No icon

du-khao-cung-the-gioi-huyen-mon-mien-tay-bai-

DU KHẢO CÙNG THẾ GIỚI HUYỀN MÔN MIỀN TÂY. BÀI 2.

DU KHẢO CÙNG THẾ GIỚI HUYỀN MÔN MIỀN TÂY.
3/ THĂM CÁC HUYNH ĐỆ TRONG ĐẠO TỨ ÂN HIẾU NGHĨA VÙNG BA CHÚC - TRI TÔN - AN GIANG.

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, còn có tên là Đạo Lành, gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa, do Ngô Lợi (thường được tín đồ gọi là Đức Bổn Sư) sáng lập vào năm 1867 tại Ba Chúc, huyện Tri Tôn , tỉnh An Giang. Buổi đầu, đạo là một trong những phong trào Cần Vương, nhưng dùng hình thức tôn giáo để qui tập tín đồ và để che mắt thực dân Pháp, nhưng sau khi vua Hàm Nghi bị đày, Ngô Lợi mất, phong trào tan rã chỉ còn lại những hoạt động tín ngưỡng.
Hơn 140 năm hình thành và phát triển, đạo Hiếu Nghĩa đã qui tụ gần 80.000 tín đồ, sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành thuộc Nam Bộ, nhưng nhiều nhất là ở huyện Tri Tôn. Đây là đạo thuần túy nội sinh, tín đồ đa phần là nông dân.
Cũng như Phật Thầy Tây An (người sáng lập ra Bửu Sơn Kỳ Hương), Ngô Lợi chú trọng phát triển Phật giáo theo hình thức "cư sĩ", nghĩa là tín đồ không cần "ly gia cắt ái" hay "đầu tròn áo vuông", tín đồ mặc áo vạt hò, quần lá nem, bới tóc hoặc để xõa tự nhiên và tu đâu cũng được... Ít quan tâm đến giáo lý mà chú tâm nhiều đến việc thờ cúng, bố thí và lấy việc "Tu Nhân - Học Phật" làm nền tảng cho sự hành đạo.
 Tôn chỉ
• Tu Nhân: được thể hiện qua việc kính thờ và phụng sự tứ ân:
• Tứ đại trọng ân bao gồm: đất, nước, gió, lửa.
• Tứ trọng ân bao gồm: ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại.
Ngoài việc kính thờ trên, người tín đồ còn phải hành xử việc "Hiếu" (hiếu thảo với ông bà tổ tiên) và việc "Nghĩa" (nghĩa vụ với đất nước, đồng bào và nhân loại).
• Học Phật:
Là học những điều Phật giáo hóa chúng sanh, thành tâm phụng thờ và trì niệm Phật để cầu được giảm “tội, nghiệp”, được cứu độ và giải thoát.
Ngô Lợi tức Đức Bổn sư dạy:
Một lòng giữ vẹn tứ ân,
Phụng thờ khuya sớm ân cần đừng sai.
Gắng công niệm Phật hôm mai,
Trì tâm thì đặng thiếc mài nên kim.
hay:
Việc làm cho Phật, phước nhiều
Cũng như hoa lại mai chiều nở vun.
(Sám giảng Ngũ giáo)
Mặc dù phát triển từ nền tảng của tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng đạo Hiếu Nghĩa còn chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác nữa:
• Phật giáo: Về tâm linh, đạo Hiếu Nghĩa chịu ảnh hưởng của Lâm Tế tông và Thiên Thai tông.
Đức Bổn sư viết:
Phật dạy lý chân không
Vì sợ người chấp có.
Bằng người lại chấp không,
Như chụp thỏ buông ó.
Người chấp vô thường tướng,
Phật nói hữu thường tâm.
Chẳng dè phương tiện pháp.
Ao xuân hiện lỗi lầm...
Yếu lý này thể hiện nhiều trong kinh giảng cùa đạo Hiếu Nghĩa.
Kinh Phật giáo được tín đồ đạo Hiếu Nghĩa trì tụng, đó là: "Bát Dương kinh", "Di Đà kinh", "Kim Cang thọ mạng kinh", "Phổ Môn kinh" và "Bổ khuyết Tâm kinh" (được tín đồ đọc tụng thường xuyên). Đức Bổn Sư cũng cho phép, người ít hiểu biết chỉ cần tụng "Linh Sơn hội thượng kinh" cũng đủ. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích tín đồ trì niệm chú, ấn pháp theo Mật Tông.
