thang-be-cam-va-ba-co-gai
Thằng bé câm và ba cô gái
- bởi tamthuc --
- 02/12/2015
“Dĩ Nhiên Hiểu Biết Thì Dễ. Nhưng Thực Hành Lại Là Một Chuyện Khác. Hãy suy gẫm rằng hiện nay bạn đang đóng một vai trò trong vở kịch mà bạn không phải là người biên soạn.Vở kịch đó được căn cứ vào định luật Nhân Quả – Luân Hồi. Mà Đạo diễn là một định luật thiêng liêng của vũ trụ đều do nghiệp quả tuỳ thuộc vào hành động của bạn.
Bạn hãy tin và chấp nhận tất cả những gì xảy ra cho bạn như một bài học tốt. Bạn phải biết rằng mỗi món nợ chỉ đòi đúng cái giá mà bạn phải trả nên bạn không nên chống cự hay phản kháng, có vay ắt có trả. Khi biết chấp nhận bạn có thể giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan.
Đời người qua mau như bóng câu, qua cửa.
Quá khứ chỉ là kỷ niệm.
Tương lai chỉ là tưởng tượng.
Duy chỉ có thực tại là hiện thực mà thôi.
Hãy sống cho ra sống rồi mọi thứ sẽ qua”.
Vợ chồng Quan giáo sư hiện nay 55 tuổi, sinh được ba cô con gái dung nhan mỹ lệ, tuổi tác khá cách nhau: 25, 23, 20. Mặc dù là những tiểu thư lá ngọc cành vàng kiều diễm, nhưng các cô vẫn chưa có đối tượng cầu hôn. Vợ chồng giáo sư hết sức khổ tâm.
Trong khi đó có nhiều thanh niên vừa thoáng nhìn qua các cô thì đã nghiêng ngửa hồn phách, ra công theo đuổi. Nhưng một khi phát hiện các mỹ nhân này không thể nghe hay nói năng gì thì họ lập tức thối lui, bỏ đi.
Vợ chồng Quan giáo sự thuộc hàng thượng lưu trí thức, xưa nay không hề tin vào thuyết nhân quả. Nhưng cứ lần lượt sinh hạ liên tiếp ba cô gái câm điết, (và 2 vợ chồng và trong dòng họ không có người mang gen câm – điết) quả thật tinh thần họ bị đả kích nghiêm trọng muốn suy sụp. Họ ngơ ngác bàng hoàng, vạn phần thống khổ, nỗi buồn làm mặt họ già đi. Hai người tuy có học thức cao và giàu sang, nhưng không thể nào đem lại hạnh phúc cho con mình. Sự khiếm khuyết của ba mỹ nữ này, khiến cho người ta cảm thấy kinh sợ, ưu tư thắc mắc nhưng không thể giúp gì.
Thường có câu: “Thanh niên ưa bàn học vấn, trung niên bàn về số mệnh, lão niên bàn về tôn giáo”. Vợ chồng Quan giáo sư hiện đang bước vào tuổi lão niên, song tinh thần họ trường kỳ thống khổ mà không thuốc men nào có thể trị lành. Vì vậy đối với tôn giáo, dần dần họ phát sinh hứng thú muốn tìm hiểu.
Cuối tuần, nhờ một người bạn khuyến khích, họ bèn đến một ngôi chùa ven đô nghe cao tăng thuyết pháp. Hòa thượng nói:
– “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, quy luật nhân quả tồn tại rất khách quan và không do Đức Phật quy định hay sáng tạo ra. Đức Phật chỉ là công bố, nói rõ cho chúng sanh biết mà cảnh giác thôi. Bất kể bạn có tin hay không tin thì đời sống tất cả chúng ta đều nằm trong Nhân Quả. Vì vậy, mỗi cá nhân chúng ta cần có trách nhiệm đối với hành vi thiện ác của bản thân mình. Mỗi người chính là kẻ sáng tạo vận mệnh của mình. Nếu như tự mình làm ác, thì bạn sẽ gặp quả báo rất thống khổ”.
Đề tài buổi sáng hôm ấy giống như được nêu lên để Quan tiên sinh chiêm nghiệm và trực diện với nội tâm sâu thẳm. Ông bỗng hồi tưởng lại chuyện đã qua từ 25 năm về trước.
“Hồi đó, vợ chồng Quan giáo sư vừa mới kết hôn được hai tháng. Một lần Anh lái chiếc xe hơi đắt tiền sang trọng chở vợ đến miền duyên hải có phong cảnh nên thơ hữu tình, cùng nhau du lịch.
Có lần, họ đến miền bắc Thái Lan, tham gia hội yến, xe hơi dừng trước khoảng sân rộng của một ngôi chùa. Anh Quan vừa mở cửa xe, thì lập tức có một đám trẻ hành khất lang thang chạy tới chen lấn, kéo tay họ xin tiền.
