duyen-den-duyen-di-la-phuc
Duyên đến, duyên đi là Phúc
- bởi tamthuc --
- 16/11/2015
Thiên nhiên có thể bao chứa và nuôi dưỡng con người, bởi lòng người bao la có thể dung chứa vạn vật. Một trái tim thiện lương sẽ chứa đựng được hết thảy huyền diệu của thế gian từ đó mà vun trồng thế giới tốt tươi. Duyên đến duyên đi đều là phúc, dùng tâm cảm nhận sẽ có thể hiểu ra được ….
Chùa Thiện Quốc ở Long Sơn có hai vị hòa thượng: Ngộ Không và Ngộ Liễu. Ngày trước, hai người họ mỗi ngày đều ra ngoài hóa duyên, về sau chỉ có Ngộ Không thường xuyên đi mà thôi. Thì ra, Ngộ Liễu phát hiện duyên dưới núi rất dễ hóa, cứ xuống dưới núi đi đi lại lại vài vòng, liền có thể hóa được rất nhiều duyên. Ngộ Liễu đem số tiền có được đi mua gạo, mì, và những thứ cần thiết trong cuộc sống và tích trữ lại, thời gian rảnh rỗi thì ngủ nướng trong chùa. Ngộ Không liền khuyên Ngộ Liễu: “Đệ chớ nên lãng phí thời gian, nên đi ra ngoài hóa duyên”.
Ngộ Liễu nghe xong không khỏi buồn bực, nói: “Người xuất gia mà có thể tham lam đến vậy ư? Có ăn thì được rồi. Huynh xem đệ có nhiều lương thực như vậy, vốn đã đủ cho đệ ăn trên nửa tháng rồi, hà tất còn phải ra ngoài bôn ba vất vả”.
Ngộ Không niệm một câu A Di Đà Phật, nói: “Sư đệ, đệ đã hóa duyên nhiều năm như vậy rồi, lẽ nào vẫn còn chưa tham ngộ được chỗ tuyệt diệu và ý nghĩa thật sự của hóa duyên chăng?”.
Ngộ Liễu nghe xong, liền châm biếm Ngộ Không, nói: “Sư huynh, huynh cứ trời vừa hừng sáng đã ra ngoài, đến khi tối mịt mới trở về, nhưng đệ thấy huynh đi tay không, mà về cũng tay không, xin hỏi duyên huynh hóa được ở đâu vậy?”.
Ngộ Không nói: “Duyên mà huynh xin được ở trong tâm. Duyên từ tâm đến, và duyên cũng sẽ từ tâm mà đi”.
Ngộ Liễu nghe xong không hiểu gì cả, nói: “Đệ không hiểu, không hiểu”.
Về sau, tài vật mà Ngộ Liễu xin được mỗi lúc một ít dần. Điều này khiến cho Ngộ Liễu rất khổ tâm. Trước đây, hóa một lần duyên thì có thể ăn được trên cả nửa tháng, còn bây giờ chỉ có thể ăn được mấy ngày thôi. Trong khi đó, Ngộ Không vẫn ngày ngày sáng đi, tối về, cũng không có gì mang về cả, nhưng vẻ mặt Ngộ Không luôn mỉm cười.
Ngộ Liễu muốn châm biếm sư huynh, nói: “Sư huynh hôm nay thu hoạch được gì nào?”.
Ngộ Không: “Thu hoạch được rất nhiều”.
Ngộ Liễu : “Ở đâu ạ?”.
Ngộ Không nói: “Ở trong nhân gian, ở trong lòng người”.
Ngộ Liễu cảm thấy bản thân nhất thời khó mà tham ngộ được những lời của sư huynh, quyết định ngày mai đi hóa duyên cùng Ngộ Không.
Ngộ Liễu nói: “Sư huynh, ngộ tính của đệ quá kém, đệ muốn ngày mai cùng huynh đi hóa duyên một lần xem sao”.
Ngộ Không gật đầu đồng ý.
Ngày hôm sau, Ngộ Liễu cùng Ngộ Không đi hóa duyên, Ngộ Liễu lại lấy ra cái túi vải mà anh luôn dùng mỗi khi đi hóa duyên.
Ngộ Không ngăn lại: “Sư đệ, hãy cất cái túi đó đi”.
Ngộ Liễu hỏi: “Tại sao?”.
Ngộ Không: “Trong cái túi này của đệ chứa đầy tư dục và tham lam, đem ra ngoài, thì hóa không được duyên tốt nhất đâu”.
Ngộ Liễu nói: “Thế thì chúng ta sẽ đựng những thứ hóa được ở đâu đây?”
Ngộ Không nói: “Trong lòng người. Lòng người có thể bao dung tất cả”.
Cứ như vậy, Ngộ Không và Ngộ Liễu cùng nhau lên đường. Ngộ Liễu mỗi khi đến một nơi cùng Ngộ Không, liền sẽ có rất nhiều người nhận ra Ngộ Không. Ngộ Không còn chưa kịp nói chuyện, họ liền chủ động đem tài vật bố thí cho Ngộ Không.
Có người còn nói, may nhờ có bố thí lần trước của Ngộ Không đại sư, mới giúp tôi vượt qua cửa ải khó khăn này. Đại ân đại đức của ngài, chúng tôi suốt một đời sẽ không quên!
Ngộ Liễu nghĩ trong lòng: “Không cho ta mang theo cái túi, xem huynh một lát để các thứ ở nơi nào”.
Họ tiếp tục đi về phía trước, duyên mà họ hóa được mỗi lúc một nhiều. Ngộ Liễu nhìn thấy hôm nay thu hoạch không ít, trong lòng dào dạt niềm vui. Vừa đúng lúc này, có một ông nông phu từ xa đi đến, trong lòng ôm một đứa bé, vừa đi vừa khóc. Thì ra đứa con của nông phu bị bệnh nặng, ông không kiếm đâu ra tiền để khám bệnh cho con.
Ngộ Không đi ngang qua liền đem toàn bộ tài vật xin được cho hết cả người nông phu. Họ tiếp tục đi về phía trước, ngoài được no ấm ra, họ trên đường xin được gì liền xả thí, xả thí rồi lại xin.
Ngộ Không hỏi Ngộ Liễu: “Sư đệ, đệ theo ta ra ngoài xin được gì nào?”.
Ngộ Liễu cười ngượng nghịu.
Ngộ Không nói: “Sư đệ chỉ biết được cái phúc khi duyên đến, mà không biết được cái phúc khi duyên đi. Nhìn giữa trời đất này, vạn vật của tự nhiên vì sao lại đẹp như vậy! Vạn vật trong trời đất đều đang tuần hoàn. Những người chỉ biết cái phúc khi đến, đó chỉ là niềm vui hời hợt nhất thời, thời gian lâu rồi, thì chẳng khác gì một hồ nước chết. Sự khác biệt giữa hai ta chính là: Đệ đem những thứ xin được bỏ vào trong cái túi chứa đầy dục vọng và tham lam, còn huynh thì đem những gì xin được bỏ vào trong lòng người, để thiện lương, từ bi cứ tuần hoàn ở trong nhân gian và trong lòng mọi người”.
Ngộ Liễu nghe đến đây, cúi gầm mặt xuống. Ngộ Không khẽ niệm một tiếng: “A Di Đà Phật”.
Nguồn được www.tamthuc.com sưu tâm trên Internet
TAMTHUC
Comment