cau-chuyen-cuoc-doi-bac-si-co-dao-khong
Câu chuyện cuộc đời: Bác sĩ có Đạo không?
- bởi tamthuc --
- 07/06/2018
Monica nổi bật trong đám đông bệnh nhân ngồi chờ bên ngoài phòng khám. Trời mùa thu lành lạnh, bà đội nón mũ len xám, cổ quấn khăn choàng sọc Burberry, mặt trang điểm nhẹ với phấn trắng, đôi môi tô hồng. Bà mặc váy choàng dày, hai tay đeo găng màu trắng, mang đôi giày booth cao.
Bà nhìn có vẻ đúng tuổi 67 như ghi trên hồ sơ. Tuy nhiên, Monica mắc hai căn bệnh mà bất kỳ ai nghe cũng sợ: bênh xơ bì cứng và ung thư buồng trứng di căn đến xương.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp bà cách đây gần hai năm. Khi đó tôi ấn tượng về cách nói chuyện, tinh thần lạc quan, và triết lý cuộc sống của bà.
Monica đã trải qua nhiều đợt hoá trị, trị liệu miễn dịch, và tất cả các chữa trị chúng tôi có thể làm. Tuy vậy, bà chưa bao giờ than phiền về bệnh của mình. Bà luôn cảm ơn chúng ta đã giúp bà còn sống đến nay. Có lần, bà bị di căn xương chậu quá đau không ngồi được nhưng bà vẫn ráng đón xe buýt ngồi chờ tôi gần 2 tiếng đế lấy 2 toa thuốc đau đặc trị kết hợp vì bà nói: “Gặp được bác sĩ và bệnh viện là tôi bớt đau rồi?”
Sau lần đổi thuốc giảm đau mạnh đó, Monica đã có vẻ đỡ hơn. Bà ăn uống được và nói chuyện vui vẻ trên điện thoại với tôi. Lần khác, các ven của bà không lấy máu được, phải lắp dây PICC line vào ven để truyền hoá trị và thuốc, bà hỏi đùa là có thể dùng đường nước biển PICC để chích Heroin không?
Tôi cũng tạm quên đi Monica một thời gian cho đến khi BS nội trú của tôi nhắn tin hỏi về kiểm soát đau của bà trong ICU.
Sau buổi khám bệnh, tôi chạy lên ICU. Buồi chiều nắng vàng đổ xuyên qua khung cửa kính, trải dài thành những vạch sáng xuống hành lang ICU vắng người càng làm con đường như thêm sâu hun hút.
Monica nằm đó hai má hóp lại, mắt trũng sâu quầng thâm, da mặt trắng bệch không trang điểm, môi hơi tái, mặt bà hơi nhăn vì cơn đau thỉnh thoảng xuất hiện. Tôi vắn tắt giải thích các buớc kế tiếp cho mục tiêu quan trọng bây giờ là kiểm soát đau. Như mọi khi, bà vẫn mỉm cười tiếp chuyện.
Chợt bà hỏi tôi:
– Bác sĩ có đạo không?
– Dạ thưa không?
– Ồ tiếc quá, tôi muốn được cầu nguyện.
Tôi suy nghĩ trong chốc lát và nói:
– Tôi sẽ cầu nguyện cho bà nhé.
Tôi không nhớ các cha đạo và mục sư cầu nguyện chính thức thế nào, nhưng tôi nhớ là nếu mình có lòng thì chắc sẽ cầu được.
Tôi nắm tay bà đặt lên bàn tay tôi, quỳ xuống, và cầu nguyện:
“May god bless you and take away the pain…”
Mong Chúa ban phúc lành cho bà và mang đau đớn đi…
ICU (Intensive Care Unit , Khoa Chăm Sóc Đặc Biệt) là khoa không bệnh nhân nào muốn vào vì tỉ lệ tử vong cao nhất bệnh viện. Trung bình 3 trên 10 người vào đây sẽ mãi mãi không rời khỏi ICU. Đây cũng là nơi bệnh nhân thực sự trần truồng, chỉ có một lớp vải mỏng che bên trên, kết nối với hàng chục dây nhợ đủ loại; sự mỏng manh của cuộc sống thấy qua từng giọt thuốc vận mạch để giữ huyết áp. ICU cũng là nơi tận cùng của phép thử về tình yêu, lòng bao dung, sự sợ hãi, tranh giành tiền bạc, và quyền lực. |
Theo facebook Bác sĩ Trần Huỳnh (*) (tên tiếng Anh: Huynh Wynn Tran)
Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả.
(*) BS Trần Huỳnh nhận bằng Tiến sĩ Y Khoa tại ĐH New York (Buffalo, Mỹ), nhận Chứng chỉ Da liễu thực hành tại ĐH Cardiff, ĐH Bệnh viện xứ Wales (Vương quốc Anh); được Hội đồng Y khoa Hoa Kỳ cấp chứng chỉ hành nghề và được cấp giấy phép hành nghề y tại các bang California, Florida, và Michigan.
Hiện bác sĩ Trần là bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và nội tổng quát tại phòng khám Wynn Medical Center và Bệnh viện ĐH Y khoa Keck, ĐH Nam California (Mỹ); là sáng lập viên tổ chức Y khoa phi lợi nhuận VietMD hoạt động vì các bác sĩ, sinh viên y khoa và bệnh nhân ở Việt Nam, Mỹ và trên toàn thế giới.
:
Comment