cang-o-vao-thuan-canh-cang-phai-nghi-den-ngay-gian-nguy
Càng ở vào thuận cảnh càng phải nghĩ đến ngày gian nguy
- bởi tamthuc --
- 28/05/2018
Cổ nhân giảng: “Trong phúc có họa, trong họa có phúc”. Đối với một cá nhân mà nói, “càng ở vào lúc thuận cảnh thì càng phải nên nghĩ đến lúc gian nguy” là vô cùng quan trọng.
Vì sao càng ở vào thuận cảnh càng phải nên nghĩ đến lúc gian nguy?
Sau đại chiến thế giới lần thứ 2, Không quân Hoàng gia Anh khi điều tra, thống kê nguyên nhân và địa điểm mà các phi công hy sinh đã phát hiện ra điều khiến nhiều người khiếp sợ. Theo đó, tình huống cướp đi nhiều nhất sinh mạng của các phi công không phải là lúc đối mặt với lửa đạn mãnh liệt, cũng không phải là lúc ở vào mưa giông gió bão của thiên nhiên mà lại xảy ra đúng ở vào thời khắc phi công đang trên đường chiến thắng trở về.
Các nhà tâm lý học không có chút kinh ngạc nào về điều này, bởi vì họ cho rằng khi các phi công đối mặt với sự ác liệt của kẻ địch thì tinh thần tập trung là cao độ. Tuy rằng hoàn cảnh bên ngoài là vô cùng ác liệt nhưng đại não của họ lại hưng phấn cực độ nên không dễ dàng để xảy ra sơ suất. Nhưng khi các phi công trên đường trở về thì tinh thần càng lúc càng được thả lỏng, buông lơi, nhưng sự buông lơi trong nháy mắt này lại gây ra đại họa. Người ta gọi loại trạng thái này là ” an toàn giả dối”.
Trên đường đời của bất kỳ ai đều có rất nhiều trạng thái “an toàn giả dối”. Thời điểm sắp chạm đến thành công, nhất định không nên đánh mất sự tập trung, buông lơi cảnh giác, nếu không rất có thể sẽ biến thành công thành thất bại. Mỗi bước đi trong đời người đều phải nhớ kỹ: “Vi sơn cửu nhận, công khuy nhất quỹ” (Đắp một núi đất, chỉ thiếu một sọt đất mà không thể hoàn thành).
Đồng dạng như vậy, đối với quốc gia, việc “sống yên ổn nghĩ tới ngày gian nguy” là phi thường quan trọng. Trong lịch sử, các triều đại hưng hay suy, thành hay bại, chính quyền thay đổi rất nhiều là do người lãnh đạo ở vào lúc an nhàn chỉ lo hưởng thụ mà không nghĩ đến những lúc nguy nan xảy ra. Ví như, triều đại nhà Thanh, tự xưng là đất rộng của nhiều nhưng lại khiến dân tộc Trung Hoa gặp tai họa thật lớn.
Cho nên, là một cá nhân mà nói, lúc nào cũng phải nên suy xét lại bản thân mình, tìm ra những nguy hiểm tiềm ẩn bên trong, bù đắp lại những thiếu sót của bản thân, làm được “chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy việc ác nhỏ mà làm” mới có thể sống bình an thực sự.
Nguồn gốc của câu “sống yên ổn nghĩ tới ngày gian nguy”
Thời Xuân Thu, nước Trịnh bởi vì muốn xuất binh đánh chiếm nước Tống, cuối cùng lại làm cho nước Tống và nước Tề, nước Tấn liên minh lại với nhau cùng dẫn binh tấn công lại nước Trịnh. Trước tình thế ấy, nước Trịnh tự biết binh lực của minh vừa mỏng vừa yếu nên không thể cản nổi sự bao vây của nước Tống, nước Tấn và 12 nước khác hợp lại. Vì thế, nước Trịnh liền tìm mọi cách hướng đến nước Tấn, vốn là nước có thực lực rất mạnh để xin cầu hòa.
Nước Tấn đáp ứng yêu cầu này của nước Trịnh, nhờ thế mà các nước khác cũng lui binh. Vì để tạ ơn nước Tấn, nước Trịnh liền chuẩn bị nhạc sĩ, nữ ca sĩ, các loại nhạc khí, và trang bị đầy đủ một trăm binh xe chất đầy lễ vật đến dâng tặng nước Tấn.
Vua của nước Tấn bấy giờ là Tấn Điệu Công, sau khi nhận lễ vật đã vô cùng cao hứng. Ông ta đem một nửa số lễ vật, nhạc khí và nữ ca sĩ ban cho công thần Ngụy Giáng. Nhưng Ngụy Giáng đã một mực từ chối khéo không nhận.
Ngụy Giáng nói: “Hiện tại, sự cường thịnh của nước Tấn có được là nhờ vào tài năng đức hạnh của Đại vương và sự cố gắng của tất cả các công thần. Thần nào có công lao gì đâu? Thần chỉ hy vọng Đại Vương khi đang hưởng thụ yên vui cũng đừng sơ suất xem nhẹ quốc gia đại sự.
Trong ‘Thượng Thư’ có ghi chép: ‘Ở vào lúc hoàn cảnh an nhàn thì phải nghĩ đến việc tùy thời sẽ có thể xuất hiện nguy hiểm. Như thế mới có thể có phòng bị kịp thời, có phòng bị rồi thì sẽ không sợ tai họa xảy ra.’ Thần mạo muội dùng những lời này để khuyên nhủ Đại Vương.”
Vua Tấn Điệu Công nghe xong những lời này liền nói: “Đối với những lời giáo huấn của ngài, ta sao dám không tiếp thu! Nhưng mà không có ngài, ta làm sao có được ngày hôm nay? Đối với thần tử, việc ban thưởng đã là lệ thường của quốc gia, không thể hủy bỏ, thỉnh ngài nhận lấy!”
Ngụy Giáng cuối cùng cũng vâng lời Vua, theo lễ chế mà nhận phần lễ vật ấy.
Về sau này, hậu nhân lấy nguyên văn câu: “Sống yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy” trong sách “Thượng Thư” mà suy rộng ra thành câu thành ngữ, dùng để khuyên răn mọi người rằng, khi sống trong cảnh an nhàn khoái hoạt thì phải nghĩ đến việc nguy hiểm, tai họa có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Điều này cũng được cổ nhân vô cùng coi trọng.
An Hòa (dịch và t/h)
TAMTHUC:
Comment