mot-cau-chuyen-ve-tim-mo-liet-si
Một câu chuyện về tìm mộ liệt sĩ
- bởi tamthuc --
- 28/04/2013
Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được trong những hành trình tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm đó là sự mong mỏi chờ đợi vào điều kỳ diệu. Tuy nhiên, trên tất cả là niềm tin mãnh liệt vào việc sẽ tìm thấy hài cốt người thân. Niềm tin ấy không bao giờ lung lay thay đổi cho dù phải trải qua nhiều cam go, có lúc tuyệt vọng.
Niềm tin mãnh liệt
Chúng tôi may mắn được tham gia vào đoàn tìm kiếm mộ liệt sĩ do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) tổ chức tại tỉnh Bình Phước. Lúc đầu, mục đích của hầu hết phóng viên trong đoàn là để một lần tận thấy việc tìm mộ bằng tâm linh. Bởi ai cũng có chút nghi ngại vì báo chí trước đó đã đăng tải nhiều vụ việc giả danh nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ. Rằng có những cuộc lên đồng, gọi hồn mơ hồ và không chính xác.
Lần này, đi cùng chúng tôi là nhà tâm linh Nguyễn Thanh Thủy, các anh em trong đoàn đều tỏ rõ sự kính trọng với ông. Hầu hết những người trong đoàn đều từng đi tìm mộ với ông và chứng kiến nhiều sự linh nghiệm. Mới đây nhất, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức cùng thầy Thủy tìm thấy 31 hài cốt liệt sĩ tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.
Hài cốt các liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Phước
Địa điểm chúng tôi đến là phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, trước đây là cửa ngõ chiến đấu ác liệt của quân giải phóng trước khi hành quân tiến công về Sài Gòn. Vừa thăm thực địa xong, thầy Thủy lập tức kết luận: Khu vực các liệt sĩ đang nằm chỉ quanh trong bán kính 70m, nằm sát Quốc lộ 13, giáp với rừng cao su. Chúng tôi thật sự bất ngờ vì thầy Thủy ở tận ngoài Bắc, mới đến đây lần đầu sao có thể rành rọt như vậy. Mọi người trong đoàn bắt đầu dựng lán trại và lập hương án chuẩn bị nghi lễ. Có lẽ họ đã quen với những phán đoán chính xác của thầy từ trước đó. Sau này chúng tôi mới biết, thầy Thủy đã xác định được danh tính của các liệt sĩ, từ đó phía ngân hàng lập danh sách và tổ chức cho các gia đình đi tìm mộ.
Gia đình một số liệt sĩ cũng hối hả, tích cực chuẩn bị các nghi lễ. Những đôi mắt mệt mỏi nhưng luôn hướng về nhà tâm linh với sự hy vọng. Hầu hết họ đã trải qua nhiều hành trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhưng không kết quả. Những hao lực tổn sức trong những lần như vậy không thấm vào đâu so với sự chờ đợi hàng chục năm trời ròng rã.
“Nhận được tin báo lần này, tôi mừng phát khóc. Sau hàng chục năm tìm kiếm gia đình tôi đã thật sự có cơ hội tìm được người thân” – bà Phạm Thị Hòa, em ruột liệt sĩ Phạm Công Thành (thôn Tu Lễ, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) xúc động nói.
Liệt sĩ Thành, nhập ngũ năm 1965. Năm 1970, gia đình nhận được giấy báo tử với chỉ vẻn vẹn thông tin: Liệt sĩ Thành hy sinh tại chiến trường miền Nam. Sau giải phóng cho đến nay, gia đình họ lặn lội khắp nơi tìm kiếm hài cốt nhưng không kết quả. Đi nhiều đến mức họ không nhớ rõ bao nhiêu lần nữa, năm nào cũng tổ chức đi 4-5 lần. Cứ có thông tin nào từ đồng đội hoặc đơn vị chiến đấu của ông Thành, họ lại khăn gói lên đường. Khi thì miền Tây, lúc lại lên miền Đông. Họ đã phải nhiều lần ăn bánh mì, ngủ lại giữa đồng vắng hay rừng sâu. Có lần họ xuống tận An Giang tưởng chừng tìm được nhưng chỉ là một người trùng trên.
“Những lúc như vậy chúng tôi gần như tuyệt vọng. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi mất niềm tin. Cho đến hôm nay may mắn gặp được thầy Thủy và các anh với thông tin chính xác, gia đình tôi có thêm nhiều hy vọng” – bà nói.