Đàn, ấn, chú là pháp chư Phật
Người làm theo sẽ được hộ trì.
• Nho giáo: Quan niệm "Tu Nhân" chịu ảnh hưởng rất nhiều của tư tưởng Khổng Mạnh.
Chữ "Tu" ở đây hiểu theo nghĩa "Mạng trời gọi là tính, nương theo tính trời gọi là đạo, sửa mình theo đạo gọi là "giáo" (Thiên mệnh chi vị tính, xuất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo. Trung Dung). Vậy, Tu Nhân tức là sửa mình theo "đạo làm người" (nhân đạo), mà đạo làm người không hề xa với "đạo trời"...
Trong sinh hoạt của tín đồ, có những việc có liên quan đến đạo Nho, như:
Thờ cúng đất trời. Xây dựng chùa chiền, nhà cửa theo số vị vận hành của Kinh Dịch. Các lễ tế, hôn sự, tang ma theo thể thức của Nho giáo. "Thập Nhị lệ sự" tức 12 điều lệ mà tín đồ phải tuân theo, được mô phỏng từ khuôn mẫu của đạo Nho.
• Đạo Lão: Tư tưởng Lão giáo cũng là tư tưởng chủ đạo trong giáo thuyết của đạo Hiếu Nghĩa.
Người tín đồ phải nằm lòng những bài kinh sau: "Tâm Ấn kinh", "Động cổ kinh", "Tam mao chơn kinh". Trích:
Động cổ kinh.
(dịch nghĩa)
Có động cũng xuất nơi không động.
Hữu vi cũng xuất nơi vô vi.
Vô vi thời thần về, thì muôn vật yên lặng.
Bất động thì khí điều hòa.
Khí yên lặng điều hòa, thì muôn vật không sanh.
Tóm gọn, pháp môn tu hành của đạo hiếu Nghĩa là:
Trì niệm theo Thiền tông
Xử sự theo Nho giáo.
Luyện tinh, khí, thần theo Lão giáo.
Trong đạo chia làm 24 Gánh nội thôn và 15 Gánh ngoại thôn, chỉ có ông Gánh (tức trưởng Gánh) mới có quyền thu nhận tín đồ, nhưng không quá cách biệt giữa giáo phẩm (ông Trò, ông Gánh)[3] và giáo dân (tín đồ). Người tín đồ ngoài việc hành xử theo "Tứ trọng ân" và "Thập nhị giáo điều" (còn được gọi Thập Nhị lệ sự), còn phải lễ lạy (vào hai thời: sáng từ 5 giờ đến 7 giờ sáng , và chiều từ 5 giờ đến 7 giờ tối), công phu (tụng kinh có chuông mõ. Kinh đọc được rút ra từ bộ "kinh Siêu độ" của đạo) và niệm pháp (lần chuỗi bồ đề).
Trong nhà của tín đồ thờ nhiều thứ, như: trên cùng thờ Quan Thánh, bên dưới thờ Hội đồng gồm Phật, Thánh, Tiên. Dưới nữa thờ Thập Vương, bàn Hộ pháp Vi Đà. Bên trái thờ Cửu phẩm, bên phải thờ Tam giáo v.v... Trước cửa nhà tín đồ có bàn thờ thông thiên hai tầng, tầng trên thờ "Chánh đức thiên La thần" và tầng dưới thờ "Thổ Trạch Long thần".
Và trong nền đạo Hiếu Nghĩa, sự thờ cúng được coi là nguồn ân phúc thiêng liêng, giúp tín đồ tăng thêm lòng chánh tín, lấy hình thức chuyển vào nội tâm, đem nghi lễ hướng con người đến việc thực thi phúc lợi chân chánh.
• Cúng Phật: bằng hương, đăng, hoa, trà, quả, các món chay. Phẩm cúng có ý nghĩa nhất là ngọt (chè xôi nước) và dẽo (xôi nếp)...
• Cúng Thần: vật phẩm như cúng Phật, có thêm món cá, không được cúng các thức ăn từ thịt ngoài loài thủy tộc.
• Cúng giỗ người mất: vật phẩm như cúng Thần.
Ngoài ra, tín đồ còn phải thường tham gia các lễ cúng chính ở chùa miếu, thành tâm cầu nguyện cho quốc thới dân an, cầu cho ông bà tổ tiên được siêu thăng tịnh độ v.v...
