tri-hue-cua-co-nhan-nguyen-tac-mot-nguoi-can-thu-vung-trong-cuoc-doi
Trí huệ của cổ nhân: 10 nguyên tắc một người cần thủ vững trong cuộc đời
- bởi tamthuc --
- 11/08/2017
Một người trưởng thành hay chưa không phải được quyết định ở việc tuổi nhiều hay ít mà là được quyết định bởi tâm tính của người ấy. Sự trưởng thành, sự hoàn thiện của tâm tính không phải được quyết định bởi người đó gặp bao nhiêu sự tình mà nó được thể hiện ra ở thái độ và cách mà người ấy đối đãi với sự tình ra sao.
Dưới đây là 10 nguyên tắc mà cổ nhân truyền lại, vừa là những bài học vừa là cách đối đãi, giải quyết sự tình của người xưa.
1. Nguyên tắc cấp bách
Người xưa có câu, phải tặng than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi, đừng đợi sau cơn mưa mới tặng ô cho người. Nguyên tắc này của cổ nhân là có ý khuyên bảo con người hễ gặp việc thiện, việc gấp thì cần làm ngay, đừng chần chừ. Khi người khác gặp khó khăn, nếu có thể kịp thời giúp đỡ họ thì sức mạnh đó là vô cùng lớn.
2. Nguyên tắc quang minh chính trực
Cổ nhân cho rằng, làm người phải luôn quang minh chính đại trong bất kể việc gì, đừng âm mưu quỷ kế. Bởi vì, “người tính không bằng Trời tính”, hay “con người có ngàn tính toán, nhưng ông Trời chỉ có một tính toán, ấy là dựa vào ‘đức'”.
Người có thể quang minh chính đại mới có thể ngay thẳng, rộng lượng, lòng dạ trong sáng vô tư. Người chính nghĩa thì luôn được người khác ủng hộ. Trái lại, người âm mưu quỷ kế thì luôn khiến người khác xa lánh và xem thường.
Người thành thật, chính trực thì luôn không cầu “đường ngang ngõ tắt” để đạt được mục đích trong cuộc đời. Họ lấy thành tín làm gốc lập thân nên được mọi người tôn kính và được Thiên đạo phù trợ.
3. Nguyên tắc nói chuyện
Lời nói có sức mạnh vô cùng lớn, nó có thể cải biến người xấu thành người tốt, đồng thời cũng có thể đẩy một người đến bước đường cùng. Cho nên, khi nói chuyện cần có thiện ý, không cần nói sau lưng mà nên góp ý trực tiếp. Lời nói thẳng tuy khó nghe nhưng lại hiển lộ ra lòng chân thành. Trái lại, lời ngờ vực sau lưng không chỉ mang lại hậu quả xấu cho người nghe mà còn thể hiện ra phẩm đức kém của người nói.
4. Nguyên tắc khoan dung, rộng lượng
Làm người có tu dưỡng, một khi nhìn thấy sai sót, lỗi lầm của người khác phải ngẫm nghĩ lại sai sót và lỗi lầm của bản thân mình. Nhất định phải thông cảm với khó khăn và tha thứ cho sai trái của người khác.
Lòng người càng đạm nhạt thì thương tổn càng ít. Lòng người càng rộng rãi bao nhiêu thì khoái hoạt, hạnh phúc càng nhiều bấy nhiêu. Đời người không thể lúc nào cũng vừa ý vừa lòng, nơi nào cũng là hoàn mỹ. Khi gặp cảnh bị người khác hiểu lầm, lời nói biện bạch càng nhiều có khi lại càng vô ích. Đau khổ, bực tức vì bị oan ức không bằng nở một nụ cười mà bỏ qua.
Hoa nở hoa rụng, ấy chính là cảnh “lên xuống, nhấp nhô” thường thấy trong đời người. Xuân đi xuân đến, ấy là cảnh đẹp trong cuộc đời. Người đến người đi, hết thảy đều là qua lại, hiểu được điều ấy, không để tâm chấp trước vào đó mới có thể khoái hoạt, hạnh phúc mà vui sống.
5. Nguyên tắc kiên trì
Mạnh Tử viết: “Hữu vi giả, thí nhược quật tỉnh, quật tỉnh cửu nhận nhi bất cập tuyền, do vi khí tỉnh dã”, ý nói, con người nếu như làm một việc gì thì cũng phải kiên nhẫn giống như đào giếng vậy. Nếu như đã đào giếng sâu đến chín nhận (ý là cao như một ngọn núi), mà bởi vì chưa tới mạch nước mà buông tha thì vô luận là đã bỏ ra bao nhiêu công phu, đào sâu bao nhiêu đi nữa cũng là “thất bại trong gang tấc”. Cái giếng ấy vẫn sẽ là một cái giếng hoang mà thôi.
Cho nên, bất kể là việc học tập, gây dựng sự nghiệp thì nhất định cũng cần phải kiên trì, kiên nhẫn giống như việc đào một cái giếng vậy. Mỗi ngày học thuộc một chút, nắm bắt được một chút kiến thức lâu dần người ấy có thể trở thành một “cuốn bách khoa toàn thư”. Mỗi ngày làm một chút việc trong kế hoạch gây dựng sự nghiệp của mình, lâu dần người ấy chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu nhất định.
6. Nguyên tắc “lo xa”
Cổ nhân giảng: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” là có ý nói rằng người mà không biết lo xa thì tất sẽ có điều ưu phiền gần. “Người không lo xa” ở đây có thể hiểu là những người “ăn xổi ở thì”, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, làm việc mà không có suy xét phải trái, trước sau… Những người như thế thì thường rất nhanh sẽ phải chịu hậu họa, nhẹ thì buồn lòng, nặng thì gia đình suy vong, mất mạng.
