No icon

vi-sao-nguoi-cha-sap-lam-chung-de-lai-toan-bo-tai-san-cho-co-giup-viec-chu-khong-phai-la-cau-con-trai-doc-nhat

Vì sao người cha sắp lâm chung để lại toàn bộ tài sản cho cô giúp việc chứ không phải là cậu con trai độc nhất?

Sau khi cha mẹ mất đi, việc phân chia tài sản thường sẽ gây tranh cãi trong một số gia đình. Nhưng câu chuyện dưới đây lại liên quan đến cô giúp việc, một người chẳng hề có chút quan hệ huyết thống gì với gia đình cậu chủ…

Hàng xóm láng giềng đều nói sau khi cha cậu mất đi sẽ để lại toàn bộ gia sản cho cô giúp việc. Chàng trai vẫn luôn cho rằng hàng xóm chỉ nói đùa mà thôi. Mãi tới khi ngày càng có nhiều người nói đến tai cậu thì chàng trai mới bán tín, bán nghi, chẳng thể nhẫn nại thêm nữa, cậu tới bên giường cha hỏi cho rõ ngọn ngành câu chuyện.

Mãi đến khi người cha sắp lâm chung, cậu con trai độc nhất mới được biết bí mật này…

Thường có câu rằng: Trước giường bệnh khó gặp hiếu tử. Nhưng Lâm đã chăm sóc người cha bệnh tật của mình cả chục năm trời. Cậu là một người con vô cùng hiếu thuận.

Nhưng một người con hiếu thảo như vậy mà cha cậu lại chẳng để lại cho một đồng một cắc, khiến hàng xóm không khỏi dị nghị. Bản thân cậu cũng chẳng thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra!

Hôm ấy, sau khi đi làm về, thím Tư bên hàng xóm, vội vàng kéo cậu vào trong nhà, thì thầm:

– Con ơi, sao con ngốc thế? Cha con đều nói với mọi người rằng sẽ để lại toàn bộ gia sản cho cô giúp việc, mà con vẫn ung dung vậy sao? Con để tâm một chút có được không? Cô giúp việc nhà con quả thật không hề đơn giản chút nào đâu. Cô ấy có bùa mê thuốc lú gì mà mê hoặc được cả cha con…

– Sao thím biết ạ? Lâm kinh ngạc hỏi.

– Tai vách mạch rừng, hai nhà cách nhau có bức vách thì chuyện gì mà không biết?

– Chúng ta nói nhỏ một chút, cô giúp việc ấy có bùa mê đó, tai cô ta thính lắm!

Nhìn vẻ mặt lén lút cùng bộ dạng sợ bị người khác nghe trộm của thím Tư, Lâm bất giác cảm thấy thật buồn cười.

– Thím ơi, con cảm ơn ý tốt của thím. Cô Hoàng là một người giúp việc tốt. Ngày nào con cũng nhìn thấy những việc cô ấy làm, sao con lại không biết được chứ? Cô đừng nghi ngờ gì nữa. Con về đây!

Tuy nhiên, một người như thím Tư nói thì Lâm cũng chẳng để tâm, nhưng tất cả mọi người đều nói như vậy khiến cậu chẳng thể không nghi ngờ!

Mọi người đồn đại nhiều khiến Lâm chẳng thể không nghi ngờ. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Cuối cùng chẳng thể nhẫn nại được nữa, cậu bèn đến bên giường cha, cúi đầu hỏi: “Cha ơi, có phải cha với cô Hoàng đã có gì với nhau rồi phải không ạ?”.

Người cha hiếm khi tinh thần tỉnh táo. Ông vốn định nói chuyện nghiêm túc với con, nhưng không ngờ con trai mình lại nghĩ như vậy, nên lộ rõ vẻ tức giận:

– Con nói lung tung gì vậy? Lỡ truyền ra ngoài thì dì Hoàng còn mặt mũi nào nữa?

– Nhưng… thế sao cha lại để hết toàn bộ gia sản lại cho dì ấy? Lẽ nào cha cảm thấy con không hiếu thuận với cha hay sao?

Người cha thoáng lặng người, cuối cùng ông cũng nói rằng:

– Thôi được, cha cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, cũng đến lúc phải nói ra câu chuyện chôn chặt trong lòng này rồi!

– Con trai à, con còn nhớ mẹ của con không? Mẹ ruột ấy…

– Vừa nhắc đến mẹ ruột, trong lòng Lâm lại trào dâng một nỗi đau khó tả. Cậu lặng thinh quay mặt đi…

– Cha nhắc đến bà ấy làm gì nữa? Bà ấy đã bỏ rơi con. Cả đời này con sẽ không nhận bà ấy là mẹ nữa!

Người cha thở dài:

– Cha biết tính khí của con ngang bướng lắm. Mọi người đều nói con tốt tính, thông tình đạt lý, dễ nói chuyện. Chỉ có cha mới biết con không phải là người như vậy. Con rất cứng đầu. Có những việc dẫu chết con cũng chẳng chịu khuất phục…

Chuyện về người mẹ ruột của Lâm luôn là một bức tường chắn trong lòng cậu chẳng thể nào phá vỡ

Cha cậu ngẫm nghĩ một lát rồi từ tốn tiếp lời:

– Con là một đứa con ngoan. Con đã hiếu thuận với ta biết bao nhiêu năm như vậy, cha rất vui! Nhưng tới khi sắp chết cha lại rất sợ. Cha sợ con không nghe lời cha, không tha thứ cho mẹ con. Nên cha chỉ có thể mang hết gia sản của mình để lại cho bà ấy, coi như là thay con tận chữ Hiếu! Con trai à, làm người thì phải mở rộng tấm lòng mà bao dung cho người khác. Năm đó mẹ con cũng vì bất đắc dĩ mới phải như vậy. Con đừng oán hận bà ấy nữa!