 Nhận xét
Tuy cốt lõi trọng "Tứ Ân", chuộng "Vô vi" (tôn chỉ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương), nhưng đạo Hiếu Nghĩa vẫn còn "ham chuộng hình thức: nhiều buổi làm chay, đến nghe thuyết pháp, lãnh bùa mà đeo, có chuông mõ, quì lạy quá nhiều, thờ Quan Công, có thêm ngôi Long Đình, dành cho người khuất mặt sắp xuất hiện (ám chỉ vua Hàm Nghi), cổ xuý ngày tận thế sắp cận kề, sắp đổi đời, ma quỷ đã hiện ra đầy đường và vẫn là núi Cấm sắp mở hội "Long Hoa" 
Về mặt thờ phượng, đạo Hiếu Nghĩa theo mô hình "trước miễu, sau chùa". Miễu thờ thần cựu trào, gồm bá quan văn võ. Riêng chùa Phi Lai ở núi Tượng là điện, thờ đấng tối cao là Ngọc Hoàng Huyền khung Cao thượng đế, tượng trưng với tấm vải đỏ, không hình tượng (gọi trần điều). Một bàn thấp hơn dành cho “tứ đại thần châu”, tức bốn hòn đảo của cõi tiên. Đúng là tu tiên, đạo Lão...Những điều đó cho thấy, hướng đi và việc làm của Ngô Lợi không thoát khỏi tư tưởng phong kiến và thần quyền, như câu ca dao còn truyền tụng ở vùng Núi Tượng:
Ai về nhắn với áo dà,
Sửa sang khăn áo đặng mà chầu vua.
Nhưng khách quan mà xét, về mặt đạo, Ngô Lợi động viên được tín đồ cùng nhân dân phát huy tinh thần yêu nước. Về mặt đời, ông đã liên kết với Khả và Ong cùng khởi nghĩa ở Cai Lậy năm 1878, qui tụ được những người từng tham gia kháng Pháp, từ những phong trào như của Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân thiết lập được mối quan hệ với phong trào kháng Pháp của ông hoàng Si-Vatha ở các tỉnh phía Nam nước Campuchia và những người dân tộc Khmer vùng Bảy Núi (Thất Sơn).
Trong một bài viết trên website của Thông tấn xã Việt Nam có đoạn:
Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một đặc trưng của văn hóa Nam Bộ, trong quá trình hình thành và phát triển luôn gắn liền với quá trình di dân, khai hoang lập làng, xây dựng căn cứ kháng chiến, hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích “Học Phật tu thân”, “Tứ đại trọng ân”, “Hòa hợp đoàn kết dân tộc”, lấy công tác xã hội từ thiện làm mục tiêu hoạt động.
Chùa của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa canh chân núi Tượng - Ba Chúc.
  


Núi Tượng còn được gọi là Liên Hoa Sơn, nằm tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam. Núi Tượng thấp nhỏ, chỉ cao 145 m và chu vi 3.825 m. Nhiều người cho đây là một trong Thất Sơn. Từ xa, hình núi trông giống hình dạng con voi nên có tên là Núi Tượng.
Nhà văn Sơn Nam viết:
Vùng Ba Chúc (quanh núi Tượng), thung lũng nhỏ, cổ kính, có cảnh “trước miễu, sau chùa”, miễu (là đình làng độc đáo, thờ trăm quan đại thần) cất phía trước, chùa phía sau, kề sát nhau. Câu ca dao khá xưa, dễ gợi giây phút lâng lâng:
Dạo chơi trước miễu sau chùa.
Đụng người mua bán quê mùa thiếu chi.
Ở miền đất này đã xảy ra một số sự kiện:
 Đạo nạn
Trước năm 1870, vùng núi này hãy còn hoang vu, nhưng kể từ năm này, nhờ ông Ngô Lợi , người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa), dẫn dắt một số đệ tử vào vùng núi Tượng khai hoang lập những thôn ấp, mà sau này trở thành làng An Định, An Hòa, An Thành, An Lập; dựng chùa Tam Bảo, chùa Phi Lai khiến nơi đây ngày một trở nên đông đúc.
