tam-ly-gi-dang-sau-su-tho-o-truoc-nhung-cuoc-diet-chung-ky-nhung-nguoi-hung-cua-luong-tri
Tâm lý gì đằng sau sự thờ ơ trước những cuộc diệt chủng? – Kỳ 3: Những người hùng của lương tri
- bởi tamthuc --
- 12/08/2017
Diệt chủng – Tại sao người dân của một đất nước lại có thể giết lẫn nhau? Tại sao con người lại có thể nhuốm máu hàng triệu con người khác? Tại sao người ta lại thờ ơ trước mạng sống của hàng triệu người ngay trên chính mảnh đất của mình, hoặc giả ngay bên cạnh biên giới của mình, ngay trong châu lục mà mình đang sống, hay ngay trên chính tinh cầu mà nhân loại cùng tồn tại?
Trong kỳ 2, thông qua cuộc diệt chủng Rwanda chúng ta đã nói về sự thất hứa lớn nhất thế kỷ 20 của thế giới khi làm ngơ trước những cuộc diệt chủng cướp đi hàng triệu mạng sống. Tuy nhiên, không phải tâm thức của tất cả mọi người đều bị lu mờ trong sợ hãi hay thờ ơ. Vẫn còn đó những con người mà thế giới phải ngả mũ kính phục. Chúng ta sẽ kể về câu chuyện của họ, để cho thấy rằng dù là một người lính, một y tá, một quản lý khách sạn hay thậm chí là một kẻ cơ hội thì họ đều có thể đứng về phía chính nghĩa, đều có thể trở thành những người hùng của lương tri…
Tóm tắt bài viết:
- Câu chuyện của một người lính Đức
- Irena Sendler và sự sống trong những chiếc lọ
- Vị quản lý khách sạn kỳ lạ ở Rwanda
- Câu chuyện của một kẻ cơ hội
Câu chuyện của một người lính Đức
Armin Theophil Wegner là một tác gia và cũng là một người lính Đức tham gia vào thế chiến thứ nhất. Mùa đông năm 1914, ông tham gia quân ngũ với vai trò một người lính cứu thương. Wegner có mặt tại Syria vào thời điểm cuộc diệt chủng Armenia diễn ra.
Những đứa trẻ Armenia bị thảm sát trong cuộc diệt chủng.
Thời đó, sau khi chiến bại trên dãy núi Kavkaz, đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), đồng minh của Đức, đã tiến hành diệt chủng người Armenia để đổ lỗi cho họ về thất bại quân sự chống lại người Nga. Quân đội Ottoman đã thảm sát nam giới Armenia trên diện rộng và đưa họ vào các trại lao động tập trung. Còn nữ giới, trẻ em và người già thì bị quân đội ép buộc đi thành những hàng người dài về phía sa mạc Syria. Ước tính 800.000 tới 1,5 triệu người Armenia đã chết trong cuộc diệt chủng này.
Wegner đã chứng kiến những hàng dài người Armenia bị áp giải tới sa mạc Syria trong cao điểm của cuộc diệt chủng. Biết rằng sức mình không thể giúp được những con người đáng thương đó giữa sa mạc, Wegner đã cố gắng thu thập lại thông tin về cuộc diệt chủng, chụp hàng trăm bức ảnh, cất giữ những lá thư… trong trại lưu đày Deir ez-Zor. Việc làm của Wegner đi ngược lại với quân lệnh. Chính phủ Ottoman yêu cầu quân Đức bắt và đưa Wegner về nước. Mặc dù quân đội đã cố gắng hủy đi những tài liệu mà Wegner thu thập được, ông cũng thành công mang khỏi Syria rất nhiều hình ảnh về cuộc diệt chủng Armenia trong thắt lưng của mình.
Lương tri đã kêu gọi tôi làm chứng.
Tôi là tiếng nói của những con người đang gào thét giữa sa mạc.
Sau này, Wegner tiếp tục lên tiếng cho người Armenia, phản đối cuộc diệt chủng của đế quốc Ottoman và đã góp phần tạo nên một đất nước Armenia độc lập.
Năm 1933, Wegner tiếp tục lên tiếng phản đối việc Đức Quốc xã bức hại người Do Thái thông qua một lá thư mở gửi tới Adolf Hitler. Một thời gian ngắn sau đó, Wegner bị tổ chức Gestapo bắt giữ, bị tra tấn, và bị gửi qua các trại tập trung của Phát xít như Oranienburg, Börgermoor hay Lichtenburg. Khi được thả, Wegner chạy trốn tới Rome, Ý, nơi ông lấy tên là Percy Eckstein. Năm 1939, Wegner và vợ ông đồng ý ly thân, ông từng nói, “Nước Đức đã lấy đi của tôi mọi thứ… kể cả vợ tôi.”
