No icon

nguoi-me-nay-da-tim-duoc-nguyen-nhan-vi-sao-con-co-hay-bi-giat-minh-khi-ngu

Người mẹ này đã tìm được nguyên nhân vì sao con cô hay bị giật mình khi ngủ

Gần đây có một bà mẹ kể rằng, cậu con trai của cô mấy ngày liền lúc ngủ đều liên tục giật mình sợ hãi và khóc lớn. Sau khi được mẹ dỗ dành cậu lại ngủ được một lát rồi lại tỉnh dậy kêu sợ và khóc. Liệu có phải bé ban ngày đã gặp phải việc gì đó đáng sợ không?

Bà mẹ này sau một vài hôm đã tìm được nguyên nhân của hiện tượng này. Chúng ta cùng xem nhé!

Hóa ra là vì cậu con trai hơn hai tuổi này không chịu ăn cơm một cách “ngoan ngoãn”, nên bà nội thường dọa cậu bé rằng: “Con có nhớ lần trước khi bà và con đi ra đường không? Lúc trời bắt đầu mưa lất phất thì đột nhiên có một bà tóc tai bù xù chạy tới và giật chiếc bánh trên tay của con. Bà ấy chính là chuyên đi ăn thịt người đấy! Cũng chuyên đi ăn thịt đứa trẻ nào không chịu ngoan ngoãn ăn cơm đấy! Nếu con không chịu ăn đi, bà sẽ gọi bà điên kia đến bắt con đi đó, bà ấy sẽ nuốt con đấy có biết không…?”

Cậu con trai hơn hai tuổi vừa sợ tái mét mặt vừa khóc, liền nói: “Bà ơi, con không dám không ăn nữa đâu, bà đừng gọi bà điên ấy đến bắt con đi nhé…” Cậu bé đáng thương vừa nghẹn ngào vừa há to miệng ăn từng miếng từng miếng một, chưa ăn được bao nhiêu thì đã nôn hết ra. Đến tối đi ngủ, cậu bé nằm mơ, hai bàn tay nhỏ nắm chặt lại và kêu hét.

Không chỉ thế mà mẹ cậu bé còn phát hiện ra cậu bé trở nên vô cùng nhát gan. Trước đây, khi trời tối mà vào phòng là cậu rất thích tự mình bật đèn, nhưng bây giờ cậu không dám nữa. Cậu bé còn nói với mẹ mình rằng: “Mẹ ơi con rất sợ vì tối đen như thế này sẽ có bà điên đang đợi ở trong đó đấy!”

Trong cuộc sống hàng ngày, chắc hẳn chúng ta cũng thường xuyên bắt găp những sự việc tương tự xảy ra ở không ít các gia đình. Xin đưa ra một vài trường hợp mà tôi đã gặp:

Con muốn ăn kem nhưng mẹ không đồng ý, con khóc thét lên rồi lăn trên đất, người mẹ nói: “Con mà còn như vậy là mẹ sẽ đem con đến vườn bách thú cho con hổ nó ăn thịt đấy…”

Có một bé trai đi siêu thị cùng mẹ, vì rất thích con siêu nhân đồ chơi nên đòi mẹ mua. Mẹ không đồng ý thế là cậu bé liền khóc, người mẹ không kiên nhẫn bảo ban con mà lớn tiếng quát: “Con còn khóc không? Nếu mà lại khóc mẹ sẽ không cần con nữa đâu!”

Khi trẻ tranh giành đồ chơi với bạn, người mẹ nổi giận nói: “Con còn tranh giành đồ chơi với bạn nữa là mẹ sẽ để yêu quái đến bắt con đi bây giờ.”

Con không thích đánh răng, lại muốn ăn cái gì đó trước khi đi ngủ, người lớn lại nói: “Con mà đòi ăn trước khi đi ngủ rồi lại không đánh răng, nửa đêm sẽ bị con chuột nó cắn miệng.”

Con thích nhún nhảy trên ghế sofa, người lớn sợ con nguy hiểm liền dọa: “Đừng nhảy nữa, không bố sẽ gọi cảnh sát đến bắt con đi đấy!”

Con không chịu ngủ, người lớn lại dọa: “Con không đi ngủ đi, con sói xám từ ngoài kia vào ăn thịt đấy.”

—***—

Nếu như ở nhà bạn cũng đang dùng những lời nói như vậy để dọa trẻ, xin bạn hãy dừng lại ngay! Bởi vì những lời đe dọa đó sẽ gây ra những hậu quả mà chúng ta không lường được, thậm chí có thể ảnh hướng đến tâm lý cả đời của trẻ.

