ve-ban-do-tim-mo-tu-noi-cach-xa-ca-ngan-cay-so
Vẽ bản đồ tìm mộ từ nơi cách xa cả ngàn cây số
- bởi tamthuc --
- 13/06/2013
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh sẽ gửi đến độc giả những ghi chép trung thực về một cuộc hành trình tìm mộ liệt sĩ mà ông tham gia cùng với sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm.
Lâu nay, phương pháp tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm vẫn gây ra nhiều tranh cãi về mặt khoa học. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý học Đông phương) sẽ gửi đến độc giả những ghi chép trung thực về một cuộc hành trình tìm mộ liệt sĩ mà ông tham gia cùng với sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm. Ông Tuấn Anh cũng sẽ đưa ra những suy luận cũng như một vài lý giải về khả năng của các nhà ngoại cảm dưới góc nhìn của lý học phương Đông.
Bản đồ chi tiết vị trí mộ liệt sĩ Sơn do nhà ngoại cảm Năm Nguyện phác thảo. |
Tháng 7.2010, tôi đang ở Quảng Ngãi thì nhận được cú điện thoại của một người quen cũ tên Vịnh. Anh ta có việc ra Quảng Ngãi giúp gia đình bên vợ tìm mộ một người cháu nuôi là liệt sĩ Vũ Văn Sơn, quê ở Lạch Tray (Hải Phòng), hy sinh ở Quảng Ngãi năm 1972. Lần trước, anh ta cũng đi tìm mộ và khi đến địa điểm cần tìm, được sự tư vấn của tôi, mọi người đào lùi 2 mét xuống phía Tây Nam và tìm được mộ. Bởi vậy, anh ấy tín nhiệm tôi.
Đây không phải lần đầu tiên tôi toán quẻ xác định địa điểm tìm mộ. Lần trước, có một Việt kiều Úc làm ăn ở Việt Nam, đi tìm mộ một người thân chết ở bãi biển Cà Mau. Được người này nhờ tư vấn, tôi cũng dùng hình thức toán quẻ để xác định địa điểm và họ đã tìm được mộ. Tôi ở lại Quảng Ngãi thêm một ngày để chờ Vịnh ra và cùng đi tìm mộ với nhóm của anh ấy.
Chiều 13.7, Vịnh xuống sân bay Đà Nẵng cùng với người em vợ – thân nhân liệt sĩ – và vào Quảng Ngãi chập tối hôm đó. Họ cùng ở khách sạn Sông Trà Petro với tôi. Đây là một khách sạn cao cấp 3 sao khá đầy đủ tiện nghi. Sáng hôm sau, anh ta đi xuống Đức Phổ tiền trạm và chờ đoàn tìm mộ gồm những người bạn chiến đấu của liệt sĩ Sơn với mấy người bà con từ Hải Phòng đến.
Tối 14.7, Vịnh vào phòng tôi và giới thiệu tôi với mấy người bạn chiến đấu của liệt sĩ. Qua cuộc trò chuyện, tôi được biết, có sự mâu thuẫn về địa điểm liệt sĩ Sơn hy sinh giữa các nhà ngoại cảm và các bạn chiến đấu của ông. Tất cả các cựu chiến binh đều cho rằng liệt sĩ này hy sinh ở trận Ba Tơ cách Đức Phổ 30km. Nhưng các nhà ngoại cảm thì xác định liệt sĩ Sơn hy sinh ở Đức Phổ.
Vịnh mở cho tôi nghe băng ghi âm của nhà ngoại cảm Năm Nguyện. Trong băng, bà Nguyện miêu tả rành rọt về vị trí chôn liệt sĩ Vũ Văn Sơn và miêu tả chi tiết đường đi xuống mộ. Bà Nguyện vẽ hẳn một bản đồ địa hình khu vực cần tìm.
Sau khi đưa tôi nghe băng và xem bản đồ, Vịnh nói: “Thầy ạ, sáng nay tôi đi thực địa thì có thể nói rất kỳ lạ. Tất cả những địa danh trên bản đồ và những vị trí bà Nguyện ghi trên đó đều có thật”. Vịnh đăm chiêu: “Tại sao một người ngồi ở Hà Nội, cách xa cả ngàn cây số, lại có thể vẽ chính xác bản đồ cùng địa danh một nơi mà họ chưa đến bao giờ? Thậm chí đến cả tên chủ các thửa đất liên quan đến nơi liệt sĩ nằm cũng đúng luôn?”. Tôi chỉ cười cười và chẳng nói gì.
Vịnh nói tiếp: “Gia đình chúng tôi quyết định đi theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm. Nhưng có điều, vị trí mộ liệt sĩ liên quan đến các vật chuẩn định vị cụ thể như con suối, đường mòn và cây mít lại có sai lệch. Bởi vậy, tôi nhờ thầy định vị chính xác địa điểm liệt sĩ nằm”. Tôi tán thành quyết định của Vịnh và gia đình anh ta. Trong điều kiện này, khả năng tiên tri của các nhà ngoại cảm được tín nhiệm hơn trí nhớ.
