No icon

tgvh-du-lich-ve-nguon-bai-

TGVH DU LỊCH VỀ NGUỒN . BÀI 1

TGVH DU LỊCH VỀ NGUỒN 

Vừa qua , nhân chuyến Huynh trưởng Hùng Sơn về thăm Hà Nội , chúng tôi có tổ chức một chuyến du lịch mi ni về nguồn . Xuất phát từ Hà Nội , chúng tôi ghé thăm Đền Và , là nơi thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn - Vị thần chủ các vị Thần , là một trong " Tứ bất tử " của nước ta . Đền và cách trung tâm Thành phố Sơn Tây khoảng 2 Km về phía Đông . Đền còn có tên gọi là Đông cung hay Đông Chấn cung , một trong 4 trấn cung thờ thần Núi Tản Viên ( Ba Vì ) . Từ trên cao nhìn xuống , Đền Và nằm tọa trên một quả đồi thấp có dáng một con Quy ( Rùa ) đang bò về phía mặt trời mọc ( Phía Đông ) . Cả khu vực Đền và đươc bao phủ bởi một rừng Lim xanh ngăn ngắt hàng trăm năm tuổi . Xung quanh Đền là những cánh đồng lúa bậc thang xanh rờn được bao bọc bởi hai dòng sông Hồng và sông Tích ngút ngàn phù sa . Trong tâm thức của người Việt , Tản Viên Sơn Thánh luôn là vị Tổ của bách Thân và là Đệ nhất Phúc Thần . Đền và rộng khoảng 2.000 m2 nằm tọa lạc trong khuôn viên khoảng 8.000 m2 . Xung quanh Đền được bao bọc bởi lớp tường đá ong cổ kính rêu phong ,là loại đá thông dụng của khu vực này . Làng cổ Đường lâm ở ngay bên cạnh cũng hầu như được xây dựng bằng loại đá ong này . Khi chúng tôi thăm Đền , như có một ân sủng của TẢN VIÊN SƠN THÁNH , từ trước đến nay , ít người được vào chụp ảnh trong hậu cung , thế mà chỉ cần tấm thẻ hội viên của TT Nghiên cứu văn hóa cổ Đông Phương , ông chủ Đền đã vồn vã mời chúng tôi vào hậu cung , lại còn sai bật máy nổ thắp sáng và ăn mặc chỉnh tề chụp ảnh cùng chúng tôi nơi Hậu cung , trước ngai của ngài TẢN VIÊN SƠN THÁNH .
dienbatn xin giới thiệu một bài viết rất hay của TS. NGUYỄN XUÂN DIỆN về Đền Và . 
" ĐỀN VÀ 

Một cõi u linh


Trong không gian hùng vĩ, thơ mộng với những núi đồi sông suối quanh quất, xinh tươi, đền Và hiện ra như một công trình kiến trúc thâm nghiêm và hòa quyện với rừng lim già tỏa bóng rợp quanh năm. Đền Và, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây là một trong bốn cung thờ Thần Núi Ba Vì - Tản Viên Sơn Thánh, Đệ Nhất Phúc Thần trong Tứ bất tử của tâm thức dân gian Việt Nam, đây cũng là một trong hàng trăm di tích thờ cúng Ngài.
Đền tọa lạc trên một gò đất rộng và thấp hình một con rùa đang duỗi bốn chân và ngóng đầu xuống đầm Vân Mộng hướng về phía mặt trời mọc. Vào những ngày xuân, cả không gian chìm trong màn sương mờ huyền ảo nơi cánh đồng có tên gọi Khói Nhang bao quanh khu đền cổ...
Ngay lối vào đền là tấm bia Hạ mã tự nói lên quy mô và tầm quan trọng của ngôi đền. Xưa, bất kể là vua, quan hay dân thường đều dừng mọi xe kiệu trước tấm bia này để tỏ lòng thành kính với thần Tản Viên. Một con đường sạch sẽ cát mịn dưới bóng mát rừng lim già dẫn vào khu đền chính. Khu vực bên ngoài là giếng nước và điện thờ Cô Chín Thượng Ngàn, người quản cai non ngàn thăm thẳm. Bên cạnh là động Ngũ hổ, có thờ tượng năm ông hổ, năm màu sắc, trấn giữ các phương, biểu tượng của đại ngàn uy nghiêm. Nghi môn trông như một tòa Ngọ môn uy nghi hiện ra trong tán lá cây đại già có đến mấy trăm năm tuổi, dẫn vào cảnh quan bên trong, với gác trống gác chuông kiến trúc xinh xắn, thanh thoát đối xứng nhau qua sân gạch Bát Tràng rộng thênh thênh. Hai dãy tả hữu mạc hai bên và tòa tiền tế ở giữa mái rêu cổ kính. Tòa tiền tế là một toà nhà 5 gian, để thoáng bốn bề, treo la liệt các hoành phi câu đối trải các triều đại đều do các nhà Nho, các danh sĩ soạn ra, mà nét vàng son và ý tứ thâm trầm mãi còn nhắc nhớ đến uy linh của Thần. Kia là bức gỗ khắc bài thơ mà tác giả là Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản, anh trai thi hào Nguyễn Du, khi ông làm Trấn thủ Sơn Tây có đến đền tạ ơn Thánh Tản ba lần.