Là “tác gia duy nhất dưới thời Đức Quốc xã từng dám lên tiếng chống lại cuộc bức hại người Do Thái”, nhưng cho tới khi qua đời tại Rome vào năm 1978, ông gần như bị người Đức quên lãng. Trên mộ ông có ghi dòng chữ:
Amavi iustitiam odi iniquitatem
Propterea morior in exsilio
Có nghĩa là:
Tôi yêu mến công lý và ghét tội ác
Vậy nên tôi đã chết trong cảnh tha hương
Irena Sendler và sự sống trong những chiếc lọ
Irena Sendler là một phụ nữ làm công tác xã hội dưới thời Đức Quốc xã. Thời bấy giờ, khi các đại học Ba Lan phân biệt đối xử với người Do Thái và bắt họ ngồi vào hàng ghế riêng, Irena đã lựa chọn ngồi chung với họ dù bà không phải là người Do Thái. Bà đã cứu sống rất nhiều trẻ em và người lớn tuổi sau khi Phát xít tấn công vào Ba Lan. Rồi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi 400.000 người Do Thái bị cầm tù tại Warshaw…
Mặc dù Phát xít muốn người Do Thái phải chết, họ lại không muốn sốt phát ban bùng phát và lan ra ngoài. Chính vì thế, Phát xít cho phép các y tá vào chăm sóc người Do Thái. Biết được điều đó, Irena đã giả mạo thành một nữ y tá để vào được Warshaw. Bà nhanh chóng nói chuyện với những cha mẹ người Do Thái về viễn cảnh bị giết tại các trại tập trung, và thuyết phục họ để bà đưa những đứa trẻ ra ngoài. Irena sử dụng thuốc ngủ mình đánh cắp được để khiến lũ trẻ mê man, rồi cho chúng vào những bao tải hay hộp giấy để đưa ra ngoài.
Thông qua nhiều biện pháp, Irena cùng những người khác đã giúp lũ trẻ được nhận nuôi bởi các gia đình Ba Lan, hoặc giấu chúng trong các trại trẻ mồ côi. Để lưu giữ lại thông tin về từng đứa trẻ, Irena đã đưa giấy tờ vào trong những chiếc lọ, và chôn chúng trong vườn nhà với hy vọng rằng trong tương lai, bà sẽ để lũ trẻ biết được sự thật về cha mẹ mình.
Phát xít bắt được Irena và tra tấn bà một cách dã man nhưng bà chưa bao giờ tiết lộ về mạng lưới ngầm giải cứu trẻ em Do Thái. Irena bị phán tử hình, nhưng những người Ba Lan trong mạng lưới đã hối lộ một tay lính gác để giải cứu Irena. Bà sống ẩn mình trong một khoảng thời gian sau đó.
Tổng cộng, Irena đã giúp khoảng 2.500 đứa trẻ Do Thái thoát khỏi số phận bị giết trong những trại tập trung.
Sau chiến tranh, Irena tìm lại lũ trẻ và trao cho chúng những chiếc lọ. Nhưng hầu hết người thân của chúng đều đã chết…
Dưới thời Xô Viết, Irena cũng đặt mình vào ranh giới sống chết khi tiếp tục giúp đỡ những con người bị đàn áp. Tổng cộng Irena đã trải qua ba chế độ độc tài: Ba Lan thời tiền chiến; Ba Lan bị Phát xít chiếm đóng; và Ba Lan dưới thời Xô Viết. Bởi vì bà phản đối sự tàn bạo của cả chủ nghĩa Phát xít lẫn chủ nghĩa cộng sản dưới thời Xô Viết nên câu chuyện của bà bị chính quyền Ba Lan bấy giờ ém nhẹm.
Người ta chỉ biết đến bà qua những thông tin ngắn ngủi, một lần vào năm 1965 tại bảo tàng Diệt chủng Do Thái Yad Vashem, và một lần vào năm 1994, trong một bản tin ngắn trên truyền hình. Mãi cho đến năm 1999, cái tên Irena Sendler mới bắt đầu được chú ý… Năm 2009, bộ phim “The Courageous Heart of Irena Sendler” (Tạm dịch: Trái tim dũng cảm của Irena Sendler) được công chiếu, giúp Irena Sendler trở về với vị trí xứng đáng trong lịch sử nhân loại: Một người hùng của lương tri.
TAMTHUC
Comment