No icon

khong-chiu-buong-xa-chet-thanh-nga-quy

Không chịu buông xả chết thành Ngạ Qủy

Diệu Âm xin kể ra một câu chuyện có thực để chư vị nghiệm thử coi. Câu chuyện này hoàn toàn có thực, ở đời nầy chớ không phải là chuyện đời xưa. Vào cỡ tháng 6 năm 2004, có một bà cụ ở Việt Nam, bà cụ nầy bảy mươi mấy tuổi, là mẹ của một người bạn.

Bà cụ nầy bị bán thân bất toại nằm trên giường không đi được nữa đã sáu tháng qua rồi, tức là nằm để chờ chết. Người bạn tới hỏi tôi bây giờ phải làm sao để cứu người mẹ? Tôi mới nói là hãy về khuyên người mẹ buông hết đi, thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh, còn mình thì tìm cách tổ chức hộ niệm. Nhắc nhở bà cụ niệm Phật, gọi là hộ niệm. Người bạn nầy về Việt Nam khuyên bà mẹ niệm Phật, thì bà cụ nói rằng:

– Con cứ thử nghĩ đi, thằng em trai út của con chưa có vợ, chưa có việc làm, làm sao mà mẹ đành lòng tu hành đây?…

Người bạn đó khuyên hoài mà người mẹ nhứt định không chịu nghe theo. Bà cứ nói:

– Bây giờ nỡ nào mà Mẹ niệm Phật cho được trong khi người em của con còn khổ như vậy!

Thời gian khuyên qua khuyên lại như vậy bà mẹ cũng vẫn không niệm Phật. Khoảng bốn-năm tháng sau gì đó thì bà cụ chết. Chết rồi, sau khi mai táng xong thì cái tấm hình của bà cụ để thờ trên bàn tự nhiên rơi ra nước mắt. Tôi hỏi, nước mắt rơi ra từ khóe nào? Người bạn nói là rơi từ khóe ngoài. Tự nhiên cái khóe mắt trong tấm hình tự nó rơi nước ra lăn xuống má đọng lại một giọt nước. Ban đầu người ta tưởng là có người vô ý làm rơi nước. Nhưng không phải, tấm hình đó để trong khuôn kiếng, và nước vẫn cứ rịn ra liên tục ba ngày như vậy, chặm không khô. Chặm cái giọt nước này rồi lại rỉ ra giọt nước khác rồi lăn xuống má.

Người bạn đó cũng cầu siêu, làm nhiều việc lắm… Sau đó có một cái chuyện lạ lùng khác xảy ra. Khoảng chừng mấy tuần sau thì linh hồn của người mẹ đó ứng mộng về báo cho người con trai rằng, sáng mai hãy đến tại địa điểm đó để nhận việc làm, mẹ đã xin được việc cho con ở đó rồi. Người con đó thấy như vậy mới nói lại với người nhà, thì người nhà bàn rằng, chắc là mẹ hiển linh xin được việc làm thật đó, nên cứ theo lời mẹ đi. Người em trai mặc áo quần chỉnh tề, sáng ngày hôm sau tới tại địa điểm đó… Đúng như vậy, người con tới tại chỗ đó và người ta nhận cho anh làm việc.

Không biết là việc làm đó có tốt lắm không? Nhưng có việc làm thì gia đình cũng thấy yên tâm. Nhưng sau đó lại có thêm một hiện tượng khác xảy ra tiếp. Sau khi cúng thất bốn mươi chín ngày xong rồi, thì chiều chiều khoảng chừng 5-6 giờ, tức là mặt trời vừa lặn, thì bà Cụ lại hiện thân về trước đầu hè của gia đình đó mà khóc! Người ta thấy được, các con cái đều thấy được bà Mẹ hiện về ngay tại đầu hè ngồi khóc. Người con của bà Cụ nghe nói vậy mới sợ quá! Sợ mất hồn! Thực sự là sợ quá! Mới tới tìm tôi và hỏi, làm sao để giải quyết vấn đề đây? Thực sự, là trong trường hợp đó tôi cũng không biết cách nào giải quyết. Tôi chỉ khuyên người bạn đó hãy mau mau trở về lại Việt Nam, lấy số tiền mà bà Cụ tích trữ được đem ra in kinh, ấn tống, in hình Phật, phóng sanh, làm tất cả những việc thiện lành, rồi hồi hướng thẳng cho hương linh của bà Cụ, và mỗi chiều niệm Phật xong, đứng trước bàn thờ của bà Cụ khai thị cho bà Cụ:

