vị giáo sư biến đổi lớn
- bởi tamthuc --
- 19/07/2018
Tác giả: Giáo sư Tim Spector
Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy nhóm vi sinh vật trong đường ruột càng phong phú và đa dạng thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng thấp. Việc ăn uống là điều quan trọng để duy trì sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột.
Vi khuẩn đường ruột là một nhóm vi khuẩn có số lượng lớn, những loại này có ảnh hưởng to lớn đến quá trình trao đổi chất, hệ miễn dịch và cả cảm xúc của con người. Mỗi ngóc ngách trong đường ruột đều có sự tồn tại của nấm và vi khuẩn, mà “nhóm vi sinh vật” có tổng trọng lượng nặng khoảng 1~2 kg này đa phần nằm ở kết tràng (bộ phận chủ yếu của đại tràng).
Chúng ta luôn thấy rằng một người không được khỏe, đường ruột sẽ có ít các loại khuẩn và không ổn định, nhưng sau khi cải thiện việc ăn uống thì vi khuẩn trong đường ruột của họ sẽ có sự thay đổi lớn.
Thế nhưng, một nhóm vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và ổn định liệu có thể được cải thiện chỉ trong vài ngày ngắn ngủi được hay không?
Cơ duyên kỳ diệu
Ngay lúc đó, một cơ duyên kỳ lạ tìm đến, đồng nghiệp của tôi, anh Jeff Leach mời tôi đến một đất nước có tên là Tanzania (một quốc gia ở Đông Phi) để thực hiện khảo sát thực địa.
Anh Jeff luôn sống cùng người Hadza để nghiên cứu tộc người này. Hadza là một bộ tộc thổ dân sống ở Bắc Trung Bộ của Tanzania, đây là một trong những bộ tộc săn bắn cuối cùng còn sót lại ở châu Phi.
Vi khuẩn đường ruột của tôi rất khỏe mạnh, trong số 100 mẫu vi khuẩn đường ruột đầu tiên thuộc thí nghiệm MapMyGut, tôi có sự đa dạng vi khuẩn đường ruột tốt nhất. Tính đa dạng này là tiêu chuẩn để đo lường tốt nhất đối với sức khỏe đường ruột, cho thấy số lượng và sự phong phú của các loại khuẩn khác nhau. Người có đa dạng khuẩn đường ruột cao sẽ không bị quá cân, nguy cơ mắc nhiều loại bệnh cũng rất thấp.
Mà tính đa dạng khuẩn đường ruột của người Hadza lại xếp hàng đầu thế giới.
Anh Jeff đề nghị tôi ở lại 3 ngày trong lều nghiên cứu của anh ấy, sau đó sống giống như những người săn bắn khác, họ ăn gì, tôi ăn cái đó. Trước khi đến Tazania, sống cùng người Hadza và sau khi quay về Anh, tôi đều làm xét nghiệm vi khuẩn đường ruột. Tôi không được rửa tay, không được dùng tăm bông tẩy độc và phải cố gắng săn bắt, hái lượm thức ăn cùng người Hadza.
Anh Dan Saladino đồng hành cùng tôi để giúp chúng tôi ghi chép lại chuyến đi này. Anh ấy là người dẫn kiêm sản xuất của chương trình “Food Programme” trên đài Radio 4 thuộc công ty phát sóng của Anh, khi đó anh đang chuẩn bị cho chương trình đặc biệt liên quan đến vi sinh vật đường ruột của người Hadza.
Sau chuyến bay dài mệt mỏi để đến sân bay Mount Kilimanjaro của Tanzania, chúng tôi ngủ một đêm ở thủ đô Arusha ở phía Bắc. Sáng ngày hôm sau, trước khi xuất phát, tôi đã lấy mẫu phân đầu tiên.
