No icon

cau-chuyen-khien-toi-roi-le

Câu chuyện khiến tôi rơi lệ

Mùa thu năm đó tôi 12 tuổi, đây là khoảng thời gian thê thảm nhất của gia đình tôi: Phụ thân tôi bệnh nặng phải phẫu thuật, mất khả năng lao động. Anh Hai tôi thi rớt đại học, còn mẹ tôi thì dùng lầm nông dược khiến cho mười mẫu lúa đang trổ bị thất thu. Cũng ngay thời điểm đó tôi bị bệnh thiếu máu nghiêm trọng, thở thoi thóp, cần phải truyền máu gấp.

Trong nhà tôi lúc này nợ nần ngập đầu, mẫu thân bóp trán nghĩ suy đủ cách cũng không biết kiếm đâu ra tiền để cho tôi truyền máu.

Đang lúc cả nhà lo lắng vì bệnh tình nguy cấp của tôi thì bà láng giềng họ Lý bước qua, nghiêm trang bảo mẹ tôi:

– Thím Tư à, mau ra phía sau mà xem, heo nhà bà đẻ rồi kìa!

Mẫu thân được nhắc như sực tỉnh, vội chạy nhanh ra chuồng heo phía sau, thấy heo mẹ đang le lưỡi liếm sạch máu dính trên mình heo con, mẹ tôi bật khóc. Bà mừng và cảm kích vì heo mẹ sinh lứa này xem như cứu nguy kịp lúc cho gia đình. Bà bèn trồng cây Dao Tiền gần chuồng heo tỏ ý tri ân cảm tạ…

Khi mẹ tôi giúp heo sinh con xong, thấy heo nái mệt lả đến sùi bọt mép, nó không ngừng thở lấy hơi. Mẫu thân biết tuổi nó đã cao, cũng đã làm giàu cho nhà tôi gần chín năm rồi…lứa heo này có đến 16 trự. Mẫu thân thấy heo mẹ mệt, vội sai anh tôi đem sữa đậu nành đến cho nó uống, heo mẹ cảm kích ve vẩy hai tai. Mẹ tôi nhìn lứa heo con hồng hào mập mạp, bảo anh tôi:

– Lần này tốt rồi, xem như thằng Sơn được cứu.

Nhưng “nước xa không cứu được lửa gần”. Heo con phải nuôi dưỡng ít nhất ba tháng mới có thể bán, mà bệnh tôi mỗi ngày một nặng hơn. Ngay lúc heo con sinh ra mới được 10 ngày thì tôi phát bệnh nặng đến mức không thể bước xuống giường. Trước tình cảnh đó, mẹ tôi lòng nóng như lửa đốt, cứ đi tới đi lui mãi trong nhà, cuối cùng bà thở dài nói với anh tôi:

– Tuyền ơi, con vào trong xóm mời Vương đồ tể tới, mình đem heo nái bán lấy tiền trị bệnh cho thằng Sơn.

Anh tôi nghe mẹ nói, buồn bã đứng chết trân, sau đó mới khuyên can:

– Mẹ ơi, heo mẹ đang còn sống và heo con rất cần bú sữa…Bệnh em Sơn dù quan trọng nhưng heo mẹ cũng rất cần được sống…

Nhưng cuối cùng, anh tôi mắt đầy lệ, đành lủi thủi đi vào trong xóm để tìm Vương đồ tể.

Mẹ tôi gấp rút dựng bếp, bắc một nồi lớn cạnh chuồng heo, lo nhóm lửa nấu nước…

Khi Vương đồ tể tới, ông đến gần chuồng heo săm soi quan sát rồi thở dài bảo mẹ tôi:

– Thím Tư à, coi như tôi giúp bà làm phước…Thực ra dù có giết con heo mẹ này thì cũng chẳng có được bao nhiêu thịt!

Nước trong nồi đã sôi sùng sục, mẹ tôi mở chuồng heo. Heo nái như đoán biết được, nên mặc cho mẹ tôi cầm ca sữa gọi nhữ đến mấy, nó vẫn đứng chết trân trong chuồng, không chịu ra. Nó hết nhìn mẫu thân, rồi nhìn anh tôi.
Sau đó, nó không ngừng dùng lưỡi liếm các con nó đang chơi giỡn đuổi nhau trong chuồng…Đột nhiên nó ngã lăn ra cái “rầm”, cất tiếng “Ột, ột” phát tín hiệu gọi bú sữa. Các bé heo con vừa nghe tiếng mẹ gọi, liền tranh nhau chạy tới nằm dàn hàng quanh bụng mẹ và bú chùn chụt…

Mẹ tôi thở dài bảo Vương đồ tể:

– Thôi ông ráng đợi chút nữa nhé. Để nó cho con nó bú sữa lần cuối vậy.

Vương đồ tể gật đầu.