– Mẹ ơi! Mẹ đã bị đọa lạc rồi! Vì tình chấp không bỏ, nên Mẹ đã bị khốn khổ rồi! Bây giờ Mẹ trở về đây khóc than với tụi con, tụi con cũng không cứu được Mẹ. Chỉ có Mẹ ngộ ra, quyết lòng buông xả, thành tâm niệm phật cầu vãng sanh Tây Phương. Con sẽ làm tất cả những việc thiện lành để hồi hướng cho Mẹ. Mau mau Mẹ phải ngộ ra để tìm con đường giải thoát cho chính Mẹ.

Tôi khuyên đại khái như vậy. Tôi cũng khuyên người bạn hãy đến một tự viện nào đó, xin các Sư cầu siêu cho Mẹ mình thêm 49 ngày nữa, cứ tận sức mà làm chớ không biết cách nào hơn? Người bạn đó đã về Việt Nam và làm đúng như vậy. Sau đó người mẹ không về khóc nữa, còn vấn đề có giải thoát được hay không thì không dám nói. Khi trở lại Úc, người bạn đó đã đến biếu cho tôi một chồng hình Phật như thế này, và nói với tôi rằng:

– Đây là những việc tôi đã làm được. Tôi cúng dường những hình Phật nầy ở Việt Nam nhiều lắm, nay tôi đem tới đây gởi cho anh để anh đi phát cho người ta, hồi hướng công đức cho Mẹ tôi.

Sự việc đó có thật đã xảy ra vào khoảng giữa năm 2004.

Mình thấy đó, đã nằm trên giường bệnh trên nửa năm để chờ từng phút ra đi, thế mà tình chấp không buông xả được. Vì tình chấp không buông xả, nên khi chết đi, mới lặn lội kiếm cho người con một việc làm. Việc làm không biết như thế nào? Đến bây giờ người con đó không biết còn giữ được việc làm đó hay không? Không biết! Nhưng vì cái chấp nầy, người Mẹ đã bị nạn rồi! Sau 49 ngày mà hiện thân về trước đầu hè cho người ta thấy và khóc, thì chắc chắn bị khổ rồi! Địa ngục thì chắc không thể nào xuống được đâu, vì nếu đã rơi vào trong địa ngục, thì dễ gì ra được để báo cho người thân? Nếu mà lọt vào trong hàng bàng sanh súc vật thì cũng không về được nữa rồi, vì đã biến thành bốn cẳng chạy lăng quăng ở đâu đó rồi, nhưng đây không phải. Nếu mà đầu thai chuyển thế thành người cũng không thể nào trở lại được nữa.

Mình dùng cái phương pháp loại suy để tìm hiểu thì rõ ràng bà Cụ nầy đã rơi vào trong hàng quỷ đói. Kinh Phật chúng ta gọi là “Ngạ Quỷ”. Quý vị thấy không? Dễ sợ không? Người con đó có được việc làm đó, có đánh đổi được sự đọa lạc của người mẹ trong vạn kiếp ở hàng quỷ đói hay không? Khi mà rơi vào đó rồi dù có khóc, khóc cho một vạn đời đi nữa, nước mắt có biến thành biển đi nữa, cũng không giải quyết được gì cả! Trong cảnh giới của quỷ đói còn khổ nhiều hơn tiếng khóc đó nữa! Nó khổ đến nỗi mà khóc không còn ra lời nữa kìa, đừng có nói là ít… Tại vì sao? Vì đói quá rồi! Không nhà không cửa, lang thang, thường thường là tìm những cái cây để mà tấp vào đó, nương vào cái sức nóng của cây đó mà sống. Mà thực sự phải tìm cây nào xấu nhứt, dở nhứt, tệ nhứt chớ những cây tốt thì đã có người chiếm rồi, không dễ gì đâu ạ! Thường khi rơi vào tình trạng đó rồi, thì phải lang thang từ chỗ nầy đến chỗ nọ, không biết chỗ nào mà sống ổn định cả! Cảnh khổ như vậy đó!…

