tac-dung-than-ky-khi-chung-ta-bo-thi-tu-tam-minh
Tác dụng thần kỳ khi chúng ta “bố thì” từ tâm mình
- bởi tamthuc --
- 28/09/2015
Tại sao an ủi lớn nhất của đời người là bố thí? Vì người nghèo đang thiếu thốn, khó khăn được sự giúp đỡ sẽ có thể vượt qua cơn hoạn nạn. Bố thí theo nghĩa thông thường là giúp đỡ, sẻ chia, chính là gieo những hạt giống thiện lành, giống như người gửi tiền ngân hàng tuy hiện tại như không có tiền nhưng khi cần xài thì rút ra.
Như vậy, khi chúng ta làm những việc thiện lành như bố thí tiền bạc, tài sản, chia sẻ những ưu tư, những khổ đau của người khác là chúng ta đang tu phước.
Bố thí theo nghĩa sâu xa là buông xả mọi dính mắc về vật chất lẫn tinh thần. Bố thí theo nghĩa thông thường là giúp đỡ, sẻ chia cho người khi cần thiết nhưng vẫn có sự tính toán. Khi chúng ta cho đi một vật gì là biết chắc mình sẽ nhận lại được tương đương hoặc nhiều hơn thế nữa, như vậy trong đó có sự cân nhắc lợi-hại. Chúng ta cho đi một vật gì mục đích là để cầu phước báo hiện tại và mai sau, hoặc vì muốn đáp lại lòng tốt của người khác. Như vậy, ý nghĩa cho ở đây là để trao đổi hai chiều. Trong thế gian này, người giàu sang phú quý, sự nghiệp vinh hiển, công thành danh toại không phải bỗng dưng mà có. Đó là kết quả việc tu nhân tích đức của họ trong nhiều đời trước. Chính vì vậy, trong cuộc sống này không có việc gì là ngẫu nhiên, đương nhiên khi không hay tự nhiên mà thành.
Muốn được giàu sang quyền quý, sung túc đầy đủ trong tương lai thì hiện tại ta phải biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ tùy theo khả năng của mình. Người Phật tử chân chính lúc nào cũng phải tin sâu nhân quả, tin mình làm lành được hưởng phước. Vậy muốn được giàu sang, nhiều của cải mà hiện thời ta không biết làm phước thì e rằng không thể có được. Đạo Phật có mặt trong cuộc đời là vì lợi ích chúng sinh, muốn giúp cho mọi người chuyển hoá kiếp nghèo khó thì ta phải biết bố thí, cúng dường. Phật dạy chúng ta phải biết xả bớt lòng tham lam, ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình để giúp đỡ, sẻ chia cho người khác, không nên sống trong vô cảm ai khổ đau mặc kệ. Đạo Phật chủ trương sống hòa mình cùng nhân loại với quan niệm ai cũng là người thân, người thương nên mỗi người đều phải có trách nhiệm và bổn phận thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã, vị tha.
Đạo Phật thấy rõ cuộc sống của muôn loài là phải nương tựa vào nhau, không một loài nào có thể tách rời đời sống xã hội mà tồn tại trong bầu vũ trụ bao la này. Đức Phật đã tu tập thành bậc giác ngộ hoàn toàn, Ngài thấy rõ mọi sai biệt và bất đồng giữa con người và muôn loài giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy người giàu sang, sung sướng, của cải vật chất đầy đủ; người nghèo hèn, khốn khổ, đói rách, thiếu thốn, lang thang; kẻ sang – người hèn, kẻ xấu – người đẹp, kẻ ngu – người trí, kẻ chết yểu – người sống thọ, người an vui hạnh phúc – kẻ bất hạnh khổ đau… Phật dạy: Người đủ ăn đủ mặc là người có phước đức nên ít lo, nhờ vậy mà dễ tu. Vậy thế nào là người có phước đức? Người có phước đức là người có cuộc sống ổn định, phương tiện vật chất đầy đủ, có nhà cửa, tiền tài, danh vọng, ăn ngon, mặc ấm; lại sống trong gia đình trên thuận dưới hòa, biết cung kính lễ phép với người trên, thương yêu đùm bọc người dưới, biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết dạy dỗ con cái điều hay lẽ phải, tránh xa bạn ác, gần gũi bạn lành trong tình thương yêu nhân loại vì tình người trong cuộc sống bằng trái tim hiểu biết.