Gia đình liệt sĩ Đặng Văn Thảo thì cho biết, liệt sĩ nhập ngũ năm 1965, năm nào cũng đều biên thư về cho gia đình một lần, nhưng năm 1967 thì bặt tin. Gia đình cũng ngờ anh đã hy sinh, tháng 2-1968 thì gia đình nhận được giấy báo tử anh hy sinh ở mặt trận phía Nam. Sau khi đất nước thống nhất, gia đình đã lặn lội vào chiến trường các tỉnh Nam Trung Bộ để tìm kiếm nhưng không có kết quả.
“Dù thất bại nhiều nhưng lần này tôi có cảm giác anh trai đã ở gần mình. Mấy ngày rồi chúng tôi rạo rực không ngủ được” – ông Đặng Văn Hưng, em trai liệt sĩ Đặng Văn Thảo tâm sự.
Lửa thiện lan tỏa
Những ngày tham gia đoàn tìm mộ liệt sĩ, chúng tôi thật sự xúc động khi biết rằng, các nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội đi cùng hầu hết đều kinh qua việc đào tìm, quy tập mộ liệt sĩ. Riêng tôi mất hẳn hình ảnh những người ăn trắng mặc trơn ngồi phòng lạnh ở các quầy giao dịch. Họ cũng tay cuốc tay xẻng, ướt đẫm mồ hôi và reo vui hạnh phúc mỗi lần tìm được di cốt, di vật của liệt sĩ như chính người thân của họ vậy. Ngoài việc cử người trực tiếp tham gia khai quật, quy tập mộ, Ngân hàng Chính sách xã hội còn đứng ra tổ chức lo liệu từ khâu thông tin đến tổ chức và lo liệu đưa các liệt sĩ trở về.
Hỏi ra chúng tôi mới biết, thì ra ngoài thiên chức xã hội, còn có cả một cơ duyên đưa họ đến với những hành trình ý nghĩa này. Một nhân viên VBSP cho tôi biết: Có một cán bộ trong ngân hàng có cha là liệt sĩ nhiều năm không tìm được hài cốt. Sau nhiều năm ngược xuôi, gia đình họ gặp được thầy Thủy và được thầy hướng dẫn tìm được. Cảm cái ơn của thầy, cũng như để nhân rộng niềm hạnh phúc lớn, ông cùng các cán bộ trong cơ quan viết đơn gửi lãnh đạo và được phê duyệt tổ chức những cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ, đây cũng là một trong những hoạt động xã hội đầy ý nghĩa của VBPS.
“Trò chuyện” với vong hồn liệt sĩ
Với sự giúp sức của thầy Thủy, cuộc tìm kiếm đầu tiên được tổ chức cuối năm 2012 tại tỉnh Đắk Lắk đã thành công với 31 bộ hài cốt liệt sĩ được tìm thấy. Điều đó đã tạo thêm động lực cho các cán bộ công đoàn VBSP mở đợt tìm kiếm lần này.
Là người trực tiếp tham gia hành trình tìm mộ liệt sĩ từ ngày đầu, anh Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ VBSP tâm sự: Anh còn nhớ như in lần đầu trực tiếp bốc hài cốt các liệt sĩ, địa điểm ở Đắk Lắk là đường đồi, khe núi khó khăn đến vậy nhưng vẫn tìm thấy và cất bốc thành công nhờ sự chỉ dẫn của thầy Thủy và nỗ lực của cả đoàn.
“Người chưa chứng kiến có thể không tin, nhưng anh em chúng tôi đã được chứng kiến tận mắt và tận tay cất bốc cho 31 hài cốt liệt sĩ ở Đắk Lắk nên tôi tin vào chuyến tìm kiếm lần này cũng sẽ thành công” – anh hồ hởi.
Thành phần đoàn hôm ấy còn có một vị tướng: Thiếu tướng Đỗ Công Mùi, nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 3, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông có dáng người hộ pháp nhưng dễ gần. Ông cũng nhiều lần xẻ rừng xé núi đi tìm đồng đội trên các chiến trường. Riêng việc tìm mộ cùng với nhà tâm linh hoặc ngoại cảm ông cũng tham dự không ít lần. Mỗi lần nâng niu hài cốt một liệt sĩ được tìm thấy, ông cũng rưng rưng xúc động như tìm thấy anh em, đồng đội của mình.
