No icon

phai-chang-vi-yeu-say-dam-thai-van-co-ma-tao-thao-dang-vang-ngoc-chuoc-nguoi

Phải chăng vì yêu say đắm Thái Văn Cơ mà Tào Tháo dâng vàng ngọc chuộc người?

Thái Văn Cơ tuy tài hoa hơn người, nhưng số phận lại lận đận trăm bề. Nếu như không có sự giúp đỡ của Tào Tháo, có lẽ sớm đã bị người Hung Nô dày xéo. Vì sao Tào Tháo phải dùng đến vàng ngọc để chuộc nàng? Phải chăng vì say mê nhan sắc một mỹ nhân.

Thái Văn Cơ, tào tháo,

Thái Văn Cơ – Một đời tài hoa nhưng gặp nhiều trắc trở. (Ảnh sưu tầm từ internet)

Thái Diễm, tự Văn Cơ, là người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Cha bà là Thái Ung, một nhà văn, nhà sử học và là một viên quan cuối thời Đông Hán, nổi tiếng tài hoa.

Được thừa hưởng tài năng và sự dạy dỗ của cha, năm 8 tuổi, Thái Văn Cơ đã nổi tiếng giỏi đàn, cũng tinh thông thơ ca, văn chương. Về phương diện âm luật, tài năng của Văn Cơ khiến nhiều người phải kinh ngạc. Nhưng cuộc sống của Văn Cơ gắn liền với những biến cố lịch sử của thời đại, phải phiêu bạt khắp chốn trong rất nhiều năm.

Năm 16 tuổi, Thái Diễm lấy chồng là Vệ Trọng Đạo, một danh sĩ khá nổi tiếng, thuộc một gia tộc lớn ở Hà Nam, thế nhưng chẳng được bao lâu thì chồng mất. Chuyện này khiến gia đình nhà chồng cho là bà khắc mệnh, vợ chồng bà lại chưa có con, nên Văn Cơ bị nhà chồng gửi về nhà cha mẹ đẻ.

Vào giữa năm Hưng Bình (193 – 195), nhà Đông Hán bắt đầu có dấu hiệu suy tàn, thời kỳ loạn lạc. Thái Ung dâng sớ cảnh báo hoàng đế chuyện triều chính, thế nhưng hoàng đế bất chấp lời cảnh báo về sự hưng vong của nhà Hán, đồng thời cũng lạnh nhạt dần, không trọng dụng Thái Ung nữa. Cha Văn Cơ đã buộc phải cáo lão để trở về quê nhà bên ngoài thành Trường An, cuối cùng bị Tư đồ Vương Doãn sát hại.

Khi nhà Đông Hán suy tàn, quân Đổng Trác lúc bấy giờ vào làm loạn, vượt quyền nhà vua, chèn ép quan lại và dân chúng, bắt dân nữ. Một nữ sĩ tài năng như Văn Cơ cũng không thể tự cứu chính mình, năm 192, Thái Văn Cơ bị quân Đổng Trác bắt.

Đến năm 195, Tả Hiền Vương của Nam Hung Nô đánh bại một đạo quân của Đổng Trác, thấy Văn Cơ xinh đẹp tài giỏi nên bị bắt lại, bà phải lưu lạc làm vợ người ở đất Hung Nô, sinh được hai người con.

Nơi đất lạ, không cùng ngôn ngữ, tập quán, lòng Thái Văn Cơ luôn day dứt nỗi nhớ quê hương.

Tào Tháo vốn là bạn thân của Thái Ung, từng gặp gỡ Thái Văn Cơ, và vì có duyên tao ngộ nên đã tìm mọi cách để dò la tin tức của nàng. Cuối cùng, ông đã dùng một lượng lớn vàng ngọc đưa tới đất Hung Nô để chuộc người về. Nhiều người cho rằng, Tào Tháo làm điều này vì tình yêu say đắm đối với tài nữ xinh đẹp họ Thái.

TAMTHUC

Tuy nhiên, sau khi chuộc Văn Cơ về, ông tự mình mai mối, giúp nàng tái giá với người cùng quê là Đổng Tự.

Đổng Tự sau này mắc tội chết, Văn Cơ phải khăn gói đến gặp Tào Tháo để trần tình. Lúc đó, cả triều văn võ bá quan đều tề tựu đông đủ, Tào Tháo hướng về mọi người mà nói: “Con gái của Thái Ung đang vào triều, mọi người có thể tự mình đánh giá phong thái của nàng ta”.

Sau khi Văn Cơ vào triều, ngôn từ biện giải rõ ràng, bi thương, khiến bá quan văn võ ai nấy đều xúc động.

Tào Tháo nói: “Hoàn cảnh ngươi ta rất thông cảm, nhưng cáo trạng định tội đã được công bố, biết làm sao được”.

Thái Diễm nói: “Minh công đây, ngựa tốt có hàng vạn, binh sĩ khỏe xếp thành rừng, nay chỉ vì một con ngựa què mà bất lực trước sống chết của một người ư?”.

Tào Tháo nghe xong rất xúc động, liền thu hồi cáo trạng, tình thế hiểm nguy được giảm bớt. Sau, hai người lại trò chuyện việc nhà, nói: “Ta nghe nói phu nhân trước kia lưu giữ rất nhiều sách, không biết còn nhớ được bao nhiêu?”

Văn Cơ trả lời: “Tiên phụ vốn lưu lại cho tiểu nữ 4.000 cuốn, trải qua biến loạn, tổn thất rất nhiều, bây giờ chỉ có thể nhớ lại khoảng 400 cuốn”.

Tào Tháo nói: “Như vậy đi, ta sẽ phái 10 người về nhà cùng ngươi sao chép, có được không?”.

Văn Cơ nói: “Nam nữ thụ thụ bất thân, ngài chỉ cần tặng ta một ít giấy bút là đủ”.

Văn Cơ sau khi về nhà, đem tất cả những gì còn nhớ được viết ra thành sách rồi tặng cho Tào Tháo, trải qua những thẩm tra đối chiếu, quả không một chút sai sót.

Như vậy, Tào Tháo vốn là trưởng bối của Thái Văn Cơ, đối với hậu nhân của Thái Ung thì rất mực quan tâm và tán thưởng tài năng của nàng, từ đó mới ra tay tương trợ, cứu Văn Cơ từ đất Hung Nô trở về cố hương.

Xưa nay vẫn có câu rằng, “chớ lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử“, châu ngọc so với trí tuệ của một tài nữ sinh phải thời loạn lạc kia, há có đáng gì.

Tuệ Tâm, theo Secretchina

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/phai-chang-vi-yeu-say-dam-thai-van-co-ma-tao-thao-dang-vang-ngoc-chuoc-nguoi.html

Comment