Chỉ tính trong 12 năm (1876 - 1888), quân lính Pháp đã đến đốt phá, bắt bớ, tra tấn, tù dày những tín đồ ở làng An Ðịnh cả thảy bảy lần, tín đồ Hiếu Nghĩa gọi là “đạo nạn”. Đơn cử năm 1885, Ngô Lợi cùng với tín đồ đạo Hiếu Nghĩa kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Sivôtha (Campuchia) nổi dậy, nhưng bị Pháp nhanh chóng đưa quân vào trấn áp rồi còn cho đóng đồn dọc kênh Vĩnh Tế để dễ theo dõi, chế ngự. Lần đạo nạn này, Ngô Lợi phải cùng với nhiều tín đồ phải chạy sang Vườn Dầu, thuộc Campuchia để lánh nạn. Đến khi trở về, nhà cửa, chùa chiền chỉ còn lại những đống tro tàn. 

CHÙA TAM BỬU Ở NÚI TƯỢNG-BA CHÚC.
(Trần Thế Vinh )
Là ngôi chùa do ông Ngô Lợi, tức Đức Bổn Sư-Người sinh trưởng ở Trà Tân(Cai Lậy), một đạo sĩ chống Pháp nhiều lần ở Mỹ Tho thất bại, dẫn hơn bốn trăm hộ gia đình khắp lục tỉnh lên Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), một trong bảy địa danh của Thất Sơn, thuộc tỉnh Châu Đốc lúc bấy giờ. Ông hướng dẫn số “tín đồ” trảm thảo khai hoang, thiết lập chùa miếu và thôn ấp mới - đặt Thôn An Định, và khai sáng đạo Tứ An Hiếu Nghĩa vào giữa cuối tháng giêng năm Bính Tý- 1876 - trích dẫn Lịch Sử An Giang của nhà văn Sơn Nam.
Nhưng thực sự ngôi chùa Tam Bửu, được xây dựng vào ngày 26/6 năm Nhâm Ngủ-1882. Nằm về phía Đông vách núi Tượng và cách chân núi hơn ba mươi mét . Khởi đầu dựng lên bằng cây lá đơn sơ, nhưng chắc chắn bởi các loại cây núi giá trị như cam đàn,căm xe,cà chất… nhưng sau đó phải trãi qua nhiều lần bị lính Mã Tà đốt phá, trong gần l0 năm đến 7 lần Pháp nạn ! – Người xưa, truyền miệng kể- Chúng ( tức Pháp và chính quyền thuộc địa ) đưa lính tráng vào đuổi dân làng, cướp giật nhiều thứ, từ heo, gà…cho đến vật dụng quý, trong đó có ngôi Long Đình của bổn Chùa- do tên Trần Bá Lộc lấy đi và sau đó đưa vào Bảo tàng SàiGòn, chúng xem đây là vùng căn cứ tự trị do Ông Ngô Lợi cầm đầu trong suốt thời gian từ 1876 đến năm 1888.Theo sử liệu của tủ sách sưu khảo PG.Bửu Sơn Kỳ Hương do Hà Tân Dân biên soạn và những vị cao đồ địa phương, thì đến năm 1885 chùa tái thiết lại và vào tháng 2/1888 chính quyền Pháp mới cho Thôn An Định sáp nhập vào xã Ba Chúc của người Miên, thuộc tỉnh Châu Đốc bấy giờ, và chùa Tam Bửu mới được trùng tu khang trang. Năm 1890 Ông Ngô Lợi viên tịch, giao lại cho các Ông Trò, Ông Gánh duy trì thờ phượng. Đây là ngôi chùa Trung tâm ( Thánh địa ) của tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Mãi đến năm 1971, Ngôi Long Đình quý hiếm mới được chính quyền Sài Gòn- Nguyễn Văn Thiệu trao trả lại bổn chùa.