Giáo sư Quan rất ghét những kẻ ăn xin, không những tự mình không cho mà anh còn nói với mọi người:
– Không nên cho chúng tiền, như vậy sẽ tập cho chúng quen thói bất lương, chẳng chịu làm việc đàng hoàng mà cứ ngồi không hưởng thụ, tạo ra tệ nạn cho xã hội…
Đám trẻ lang thang nghe nói vậy bèn bỏ đi. Vợ chồng giáo sư Quan tham dự hội yến vừa xong, lúc quay về chỗ đậu xe thì phát hiện chiếc xe đời mới sang trọng yêu quý bị rạch một đường sâu, kéo dài từ đầu xe đến đuôi xe. Thế là Quan tiên sinh đùng đùng nổi giận, anh thầm nghĩ nhất định là do đám trẻ đường phố ban nãy làm. Anh giương mắt nhìn tứ phía, thấy ở dưới gốc cây xoài gần đó, tụ tập 4-5 đứa trẻ độ 13-14 tuổi. Anh liền xông tới, không cần hỏi rõ trắng đen, phải trái, anh giáng cho mỗi đứa một bạt tai. Sau đó anh lớn tiếng bắt chúng phải khai ra ai đã rạch chiếc xe quý giá của anh, anh dọa nếu không đứa nào nói sẽ đưa chúng đến sở cảnh sát. Đám trẻ sợ quá, trong đám có một đứa lớn tuổi nhất, nó chỉ ra phía xa xa (chỗ có một đứa trẻ hành khất ăn mặc lam lũ đang hướng về một người ngoại quốc xin tiền), bảo đó chính là thủ phạm.
Giáo sư Quan đang nộ khí xung thiên liền bùng nổ chạy qua chỗ đứa trẻ đường phố nọ, còn đám trẻ kia thì nhân cơ hội này mạnh đứa nào đứa nấy bỏ chạy thoát thân.
Quan tiên sinh hung bạo tát vào hai má đứa bé, hung hang thẩm vấn nó vì sao dám rạch xe anh? Hỏi một hồi mới phát hiện ra một điều: Té ra nó là đứa trẻ câm. Thằng bé không ngừng khoa tay múa chân, mắt rung rung lệ tỏ vẻ khiếp hãi, ánh nhìn rất đáng thương. Quan giáo sư không hiểu được ngôn ngữ ra dấu của nó, cho là chính nó vì không được cho tiền mà thằng nhỏ này ôm hận chơi xấu. Vì vậy anh phẫn nộ tung chân phải ra đá mạnh vào ngực thằng bé “huỵch’’ một tiếng, nó ngã chổng gọng, đưa hai chân lên trời, tiếp theo là “ọc” một tiếng, máu tươi từ miệng nó tuôn ra. Người xung quanh vội chạy tới can ngăn, kéo giáo sư ra và mang đứa trẻ câm đi để nó không phải bị đòn nữa.
Đứa bé câm đi rồi, nhưng nó vẫn quay đầu nhìn trừng trừng về phía giáo sư, nhãn quang nó đầy căm hận. Sau đó đứa trẻ này đã náu thân trong chùa, nó phát bệnh nặng được mấy năm thì tàn phế. Mọi người đều biết đứa bé câm bản tính thiện lương, chiếc xe hơi không phải do nó rạch, Quan giáo sư đã đánh oan cho nó.
Cuối năm đó, chị Quan hạ sinh một bé gái, mày thanh mắt sáng. Đến ba tuổi vẫn chưa nói được. Tiếp đến chị lại sinh một thiên kim thứ hai, ba tuổi cũng không thể nói. Sau chót, chị sinh bé gái thứ ba, vừa sinh là vội mời bác sĩ đến kiểm tra: lại là một cô nương câm nữa! Chị Quan sợ tương lai nếu sinh tiếp thì đứa thứ tư, thứ năm vẫn là con gái câm, nên đã nhờ bác sĩ mổ triệt sản luôn”.
Bây giờ, mỗi lần Giáo sư Quan nhìn ba đứa con gái câm, là nhớ ngay cú đá khốc liệt mình dành cho thằng bé câm ngày xưa. Ông không quên được cảnh miệng nó ọc máu tươi và ánh nhìn oán hận khủng khiếp. Đến nay nhớ lại, ông vẫn thấy ớn lạnh. Ông đã hiểu ra và không thể không tin đạo lý báo ứng nhân quả mà thiên lý luôn tuần hoàn báo ứng công bằng, đó là quy luật tự nhiên. Đối với hành vi hung tàn 25 năm về trước, bây giờ ông có hối hận thì cũng đã muộn màng.
Từ đó, mỗi cuối tuần, vợ chồng ông Quan đều đến chùa nghe cao tăng giảng kinh và sám hối tội lỗi của mình trước Phật. Họ phát tâm tu thiện tích đức . Đúng như tục ngữ có nói: “Đời người đến 50, mới nhìn ra lỗi lầm 49 năm”.
