nhung-tuong-tot-ky-la-duoi-long-ban-chan-cua-duc-phat
Những tướng tốt kỳ lạ dưới lòng bàn chân của Đức Phật
- bởi tamthuc --
- 18/05/2016
Ngay từ khi Thái tử Tất Đạt Đa (sau này là Phật Thích Ca Mâu Ni) được sinh ra, các thầy tướng số đã phát hiện rằng trên thân của Ngài mang đầy đủ 32 tướng quý, là dấu hiệu của một bậc đại đức toàn năng đã trải qua nhiều đời tu tập.
Các kinh điển Nam truyền cũng như Bắc truyền đều có nói đến 32 tướng tốt của Đức Phật một cách đầy đủ, những tướng này được phát hiện lúc mới đản sanh, do các vị tướng sư xác định.
Kinh tướng (số 30) thuộc Kinh Trường Bộ ghi lại nội dung đó như sau:
“Này các Tỷ-kheo, ba mươi hai tướng Đại trượng phu là gì mà những ai đầy đủ những tướng Đại Trượng phu này sẽ chọn đi hai con đường, không còn con đường nào khác?
Nếu sống tại gia, sẽ làm vị Chuyển Luân Thánh Vương. Nếu vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, vị ấy sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh Đẳng giác, vén lui màn vô minh che đời.
Này các Tỷ-kheo, vị này có lòng bàn chân bằng phẳng, tướng này được xem là tướng tốt của bậc Đại nhân. Này các Tỷ-kheo, dưới hai bàn chân của vị này có hiện ra hình bánh xe, với ngàn tăm xe, với trục xe, vành xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ, tướng này được xem là tướng của bậc Đại nhân”. (Đại nhân ở đây chỉ bậc thánh nhân, đại đức).
Chúng ta cũng nên hiểu rằng sự mô tả hình bánh xe dưới lòng bàn chân của Đức Phật có “ngàn” tăm cũng chỉ là con số tượng trưng, ám chỉ rất nhiều đường chỉ hay vân dưới lòng bàn chân quay tụ về một điểm có hình bánh xe. Đây là dấu hiệu của một bậc giác ngộ viên mãn sẽ vận chuyển bánh xe Pháp, đem lại hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài người, hoặc là dấu hiệu của Đức Chuyển Luân Thánh Vương.
Kinh nghiệm của các nhà nhân tướng học Trung Hoa cũng cho rằng lòng bàn chân của một người ít lõm khuyết thường có đời sống đầy đủ, sung sướng, hạnh phúc. Ở đây, nhân tướng học của người Trung Hoa và Ấn Độ có một chút giống nhau. Người dân Trung Hoa rất giàu niềm tin đối với nhân tướng học.
TAMTHUCCác học giả nổi tiếng như Đào Hoằng Cảnh vào thời Nam-Bắc triều, viết Tướng Kinh, về sau lại có Mã Y Tướng Pháp, Viên Liễu Trang thời Minh có Liễu Trang Thủy Kính, Vương Thị Phong Giám, và nhiều tác giả, tác phẩm khác. Tuy nhiên, Trung Hoa gần như không có đề cập đến “tướng của một bậc Thánh nhân”, ví dụ như tướng dưới lòng bàn chân “có hiện ra hình bánh xe, với ngàn tăm xe, với trục xe, vành xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ” như tướng của Đức Phật.
Trong Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng không trình bày và giải thích kỹ 32 tướng này. Người viết nghĩ rằng có lẽ Đức Phật cho vốn kiến thức của môn này cũng có giới hạn và mang tính cách tương đối, không giúp ích hành giả đạt đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát, mà chỉ giúp hành giả thêm chút kinh nghiệm về cách nhìn tướng người mà đoán được tâm tính của đối tượng.
Vả lại, khả năng nhận xét và kinh nghiệm của con người còn nhiều hạn chế do ức đoán, trắc lượng, chỉ thấy một phương diện nào đó, không thể thấy được tổng thể tướng tánh của con người như một bậc đắc đạo.
Người xưa thường nói: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”. Chính vì Phật giáo không có truyền thống “xem tướng” này mà chúng ta không tìm thấy được sự phân tích chi li hay lý giải về nhân tướng, thanh tướng hay thần tướng, mà các tướng này được trình bày như là kết quả của nhiều đời trước thực hiện vô số hạnh lành của Đức Phật.
Liên quan đến tướng bàn chân của Đức Phật, bản sớ giải Kinh Phật Tự Thuyết (VII. 10) thuộc Tiểu Bộ được cố giáo sư G.P. Malalasekera trình bày trong bộ tự điển nổi tiếng của ông Dictionary of Pali Proper Names (tập I, trang 693; tập II, trang 597) trình bày câu chuyện vào mùa mưa thứ 9 tại Kosambì, Đức Phật đặc biệt hóa độ cha mẹ nàng Màgandiyà, một thiếu nữ kiều diễm lúc bấy giờ và sau này trở thành thứ hậu của vua Udena.
Tương truyền rằng Đức Phật chỉ để lại dấu chân của Ngài khi Ngài thật sự muốn, còn không thì không ai biết được tướng bàn chân của Đức Phật như thế nào. Nhận thấy nhân duyên hóa độ song thân của nàng Màgandiyà đã đến, Đức Phật đã để lại dấu chân của Ngài.
Khi người mẹ của cô gái đến với mục đích gặp “chàng rể tương lai” của mình đã phát hiện ra đó là dấu chân của một bậc hoàn toàn thanh tịnh, không còn cáu bẩn dục vọng trong tâm thức. Câu chuyện này được HT. Narada kể lại ngắn gọn trong phần “Con đường hoằng pháp” thuộc tác phẩm Đức Phật và Phật Pháp.
Tại Bồ-đề Đạo Tràng có một tảng đá điêu khắc lại bàn chân Đức Phật có hình bánh xe cũng rất lớn, đó là do sức tưởng tượng của các Phật tử đời sau điêu khắc lại dấu chân của Đức Phật để tưởng nhớ Đức Phật và cũng có lẽ là để đánh dấu sự kiện Đức Phật để lại dấu chân với mục đích hóa độ hai Bà-la-môn – cha mẹ của nàng Màgandiyà tại xứ Kosambì. Tuy nhiên, thạch điêu đó không đẹp, không giống như dấu chân của Đức Phật như trong Kinh mô tả.
Theo Autowmz.net
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/nhung-tuong-tot-ky-la-duoi-long-ban-chan-cua-duc-phat.html
Comment