Ngay nơi hiện tại chúng ta không làm phước mà muốn mai sau được phước thì không thể được, cũng như trước kia mình chưa từng làm phước nên bây giờ phải chịu kiếp nghèo khổ. Chúng ta nên nhớ rằng, làm phước thì được phước, hưởng phước thì hết phước. Hiểu được điều này, mỗi người chúng ta cần phải cố gắng gieo trồng phước đức để cuộc sống ngày thêm hoàn thiện hơn. Một ngày chúng ta sống trên đời là một ngày ta phải sống có ích cho mình và người mà không làm tổn hại cho ai. Ngược lại, người sống trong cảnh thiếu thốn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trong gia đình thường hay gây gỗ, bất hòa, xung đột lẫn nhau là vì thiếu phước đức. Vậy thế nào là phước? Phước là những hành động, lời nói, ý nghĩ đem đến an vui, hạnh phúc cho mọi người trong hiện tại và mai sau. Người làm phước là người biết làm những điều thiện lành tốt đẹp, luôn giúp mọi người khi gặp khó khăn nên ai cũng ưa thích gần gũi, quý mến, tôn trọng. Chính nhờ sự gần gũi đó chúng ta dễ dàng thông cảm, tha thứ cho nhau, sẵn sàng dấn thân phục vụ, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã vị tha.
Phước giúp chúng ta chuyển hoá được những nghiệp xấu ác có tính cách làm tổn hại người và vật của nhiều kiếp, phước có công năng giúp ta sáng suốt để giảm bớt việc làm sai trái trong cuộc sống. Có những việc chúng ta tưởng chừng như không thể nào cứu vãn nổi, vậy mà nhờ có phước rồi ta cũng vượt qua hết tất cả. Trong sáu hạnh Ba La Mật gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ thì bố thí là hạnh đầu tiên để giúp chúng ta từng bước thăng tiến trên con đường Phật đạo. Con đường tu tập của quý Phật tử không chỉ giới hạn vào việc tu phước, việc làm lành tránh ác để kiếp sau khá hơn kiếp trước, vì như thế vẫn còn trôi lăn trong vòng sinh tử của thế giới tương đối, đó chưa phải là mục đích chính của đạo Phật.
Chúng ta thử đặt vấn đề nếu trong hiện tại chúng ta chỉ lo tu phước mà không tu tuệ, do nhân tu phước ở kiếp này mà đời sau có nhiều của cải, quyền cao chức trọng, kẻ hầu người hạ, giàu sang sung sướng. Do được hưởng phước báo đó mà con người ta dễ dàng buông lung, sa đoạ trong dục lạc. Khi ấy thì dù có bậc thiện tri thức khuyên bảo cũng khó làm cho họ nghe theo vì họ đang trong cơn say sưa, mê đắm với dục vọng. Chính vì vậy mà đức Phật thường khuyên nhủ chúng ta “phước huệ song tu” để thành tựu đạo pháp. Nếu chúng ta giàu sang sung sướng mà không có nhận thức sáng suốt, không giữ gìn giới hạnh trang nghiêm thì trong tương lai phước hết hoạ đến sẽ gặt quả báo xấu tuỳ theo nghiệp đã tạo.
Việc gieo trồng phước đức rất quan trọng, trong đó có hạnh pháp thí gồm có truyền giảng chánh pháp cho người nghe, hay trợ duyên cho việc chuyển lăn bánh xe pháp, làm cho Phật pháp ngày càng lan rộng. Làm phước bằng cách ấn tống kinh sách, phát hành băng đĩa Phật pháp, tài trợ cho quý Tăng Ni sinh đi học, hay cúng dường cho những khoá tu học tại các chùa, gieo nhân duyên nghe Phật pháp giúp mọi người tin sâu nhân quả, hiểu biết được nguyên lý sống của xã hội là công đức cao nhất trong các hàng bố thí. Cho người miếng ăn xong rồi hết, đôi khi khiến họ thêm ỷ lại, cho pháp thí thì mau chuyển hoá được nghiệp tập xấu ác.