1. Trẻ sẽ luôn cảm thấy không an toàn

Mặc dù trẻ sẽ vì lời đe dọa của người lớn mà ngoan ngoãn nghe theo, nhưng thực sự trẻ còn nhỏ nên năng lực là có hạn. Trẻ không phân biệt rõ được thật và giả, nên luôn tưởng rằng những lời đe dọa đó là thật. Vì thế, trẻ sẽ thực sự sợ và bị tổn thương tâm lý. Từ đó sẽ sinh ra cảm giác không an toàn, không tin tưởng người khác nữa, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe.

2. Ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ

Không ít bác sĩ nhi cho biết, việc đe dọa sẽ khiến trung khu thần kinh của trẻ bị kích thích mạnh, ảnh hưởng nội tiết, khiến trẻ phát triển chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, khiến trẻ luôn ở vào tình trạng lo âu suy nghĩ. Trẻ sẽ dễ bị các bệnh về tâm lý, nội tạng, sốt cao, tiêu hóa kém…

3. Trẻ sẽ mất dần sự linh hoạt, không dám làm gì

Nếu như người lớn vì để an toàn cho trẻ mà thường xuyên đe dọa trẻ, như đừng cầm cốc chén nếu ngã sẽ bị vỡ hỏng, đừng cầm chổi vì sẽ bị bụi mù, đừng động vào quần áo vì sẽ làm nó bẩn….Như vậy, bạn sẽ nuôi dưỡng con bạn thành một đứa trẻ lười biếng. Nếu như bạn thường xuyên dùng “bác sĩ tiêm, cảnh sát bắt người, thầy cô trừng phạt…” để đe dọa trẻ nhằm đạt được mục đích của mình, như vậy khi trẻ bị bệnh sẽ không muốn đi bác sĩ, dù cho lạc đường cũng không dám tìm cảnh sát xin giúp đỡ, kháng cự lại thầy cô giáo khi tới trường. Nếu như bạn phát hiện thấy con của mình đã không dám động vào cái gì nữa, xin bạn trước tiên hãy tự xem xét lại bản thân mình.

Trên thực tế, khi trẻ được sinh ra chúng rất ít bị sợ cái gì đó, chỉ là sau này trong cuộc sống nỗi sợ hãi mới bắt đầu nảy sinh. Mà phần lớn chúng sợ đều là do người lớn (ông bà, thầy cô giáo, cha mẹ…) dọa trẻ vì muốn trẻ nghe lời ngay lập tức mà không để ý đến hậu quả đằng sau.

Con trẻ luôn thích gây sự, luôn khiến người lớn không an tâm, nhưng xin bạn đừng đe dọa trẻ. Nếu như bạn phát hiện thấy trẻ không nghe lời, có thể dùng những phương pháp này thay thế việc đe dọa:

Nếu như con của bạn luôn không chịu ngoan ngoãn ăn cơm , xin hãy đem trách nhiệm〝 ăn 〞 giao cho trẻ, không đe dọa không quở trách, quy định thời gian cho trẻ , không ăn thì thu lại, để cho trẻ ý thức được rằng mình không ăn cơm thì bố mẹ cũng sẽ không ép ăn nữa.

Nếu như con của bạn tại siêu thị nhất định phải mua món đồ chơi nào đó, nếu không thì sẽ không về nhà. Xin hãy dẫn dụ trẻ chuyển sự chú ý đến bánh, kẹo, trái cây….những đồ ăn khác mà trẻ thích, bạn sẽ ngạc nhiên phát hiện trẻ có thể sẽ bị hấp dẫn bởi chúng.

Nếu như con bạn luôn thích ngồi nghịch đất cát, chơi nước mà không chịu về nhà, xin đừng sử dụng cách cứng rắn là lôi kéo con về, mà hãy cho trẻ một thông điệp chỉ chơi trong vòng mấy phút nữa sẽ phải về.

Nếu như con của bạn luôn không nghe lời người lớn là đừng động vào nước sôi, vậy bạn hãy chuẩn bị một ly nước ấm không đủ độ để gây bỏng rồi cho trẻ động vào một lần, hiệu quả sẽ vượt xa nhiều lần lời cảnh báo đấy.

Nếu như con của bạn không thích được tắm rửa, bạn có thể nói với con: “Mẹ vừa mới đọc được một câu chuyện rất hay, chúng ta tranh thủ thời gian đi tắm, xong mẹ sẽ kể cho con nghe nhé!”

Nếu như con của bạn thích ăn bằng tay vậy bạn hãy rửa sạch tay cho con, nếu như con của bạn luôn đi ngược giầy dép, bạn không cần vội vã uốn nắn vì trẻ sẽ nhận ra khi đủ nhận thức thôi.

Xin các bậc cha mẹ hãy kiên nhẫn khi chỉ bảo cho con cái mình đòng thời hãy để cho chúng được phát triển một cách từ từ và tự nhiên.

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

TAMTHUC

Comment