Người không lo xa sẽ không biết tiên liệu, không biết tiên liệu thì sẽ không ứng xử kịp thời khi xảy ra trắc trở, hậu họa. Trong một phạm vi nhỏ như gia đình, nếu một người chồng, người cha không biết suy nghĩ sâu xa thì tai họa mà họ gặp phải không chỉ là cá nhân mà còn ảnh hưởng đến toàn gia đình. Tương tự ở cương vị là người lãnh đạo của một đất nước mà không biết “lo xa” thì sẽ mang đến buồn phiền cho cả dân tộc và nhiều thế hệ.
7. Nguyên tắc chuyên nhất
Từ xưa đến nay, vô luận là bậc hiền nhân hay là nông phu thì làm việc gì cũng phải dụng tâm, chuyên nhất mới mong có được thành công. Phàm là những người làm được việc lớn thì nhất định càng là người phải dụng tâm chuyên nhất, một lòng một dạ, kiên trì với mục tiêu của mình.
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng là như thế. Bất kể làm một công việc gì dù lớn hay nhỏ đến đâu thì đều phải dụng tâm, tập trung, chăm chỉ, kiên nhẫn làm thì mới mong có được thành công.
Cho dù là ở thời nào, ở hoàn cảnh nào đi nữa, trong công việc hay trong cuộc sống, người dụng tâm chuyên nhất, một lòng một dạ, không “đứng núi này trông núi nọ” thì cũng luôn được lòng người và đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc đời.
8. Nguyên tắc không xem nhẹ tiểu tiết
Trong cuộc sống hàng ngày, điều mà người ta rất dễ dàng xem nhẹ chính là những việc nhỏ như lau bàn làm việc, rửa kẽ tay, hay quét những “góc chết” trong nhà… Nhưng chính những điều mà người ta cho là nhỏ nhặt ấy lại có thể thành tựu hoặc phá hỏng việc lớn của đời người.
Cổ nhân có câu: “Kiến vi tri trứ” (Thấy mầm biết cây), ý nói rằng, phàm là việc gì cũng đều phải nhìn sự vật khi nó mới xuất hiện, như thế mới có thể đoán biết tương lai của nó. “Kế hoạch khó ở chỗ dễ”, nếu không để ý từ việc nhỏ thì thông thường người ta sẽ dễ phạm phải sai lầm như nôn nóng, rối loạn, lộn xộn mà hỏng việc lớn.
Việc nhỏ có thể thành tựu một người, nhưng việc nhỏ cũng có thể làm hủy hoại một con người, thậm chí một quốc gia. Vậy nên mới có câu: “Ôm chí lớn, không quên tiểu tiết”. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, từ những điều xung quanh mình, làm đến nơi đến chốn, ắt sẽ thành tựu được bản thân.
TAMTHUC
9. Nguyên tắc khiêm tốn
Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Câu nói tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa triết lý sâu sắc. Con người chúng ta hẳn là nên học theo đại địa. Bởi vì, đại địa có thể khiêm tốn và vô tư không màng lợi nên có thể nâng đỡ được vạn vật.
Con người tuy rằng là anh linh của vạn vật, có trí tuệ cao nhưng cho dù là một người vô cùng may mắn hay là một người rất bình thường đi nữa thì thực sự đều là rất nhỏ bé trong vũ trụ này.
Vạn vật trong thiên thể vũ trụ, hết thảy đều là sinh mệnh. Những sinh mệnh này được tồn tại một cách viên dung và hài hòa có trật tự. Bởi vậy mà con người phải tôn kính Trời Đất, tôn trọng tự nhiên, xem trọng hết thảy sinh mệnh và tìm kiếm về nguồn gốc chân chính của sinh mệnh mình.
Trong “Dịch Kinh” giảng rằng, hết thảy pháp tắc làm người và đạo lý đều là thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người bỏ ác hành thiện. Quẻ cát là động viên, khuyến khích con người phải mỗi ngày làm một việc thiện khác. Chỉ có quẻ khiêm (khiêm nhường) là mỗi một hào đều là cát tường, may mắn.
10. Nguyên tắc thật tâm
Bất luận là thời xưa hay thời nay, ở xã hội nào cũng vậy, ai trong chúng ta cũng muốn tiếp xúc, kết bạn, ở chung và làm việc cùng với những người trung thành, thật thà. Đó là điều không ai có thể phủ nhận được.
Người trung thành, thật thà luôn được lòng người, được người khác tin tưởng. Nhìn một cách nông cạn, bề ngoài thì tưởng rằng người thật thà sẽ bị thiệt hại, bị cho là ngốc. Nhưng kỳ thực, người xưa lại cho rằng, bởi vì thật thà phù hợp với Thiên lý, nên họ là những người chắc chắn có được phúc báo trong cuộc đời.
“Thành tín” là đạo đức tốt đẹp của con người. Trong xã hội hiện đại, con người ta đôi khi vì để chiếm được lợi ích, vì thiệt hơn, vì được mất mà lừa dối người khác, thậm chí làm hại người khác. Nhưng cuối cùng, sau khi trải qua rồi quay đầu nhìn lại, không ít người đã ngộ ra rằng, thứ mà mình đánh mất (thành tín) là vô giá mà thứ mình tranh giành được lại chỉ là phù du.
Trên đời không có việc khó chỉ sợ có tư tâm, làm người làm việc quan trọng nhất là ở cái tâm và ở hành động. Nếu ai ai cũng giữ nguyên tắc làm đến nơi đến chốn, chân thật làm người, trí tuệ làm việc thì thiên hạ sẽ không có việc khó, mọi sự đều có thể thành, xã hội cũng ngày một tốt đẹp hơn.
An Hòa (biên dịch theo sự cho phép của tác giả)
TAMTHUC:
Comment