Ngày xưa, khi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa hoằng pháp, Ngài đã đến gặp vua Lương Võ Ðế. Trong lúc tìm hiểu, trao đổi Phật pháp, nhà vua hỏi: “Trẫm một đời cất chùa, độ Tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức chăng?” Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời rằng không có công đức gì cả. Nhà vua như bị tát gáo nước lạnh vào mặt, bởi vì Ngài nghĩ những việc đó là công đức tối hậu. Có người nói rằng vua Lương Võ Ðế không đích thân ra công thực hiện những việc đó mà chỉ sai người khác làm nên không có công đức gì cả. Sau này có người đem sự việc đó thưa hỏi Lục Tổ Huệ Năng và được Lục Tổ chỉ dạy như sau: “Quả thực là không có công đức gì cả. Vua Lương Võ Ðế vì lầm chấp sự làm phước là viên mãn mà không dùng trí tuệ để buông xả phiền não tham-sân-si vì còn thấy mình giúp. Cất chùa, độ Tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai cúng dường, bố thí, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, tất cả chỉ là những việc làm bên ngoài xã hội bằng tình người trong cuộc sống có thể giúp ích cho nhiều người.”
Nghe thế, vua sửng sốt, bàng hoàng, đâm ra nghi ngờ nên hỏi tiếp: “Tại sao lại không có công đức?” Tổ đáp: “Đó là phước báu thế gian được hưởng phước báo làm người giàu sang, thông minh, mẫn tiệp ở cõi Trời-Người như bóng theo hình, tuy có nhưng không bền chắc lâu dài.” Vua Lương Võ Đế tưởng rằng làm những việc phước thiện như vậy là công đức cao cả nên chấp vào việc làm của mình, bị Tổ tạt cho một gáo nước lạnh vào mặt nhưng vẫn chưa nhận ra yếu chỉ tu hành bởi vua Lương nhầm lẫn giữa phước đức và công đức. Mục đích của Tổ sang Trung Hoa là chỉ rõ cho mọi người nhận ra bản tâm chân thật sẵn có nơi mỗi người. Vua Lương nghĩ rằng cất chùa, độ Tăng Ni, in kinh sách, say mê việc làm phước là công đức nên Tổ mới phá chấp để nhà vua nhận ra bản tâm chân thật của mình mà hiểu đúng lý giác ngộ, giải thoát của đạo Phật. Nhà vua không hiểu thế nào là công đức, chỉ một bề lầm chấp công lao của mình, cho đó là cứu cánh của đạo Phật. Vua không hiểu ý sâu xa của Tổ, dù đang là vị vua trên các vua khác, được hưởng phước cao sang tột đỉnh cũng vẫn bị quy luật vô thường chi phối, rốt cuộc vẫn trôi lăn trong vòng sinh tử khổ đau. Chỗ Tổ muốn chỉ cho nhà vua là dừng lặng các vọng niệm phải-quấy, tốt-xấu, đúng-sai, ta-người để sống lại với tâm sáng suốt của mình, hay còn gọi là Phật tánh.
Người đến với đạo Phật có hai hình thức: tại gia và xuất gia. Song, xuất gia là số ít, người tại gia là số nhiều, là nền tảng của đời sống gia đình và xã hội. Người xuất gia nguyện suốt đời đi theo lý tưởng giác ngộ, giải thoát, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh. Vì vậy, người xuất gia nêu cao tinh thần dấn thân phục vụ vì Tam Bảo. Người tại gia ngoài việc lo cho gia đình và xã hội, thấu hiểu lý nhân quả nghiệp báo còn cần tự giác phát tâm hộ trì Tam Bảo, trợ giúp vật chất để người xuất gia (chư Tăng Ni) có điều kiện, thời gian tu học và hành trì. Việc làm của vua Lương Võ Đế quả là một điều khó làm bởi Ngài là vua một nước, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Ngài vẫn tranh thủ thời gian làm những việc khó làm. Lương Võ Đế là ông vua cư sĩ trên đời này làm được như vậy là hiếm có, ông đã giúp dân chúng an cư lạc nghiệp, sống trên tinh thần đoàn kết-giúp đỡ lẫn nhau, do đó trong nước rất ít tệ nạn xã hội.
Công đức là do tu tâm mà được, tự tu tánh là công, tự tu thân là đức, đức phải do nơi tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà được. Do đó, công đức là do tu tâm rõ bản tánh rỗng lặng nhưng hằng thấy biết. Những việc làm của vua Lương Võ Đế là do nhân quả phước báu của Trời-Người. Có phước thì được giàu sang, có nhiều của cải, quyền thế, hưởng thụ vật chất đầy đủ. Song, hưởng thụ phước báu mà không biết kiệm phước thì cũng có ngày hết, phải chịu khổ đau trong vòng luân hồi sinh tử. Do đó, có phước mà thiếu công đức dễ dẫn đến phiền não, chấp trước, thấy mình là người bố thí, kẻ thọ nhận phải biết ơn mình rồi sanh tâm cống cao ngã mạn; nhiều khi thấy người thọ nhận vô ơn, bạc nghĩa, không biết nhớ ơn sẽ sanh tâm coi thường, khinh rẽ họ thì không những bị mất phước mà còn phải mang lấy tội quả xấu.