Ông viết: “Chiêm bái chút từng ba độ đến / Trộm nhờ linh đức trấn phương Đoài”. Đây là bức hoành phi bằng đá do Tử An Trần Lê Nhân, ngồi chức Giáo thụ phủ Quốc Oai và Phan Duy Tiếp, Tri phủ Quốc Oai đề mấy chữ: Sơn dữ thiên tề (Núi Tản cao ngang trời). Và cả những bài ký chép lại chuyến leo núi Ba Vì năm 1887 và năm 1902 do Tri huyện Tùng Thiện là Nguyễn Thiện Kế (anh rể thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu) chuẩn bị làm cầu, làm đường phục vụ cho chuyến đi của ngài Công sứ Sơn Tây. Bài văn cho biết con đường lên núi của quan Công sứ được làm trong 20 ngày, dài 1457 trượng và có 32 chỗ phải bắc ván và có 7 cây cầu bắc bằng tre để ngựa xe có thể qua lại.

Xem các hoành phi, câu đối ta thấy có các đại biểu Hoa kiều Hà Nội, các nhà buôn ở Bắc Ninh, đoàn phi cơ Sơn Tây, các quan chức các huyện, tỉnh đã cung tiến vào đền qua các thời gian khác nhau.

Đền Trung là nơi có tượng Tứ trấn, tượng văn võ lưỡng ban, cùng ngựa hồng ngựa bạch. Tất cả những bài trí đều là mô phỏng một triều đình phong kiến để ghi nhớ việc Đức Thánh Tản đã từng được vua Hùng nhường ngôi báu và đã trị vì trong vài tháng. Hơn nữa lối bài trí như vậy còn có ý nghĩa rằng trong hàng trăm đền đài thờ Tản Viên thì chỉ có đền Và là yết cung - nơi Thánh và các quan nghe lời tâu bày, thỉnh nguyện của trăm họ. Từ bao đời nay, đền Và luôn cách huyện lỵ, tỉnh lỵ, trấn lỵ không xa, nên các quan chức đều thường đến đây dâng hương cầu phúc và thưởng ngoạn cảnh đẹp của khu đền. Lại cũng có vị quan chức đến cầu tự ở đền Và và đã được như nguyện. Và vị quan đó đã thuật lại câu chuyện này trên một bảng gỗ còn treo ở đền.

Trong thơm ngát hương hoa lan hoa mộc, và dưới bóng hoa vóc vàng đang đơm nắng, lòng du khách hành hương trầm lắng lại, nghĩ đến uy linh của đức Thánh Tản mà khí thiêng trải mấy nghìn năm vẫn như còn hiển hiện. Lòng du khách lâng lâng như đang được hưởng niềm an vui thích thảng dưới sự chở che muôn đời của Thánh Tản Viên.