Thăng trầm trên 125 năm, ngày nay chùa Tam Bửu vẫn còn nét cổ , chùa dựng nhiều mái, nhiều gian, lợp ngói cổ, nóc chóp cao… và hằng năm đều được ngành Bảo Tàng tôn tạo, sửa chửa…nằm trong một khuôn viên rộng trên 3 hecta. Ngoài ngôi chùa chính ,còn có nhiều gian phụ như nhà khách, tiếp tân, nhà bếp, gian nghỉ ngơi rộng, có sức chứa cả trăm người qua đêm…Tam Bửu Tự cổ kính, và theo hành đạo của tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là Tứ Đại Trọng Ân, nên thờ cúng trên 30 bàn thờ từ gian chính điện ra tận ngoài cột phướng. Trong chính điện thờ Quan Thánh Đế Quân(Quan Công,Quan Bình,Châu Xương), thứ hai là thờ Hội đồng thượng Phật, kế bên là Cửu huyền bá tánh, thập Vương, Hộ pháp, phía trong là Chánh Tăng, Phật Vương, Phật Thầy, Phật Trùm…Trước tiền sảnh tạc 4 rồng đeo 4 trụ, ngoài gần cột cờ phướng thờ Thiên, Địa thần, Thổ Trạch… Việc cúng bái rất nhiều lễ, ngoài rằm ,ba mươi hằng tháng, còn những đại lễ khác như Đức Bổn Sư viên tịch (13/10 âl), rằm tháng 7(Trai đàn), Cúng hội Chánh đán, Đoan ngủ, Giỗ cúng tập thể thường niên ngày 16/3 al cho trên 3.017 nạn nhân bị bọn diệt chủng PônPốt, Iêngsary sát hại ngày 16/3 âl năm 1978. Trong chùa Tam Bửu còn có thờ Ngôi Long Đình, một cổ vật do Đức Bổn Sư thiết kế,và được làm bằng gỗ quý ( Cây Cam Đàn ở Thất Sơn), cách nay hơn 115 năm.
Tam Bửu Tự là ngôi chùa trung tâm của trên tám chục ngàn tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, không chỉ riêng ở thôn An Định- Núi Tượng, hay các thôn lân cận như An Hòa, An Thành, An Lập, An Phước…mà người theo đạo khắp cả miền Tây, do Ông Ngô Lợi-Đức Bổn Sư sáng lập, nay thuộc thị trấn Ba Chúc,Tri Tôn, An Giang. Vừa có kiến trúc cổ kính, mang dấu ấn lịch sử thời khai mở vùng Thất Sơn huyền bí. Được nhà nước công nhận di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia hơn 20 năm qua, là một địa chỉ danh tiếng ở vùng Thất Sơn ,An Giang. Hiện nay thu hút mỗi ngày hàng trăm người hành hương trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái theo tua từ Chùa Bà –Núi Sam, vào Núi Cấm rồi đến Núi Tượng-chùa Tam Bửu-Nhà mồ Ba Chúc…

 Lần này, đoàn của dienbatn tới thăm một người bạn là Mười Trác ( Nguyễn Ngọc Trác ) là trưởng gánh trong 24 gánh tại thôn An Định nơi Thánh Địa của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Từ sáng sớm , thày Mười đã điện cho chúng tôi hẹn về sớm để ăn cơm cùng một đoàn từ thiện từ TP. HỒ CHÍ MINH mới xuống. Loanh quanh mãi bên Châu Giang , Thị xã Tân Châu , mải mê nghe chuyện về lễ hội " đâm xuyên quai " mãi tới tối mịt chúng tôi mới tới được Tam Bửu Gia là ngôi chùa do Thày Mười trụ trì. Thày Mười là Trưởng gánh ở khu vực này , có nhiệm vụ ghìn giữ mối Đạo trong vùng và làm những công việc về Quan - Hôn -Tang- Tế cho đồng bào trong khu vực. là một người đàn ông trạc ngoài 40 cao lớn , tráng kiện và rất đẹp trai. Gia đình Thày Mười đã nhiều đời nắm giữ mối Đạo trong khu vực này. Đón chúng tôi hết sức niềm nở thân tình , Thày chỉ cho chúng tôi chỗ tắm rửa thay đồ và giục người nhà dọn cơm cho chúng tôi ăn. Chùa này sở dĩ có tên Tam Bửu Gia là do nằm dưới sự chỉ đạo của Tam Bửu Tự như dienbatn đã giới thiệu ở phần trên. Ngày xưa Đức bổn sư Ngô Lợi có 24 vị đệ tử ruột cận kề cho đến khi viên tịch và là trưởng gánh của 24 gánh. Sau này do chiến tranh ly tán , chỉ còn khoảng 5,6 gánh là đúng theo danh chính ngôn thuận , còn các gánh khác chưa thực sự là những gánh theo đúng ý nghĩa của ngày trước. Hiện nay có khoảng 6 Tam Bửu