Chính vì vậy, là người Phật tử chân chính chúng ta phải biết quân bình phước huệ song tu, một mặt tích lũy phước báu, một mặt buông xả phiền não, nhờ có phước ta dễ có điều kiện tu học, một mặt tích cực tu tâm để chuyển hóa khổ đau khi đối diện nghịch cảnh cuộc đời. Trái lại, người đã sống với tâm chân thật dù có bố thí cúng dường, làm nhiều phước thiện cũng đều là công đức cả vì họ làm trong vô tâm, làm mà không chấp trước việc làm của mình. Vô tâm là tâm rỗng lặng sáng suốt, không bị dính mắc, chấp thủ vào việc mình làm, chỉ tùy thời, tùy duyên làm lợi ích mà không thấy mình là người bố thí, không thấy người thọ nhận và vật thí, do đó được an nhiên, tự tại trước mọi hoàn cảnh trái ngang. Nếu mọi người biết làm phước và tu tâm thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc.
Phước Huệ song tu vẫn là điểm then chốt cho người học Phật, nhưng chúng ta đừng bao giờ xem nhẹ việc làm phước, vì có phước và biết cách sắp xếp thời gian để huân tu trí tuệ là tiến trình cho con đường hành Bồ tát đạo đến khi thành Phật viên mãn mới thôi. Nhờ bố thí nhiều đời nên chúng ta gặt hái được nhiều phước báo, do đó chúng ta tín tâm Tam Bảo, tin sâu nhân quả mà cố gắng duy trì phát tâm học chánh pháp, tu hạnh buông xả nên từng bước chuyển hoá được phiền não tham-sân-si. Mười phương chư Phật thành tựu đạo giác ngộ-giải thoát cũng từ hạnh bố thí làm nền tảng.
Như chúng ta đã biết, bố thívẫn là điều kiện quan trọng thiết yếu của người Phật tử, nhờ vậy ngày càng phát triển tâm từ bi rộng lớn. Chính vì vậy mà người cho được nhiều hơn người nhận, bởi người nhận chỉ được chút vật chất nhưng người cho được cả một niềm vui tinh thầnvì giúp được người khác vơi bớt nỗi khổ niềm đau. Công đức có khả năng giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, chuyển hoá phiền não tham-sân-si. Công đức là công phu tu tập bên trong nhờ hành trì theo lời Phật dạy, luôn luôn giữ gìn Giới luật, niệm Phật, Bồ tát, tu tập thiền định, nhờ vậy phát sinh trí tuệ thấy biết đúng như thật để buông xả vọng niệm. Những việc làm này đem lại lợi ích cho nhiều người như vậy thì tất nhiên sẽ giúp chúng ta có thật nhiều phước đức. Tuy nhiên, nếu chúng ta giúp người mà mình không biết tu tâm dưỡng tính thì ta sẽ dính mắc vào việc làm của mình nên thấy có ta giúp, người là đối tượng được giúp và vật thí. Nếu như bố thí, cúng dường mà tâm không mong cầu gì cả, cúng chùa để chùa có thêm phương tiện sinh hoạt ích lợi cho mọi người, giúp người để người qua cơn khó khăn túng thiếu mà không đắn đo, không suy nghĩ, không tính toán gì thêm nữa thì chúng ta sẽ chuyển hoá được phiền não tham-sân-si.
Tâm cầu danh của chúng ta sẽ giảm bớt, tâm chấp ngã cũng nhẹ hơn trước. Chúng ta không làm những việc ác mà hay làm tất cả việc thiện nhưng không chấp chặt vào những việc làm đó thì tâm ý của ta sẽ được thanh tịnh. Ðó là ta biết tu tâm dưỡng tính, vừa biết làm phước, vừa biết tu tâm. Khi làm việc thiện nếu ta chấp chặt vào đó thì tâm của mình sẽ bực dọc, bất an, khó chịu khi bị người khác phê bình, chỉ trích. Công đức là do tu tâm, rõ được bản tâm sáng suốt nơi chính mình, từ đó mỗi lời nói, hành động, suy nghĩ đều hợp với đạo lý làm người, làm điều gì cũng không sai trái, không bị dính mắc hay trói buộc. Phước đức là diệu dụng của công đức, là kết quả của hành vi làm các việc thiện lành như giúp người hoạn nạn, chia sẻ vật chất-tinh thần giúp người bớt khốn khổ, tạo nên những nhân tốt.