Cách đền không xa là xóm Cá Trê, nơi có bầy cá trê bằng đá nằm trấn giữ đầu nguồn nước. Tích truyện kể rằng: Một lần, vào buổi chiều tà, Thánh Tản Viên đi chơi, thấy ở ghềnh đá có ông lão ngồi kéo vó. Ngài bèn mượn vó kéo chơi một lần. Ông lão nói rằng: Tôi ngồi từ sáng còn chưa được con cá nào đây. Ông làm sao mà kéo được cá trong chốc lát thế này! Thánh Tản nói khéo và được ông lão cho mượn. Ai ngờ kéo ngay một lần đã được 100 con cá lớn nhỏ. Ông lão thật vô cùng kinh ngạc. Thánh Tản thấy có con cá trê chửa đang quẫy trong vó, bèn thả ra sông. Ngài chỉ lấy 99 cái đuôi cá để làm bữa chiều, còn thì biếu cho ông lão cả. Con cá trê được thả ra sông, sinh nở xong, đem cả chín con cá con về chầu bên đền đức thánh. Nay vẫn còn di tích cá trê đá bên ngòi nước. Thơ đề biển gỗ đền Và có câu:

Cá nghe quyển ước ngăn dòng suối

Hạc ngóng chày tiên rợp bóng trời

Về sau, tưởng nhớ chuyện kéo cá trên đoạn sông năm xưa của Đức Thánh Tản Viên, vào ngày rằm tháng 9 người dân mở hội đánh cá. Trên khúc sông năm xưa Ngài kéo cá, hàng trăm thanh niên trai tráng đánh cá làm náo động cả một khúc sông quê. Cuối buổi chiều, người ta chọn lấy 100 con cá chép to nhất, chặt lấy khúc đuôi để làm món gỏi cá tế Thánh. Đó là lễ hội mùa thu của vùng Sơn Tây tưởng nhớ Thánh.

Lễ hội mùa xuân còn đông vui hơn, vì có sự tham gia của 8 thôn thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc. Hội xuân là vào rằm tháng giêng, kéo dài trong 4, 5 ngày. Cứ ba năm là chính hội vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu.

Hội kéo dài đến ba bốn ngày, lễ rước Ngai Thánh đi trong đêm vào lúc 2 h sáng. Từ đền Và, đám rước đi qua cầu Cộng, vào thị xã Sơn Tây (tới trước cửa UBND thị xã thường quay kiệu đến vài chục phút), ra bến sông rồi xuống thuyền qua sông Hồng sang địa hạt Vĩnh Phúc, là nơi thờ vọng ngài. Dân hai bên đường bày hương án dâng hương hoa lễ vật cầu phúc. Nhà ai có trẻ con hay ốm vặt hoặc không “hay ăn chóng lớn” thì bế đứa trẻ cho chui qua dưới kiệu để lấy khước. Khi đám rước qua sông, thuyền bè như lá tre tụ về.

Từ thượng lưu, thuyền nan từ Cổ Đô, Ngã Ba Hạc xuôi về; từ hạ lưu thì thuyền từ Bồng Lai, Bá Giang, Vân Cốc, Hát Môn ngược lên. Những người chở đò ăn mặc quần áo lễ hội và chở khách thập phương qua sông đều không lấy tiền. Hàng vài chục chiếc thuyền lớn được cột với nhau và trải tre vầu phẳng phiu để ngự hàng chục chiếc kiệu văn và những người hành lễ. Hàng trăm người chèo thuyền chở ngai Thánh Tản sang sông, có hàng trăm chiếc thuyền nan hộ tống hai bên, còn đoàn rước thì đốt pháo, reo hò, khua chiêng, gõ trống và ca hát làm náo động cả một khúc sông rộng. Tiếng cười nói hân hoan lan toả làm nức lòng hàng vạn người theo hầu Thánh Tản sang sông. Sang đến bờ sông, Thánh Tản vào ngự tại đình Ngự Dội để tắm, cho đến khi hoàng hôn dần buông, đám rước mới lên đường về lại đền Và... Mênh mông đèn đuốc rực sáng trên hàng dặm dài của sông Hồng soi đường cho đám rước. Ra đến giữa sông, hiu hiu gió mát trăng rằm, có khi kiệu Thánh dùng dằng mãi ở giữa sông chưa về. Mọi người lại đợi cho đến khi lá cờ ở đầu kiệu phất về phía bờ nam sông Hồng thì mới cho thuyền vào bờ... Trong mấy ngày hội, nhiều trò chơi dân gian đã được tổ chức làm mê mẩn khách hành hương.

Lễ hội đền Và là một trong các lễ hội to và đông vui nhất xứ Đoài. Đó là một thời điểm hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình và no ấm của người dân xứ Đoài trong suốt dọc dài lịch sử.

NGUYỄN XUÂN DIỆN

dienbatn và Hùng Sơn trước cửa Đền Và .