Heo con bú sữa no nê liền tản ra chơi đùa, nhưng heo mẹ vẫn không ngừng cất tiếng kêu gọi con tới bú sữa. Mãi đến khi con heo cuối cùng rời vú mẹ thì lúc này heo mẹ mới ngóc dậy, từ từ đi ra ngoài.

Khi heo mẹ ra khỏi chuồng rồi, nó lại quay đầu nhìn đàn con với vẻ bịn rịn lưu luyến. Mẫu thân tôi bị tình mẫu tử của heo mẹ làm cảm động, bà quay mặt đi, lau nước mắt. Còn anh tôi thì đứng như chôn chân tại chỗ.

Vương đồ tể lẩm bẩm một mình:

– Thuở giờ tôi chưa thấy con heo nái nào thông minh, tính khí giống người đến như thế!

Heo mẹ hết nhìn mẫu thân thì nhìn anh tôi và Vương đồ tể. Bỗng nhiên nó quay mình, phóng như bay vào chuồng rồi chạy quanh trong chuồng như điên. Mẹ tôi thấy vậy ngơ ngác nhìn, rồi hỏi Vương đồ tể:

– Con heo mẹ này…nó muốn làm gì vậy?

Ông Vương lắc đầu, tỏ ý không hiểu.

Chạy một hồi, mọi người đều phát hiện hai hàng vú heo đã căng sữa đến sa cả xuống, từng dòng sữa trắng đang tuôn chảy…Té ra heo mẹ chạy như vậy là để kích thích tuyến sữa chảy ra. Nó muốn cho con mình được bú no đủ thêm lần nữa, nhưng mặc cho heo mẹ cất tiếng gọi, đám heo con ngây thơ vẫn không chút lay động.

Anh tôi bị nghĩa cử của heo mẹ làm rơi lệ đầm đìa. Một thanh niên 20 tuổi như anh đã bật khóc thật to, cất tiếng cầu cứu mẫu thân:

– Mẹ ơi, huhuhu….Con van xin mẹ, đừng giết heo nái có được không? Bệnh của em Sơn hãy để con nghĩ cách….Huhuhu….

Vương đồ tể lặng lặng ôm đồ nghề bỏ về. Mẹ tôi nước mắt đầm đìa, gật gật đầu. Lúc này heo mẹ chẳng để chủ tốn sức gọi mình nữa, nó từng bước đi ra khỏi chuồng heo…

Sau đó, tôi nhờ truyền máu mà được cứu, chính là do anh tôi đã hiến máu cho tôi.

Sau này, heo mẹ lại sinh cho nhà chúng tôi 7-8 lứa heo nữa. Trong lần sinh cuối cùng, heo mẹ bị sản nạn chết, cả nhà im lặng chảy nước mắt. Mẫu thân đề nghị đem nó chôn dưới cội cây cạnh chuồng heo.

Đến nay, mỗi lần an hem chúng tôi về nhà thăm song thân, luôn trìu mến nhìn cây đại thọ cành lá xum xuê cạnh chuồng heo và bồi hồi nhớ đến con heo mẹ nghĩa tình mà nhà mình đã từng nuôi.

Tôi kính xin mọi người hãy ăn chay, không nên vì một phút ham ngon khoái miệng mà hi sinh cha mẹ của các con vật nhỏ, hoặc ăn con hay đoạn mạng chúng.

Xin thành tâm cảm tạ mọi người.

Phật tử Thái Sơn (Trích từ quyển Nhân quả giải theo Phật giáo – Hạnh Đoan dịch)

LTS: Vạn vật đều có tánh linh. Động vật cũng có tình thân y như con người chúng ta. Chúng cũng đau khổ khi chia ly, mất mát, oán hận, giận dữ khi bị hại mạng. Vì có sức mạnh nên chúng ta ỷ mạnh hiếp yếu, sát sinh khoái khẩu, ăn thịt loài vật để nuôi dưỡng thân mình. Cho dù chúng ta có thể tự nuôi sống mình bằng thực vật nhưng lại thường biện hộ cho việc ăn mạng chúng sanh, đả phá ăn chay. Chỉ vì bạn không hiểu rõ chúng ta và loài vật chỉ khác nhau ở hình dáng bên ngoài mà thôi. Đời có vay trả, định luật Nhân quả là bất biến, không bỏ sót một ai. Kiếp này bạn ăn nó, kiếp sau nó ăn lại bạn, đều là oan oan tương báo. Khi bạn sát hại nó, thần thức nó sẽ ở xung quanh bạn, đợi đến khi phước báo bạn suy rồi nó sẽ báo thù khiến cho bạn bị đọa lạc. Bạn nghe những lời thật lòng này có khiến cho bạn cảm thấy bất bình không? Lời nói thật khó nghe nhưng nếu bạn chịu nghe thì quả thật là rất có lợi ích cho chính bạn chứ không ai khác.

Xin hãy thường niệm A Di Đà Phật. _()_

TAMTHUC

Comment