Nhiều lần trò chuyện, ông thường nói với tôi rằng, tất cả những đau thương, mất mát của chiến tranh, có khi ở ranh giới sinh tử mong manh, ông đều đã trải qua rồi. Nhưng mỗi lần nghĩ đến những người còn nằm lại với chiến trường, chưa được đoàn tụ với gia đình, nỗi đau chiến tranh như sống lại trong ông, gây cho ông nhiều day dứt. Nên mỗi một hài cốt được tìm thấy, dù xa lạ nhưng với ông cũng là hạnh phúc vô bờ.
“Tôi tin ở thầy Thủy, tin vào tâm đức của các cán bộ ngân hàng BVPS nên đến hẹn là tôi lại đi cùng hành trình với họ. Tất cả đều đặt hy vọng và tin tưởng điều kỳ diệu sẽ lại đến” – ông nói.
Kết quả đầy tính thuyết phục
Nhân vật trung tâm của chuyến đi hôm ấy không ai khác chính là ông Nguyễn Thanh Thủy, quê ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ông là người nổi tiếng trong giới tìm mộ bằng tâm linh và được nhiều người biết đến vì thường chính xác một cách kỳ lạ. Người ta luôn gọi ông một cách kính trọng: thầy Thủy. Tôi ấn tượng với hình ảnh ông, dáng người thấp đậm, ít nói và có phần nghiêm nghị. Ông không nhận mình là nhà ngoại cảm, chỉ tự nhận là nhà tâm linh bởi ông tin vào tâm linh.
Khi đoàn chỉ vừa đặt chân đến nơi tìm hài cốt, sau một vài phút đi thực địa, ông phán ngay rằng, có 3 hố chôn tập thể các liệt nằm sát nhau trong bán kính 70m. Trước những dự liệu của ông, đã có không ít người tỏ ra nghi ngờ, nhất là cánh phóng viên. Tuy nhiên, cả đoàn vẫn tất bật dựng trại theo thói quen ở những chuyến đi trước. Sau khi thầy Thủy đưa thông tin đầu tiên, đoàn đã dựng ngay lán trại bên mép bìa rừng cao su sát Quốc lộ 13, thuộc phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Sau khi mọi thứ đâu vào đấy, thầy Thủy bắt đầu lập bàn hương án trên khu đất đã được xác định.
Phát hiện di vật và hài cốt liệt sĩ
Giữa một vùng đất hoang vu, không khí có phần tĩnh mịch, u ám trong làn khói hương nghi ngút. Trước bàn hương án, thầy Thủy bắt đầu khấn nguyện. Sau lưng ông, đại diện thân nhân 3 liệt sĩ được tìm kiếm cũng quỳ xuống nền đất, chắp tay khấn vái. Những người đi trong đoàn thì đứng xung quanh hương án chăm chú theo dõi. Sau đó, thầy Thủy đưa cho mỗi người trong đoàn một nén hương và dặn đi tỏa dần ra và chỉ được đi trong vòng bán kính 70m. “Ai thấy trong người có biểu hiện khác lạ thì vẫn giữ nén hương trên tay, lúc này mọi người trong đoàn sẽ biết vong đã nhập vào” – thầy dặn kỹ lưỡng.
Đoàn người im lặng bắt đầu tỏa đi các hướng. Độ chừng 10 phút, chúng tôi thấy bà Phạm Thị Hòa, em gái liệt sĩ Phạm Công Thành có điều gì khác lạ. Bỗng dưng bà có giọng nói đanh lại, khàn khàn như giọng đàn ông và có phần gì đó khác lạ, vì trước đó bà vẫn bình thường. Gia đình liệt sĩ Thành thầm hiểu anh linh liệt sĩ đã nhập vào em gái mình nên xúm lại vây quanh. Những ánh mắt vừa lo sợ, vừa rạng ngời hy vọng. Giọng ông Thành bên trong hình hài bà Hòa nghe khàn đục, chậm rãi: “Anh bị bắn trúng ở ngực và đầu, đau lắm, giờ chỉ còn bi-đông thôi, tấm ảnh của anh bị mất rồi. Chỗ anh nằm còn có nhiều người khác nữa, nhiều lắm. Anh nhớ cha mẹ lắm em ơi”.
Cả đoàn tìm mộ hôm ấy thẫn thờ vì những điều xảy ra trước mắt. Trong cái không khí âm u đó, tôi thấy duy chỉ có thầy Thủy là sắc mặt không đổi. Ông đứng ở giữa, yêu cầu vong hồn liệt sĩ cắm nén hương vào nơi mình đang nằm. Sau 30 phút để yên cho các vong hồn nói chuyện với gia đình, thầy Thủy cầm nén hương khấn vái rồi chấm hương lên trán những người được vong nhập thì những người này trở lại trạng thái bình thường.
