hong-lau-mong-thuc-tinh-the-nhan-p-ai-tinh-xoay-van-giai-mot-chu-mong
Hồng Lâu Mộng thức tỉnh thế nhân (P.1): Ái tình xoay vần, giải một chữ "mộng"
- bởi tamthuc --
- 05/03/2017
Hồng Lâu Mộng của tác giả Tào Tuyết Cần, dưới bút pháp vừa thực vừa hư, ông muốn đánh thức con người thế gian, những kẻ đang si mê tại chốn “Hồng Lâu”. Bởi sau những thăng trầm của nhân vật trong truyện chính là huyền cơ tu luyện Phật và Đạo khiến người xem càng đọc càng … tỉnh ngộ.
1. Hồng Lâu Mộng diễn giải điều gì?
Văn hóa Trung Hoa luôn xoay quanh quan niệm Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân ở các tầng thứ cụ thể, với nội dung làm người thế nào, tu Đạo ra sao, tu Phật cách nào, ấy cũng chính là nội hàm sâu rộng của văn hóa.
Nội hàm thâm sâu này cũng chính là cái thần của văn hóa, ý nghĩa bề mặt của văn tự nơi cảnh giới con người, lại chứa đựng nội hàm thông thấu thiên địa, bao hàm tất cả thiên lý của Thần Đạo. Đây là ý nghĩa “văn dĩ tải đạo” của một nền văn hóa Thần truyền. Tứ đại danh tác của đất nước Trung Hoa cũng chính là mang tác dụng “văn dĩ tải đạo” vậy.
Một đạo lý, nói ra thì rất đơn giản, nhưng để lột tả hết mọi ý nghĩa từ tầng bề mặt cho đến nội hàm ở mỗi cảnh giới, thì cần phải có một câu chuyện cụ thể mới có thể truyền tải đầy đủ, và người ta mới có thể hiểu được.
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” diễn giải về đạo lý làm người, lấy bối cảnh đặc thù của lịch sử lúc ba thế lực tranh quyền làm chủ để diễn tả nội hàm của các cảnh giới.
“Tây Du Ký” nói về con đường tu Phật, ở mỗi cảnh giới, mỗi tầng thứ đều có các ma nạn để khảo nghiệm đến lúc công thành viên mãn.
“Thủy Hử Truyện” nói về đạo lý của kẻ trộm cướp, nghĩa lý của cường đạo, tinh thần và nội tâm của cường đạo ở mỗi cảnh giới và tầng thứ khác nhau.
Khó hiểu nhất chính là “Hồng Lâu Mộng”, vậy “Hồng Lâu Mộng” nói về điều gì?
Cha mẹ có lòng nhưng chẳng rõ;
Hiếu thuận cháu con ai giữ bền?” .
Sỹ Ẩn nghe thấy, liền đến hỏi: “Ông ca bài gì mà chỉ nghe thấy ‘tốt thôi’, ‘tốt thôi’ Vậy?”
Đạo sĩ cười đáp: “Nếu nghe được hai chữ ‘tốt thôi’ ‘tốt thôi’ thì cũng là sáng suốt đấy. Mọi việc ở đời muốn ‘tốt’ thì phải ‘thôi’, ‘thôi’ được thì “tốt”, không ‘thôi’ được thì không ‘tốt’, ‘tốt’ tức là ‘thôi’, ‘thôi’ tức là ‘tốt’. Vì thế bài ca này có tên là ‘tốt thôi’ vậy”.
Sỹ Ẩn vốn thông minh, nghe được, hiểu ra ngay, nói: “Thong thả cái đã! Để tôi giải nghĩa bài ca này được không?”
Đạo sĩ cười, nói: “Giải thích đi”.
Sỹ Ẩn ngâm luôn:
“Nay nhà vắng tanh, xưa đầy yến oanh;
Nay cỏ dại tràn, xưa là vũ tràng.
Tơ nhện giăng bít ngõ, màn the rủ lạnh lùng;
Xưa nào phấn nào hương, giờ tóc đã pha sương.
Nay nấm mộ tha phương, xưa lầu các uyên ương;
Xưa vàng bạc đầy rương, nay ăn xin bên đường.
Nói người mệnh dở hay, phận mình cũng lất lây;
Xưa học bao điều hay, giờ đây xấu quá tay.
Những chọn nơi yên ấm, lại rơi vào lầu xanh;
Kén chọn mũ xanh hồng, lại mắc vào cùm gông.
Trước áo rách co ro, ấm no lại so đo;
Kịch đời vai diễn đủ tuồng. Nào ai biết quê hương chính mình?
Nghĩ ra lại thẹn với lòng;
Bao lần chuyển kiếp có mong được gì?”
Đạo sĩ điên nghe xong, vỗ tay cười, nói: “Đúng lắm! Đúng lắm!”
Sỹ Ẩn thốt lời: “Đi thôi!”. Rồi đỡ lấy cái túi trên vai đạo nhân, vác lên lưng, cùng đạo nhân kia đi luôn, không về nhà nữa.
Hồng lâu Mộng, mới đầu nói rõ, ai ai cũng biết làm thần tiên được tiêu dao tự tại, nhưng lại không hiểu rằng: Vứt bỏ được nhân tâm ấy chính là thần tiên; không buông bỏ được mọi chấp trước trong tâm, ấy chính là phàm nhân.