Đi hết con đường mòn lớn thì gặp con suối như chỉ dẫn trong bản đồ. |
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm và chuẩn bị cuộc hành trình đi Đức Phổ. 3 cựu chiến binh chiến trường, vốn là bạn chiến đấu của liệt sĩ Sơn, đều mặc quân phục và mang lon sĩ quan. Người cấp bậc cao nhất là đại úy. Trong bữa ăn sáng, tôi xác định với Vịnh: “Lần đi tìm mộ này sẽ không có kết quả ngay. Nhanh thì hôm sau, chậm thì phải đi tìm một lần nữa”.
Từ thành phố Quảng Ngãi đến Đức Phổ khoảng 40km. Trên đường đi, Vịnh chỉ cho tôi những địa danh trên bản đồ mà nhà ngoại cảm Năm Nguyện đã hướng dẫn: trụ sở UBND xã Phổ Nhân, nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Nhân… Xe dừng lại ở một ngã ba giữa đường lộ và một đường mòn lớn như trong bản đồ. Băng ghi âm lời bà Nguyện nói rõ: “Tuy gọi là đường mòn nhưng ô tô vào được. Đi thẳng con đường này sẽ gặp một con suối”.
Điều kỳ lạ hơn, trong băng ghi âm cũng nói rõ thửa ruộng của một ông có tên bắt đầu bằng vần “Th”. Và chúng tôi tìm được người chủ ruộng ấy, tên ông ta là Thành. Vịnh tìm được gia đình ông Thành từ hôm qua và nhờ họ giúp cơm nước, nấu đồ cúng giỗ. Con rể ông Thành làm địa chính ở xã. Chúng tôi cũng nhờ anh liên hệ giúp với bà con có ruộng chứa mộ phần liệt sĩ để thương lượng và bồi thường.
Tuy nhiên, thửa ruộng của người phụ nữ tên “H.” thì không tìm thấy. Nhưng lại có một nữ chủ ruộng tên là Hoa Chem (hay Cheng – do cách phát âm tôi nghe không rõ). Sau con suối quả là có một thung lũng và có một cái đầm lớn mà dân địa phương gọi là đầm Hồ. Mọi thứ hoàn toàn chính xác một cách kỳ lạ như bản đồ bà Nguyện đã vẽ.
Ông Thành, chủ thửa ruộng mà bà Nguyện cho rằng gần mộ liệt sĩ Sơn. |
Theo hướng dẫn của bà Nguyện trong băng ghi âm thì: “Mộ liệt sĩ nằm cách con suối khoảng 75m nhìn về hướng bắc và cách đường mòn khoảng 9m, cách một cây mít lâu năm khoảng 11m…”. Chúng tôi bắt đầu quan sát tất cả các khu vực xung quanh. Cảnh quan hoàn toàn đúng hệt như sự miêu tả. Có ruộng, lạc, mía và cây mít hơn 30 tuổi… Bà Nguyện còn chỉ ra rằng, gần chỗ liệt sĩ Vũ Văn Sơn nằm có một tòa cổ miếu. Những người dân địa phương cho biết, quả là có tòa miếu cổ này nhưng nó đã bị san phẳng vào năm 1967 trong chiến tranh. Bây giờ chỉ còn cái nền miếu.
Nơi đây, trước năm 1975 là một vùng chiến tranh. Thửa ruộng mà chúng tôi tìm mộ liệt sĩ nằm giữa 2 quả đồi là địa điểm đóng quân của 2 bên. Bính lính của cả 2 bên đều chết ở đây rất nhiều. Như vậy, khả năng liệt sĩ Sơn nằm tại đó rất cao.
Những cựu quân nhân là bạn chiến đấu của ông Sơn – mặc dù cho rằng đồng đội mình hy sinh ở Ba Tơ – nhưng vẫn nhiệt tình cùng gia đình tìm mộ theo hướng dẫn của các nhà ngoại cảm. Bản thân tôi sau khi xác định vị trí trên bản đồ, dùng con lắc để kiểm tra và dự báo một địa điểm nơi mộ liệt sĩ Sơn có khả năng nằm ở trên thửa ruộng trồng lạc.
Một người dân địa phương sống ở đây từ 1975 xác định với chúng tôi: “Trước đây, tại thửa ruộng trồng lạc này có mấy nấm đất, không rõ là mộ hay đất tự nhiên. Người chủ ruộng sau chiến tranh đã san các nấm đất để làm ruộng. Địa điểm mà tôi xác định đúng với 2 vị trí định vị, cách con lộ khoảng 9m và gần 70m so với con suối, lạch được định vị trên bản đồ. Tuy nhiên, địa điểm này lại sai lệch với một điểm định vị khác là cây mít. Nó cách xa cây mít đến trên 70m, trong khi bà Nguyện xác định chỉ cách khoảng 11m. (Còn tiếp)
Comment