Hình chụp cùng ông thủ Đền nơi hậu cung .


Ngai thờ TẢN VIÊN SƠN THÁNH .


Huynh Hùng Sơn bên ao cá Trê .


Tiếp theo sau đó , xe chúng tôi nhằm hướng Đền Hùng thẳng tiến . 
" Dù ai đi ngược về xuôi ,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười , tháng ba " 
Để chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ năm nay , ban quản lý Đền Hùng đã và đang tập trung hoàn thiện nhiều hạng mục xây dựng . 

NGỌC PHẢ THỜI HÙNG VƯƠNG .



" Khu di tích Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích - xã Hy Cương - huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7 km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 90 km. Từ Hà Nội, du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. 

Đền Hùng là di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng - thuộc đất Phong Châu - vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ. 

Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng (còn gọi là núi Cả theo tiếng địa phương hay còn có nhiều tên gọi khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn,…), có độ cao 175 m so với mặt nước biển. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam , mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo,…. Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng. Núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145 m. Ba đỉnh núi: núi Hùng, núi Vặn, núi Trọc theo truyền thuyết là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời. 

Toàn khu di tích Đền Hùng xưa kia là rừng già nhiệt đới, đến nay chỉ còn núi Hùng là rậm rạp xanh tươi với 150 loài thảo mộc thuộc 35 họ, trong đó còn sót lại một số cây đại thụ như chò, thông, lụ,…và một vài giống cây cổ sơ như kim giao, thiên tuế,.. 

Từ chân núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lần lượt các di tích kiến trúc như: 
1. Cổng đền 
2. Đền Hạ 
3. Nhà bia 
4. Chùa Thiên Quang 
5. Đền Trung 
6. Đền Thượng 
7. Đền Giếng 
8. Đền Tổ Mẫu Âu Cơ 
9. Bảo tàng Hùng Vương 

Cổng đền 


Được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần. 

Đền Hạ 

Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền. 

Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỷ XVII - XVIII. Kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn. 

Ngay chân Đền Hạ là Nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà bia trước đây đặt tấm bia ghi lại việc tu sửa đường lên núi Hùng, hiện nay đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945: 

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước 

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” 
Gần Đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn cảnh thừa long tự, sau đổi là Thiên quang thiền tự. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà: tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lập ngói mũi, đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa. 

Trước cửa chùa có cây thiên tuế là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Trước sân chùa có 2 tháp sư hình trụ 4 tầng. Trên nóc đắp hình hoa sen. Lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bát nhang và tấm bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa. 

Chùa còn có một gác chuông được xây dựng vào thế kỷ XVII, gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo cột kiểu chồng giường kết hợp với bẩy lẻ. Các bẩy lẻ hầu như để trơn không chạm trổ gì. Trên gác chuông có treo quả chuông, không ghi niên đại đúc chuông mà chỉ ghi: “Đại Việt quốc, Sơn Tây dạo Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Qua đó có thể đoán quả chuông được đúc thời Hậu Lê. 

Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu) 

Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày. 

Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa. 

Đền Thượng và Lăng Hùng Vương 

Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. 

Tục truyền đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Đền được làm kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng qua bốn cấp khác nhau gồm: nhà chuông trống (cấp I), đại bái (cấp II), tiền tế (cấp III) và hậu cung (cấp IV). 

Bên phía tay trái Đền có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Cột đá cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông. Đến năm 1968, Ty Văn hoá Vĩnh Phú tôn tạo lên bệ như hiện nay. 
Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa là mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (1922) trùng tu lại. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong lăng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1,0m. Mộ có mái mui luyện. Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính). Phía trên ba mặt lăng đều có đề: Hùng Vương lăng (Lăng Hùng Vương). 

Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh) 

Tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Đền được xây dựng vào thế kỷ XVIII, theo hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian), có phương đình nối tiền bái với hậu cung. 

Cổng Đền Giếng được xây vào thế kỷ XVIII, kiểu dáng gần giống cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn. Cổng xây theo kiểu kiến trúc 2 tầng 8 mái. Tầng dưới, giữa có một cửa xây kiểu vòm, hai bên có hai cột trụ trên lắp nghê chầu. Tầng trên giữa cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi miếu nhỏ trong núi). Hai bên có đề câu đối và tượng hai võ sỹ. Mặt sau cổng đắp hổ, mỗi con một bên. 

