nhan-qua-nghiep-bao-khong-tru-mot-ai
Nhân quả nghiệp báo không trừ một ai
- bởi tamthuc --
- 20/05/2016
Tôi không bao giờ tin vào những chuyện bói toán, dự đoán tương lai, xem ngày giờ làm chuyện AB, rồi cúng sao giải hạn kể cả chuyện đốt giấy vàng mã, thờ cúng thần tài. Chỉ bởi tôi là một Phật tử, hiểu được nguyên lý nhân quả và nghiệp báo họa phước của đời người không chừa trừ một ai:
– Gieo nhân lành gặt quả thiện, và chí ít làm giảm đi phần nghiệp ác đã gieo (từ đời trước và ở đời này)
– Gieo nhân ác sẽ lãnh lấy ác nghiệp, và làm giảm đi những thiện nghiệp, phước lành đáng được thọ nhận (do đời trước hoặc ngay trong đời này đã gieo).
Điều này cũng lý giải cho nhiều đại gia, quan chức thụ hưởng nhiều quả lành nhưng thay vì tiếp tục gieo nhân thiện để tích thêm phước báo lại sa đà vào dục lạc đồi trụy, làm nhiều hành vi lợi mình mà hại người, dẫm đạp lên thiên hạ để củng cố quyền lực, tiền tài nên sớm mất đi phần phước. Màn “phước” bị mỏng dần và mất hết thì họa sẽ đến và đến liên tục bởi những nghiệp ác đã gieo đời trước và đời này. “Quả báo nhãn tiền” là vậy đấy.
Tôi nhìn vào mọi sự kiện trong đời rất đơn giản như một phép cộng trừ giữa nhân quả nghiệp báo và phước họa hiện tiền. Cho nên tôi không tin vào thần tài, chả cần xem biết ngày giờ AB, cũng không cần nhương sao giải hạn, đốt giấy vàng mã làm gì. Mọi thứ đều tùy duyên và do mình tác tạo. “Tự tác tự thọ” là vậy đấy.
Không lý gì mà bạn gieo nhiều ác nghiệp hại bao chúng sinh rồi đi nhương sao giải hạn để giảm đi cái họa trong tương lai theo mệnh số mỗi năm (được dự báo rất chi là chung chung cho bàng dân thiên hạ trong những tập sách tử vi “tạp nham” được bày bán khắp nơi, từ nhà đến chợ, từ chợ đến Chùa tự).
Hoặc bị bệnh hoạn trầm kha, nghe theo ai đó rồi giết hại đi nhiều sinh mạng của các loài vật kể cả loài quý hiếm để “khẩu dụng” chữa bệnh cho mình. Tội lỗi, tội lỗi! Làm sao chữa được theo kiểu đó.
Rất nhiều đại gia, quan chức đã “ngã ngựa”, thời gian huy hoàng của họ không quá 10 năm. Cũng bởi lòng tham không đáy, không biết “tri túc tiện túc”, lúc nào họ cũng thấy thiếu tiền, thiếu quyền, nên cứ lao vô kiếm, bằng tham nhũng, tham ô, vô hình trung đã tích “ác” quá nhiều.
Câu chuyện của Dương Chí Dũng là 1 điển hình. Ông ta trụ ở đơn vị nào là tanh bành đơn vị đó, rồi chạy chức, chạy quyền lên chỗ cao hơn, ngon ăn hơn, hành vi của ông ta đã trực tiếp hại cả một tập đoàn và hàng ngàn CNVC, người lao động ở đó thất điên bát đảo. Bao nhiêu năm của một DCD huy hoàng, ăn trên ngồi trước, rồi nghe lời “ông anh” mật báo trốn chạy như chuộc lũi hơn nửa năm trời cũng phải vào nhà đá, kéo theo hàng loạt vị dính vòng lao lý. “Đến chết tôi cũng không nhận tội tham ô”, bởi tôi tham nhũng chứ đâu có tham ô. Nếu không sao hết lần này đến lần khác biếu “USD” cho ông anh để nhờ vả lấp liếm những chuyện tày đình của ông ta. Đây cũng là chiêu mà ông dùng để leo lên ghế “Tổng”. Tất nhiên không riêng gì ông ta.
Hà rầm giới chức khác cũng mua quan bán tước kiểu này, mà vài năm trở lại đây, không thèm chơi tiền Việt, biếu toàn là “Đô xanh” không hà. Đến khi có chức quyền bèn tìm cách moi lại của thiên hạ để bù đắp những gì đã mất, đủ bản lĩnh thì giấu được tội (nhưng tránh trời không khỏi nắng, lại bị kẻ khác lừa hết, của thiên trả địa), dật dờ thiếu kinh nghiệm thì từ chết đến bị thương, lần lượt vào nhà đá.
Không ít người trong số đó, hằng năm cũng làm từ thiện, cũng cúng dường phẩm vật cho Chùa, Tăng sư mong giảm bớt nghiệp ác theo kiểu “nhuơng sao giải hạn”, cầu an, cầu phước, cầu lộc… Có biết đâu, cúng dường Tăng Ni bằng của bất tịnh nào đem lại phước báo cho bản thân.
Thôi, tốt nhất là chúng ta hãy thực hiện những hành vi lợi mình lợi người, tuyệt đối tránh kiểu hành xử “lợi mình, hại người” như VietinBank đã làm trong vụ án Huyền Như.
Cũng xin nói cho rõ, ngay cả các tổ chức, đơn vị cũng không đứng ngoài sự chi phối của nguyên lý nhân quả. Đại diện pháp nhân nhân danh pháp nhân hành xử tác tạo nghiệp dữ ác thì tổ chức đó cũng gánh lấy hậu quả cho chính tổ chức của mình.
Nguồn internet
Comment