Người làm việc phước đức nhiều được hưởng quả phú quý, giàu sang, của tiền dư dả ở thế gian hay được sanh vào cõi trời. Theo kinh Phật dạy, người dù có phước tột đỉnh được sinh vào các cõi trời hay cõi người để hưởng quả tốt, nhưng khi hết phước vẫn bị định luật vô thường chi phối, vẫn phải trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi, chỉ có nguời công đức đầy đủ mới không bị khổ đau chi phối, do đó được an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh. Nhân quả nghiệp báo sẽ không từ bỏ một ai khi hội đủ nhân duyên, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu quả khổ là định luật rất công bằng không có sự sai biệt. Vì vậy, người Phật tử phải biết sáng suốt chọn lựa, đừng để đến lúc gặt quả xấu rồi than thân trách phận, đổ thừa tại này, tại nọ để rồi chuốt lấy khổ đau.
Bậc Thánh nhân khi gặp quả xấu do có trí tuệ sáng suốt thấy rõ được nhân quả nghiệp báo nên không buồn đau, sầu khổ. Người khôn ngoan phải biết chọn lựa con đường tốt đẹp dẫn đến an vui hạnh phúc, biết làm phước để tích lũy, nếu không biết tích lũy thêm phước đức thì đến khi hết phước sẽ gặp tai họa. Công đức là sự tu tâm, sửa đổi, chuyển hóa những tâm niệm tà vạy, tham lam, ích kỷ, hiểm độc, ganh ghét. Người tu hành chân chính dù có bị đói khát, thiếu thốn vẫn không khổ tâm vì biết nhân quả nghiệp xấu chiêu cảm. Cái hay của người tu hành là ở chỗ đó, và đó cũng là chỗ khác nhau của công đức và phước đức. Giúp đỡ, sẻ chia giúp ta thiết lập tình thương, trên cơ sở đó tạo ra mối quan hệ tương quan, tương duyên trong xã hội cộng đồng nhằm phát triển tốt đẹp về mọi mặt bền vững, lâu dài. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải làm như thế nào để tạo ra phước báo nhằm hoàn thiện chính mình và đóng góp lợi ích cho nhân loại.
Bố thí là nền tảng cơ bản để kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống nhằm làm vơi bớt nỗi đau bât hạnh của tha nhân, là hạnh lành đầu tiên mà đức Phật lúc nào cũng nhắc đến. Bản chất của con người là luôn muốn có, muốn thêm, muốn nữa, không bao giờ thấy đủ, không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có. Muốn được sống an lạc, hạnh phúc ta hãy nên bằng lòng với những gì mình đang có và cố gắng duy trì, gìn giữ và phát triển. Mong cầu nhiều, mơ ước nhiều mà không được như ý chỉ thêm nhiều phiền muộn, đau khổ mà thôi.
Nói tóm lại, người Phật Tử chân chính phải nên biết bố thí là nấc thang đầu tiên để san sẻ nỗi khổ niềm đau cho những người bất hạnh. Nó là niềm an ủi lớn lao trong cuộc sống, là nhịp cầu kết nối yêu thương bằng tình người trong cuộc sống. Tiến xa hơn một bước nữa, bố thí là biết buông xả sự lầm chấp thân tâm này làm ngã, từ đó có “ngã sở” là “của ta” nên bị trói buộc bởi phiền não tham-sân-si. Bố thí trọn vẹn là khi mình giúp ai mà không thấy có người giúp, đối tượng được giúp và vật thí giúp. Bố thí như vậy có năng lực giúp ta vượt qua bể khổ sông mê, chóng đến bờ giác ngộ-giải thoát. Chúng ta hãy nên xây dựng và phát triển, gìn giữ chùa; đóng góp, tham gia các hoạt động xã hội; giúp cho mọi người có điều kiện để học hỏi, tu tập nhằm chuyển hoá nỗi khổ niềm đau thanh an vui hạnh phúc và đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
Nguồn: Thích Đạt Ma Phổ Giác
TAMTHUC
Comment