Chúng tôi lắc lư trên chiếc xe Land Rover suốt 8 tiếng để đến được nơi cần đến. Jeff bảo chúng tôi leo lên đỉnh một hòn đá khổng lồ để ngắm mặt trời mọc đẹp nhất trên hồ Eyasi. Di tích hẻm núi hóa thạch Olduvai và bình nguyên Serengeti tráng lệ đều gần ngay trước mắt.
3 ngày sống cùng bộ lạc nguyên thủy
Người Hadza vẫn sống cuộc sống nguyên thủy, họ săn bắt động vật, hái lượm thực vật suốt hàng triệu năm qua không hề thay đổi. Sự đồng hành của loài người và vi sinh vật trong hàng tỷ năm qua có thể đã tạo nên nhiều mặt trong hệ thống miễn dịch của chúng ta. Chuyến đi đến với người Hadza lần này thật sự là không uổng phí.
Ban đêm, người Hadza ngủ bên lửa trại hoặc trong nhà lá. Họ cho chúng tôi một cái lều và dặn chúng tôi hãy kéo khóa lều cẩn thận để tránh bọ cạp và rắn bò vào lều. Ban đêm nếu cần đi vệ sinh thì phải bước đi cẩn thận.
Trải qua một đêm hứng thú nhưng không dễ ngủ, điều xuất hiện trước mắt tôi là một đống quả cây bao báp mà người ta hái về, cũng chính là bữa sáng của tôi.
Quả của cây bao báp là món ăn chủ yếu của người Hadza, quả này có chứa nhiều chất xơ, trong hạt có chứa hàm lượng vitamin và chất béo phong phú. Nếu nhìn ra xung quanh sẽ thấy có rất nhiều cây bao báp mọc.
Quả của loại cây này có một lớp vỏ cứng giống như dừa, rất dễ tách để lộ ra phần thịt trắng nõn bên trong. Thịt quả có chứa nhiều vitamin C, tỏa ra mùi hương cam quýt rất nồng, trong thịt quả là những hạt lớn có chứa nhiều chất béo.
Phụ nữ Hadza trộn thịt quả với nước để nấu thành món cháo đặc màu trắng rồi múc ra chén để chúng tôi ăn sáng. Vị của loại cháo này rất thanh mát, ăn vào có thể khiến chúng ta cảm thấy rất dễ chịu thoải mái. Bởi vì chúng tôi không xác định sẽ được ăn gì tiếp theo, vì vậy tôi đã ăn hết 2 chén, nên đột nhiên cảm thấy rất no.
Món ăn vặt tiếp theo của tôi là quả mọng dại trên cây ở xung quanh nơi cắm trại, loại thường thấy nhất là quả Kongorobi nhỏ.
Loại quả này thanh mát, ngọt nhẹ, có chứa lượng chất xơ và pholyphenol gấp 20 lần so với loại được trồng công nghiệp, chúng bổ sung vi khuẩn đường ruột cho tôi.
Bữa trưa tôi được ăn khá muộn, tôi đã ăn vài loại củ có chứa nhiều chất xơ. Phụ nữ Hadza dùng gậy nhọn để đào củ lên từ dưới đất và ném vào lửa để nướng.
Những loại thực phẩm này cần phải nhai mạnh hơn, giống như cần tây cứng và có mùi bùn vậy. Chúng tôi không cần ăn phần thứ hai mà cũng không thấy đói, có thể bởi vì bữa sáng đã ăn nhiều chất xơ rồi. Có vẻ như cũng không có ai nghĩ đến bữa tối nữa.
Vài tiếng sau, người dân địa phương gọi chúng tôi “đi săn” nhím gấm cùng họ. Đây là một món ngon rất quý hiếm. Jeff làm việc ở đây đã 4 năm mà chưa từng được ăn.
Chúng tôi phát hiện ra 2 con “nhím đêm” nặng 20 kg. Chúng tôi lần theo và đến được đường hầm ẩn nấp của chúng nằm trong một cái tổ kiến màu trắng. Sau vài giờ vừa đào vừa cẩn thận tránh những cái gai sắc như dao của chúng, cuối cùng chúng tôi cũng bắt được hai con nhím và lôi chúng lên mặt đất.
