tu-truyen-cua-nha-ngoai-cam
Tự truyện của nhà ngoại cảm
- bởi tamthuc --
- 01/02/2013
Trong cuốn tự truyện Một thế giới khác, nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài kể về thế giới tâm linh với nhiều chi tiết đáng kinh ngạc, từ đó đặt ra những câu hỏi cần được soi sáng.
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài. Ảnh: Mi Ly.
Cuốn sách kể về ngoại cảm không phải từ con mắt của một người hiếu kỳ, nửa tin nửa ngờ muốn khám phá thế giới tâm linh mà là từ góc nhìn của một nhà ngoại cảm đã được giới khoa học chứng thực khả năng.
Thế giới tâm linh dần xuất hiện trước mắt chị Hoài, ban đầu chị hoàn toàn bị động, về sau là chủ động. Sau một thời gian khó khăn để chấp nhận khả năng của mình, bên trong chị Hoài trỗi dậy nhu cầu mạnh mẽ được tìm hiểu thế giới đó.
Càng ngày chị càng đi sâu vào “thế giới khác” này, nhưng vẫn luôn tâm niệm rằng, hiểu biết của mình về thế giới đó chưa thấm vào đâu cả.
Một thế giới khác?
Đó đang là câu hỏi và sẽ rất lâu nữa vẫn là câu hỏi đối với chúng ta. Nhưng với những người như chị Hoài thì dấu chấm hỏi đã bị bỏ đi từ lâu rồi.
Chị tự tin giới thiệu trong cuốn sách: “Tôi là nhà ngoại cảm, người có khả năng tiếp cận thế giới tâm linh. Nói một cách ngắn gọn, tôi là người phiên dịch, truyền thông giữa hai thế giới hữu hình và vô hình. Tôi là cây cầu nối hai bờ dương và âm…”.
Rốt cuộc thì người sống có muốn cô đơn trên thế giới này hay không? Tôi, người viết bài này, thấy lạ khi người ta luôn tò mò muốn biết những người chết đi về đâu, nhưng khi cánh cửa ấy có thể hé lộ (nhà ngoại cảm có thể là người mở cửa) thì người ta lại e sợ.
Một câu hỏi khác: Nếu những người thân yêu đã mất vẫn còn cách để liên hệ với chúng ta, sao chúng ta không thể cảm thấy ấm áp? Không cảm thấy cái chết thực sự “nhẹ như lông hồng”?
Vì rằng nếu chết không còn là hết thì có sự chia lìa nào là mãi mãi đâu? Trái lại, nhiều người trong chúng ta chỉ biết sợ hãi mà thôi.
Giáo sư Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á có lần kể với tôi về tâm tư của những người từng chết lâm sàng. Cảm xúc của họ sau khi “chết đi sống lại” là điều khoa học đặc biệt lưu tâm.
“Có vài người không muốn trở lại”, ông nói, “Cánh cửa thế giới âm đã mở ra một chút trước mắt họ. Họ nhìn thấy thứ gì đó đáng mong ước hơn là cuộc sống mà họ vừa chớm rời bỏ. Khi quay lại với cuộc sống, họ phải chấp nhận cơ thể bệnh tật. Mong muốn của họ là trở lại với thế giới âm kia”.
Theo đúc kết của chị Hoài: “Người chết rồi thường ít khi mang theo oán hận, họ thường khuyên người còn sống phải tử tế, nhường nhịn, yêu thương lẫn nhau”.
Từng có nhiều người kể chuyện đêm đêm liệt sĩ sắp hàng hô xung phong, tập trận ở nghĩa trang, chẳng biết sự thật đến đâu.
Nay trong cuốn Một thế giới khác, câu chuyện của chị Hoài và thân nhân gia đình liệt sĩ tìm mộ những chi tiết, những câu chuyện tưởng chừng hoang đường, qua lời kể mộc mạc, lại như không mấy xa ngái.
“Một thế giới khác” có thể khiến nhiều người kinh ngạc, nhưng số khác lại chấp nhận như một điều đương nhiên.
Cần khoa học soi sáng
Thừa nhận “bản thân tôi còn biết rất ít về thế giới âm”, khi ra mắt sách, nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài đã không trả lời vài câu hỏi của khán giả về những trường hợp “gặp người âm” cụ thể mà họ muốn chị xác nhận.
“Nếu linh hồn tồn tại và hưởng các nhân quả của đời sống thực tại này, liệu đó có phải một nhận thức sẽ thay đổi căn bản hành vi của con người?” là câu hỏi khiến chị Hoài trăn trở nhất và trông chờ ở khoa học.
Câu chuyện trong Một thế giới khác do một cá nhân kể ra với cảm xúc và nhận thức hoàn toàn chủ quan, nhưng ít nhất là trải nghiệm thực tế. Còn nên có thái độ ra sao đối với ngoại cảm- câu hỏi đó không thể được giải đáp bằng lối nói thường thấy “tin hay không là ở mỗi người”, mà chúng ta buộc phải để khoa học dẫn đường chỉ lối.
Mà về khoa học, chúng ta cũng đã bị muộn so với thế giới. Từ năm 1882, tại London (Anh), một nhóm nhà khoa học và tư tưởng gồm Edmund Gurney, Frederic Myers, William Barrett, Henry Sidgwick và Edmund Rogers đã thành lập Hiệp hội nghiên cứu tâm linh (viết tắt là SPR), đánh dấu mốc khởi đầu ngành khoa học tâm linh thế giới.
Mi Ly
TAMTHUC
Comment