Gia còn đang hoạt động, giữ ghìn riềng mối Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa trong vùng. Cơm xong , chúng tôi ngồi quanh bàn trà đàm Đạo thật vui vẻ. Thày Mười là một người có tư chất hành Đạo , thông minh , tế nhị và hiểu biết rất sâu về bổn Đạo của mình. Ngồi một chút , dienbatn thấy Thày có điện thoại liên tục do những người dân trong vùng gọi tới kêu Thày làm giúp các việc Quan , Hôn , Tang , Tế. Thày kể cho chúng tôi nghe công việc hàng ngày của mình. Có nhiều lần mấy Thày trò phải nhảy xe đò đi giúp những đám tang , khi xong do thân chủ quá nghèo lại tự bỏ tiền ra đi về . Là người chăm sóc phần tâm linh trong một khu vực nghèo như Ba Chúc , Thày và các vị phụ tá vẫn phải tự làm ruộng nuôi thân hành Đạo . Cách đây vài năm , Thày Mười đã một thân một mình sang thăm các vị Thánh Tổ tại dãy núi Tà Lơn bên Cămpuchia. Nhiều chuyện ly kỳ và nhiều ân sủng của Thày Tổ đã đến với Thày Mười.Hàng ngày Thày và các đồng Đạo tại đây vẫn công phu ngày bốn thì : Tý - Ngọ - Mão - Dậu hết sức nghiêm túc. Đêm đó , dienbatn và Thày Mười gần như không ngủ để đàm đạo . Sáng hôm sau , vì Thày bận công chuyện giúp một đám tang cho bà con trong vùng , chúng tôi cùng Thày lên chùa chụp ảnh kỷ niệm và lại tiếp tục lên đường. Thày Mười tặng cho dienbatn mấy cuốn sách hay được Thày sử dụng trong công việc của mình.

Thày Mười Trác cùng các thành viên trong đoàn du khảo.
4/VỀ THĂM MỘ PHẬT TRÙM

Phật Trùm (? - 1875) tên thật: Tà – pênh, người Việt gốc Khmer, ở ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông được tín đồ các giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo gọi tôn là Phật Trùm
Phật Trùm, từ nhỏ đến lớn, sống như một người bình thường. Khi trưởng thành, ông cưới vợ và có được bốn cô con gái. Là người Việt gốc Khmer ít học, nói tiếng Việt không thạo; vậy mà vào năm 1866, sau những ngày lâm bệnh nặng đến hôn mê, ông bỗng dưng tỉnh táo và khỏe lại, tự nhận mình là hậu thân của Phật Thầy Tây An tức Đoàn Minh Huyên, là hồn Trùm của Phật (nên được tín đồ gọi tôn là Phật Trùm), theo như mấy câu sám giảng của ông còn lưu truyền:
Ở đời hạ giới yêu ma,
Phật cho Thầy xuống để mà giảng dân.
Tuy là phần xác của Miên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.
Từ đấy, Phật Trùm bắt đầu giảng giáo lý toàn bằng tiếng Việt. Bà Néang-Suông xưng là cháu chắt Phật Trùm cho biết ông có để lại một cuốn kinh bằng tiếng Việt, nhưng Tà-Sao là cháu của Phật Trùm đã đem nạp cho Pháp, bởi vậy chỉ có thể biết được một phần nội dung:
Thương đời ta phải bị đày,
Phật môn vạn pháp không ngoài cái Tâm.
Hạ ngươn sanh chúng lạc lầm,
Nên đem diệu lý âm thầm độ sinh.
Tu Nhân, Học Phật khá gìn,
Long Hoa đến hội, Phật tiên đến gần..
Và cũng tương tự lối hành đạo của Đoàn Minh Huyên, Phật Trùm cho phân phát “lòng phái”, trổ tài trị bệnh thật lạ thường. Người ta kể rằng Phật Trùm thường dùng đèn sáp đốt lên, bảo bịnh nhơn ngửi hơi khói mà hết bịnh, nên ông còn được gọi là Đạo Đèn.
Cái tên ấy, đã được nhắc đến trong sám giảng của ông:
Lâm san nghe tiếng Đạo Đèn,
Gần xa thiên hạ ngợi khen vô cùng.
Kẻ thời đến lãnh giấy thông,
Người thời đến lãnh phù ông đem về...
 Mộ Phật Trùm trên lưng chừng núi Sàlon, ấp Sàlon, xã Lương Phi.Khoảng năm 1870, lúc này tín đồ người Việt theo ông đã khá đông. Thấy vậy, một số người Việt gốc Khmer trong xóm vu cáo là ông mượn chuyện đạo, chuyện trị bệnh để quy tụ, để cổ xúy nhân dân nổi loạn, nên nhà cầm quyền Pháp cho bắt giam ông rồi kết án tù đày.