Đền Tổ mẫu Âu Cơ 

Được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12/2004. Đền được xây dựng trên núi ốc Sơn (núi Vặn) theo kiến trúc truyền thống với cột, xà, hoành, dui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch bát. Đền chính có diện tích 137m2, làm theo kiểu chữ Đinh. Bên cạnh đền chính có nhà Tả vũ, nhà Hữu vũ, nhà Bia, Trụ biểu, Tứ trụ, cổng Tam quan, nhà tiếp khách và hoa viên. 

Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu. 

Bảo tàng Hùng Vương 

Bảo tàng Hùng Vương được khởi công xây dựng vào năm 1996 và được khánh thành đúng ngày khai hội Đền Hùng năm Quý Mùi (2003) do Tổng Bí thư Đỗ Mười cắt băng khánh thành. Với gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật có trong Bảo tàng, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác được trưng bày đã khắc hoạ chủ đề tổng quát: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”. 

Phần trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương được tập trung vào 3 chủ đề chính: 

- Giới thiệu giai đoạn văn hoá Hùng Vương bằng các hiện vật liên quan đến thời đại Hùng Vương tìm được trên đất Phú Thọ và Vĩnh Phúc. 

- Giới thiệu việc hình thành khu di tích Đền Hùng và ý thức xây dựng khu di tích Đền Hùng của nhân dân cả nước. 

- Tình cảm của nhân dân, sự quan tâm của người đứng đầu Nhà nước phong kiến trước đây, của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng ngày nay đối với Đền Hùng. 

Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam! " 
( Theo : [Chỉ thành viên mới có thể nhìn thấy links. Bạn hãy nhấn vào đây để đăng ký...] ) 
Khi đến nơi , chúng tôi thấy hàng vạn người lũ lượt trảy hội Đền Hùng mặc dù chưa đến ngày giỗ Tổ . Hàng trăm các cụ già quần lĩnh , váy thâm như xưa kia , hàng trăm các cháu học sinh mặc đồng phục cùng chúng tôi leo núi . Khi Huynh Hùng Sơn hỏi một khách hành hương : " Tên núi này là núi gì ? " - Khách trả lời là Núi Nghĩa Lĩnh . dienbatn chỉ vào người Hùng Sơn không nói làm cho Bác Hùng Sơn cứ ngẩn tò te . Thực ra , thâm ý của dienbatn là muốn để huynh Hùng Sơn về thăm Quê Cha - Đất Tổ , và như có một sư trùng hợp , quả núi này cũng mang tên HÙNG SƠN ( Núi của cá Vua Hùng ) . Tên này còn đề ngay trên Văn bia của đền hạ . dienbatn nói đùa rằng : Huynh Hùng Sơn có học Pháp của Đạtlailatma Tây Tạng cũng vẫn phải về học Mật Tông Việt Nam có từ thời các Vua Hùng ( CHỬ ĐỒNG TỬ VÀ TIÊN DUNG ) . Trong tận cùng tâm khảm của mình , dienbatn vẫn tin tưởng rằng : " Một ngày kia , người ta sẽ chứng minh được Phật Giáo Việt Nam xuất hiện trước cả khi Phật giáo Ấn Độ thịnh hành . Và trong thời gian không xa , chúng ta sẽ chứng minh được nền văn Hiến Lạc Việt , bắt nguồn từ một nền khoa học tối cổ và phát triển rực rỡ vào thời các Thế Đại Vương triều Hùng Vương " 

dienbatn và Hùng Sơn trước cổng Đền Hùng .


DIENBATN VÀ MỘT TRẬN ĐỒ BÁT QUÁI .


GIẾNG CỔ TƯƠNG TRUYỀN QUỐC MẪU ÂU CƠ KHI SINH RA 100 NGƯỜI CON TRAI ĐÃ DÙNG NƯỚC GIẾNG NÀY TẮM CHO CON .



CỘT ĐÁ THỀ ( tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương.) 


LĂNG HÙNG VƯƠNG ĐỜI THỨ 6 - VỊ VUA TRUYỀN NGÔI CHO LANG LIÊU - QUA SỰ TÍCH BÁNH CHƯNG - BÁNH DÀY .



Xin xem tiếp bài 2.

Xem chi tiết…

Comment