No icon

nguoi-niem-phat-khi-lam-chung-co-duoc-vang-sinh-hay-khong

Người niệm Phật khi lâm chung có được vãng sinh hay không?

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ở thành Xá Vệ vườn trưởng giả Cấp Cô Ðộc đã thuyết Kinh A Di Ðà, Ngài ca ngợi tán thán sự trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, từ đó khuyên đại chúng nên phát nguyện vãng sinh Tây phương trong Kinh nói: “Như ta ca ngợi tán thán cái lợi công đức bất khả tư nghì của Phật A Di Ðà, ở phương Ðông có A Súc Bệ Phật v.v… phương Nam có Nhật Nguyệt Ðăng Phật… phương Tây có Vô Lượng Thọ Phật… hạ phương có Sư Tử Phật… các Ngài đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài, nói lời chân thật, khuyên bảo chúng sinh nên một dạ tin kinh thì công đức lớn lao vô cùng, vì tất cả các chư Phật đều luôn hộ trì tưởng nhớ”.

Ðiều này cho thấy rằng vãng sinh Tịnh độ là một nhân duyên lớn, mười phương chư Phật, đồng nghe kinh và tán thán, phàm có sinh niềm tin, có phát nguyện niệm Phật cầu sinh về cõi Cực Lạc thì nhất định đều có thể vãng sinh.

Hỏi: Nếu nói rằng người niệm Phật đều được vãng sinh Tây phương, thì tại sao tôi thấy có nhiều người tại gia cũng như xuất gia bình thường niệm Phật nguyện vãng sinh Tịnh độ, nhưng đến phút lâm chung thì chết một cách mơ mơ hồ hồ chẳng thấy mấy ai chân thật vãng sinh là vì sao?

Ðáp: Ðó là do người niệm Phật vào giờ phút lâm chung do nhân duyên không đầy đủ. Nếu có đầy đủ nhân duyên thì nhất định sẽ được vãng sinh.

Hỏi: Thế nào là nhân duyên?

Ðáp: Người niệm Phật bình thường tin sâu nguyện thiết, niệm Phật cầu  sinh  Tây phương, cho đến giờ phút lâm chung vẫn giữ được tâm niệm đó, thì đó là “nhân” tự lực, tuy nhiên đối với người lúc bình thường chưa biết tín nguyện niệm Phật cầu sinh Cực Lạc, nhưng đến giờ phút sắp lâm chung may mắn gặp được thiện hữu tri thức khai thị mới sinh tín nguyện, cầu sinh Tây phương thì đây cũng là “nhân” tự lực. Giáo chủ Cực Lạc, là Ðức Phật A Di Ðà cùng với vạn đức hồng danh, có thể khiến cho chúng sinh vãng sinh Cực Lạc đây là “Duyên” tha lực, và cho đến giờ phút lâm chung gặp được thiện hữu trợ niệm và đây cũng chính là “duyên” tha lực.

Hỏi: Người niệm Phật đến lúc lâm chung đầy đủ nhân duyên thì có thể vãng sinh Cực Lạc, xin giải thích rõ nguyên tắc trên.

Ðáp: Người niệm Phật đến giờ phút lâm chung mà tin sâu nguyện thiết niệm Phật là “duyên” tha lực, còn cái tâm năng niệm Phật là “nhân” tự lực. Vào ngay lúc đó dùng cái tâm năng niệm Phật mà niệm Ðức Phật A Di Ðà thì Ðức Phật A Di Ðà nhân cái tâm năng niệm mà hiển hiện. Tâm năng niệm Phật lại nhờ sự hiển hiện cầu Phật A Di Ðà mà được thanh tịnh và ngay chính lúc đó, khiến cho sự tự lực có sự cảm ứng đạo giao, chính sự nhân duyên hòa hợp này cho nên thành tựu việc vãng sinh. Ðây chính là nguyên tắc “Nhân duyên” vậy.

Hỏi: Người niệm Phật đến lúc lâm chung, mà nhân duyên không đầy đủ thì không thể vãng sinh có đúng vậy không?

Ðáp: Người niệm Phật bình thường tín nguyện có công phu niệm Phật nhưng chưa thuần thục. Ðến giờ phút lâm chung tuy có tâm tín nguyện cầu sinh Tây phương (có “nhân”) song bị bệnh khổ và các phiền não khác bức bách nên tâm niệm Phật không phát khởi, lại không gặp được thiện hữu khai thị và trợ niệm (không “duyên”) cộng với gia quyến không biết đạo lý, cứ khóc lóc, thở than khiến trong tâm người niệm Phật khởi lên nhiều phiền não, chính sự khóc lóc đó là “duyên” làm chướng ngại cho tâm niệm người vãng sinh. Trường hợp này gọi là có nhân nhưng không gặp thiện duyên nên không thể vãng sinh được.

Lại có người bình thường tín nguyện niệm Phật tha thiết, đến giờ phút lâm chung được sự trợ duyên rất tốt, lại gặp được thiện hữu tri thức khai thị và trợ niệm (có “duyên”), cộng gia quyến không khóc lóc làm xao động. Nhưng vì tự tâm của người niệm Phật lại sinh điên đảo, tham luyến thế gian, cho đến quyến luyến con cháu, của cải, vì thế không phát khởi tâm nguyện cầu sinh Tây phương Cực Lạc (không “nhân”). Bởi vậy theo tâm niệm ái dục mà đi đầu thai vào các đường thiện ác. Ðây gọi là có “duyên” mà không “nhân” nên không thể vãng sinh được.