Chú Thích: Nhiều người thắc mắc cho rằng cha mẹ làm ác thì có lý nào con cháu phải hứng chịu những hành động ác đó? Như vậy há chẳng phải luật Nhân Quả không công bằng hay sao? Kỳ thật, cái gọi là “tai họa cho con cháu” cũng chỉ là một câu nói theo thói quen, tập quán, chỉ là một hiện tưởng ngoài mặt, chứ phía sau nó còn ẩn chứa một đạo lý rất sâu.
Trong kinh Xuất Diệu Đức Phật dạy: “Mình tạo tội thì tự mình chịu ai ương, không ai có thể thay thế mình được”. Câu này Đức Thế Tôn muốn nói với chúng ta, “tự làm tự chịu” là nguyên lý về nhân quả, không có chuyện mình làm ác mà con cháu phải chịu ác báo thay. Sở dĩ có hiện tượng “tai họa cho con cháu”, nguyên nhân chính là do “Cùng nghiệp đi với nhau, cộng nghiệp chiêu cảm lẫn nhau, quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại”.
Cái gọi là “cùng nghiệp đi với nhau” là chỉ cho những người trong đời quá khứ đã tạo các nghiệp thiện, ác giống nhau, cho nên mới có xu hướng làm quyến thuộc họ hàng với nhau. Ví dụ đời trước có hai người cùng khuyên mọi người tu bố thí, nên đời này làm cha con lẫn nhau, người cha kiếm ra thật nhiều tiền, người con sinh trong gia đình ấy, cùng nhau hưởng phước báo giàu sang.
Cái gọi là “cộng nghiệp chiêu cảm lẫn nhau” là chỉ cho tất cả cộng đồng cùng tham gia trong đời trước, là những người cùng tạo nghiệp thiện hoặc ác, cho nên có xu hướng làm quyến thuộc họ hàng với nhau. Ví dụ trong đời trước, hai cha con cùng nhau đi ăn trộm, đời này quả báo người cha phải đi ăn xin, người con sinh làm con của người ăn xin đó, cho nên hai người phải chịu quả báo bần cùng, đói rách.
Cái gọi là “quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại”: Vốn ác báo đó đến đời sau mới chịu, nhưng do trong cuộc sống gặp được những duyên thích hợp, làm cho ác báo đó sớm thành thục. Vì thế đời này phải chịu luôn ác báo; có người đáng lẽ phải đến tuổi già mới thọ ác báo nhưng cũng do duyên mà phải thọ ác báo ngay khi tuổi còn trẻ. Là do duyên đã chín muồi.
Rất nhiều bằng chứng sống trong xã hội, người tạo nghiệp sát nhưng chưa thấy họ chịu ác báo, là do phước báo của họ chưa hết, với lại duyên chưa đủ để ác báo thành thục. Lúc này , sẽ xảy ra những khả năng:
* Sau khi những người làm ông bà cha mẹ tạo nghiệp sát sinh, con cháu sinh ra có đứa tàn tật, dị hình, bệnh hoạn, chết yểu…đây là quả báo của việc sát sinh do chính những đứa con đó đã tạo trong kiếp trước của nó. Bởi vì do “cùng nghiệp thì đi với nhau, cộng nghiệp nên chiêu cảm lẫn nhau”. Đáng lẽ ác báo của những đứa con, đứa cháu này đến đời sau mới xuất hiện, nhưng do nó có cùng nghiệp giống với những người sẽ làm cha mẹ ông bà nó nên nó đầu thai vào làm con cái hay cháu. Lúc này con cháu gặp những ác báo chính là do ác báo của bản thân nó đã thành thục, chứ chẳng phải chúng chịu tội thay cho tổ tiên, cha mẹ. Còn cha mẹ ông bà nó tạo nghiệp sát sinh thì có thể sẽ tự chịu trong kiếp này hoặc kiếp sau.
* Sau khi sinh con cháu rồi chúng ta mới tạo ác nghiệp: Nếu nó là đứa phước mỏng, vả lại đời trước nó đã tạo nghiệp sát sinh, mà bây giờ chúng ta lại tạo nghiệp ác, khiến cho quả báo sát sinh của con cháu chúng ta đến sớm hơn; đáng lẽ với việc ác đó đời sau nó mới thọ ác báo, nhưng gặp duyên sát sinh của cha mẹ, do vậy mà ngay đời này nó phải hứng chịu ác báo nhiều bệnh tật, chết yểu hay gặp chuyện bất trắc.
Chuyện con cháu chịu ác báo chỉ là “quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại” mà thôi, nhưng chính vẫn là “tự làm, tự chịu”, điều này cho thấy Luật Nhân Quả rất công bằng.
Comment