Chúng tôi nhóm lửa, người dân địa phương tách những phần có giá trị như gai và da của con nhím ra một cách thuần thục, còn tim, phổi và gan thì họ lấy ra để nướng và ăn luôn ngay tại chỗ.
Phần thịt nhím thơm ngon còn lại thì được đem về nơi cắm trại để mọi người cùng thưởng thức. Thịt nhím có vị giống như heo sữa.
Hai ngày sau đó, thực đơn cũng vẫn tương tự, món chủ yếu bao gồm thỏ đá (Hyrax), một loại động vật kỳ lạ có lông ngắn giống như chuột lang, nặng khoảng 4 kg, chúng là họ hàng của loài voi.
Món ngọt mà chúng tôi được ăn là mật ong màu vàng óng được lấy từ cây Adansonia rất cao, đó là loại mật ong tốt nhất mà tôi có thể tưởng tượng được, cùng với tổ ong chứa nhiều protein và chất béo. Sự kết hợp giữa đường và chất béo thiên nhiên khiến món ngọt của chúng tôi trở thành món ăn có chứa nhiều calo nhất.
Trên đất của người Hadza không có bất cứ thứ gì bị giết hoặc lãng phí một cách không cần thiết, nhưng động thực vật mà họ ăn rất phong phú (khoảng 600 loài, trong đó đa phần là các loài chim), sự đa dạng này khác xa với những món mà người phương Tây chúng tôi ăn.
Một điều nữa khiến tôi ấn tượng rất sâu sắc đó là người Hadza dành rất ít thời gian để tìm thức ăn, như thể mỗi ngày chỉ cần vài giờ đồng hồ đơn giản như việc chúng ta đi mua sắm ở siêu thị vậy. Bất cứ nơi đâu, trên trời, trên đất, dưới đất, đâu đâu cũng có thức ăn.TAMTHUC
Sự thay đổi lớn của vi khuẩn đường ruột
Sau 24 giờ, Dan và tôi quay về London, anh ấy mang theo đoạn phim quý giá, còn tôi đang mang theo mẫu phân quý báu của mình. Sau khi lấy vài mẫu, tôi gửi chúng đến phòng thí nghiệm.
Kết quả cho thấy, mẫu phân ban đầu của tôi có sự khác biệt rất rõ rệt với mẫu sau khi tôi ăn uống cùng người Hadza.
Tin tốt là, sự đa dạng vi khuẩn đường ruột của tôi tăng lên 20% một cách đáng kinh ngạc! Trong đó bao gồm một vài loại vi sinh vật châu Phi hoàn toàn mới như Synergistetes.
Tin xấu đó là, vài ngày sau, khuẩn đường ruột của tôi dường như đã quay trở lại trạng thái trước chuyến đi.
Chúng tôi học được một số điều quan trọng đó là, dù chế độ ăn uống và đường ruột của bạn lành mạnh đến đâu thì cũng không thể tốt bằng tổ tiên của chúng ta được.
Mỗi người chúng ta đều nên cố gắng cải thiện sức khỏe đường ruột của mình bằng việc ăn uống và sinh hoạt “hoang dã hóa”. Trong quá trình ăn uống thường ngày, hãy thử nhiều hơn, bắt đầu lại mối liên hệ giữa giới tự nhiên với những loại vi sinh vật có liên quan, đây có thể là điều mà chúng ta cần.
Giới thiệu tác giả: Tim Spector là một nhà khoa học, giáo sư về bệnh di truyền học của trường Đại học King (King’s College London), đồng thời ông là chủ nhiệm Khoa dịch tễ học di truyền cũng như nghiên cứu về song sinh của Bệnh viện St.Thomas, là tác giả của quyển sách “The Diet Myth”. Bài viết này được trích từ quyển “The Conversation”.
Ngọc Trúc lược dịch
TAMTHUC:
Comment