Lại có người bình thường niệm Phật chỉ cầu cho gia đình bình an hạnh phúc thọ mệnh lâu dài v.v… Nhưng do vào giờ phút lâm chung chỉ sợ chết, như có bệnh mà chưa đến giai đoạn trầm trọng, tuy cũng có niệm Phật nhưng chỉ muốn cầu bệnh mau lành, chứ không cầu sinh Tây phương Cực Lạc (không “nhân”). Khi đến giai đoạn bệnh trầm trọng, bấy giờ các khổ não đau đớn hiện hành không thể niệm Phật, chỉ than trời trách đất, kêu mẹ gọi cha. Lại vì gia quyến không tin Phật pháp, hoặc có tin nhưng không hiểu rõ lý nghĩa Kinh Phật, lại không gặp được thiện hữu khai thị và trợ niệm (không  “duyên”) đây là cả nhân lẫn duyên không đầy đủ nên không thể vãng sinh vậy.

Hỏi: Người tu niệm Phật vào giờ phút lâm chung thế nào gọi là đầy đủ nhân duyên có thể vãng sinh Cực Lạc?

Ðáp: Như có hạng người có căn cơ rất lớn, lúc bình thường hết sức tin sâu nguyện thiết niệm Phật, tín nguyện lại tha thiết, công phu niệm Phật lại thuần thục, đến giờ phút lâm chung không cần người trợ niệm, mà tự họ có thể tín nguyện niệm Phật như bình thường, không có một mảy may tưởng khổ vui… làm xao động, mà niệm niệm luôn an trụ vào hồng danh, A DI ÐÀ PHẬT vì vậy trong Kinh A Di Ðà Phật nói: “Nhất tâm bất loạn, tức được vãng sinh” là vậy (“nhân” của tâm niệm tự lực cảm ứng với “duyên” cảnh giới của Phật) đây là ý nghĩa đầy đủ nhân duyên vậy.

Lại có người bình thường tu niệm Phật tin sâu nguyện thiết, nhưng công phu chưa thành thục, vào giờ phút lâm chung, lòng tín nguyện cầu sinh Tây phương lại càng tha thiết, không bị các bệnh khổ hoặc nghiệp chướng phiền não làm dao động. Lại gặp được thiện hữu tri thức khai thị, được sự trợ niệm. Nhờ thế nên tâm của người bệnh niệm niệm an trụ vào nơi hồng danh A Di Ðà Phật mà được vãng sinh. (“nhân” của tự lực cộng “duyên” tha lực)

Lại có hạng người, bình thường không biết tín nguyện niệm Phật cầu sinh Tây phương. Nhưng đến giờ phút lâm chung lại gặp được thiện hữu tri thức khai thị, nói đến sự vui sướng cùng sự trang nghiêm thanh tịnh của thế giới Tây phương, và 48 lời nguyện tiếp dẫn chúng sinh niệm Phật của Phật A Di Ðà khiến cho tâm người bệnh trở nên hoan hỷ, tâm sinh chánh tín niệm Phật, phát nguyện vãng sinh. Cho đến quyến thuộc không khóc lóc hỏi han lại được sự trợ niệm mà người bệnh được vãng sinh.

Hỏi: Người bình thường chưa biết tín nguyện niệm Phật, đến giờ phút lâm chung, gặp được thiện hữu khai thị sinh tâm hoan hỷ, tín nguyện, phát nguyện niệm Phật cầu sinh Tây phương, cho đến gia quyến không khóc lóc, lại được sự trợ niệm liền được vãng sinh. Sự việc trên nói sao mà dễ dàng như vậy?

Ðáp: Xin giải thích rõ sự việc người bình thường chưa tín nguyện cầu sinh Tây phương là vì không biết đến giờ phút lâm chung được thiện hữu tri thức khai thị mà sinh tâm hoan hỷ quyết định tín nguyện niệm Phật cầu sinh Tây phương. Người này đời trước đã có căn duyên là “nhân” thù thắng cộng thêm nhân thù thắng được sự thiên hữu khai thị, và trợ niệm. Lại có nguyên lực từ bi của Phật A Di Ðà. Nhân duyên hòa hợp lại, đến giờ phút lâm chung nhất định được vãng sinh, điều này còn có thể nghi ngờ được hay sao?

Hỏi: Chúng tôi là hàng Phật tử tại gia. Nếu đến giờ phút lâm chung của thân nhân, đối với Phật pháp, chưa từng biết, tuy có khai thị nhưng chẳng hiểu phương pháp trợ niệm. Xin hỏi trong Kinh sách có dạy phương pháp trợ niệm nào mà dễ hiểu, dễ học tập hay không?

Ðáp: Nếu chúng ta có tâm thành thật, muốn tu hạnh từ bi, hiếu thuận, thương yêu những người quyến thuộc muốn họ thoát khỏi khổ đau của luân hồi sinh tử, được vãng sinh về Tịnh độ xin chỉ cần y theo những điều hướng dẫn dưới đây thì nhất định thành tựu.

Tác giả: Pháp Sư Thế Liễu
Việt dịch: Thích Tâm An

TAMTHUC

Comment