Thần tiên với phàm phu, giác ngộ với mê lạc chỉ sai khác ở một niệm. Đây là bố cục ảo diệu của Hồng Lâu Mộng, mở đầu thông qua Chân Sỹ Ẩn mà nói lên cái thâm ảo của sự tu luyện. Sau đó lấy chuyện tình duyên của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc mà diễn giải các khảo nghiệm ảo diệu trong tu luyện.
Việc tu luyện xem ra đơn giản, dù Phật hay Đạo đều dựa trên cơ sở là có buông bỏ được nhân tâm hay không? Đây là chỗ Đạo gia gọi là phản bổn quy chân, Phật gia kêu minh tâm kiến tánh. Tất cả đều lấy tu tâm làm chính.
Trong Hồng Lâu Mộng hàm ý trong câu: “Chân đến giả thì chân cũng giả, giả đến chân thì giả cũng chân” cùng bài ca “tốt thôi” xuyên suốt toàn nội dung cuốn truyện. Nó khiến ta suy tư: “Thế gian vạn sự vạn vật cái gì là chân, cái chi là giả? Làm gì là tốt, việc gì nên thôi?”
Mấy câu hỏi trên, mấy ai lý giải cho thông! Giải được chỗ này là hiểu ý nghĩa của kiếp làm người rồi vậy. Hồng Lâu Mộng cũng chính là được tạo ra để giải cái đáp án này. Đây chính là mượn văn chương để giảng giải đạo lý, phá mê cho thế gian này. Độc giả chỉ cần thông qua chuyện tình giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc mà hiểu được đạo lý của sự tu luyện.
Người đọc Hồng Lâu Mộng cần hiểu rõ: Giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc không hề có bị kịch về ái tình, mà là Giáng Chu tiên tử và Thần Anh đầu thai xuống trần, mượn trường tình ái mà kết thúc ước nguyện đã có trên thiên thượng!
Tu luyện phải chịu khổ, trên thiên thượng không có khổ để chịu, nên không có điều kiện để tu luyện, Giáng Chu tiên tử làm sao báo đáp được đại ân đại đức của Thần Anh? Cõi trần là luyện ngục, chịu khổ trước mọi ma nạn thiện ác cùng sự can nhiễu của thất tình lục dục đều là giả; mà trong cõi tình này, chịu “nhọc cái gân cốt, khổ cái tâm chí” để báo ân và trả nghiệp mới là thực chất trong tu luyện.
Thế nào là tốt? Thế nào là thôi? Buông bỏ được mọi chấp trước là tốt! Thực hiện được nguyện ước khi xuống thế mới là tốt, mà viên mãn trở về thế giới ngày xưa của mình mới là thôi!
Thế nào là chân? Thế nào là giả? Cõi thế gian này chỉ là quán trọ tạm dừng chân, là giả, nơi sinh ra sinh mệnh tối nguyên sơ của mình mới là quê hương chân thật. Vì thất tình lục dục sai xử truy cầu danh lợi, được mất mà chịu khổ tâm nhọc thân đều là giả.
Khi chịu ma luyện trong cái tình để báo ân cùng trả nghiệp, từ đó ngộ đạo phản bổn quy chân mới là thật. Ta từ đâu lại, trở về nơi đó công thành viên mãn lúc đó mới thôi. Đây mới là mục đích tốt đẹp nhất của kiếp người – Chân đến giả thì chân cũng giả, giả đến chân thì giả cũng chân.
Nếu như giả Bảo Ngọc cùng Lâm Đại Ngọc, được thành chồng vợ sinh con đẻ cháu, thi đậu thành danh, biết đâu họ sẽ bị mê ảo bởi thất tình lục dục, đừng nói chi đến việc báo ân cùng trở về cảnh giới thần tiên, mà bản tính của họ sẽ bị che lấp bởi vật dục, quên hẳn chính mình là Thần Anh và Giáng Chu tiên tử, từ đó mãi mãi luân hồi nơi khổ hải, nguyện ước không thành mà còn mất đi cả tiên duyên của mình. Có nên như vậy không?
Giáng Chu tiên tử sau khi hoàn thành ước nguyện đã rời đi. Mọi biến cố xảy ra trong gia đình cũng như trong chuyện tình cảm, khiến Giả Bảo Ngọc giác ngộ, xuất gia làm hòa thượng, hiểu rõ đời như giấc mộng, buông bỏ tất cả.
“Làm quan đấy, gia nghiệp điêu linh,
Phú quý đấy, bạc vàng tán tận,
Có âm đức, thấy chết lại sống,
Vô tình đấy, phân minh báo ứng,
Vay mạng đấy, ắt phải đền mạng,
Nợ nước mắt, khóc khô nước mắt,
Oan oan tương báo chớ coi thường,
Bi hoan ly hợp số định xong,
Muốn biết đời nay, xem đời trước,
Về già phú qúy, thật may mắn,
Hiểu rõ đời, tiến nhập không môn,
Còn mê mết, uổng cho một kiếp,
Thoát cõi tạm, trở về chốn cũ,
Tâm dứt hết ấy chân thanh tịnh”.
(Còn tiếp)
Chánh Bình, dịch từ Zhengjian.org
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/hong-lau-mong-thuc-tinh-the-nhan-p1-ai-tinh-xoay-van-giai-mot-chu-mong.html
Comment