Trong tù, ông chăn heo. Sau vài năm, Pháp thấy ông hiền lành, không có biểu hiện gì chống đối, nên ông được trả tự do. Về lại quê nhà, Phật Trùm tiếp tục hành đạo, có khi rao giảng đạo sang tận bên nước Campuchia.
Ngày 13 tháng 3 âm lịch năm Ất Hợi (1875), Phật Trùm viên tịch.
Hiện mộ Phật Trùm nằm lưng chừng núi Sàlon, một núi nhỏ, thấp thuộc ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Mộ không đấp nấm, theo chủ trương của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
( Theo vi.wikipedia.org )
Đường vào mộ Phật Trùm
Cánh đồng lúa tại ấp Sa Lôn.
Hai viên ngọc của Phật Trùm người ta mới tìm được hơn một năm nay khi sửa miếu Phật Trùm.
Trong miếu Phật Trùm tại ấp Sa Lôn - Xã Lương Phi - Tri Tôn - An Giang.
Giếng nước của Đức Phật Trùm dùng để chữa bệnh khi bắt đầu được tu sửa lại .
Giếng nước do Phật Trùm sai đào nay mới được sửa lại.


Thông tin thêm : "Thực hư chuyện "ngọc cổ" chữa bá bệnh ở An Giang
Trước thông tin bà Neáng Bét (72 tuổi, ngụ ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, H.Tri Tôn, An Giang) có cặp “ngọc cổ” trị được bá bệnh gây xôn xao phố núi, ngày hôm qua (4/8/2010), chúng tôi đã xuống tận chùa Tà Pol (Phật Trùm) xã Lương Phi (Tri Tôn – An Giang) để tìm hiểu thực hư sự việc.
Theo lời tường thuật của Châu Nhươn (35 tuổi), con bà chủ chùa Neáng Bet, cháu đời thứ 5 của ông Phật Trùm: Vào ngày 9/1/2009 (âm lịch) anh nằm mơ thấy ông Phật Trùm về báo có 2 viên ngọc ở dưới bàn thờ. Châu Nhươn đã đào sâu xuống khoảng 1 mét thì gặp hộp gỗ. Ở trong có hai viên đá lớn bằng quả trứng gà gói trong giấy đỏ.
Khi đem lên, chiếc hộp gỗ đã hư mục và miếng vải đỏ cũng rã hủy. Miếng vải đỏ hiện nay là mới thay mới. Anh cho biết thêm là sau khi đào đem đá lên, 2 tháng sau anh mới cho bà mẹ Neáng Bet hay. Từ đó bà con mới biết và đến xem nhiều.
Tuy nhiên, khi được hỏi bà Neáng Bet lại cho biết, cách đây khoảng tám tháng, trong lúc công nhân đang đào đất để xây rào bảo vệ gò mối trong chùa thì phát hiện mảnh vải gói hai viên giống như đá hình tròn để trong một cái hộp vuông. Khi chúng tôi nhìn kỹ nơi đào đất, thấy “láng lơ”, không có để lại dấu tích gì của việc bị đào lên xây lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Công Toại, quản lý chùa cho biết: Ngày 3/8, ông Hồ Văn Hiệp - Bí thư huyện ủy Tri Tôn vào xem và cho biết, hai viên ngọc người ta đồn chỉ là hai mẫu đá được tìm thấy trong quá trình tu sửa ngôi mộ của ông Tà Pol.
Hai mẫu đá có phát quang khi đưa ra ánh sáng, khả năng viên đá có chứa thạch anh, tuy nhiên, vẫn là đá chứ không phải là ngọc. Hiện nay, nhà chùa đã cam kết với chính quyền là không được cho ai xem, không được bán và không được làm mất.
Hiện tình trạng an ninh khu vực trở lại bình thường. Chùa Tà Pol là ngôi chùa do dòng họ Tà Pol lập ra để thờ cúng những người trong họ chứ chưa thuộc hệ thống chùa của Giáo hội Phật giáo tỉnh An Giang. "
Bà Neáng Bet cầm 2 viên đá ra soi nắng.

Xin đọc tiếp bài 3 -Thân ái - dienbatn
Xem chi tiết…

Comment