No icon

vi-sao-nguoi-nhat-hau-nhu-khong-tiem-vac-xin-phong-dai

Vì sao người Nhật hầu như không tiêm vắc xin phòng dại?

Thông thường khi bị chó mèo cắn hoặc cào bị thương, đa phần mọi người đều sẽ nhanh chóng đi tiêm phòng dại. Nhưng ở Nhật hầu như không có ai đi tiêm loại vắc xin này cả, vì sao lại như vậy?

Theo tờ Japan Today, ở Nhật, vắc xin phòng dại đa phần được dùng để tiêm cho động vật chứ không phải tiêm cho người.

Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về bệnh dại, theo tài liệu trên Wikipedia: “Bệnh dại là một loại bệnh gây ra cho vật chủ bởi virus dại, có thể gây viêm não nghiêm trọng cho động vật có thân nhiệt ổn định. Người bị nhiễm chưa được tiêm ngừa hầu như sẽ dẫn đến tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng về thần kinh. Thời gian từ khi nhiễm đến khi phát bệnh tùy thuộc theo mỗi cá thể, dài có thể đến 1 năm, ngắn có thể trong vòng 1 tuần, khi xuất hiện các triệu chứng, tỷ lệ tử vong gần như là 100%.”

Vì sao người Nhật hầu như không tiêm vắc xin phòng dại?
(Ảnh minh họa/Internet)

Luật phòng ngừa bệnh dại và quy định khám sức khỏe động vật ở Nhật

Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, từ sau khi ban hành “Luật phòng ngừa bệnh dại” vào năm 1950, số ca bệnh dại ở quốc gia này đã giảm mạnh kể từ năm 1951 và tỷ lệ này chỉ còn bằng 0 bắt đầu từ năm 1956, đến nay đã hơn nửa thế kỷ không có ca mắc bệnh dại nào. Vì vậy luật cưỡng chế miễn dịch ở động vật này đã cho thấy tác dụng quan trọng, luật này quy định, các gia đình có nuôi chó mèo đều phải đăng ký và mỗi năm đều phải tiêm ngừa dại cho chó mèo một lần.

Đối với chó mèo hoang, Nhật Bản đã triển khai chế độ thu giữ hoàn chỉnh. Ngoài ra, Cục phòng chống dịch bệnh sẽ định kỳ tìm kiếm xác động vật hoang dã để thực hiện kiểm dịch. Mọi người đều biết Nhật Bản là một quốc gia vô cùng sạch sẽ, có thể nói là rất ít thấy chó mèo hoang. Ở Nhật, khi phát hiện ra chó mèo hoang, họ sẽ lập tức gửi đến trạm y tế.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng đã công bố quy định kiểm tra động vật, họ yêu cầu các cấp quản lý thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng đối với động vật chết sau khi cắn người, chó chết do nguyên nhân khác thường và động vật hoang dã chết do tai nạn giao thông. Các loài động vật hoang dã như gấu mèo được ưu tiên kiểm tra. Chó mèo dại sẽ được nhà nước thu giữ, đăng ký và tiêm ngừa, còn động vật hoang dã sẽ được ngừa dại bằng cách rải thức ăn có tẩm thuốc phòng dại.

Vì sao người Nhật hầu như không tiêm vắc xin phòng dại?
Ở Nhật có nhiều đảo mèo hoang. (Ảnh: Internet)

Tỷ lệ phát bệnh dại bằng 0

Người dân hoặc du khách đến Nhật bị động vật cắn hoặc cào bị thương đầu tiên sẽ được xử lý khử trùng khẩn cấp, đa phần nếu đến bệnh viện cũng sẽ được xử lý vết thương kỹ hơn nhằm ngừa nhiễm trùng, thường sẽ rất khó tìm được bệnh viện nào tiêm vắc xin phòng dại, bởi vì có rất ít bệnh viện có chuẩn bị loại vắc xin này, hơn nữa giá cũng rất đắt.

Tổ chức Y tế Thế giới từng quy định, những quốc gia trong vòng 50 năm không có ca bệnh dại nào có thể không cần tiêm vắc xin ngừa dại, mà Nhật Bản đã giữ được kỷ lục này 61 năm rồi. Trên thế giới, rất hiếm thấy quốc gia nào có tỷ lệ phát bệnh dại bằng 0. Được biết, mỗi năm, số người tử vong do bệnh dại ở Trung Quốc xếp thứ hai trong danh sách chỉ sau Ấn Độ, trong đó có 85% ca bệnh dại là do bị chó cắn hoặc cào bị thương và 10% ca bệnh do mèo gây ra.

Tuy tỷ lệ mắc bệnh dại thấp, nhưng lại là mối đe dọa rất lớn đối với mạng sống của loài người, vì vậy việc tiêm ngừa là rất quan trọng, thế nhưng điều này cần được đảm bảo dựa trên tiền đề là tính hữu hiệu của vắc xin. Bên cạnh đó, việc thông thường nhất nhưng cũng quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm để phòng ngừa bệnh dại là những ai có nuôi thú cưng cần phải đăng ký, tiêm ngừa vắc xin phòng dại cho thú cưng và phải buộc dây khi dắt thú cưng đi dạo.

Ngọc Trúc

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/doi-song/vi-sao-nguoi-nhat-hau-nhu-khong-tiem-vac-xin-phong-dai.html

Comment