Người tu hành chúng ta hiểu được chỗ nầy rồi, phải biết sợ. Sợ gì? Sợ cảnh ngạ quỷ! Sợ cảnh bàng sanh! Sợ cảnh địa ngục! Dễ sợ lắm!…

Nếu người con mà nhìn thấy được cảnh người mẹ đó, thì người con mới giật mình.

– Trời ơi! Tại vì con chưa có việc làm, Mẹ vì con mà Mẹ bị đọa lạc vào cảnh ngạ quỷ, bây giờ làm sao đây?

Người con mà ngộ ra đạo lý này, thì ngày đêm lo tu hành, ngày đêm lo niệm Phật, để đem tất cả công đức hồi hướng cho Mẹ, cầu cho Mẹ vượt qua ách nạn. Nhưng xin hỏi, chắc gì người con ngộ được chuyện này?! Thấy thế, rõ ràng người con đã gián tiếp gây tội cho người Mẹ. Người Mẹ vì không biết buông xả, không biết đường thoát nạn, cứ chấp vào tình thức để bị nạn. Khi đã bị nạn rồi, thì làm sao còn có thể trở về nói rằng: “Con ơi, thằng em trai của con chưa có việc làm, thì nỡ nào ta tu hành cho được!”. Mà chỉ hiện về ân hận, ngồi khóc mà thôi! Còn lời nào để nói nữa đây? Đau khổ vô cùng!

Khi nghe được mẫu chuyện này, ở đây có ai ngộ ra không? Ngộ ra đi, gọi là “Hồi đầu thị ngạn”, niệm câu A-Di-Đà Phật về Tây Phương thành đạo. Không ngộ ra, tiếp tục mê muội, mê muội nầy nó sẽ dẫn tới chỗ, nếu tránh khỏi địa ngục, thì cũng phải rơi vào ngạ quỷ! Nếu tránh được ngạ quỷ, thì nhất định phải là bàng sanh! Có những con chó sanh ra lạ lùng lắm, nó cứ chui vào trong nhà của mình, mình đá lăn cù ra nó cũng lại chui vô. Con cái không biết, cứ tưởng đó là con chó của hàng xóm, lấy roi đánh nó ra, nhưng mà đánh nó, nó cũng chạy vào. Tại sao nó không chạy vào nhà hàng xóm mà cứ chạy vào nhà mình? Coi chừng người Mẹ mình đó mà không hay! Ở quê có nhiều người không biết đạo, thấy con chó vào trong nhà thì bắt nuôi luôn. Nuôi con chó không phải vì thương nó, mà vì con gái mình vừa mới sanh một đứa cháu ngoại, đứa cháu nó bỉnh ra đầy giường đầy chiếu không ai giải quyết. Thôi nuôi con chó để nó giải quyết giùm… Đau khổ vô cùng!

Chính vì vậy, khi nghe câu chuyện này, chúng ta phải biết giật mình. Tự mình cứu lấy mình. Hồi đầu đi. Tỉnh ngộ đi. Một câu A-Di-Đà Phật đi về Tây Phương, giải thoát cho mình, giải thoát cho tất cả dòng họ, bà con, cửu huyền thất tổ trong nhiều đời nhiều kiếp, cứu cho bà con thân thuộc trong vô lượng kiếp về sau. Xin chư vị chú ý.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

TAMTHUC

Comment