Sau cuộc gọi hồn, anh em trong đoàn làm dấu những vị trí đã cắm hương chờ khai quật. 17 giờ, những tia nắng đã dần tắt hẳn. Thời khắc đã điểm, thầy Thủy bắt đầu cử hành việc khai quật ba địa điểm được xác định là những hố chôn tập thể các liệt sĩ. Theo lời thầy Thủy thì tại ba điểm này có khoảng 15 liệt sĩ đang nằm phía dưới. Đó là thông điệp ông tiếp thu được từ các vong hồn. Nói rồi thầy thắp hương khấn vái và cho đào điểm thứ nhất.
Diện tích mỗi điểm được khoanh lại rộng chừng 4m, thầy chỉ những người khai quật đào đúng 30cm thì dừng lại, sau đó sẽ dùng xẻng nhỏ để đào chậm lại. Theo thầy Thủy thì các liệt sĩ chỉ đang nằm ở độ sâu cách mặt đất chừng 40cm. Sau những lớp đất đỏ cứng được đào lên, đến đúng 30cm những nhát cuốc bắt đầu đào chậm lại. Đoàn người vây quanh im lặng theo dõi, sự hồi hộp khắc rõ trên từng khuôn mặt căng thẳng hướng theo từng lát cuốc. Sau gần 1 giờ đào bới, chiếc bi-đông đầu tiên lộ ra trước sự hạnh phúc của cả đoàn người chứng kiến. Rồi sau đó là những mảnh hài cốt rời rạc lẫn trong đất đen. Cứ thế, đến hố thứ hai rồi hố thứ 3, họ phát hiện thêm nhiều bi-đông, dép, cúc áo, huy hiệu cùng nhiều phần hài cốt khác. Những liệt sĩ trúng pháo nằm chồng lên nhau, nhiều người mất đi một phần thi thể. Đúng như lời thầy Thủy đã tiên đoán trước đó.
Từng di vật được đưa ra rửa cẩn thận. Bỗng các thành viên gia đình liệt sĩ Phạm Công Thành nhất loạt reo lên rồi ôm nhau khóc khi dòng nước chảy dọc chiếc bi-đông làm lộ ra mồn một dòng chữ mang tên: “Phạm Công Thành-H.Tây-Nhớ mẹ”. Rồi lần lượt những gia đình liệt sĩ được tận mắt nhìn thấy vật dụng cá nhân của các liệt sĩ với những dòng chữ ghi đầy đủ thông tin tên tuổi, quê quán. Tất cả vỡ òa trong niềm sung sướng tột cùng. Riêng chúng tôi ngổn ngang cảm xúc, trong lòng đầy thán phục và đều tin vào tất cả các chi tiết dù nhỏ nhất đều trùng khớp với lời thầy Thủy.
Thầy Thủy ngồi ở khu vực đào bới, phân biệt từng mảnh xương nhỏ thuộc về bộ hài cốt nào. Trong lúc đào bới, những người khai quật khẳng định đã lấy hết hài cốt nhưng thầy Thủy khoát tay nói: “Vẫn còn một mẩu xương cổ nữa”. Mọi người lại đào bới và đưa lên một mảnh xương đúng bằng đầu ngón tay trỏ. Ai nấy đều kinh ngạc khả năng của thầy.
Kết quả của chuyến tìm kiếm hôm đó là đoàn đã tìm được 15 bộ hài cốt tại 3 hố chôn tập thể. Trong đó, có 4 bộ hài cốt xác định được danh tính gồm: Liệt sĩ Phạm Công Thành (quê ở thôn Tư Lễ, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc TP Hà Nội) hy sinh năm 1968; liệt sĩ Nguyễn Hà (không rõ năm sinh) ở Thái Nguyên; liệt sĩ Đặng Văn Thảo, (xã Tây Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) hy sinh năm 1970; liệt sĩ Thân Văn Luyến (xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc (cũ) nay là tỉnh Bắc Giang) hy sinh năm 1972. Cả ba gia đình đi cùng đều đã nhận được hài cốt thân nhân mình.
Ngay ngày hôm sau, lễ truy điệu cho các liệt sĩ được tổ chức ngay tại địa điểm tìm kiếm. Ba liệt sĩ có gia đình đi theo được đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà an táng. Trưa hôm sau, đoàn chúng tôi tiếp tục đưa hài cốt các liệt sĩ về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước. Kết thúc một hành trình đầy ý nghĩa.
Ghi chép của Thùy Trang
TAMTHUC
Comment