Khi mới tròn 3 tháng tuổi Lâm đã bị vứt ở cổng trường. Là người thầy giáo độc thân, cha nuôi của Lâm bây giờ, đã một tay lo bỉm sữa, dọn phân, dọn nước tiểu, nuôi Lâm trưởng thành từ tấm bé.

Năm cậu 12 tuổi, mẹ ruột của Lâm tìm đến nhà thầy giáo, xin nhận con trai. Nhưng Lâm nhất quyết không chịu gặp mẹ. Cậu tựa lưng vào cánh cổng sắt phẫn nộ hét lên:

– Bà đi đi! Bà đi đi! Bà không phải là mẹ tôi. Cả đời này tôi không muốn gặp lại bà nữa!

Lỗi lầm của người mẹ trong quá khứ cứ dằn vặt Lâm, làm cho cậu không thể nhận lại mẹ. (Ảnh: youtube.com)

Người cha nuôi khóc nghẹn, khuyên con trai ra mở cửa, nhưng một khi Lâm đã nổi giận thì chẳng ai có thể khuyên can nổi. Mãi cho đến khi mẹ cậu nức nở rời đi, cậu mới chạy vụt vào trong phòng. Cậu giận dữ hất đổ mọi thứ trong phòng văng xuống đất.

Sau này, cha cậu về hưu, ông đi du lịch khắp đó cùng đây. Một lần nọ, trong một chuyến đi xa, chẳng may ông bị xe tông gãy chân nhưng những người qua đường không ai ngó ngàng đến ông.

Mãi cho đến khi vô tình gặp được dì Hoàng chuyên nhặt đồng nát sắt vụn thì ông mới được cứu. Lúc ấy dì Hoàng đã bị cái khổ dồn đến cùng cực, chẳng còn nhận ra hình người. Người dì đen nhẻm, chỉ còn da bọc xương.

Nếu không phải là dì Hoàng nhận ra cha cậu thì ông cũng không biết bà chính là người phụ nữ đã từng tìm đến nhà xin nhận lại con trai năm đó nữa.

Dì Hoàng vô cùng đau khổ và hối hận nói trong nước mắt:

– Năm ấy tôi cứ ngỡ rằng đứa con này bất bình thường. Mẹ chồng tôi mắng tôi tối tăm mặt mũi. Tôi buồn lắm, nhưng chỉ biết nghe lời mẹ chồng, cắn răng mà bỏ rơi con. Ngay sau đó tôi đã vô cùng hối hận, tôi đi tìm lại con khắp nơi nhưng không thấy.

Buông bỏ niềm oán hận ngày xưa, đổi lấy tình thân dạt dào

Cha cậu thấy bà lúc ấy chỉ có một thân một mình, thật đáng thương. Ông bèn đưa bà về để giúp hai mẹ con tái hợp.

Nào ngờ cậu Lâm đã không còn nhận ra mẹ ruột của mình, hễ mở miệng ra là gọi dì Hoàng. Cậu cảm ơn bà đã cứu cha mình.

Vậy nên cha cậu mới không nỡ nói ra chuyện này, mà giữ bà lại làm người giúp việc trong nhà, cũng là để hai mẹ con gây dựng lại tình cảm.

– Con trai à, coi như cha cầu xin con! Hãy giúp cha hoàn thành tâm nguyện này: Con hãy nhận lại mẹ con đi!

Người cha già cố giương đôi mắt yếu ớt nhìn con trai, ánh mắt tràn đầy niềm khắc khoải, mong đợi.

Lâm không nói thêm lời nào, lặng lẽ ra khỏi phòng cha.

Mãi tới khi cha cậu trút hơi thở cuối cùng, cậu mới nhìn thấy dòng chữ run run, nguệch ngoạc cha cậu viết ngay trước lúc lâm chung: “Cha không muốn sau này con phải sống một mình!”.

Cậu đột nhiên hiểu ra: Cha làm vậy không phải vì bản thân ông. Trên hết ông không muốn cậu phải sống một mình trên cõi đời này, tứ cố vô thân, chẳng người nương tựa.

Không phải chỉ đơn giản ông là một người vô cùng yêu thương đứa con trai của mình mà còn là một người rất mực thấu tình đạt lý.

Lòng Lâm trĩu nặng, cậu quỳ sụp xuống, đột nhiên nước mắt chảy dài, giàn giụa khắp khuôn mặt: “Cảm ơn cha! Con trai sẽ nhận lại mẹ của mình. Cha hãy yên lòng an nghỉ nơi chín suối nhé!”.

Theo Soundhope
Minh Nguyệt biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/vi-sao-nguoi-cha-sap-lam-chung-de-lai-toan-bo-tai-san-cho-co-giup-viec-chu-khong-phai-la-cau-con-trai-doc-nhat..html

Comment