duong-tang-that-trong-lich-su-di-thinh-kinh-nhu-the-nao
Đường Tăng thật trong lịch sử đi thỉnh kinh như thế nào?
- bởi tamthuc --
- 04/06/2017
Nhiều người thường nghĩ rằng, câu chuyện thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh bên Tây Thiên trong bộ phim Tây Du Ký chỉ là tưởng tượng. Song trong lịch sử, quả thực có một người tên là Huyền Trang đã vượt muôn ngàn gian khổ để đến Ấn Độ thỉnh kinh.
Tranh minh họa Đường Tăng trên đường đi Ấn Độ. (Tranh: blog.sina.com.cn)
Trần Huyền Trang (Đường Tam Tạng) là nhân vật có thật trong lịch sử, ông tên thật là Trần Huy, sinh vào khoảng năm Nhân Thọ thứ 2 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên (năm 602) tại huyện Câu Thị, nay là tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Hai người anh trai của Trần Huy xuất gia làm sư ở chùa Tịnh Thổ Lạc Dương nên từ nhỏ, ông đã theo anh tụng kinh niệm Phật, đồng thời đọc cả sách Nho, Đạo…
Không giống như trong tiểu thuyết và phim ảnh, Đường Tăng trước khi lên đường được vua Đường nhận làm huynh đệ, tặng cho chiếc bát vàng, áo cà sa quý và bày tiệc rượu tiễn ra tận cửa thành, trên đường đi gặp được 3 đồ đệ có phép thần thông… thì ở đời thực, Đường Tăng chỉ một thân một mình cưỡi con ngựa già lên đường đi Ấn Độ để tự mình tìm hiểu, mà không hề được sự ân chuẩn của Hoàng đế Đại Đường dù đã 2 lần dâng biểu xin đi.
Ông đã phải trải qua muôn vàn gian khổ, mất khoảng 17 năm, qua 128 quốc gia lớn nhỏ, mới đạt được ước nguyện trở về. Khi về nước, ông phải dùng 24 ngựa, voi, lạc đà để tải 657 bộ kinh Phật, 150 xá lợi tử (tinh cốt Phật), tượng Phật.
Lịch sử có ghi chép lại rằng, cảnh tượng nhân dân thời bấy giờ nghênh đón Huyền Trang vô cùng long trọng, từ trước tới nay chưa từng có: “Đạo tục bôn nghênh, khuynh đô bãi thị” (Tạm dịch: Người thế tục nghênh đón người tu Đạo chật kín cả đường phố).
Sau đó, ông dành 19 năm để dịch 75 bộ kinh Phật và cuối cùng công thành viên mãn. Bộ Đại Đường Tây vực ký 12 quyển là những ghi chép đầy đủ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của 128 nước mà ông đã đi qua. Giờ đây, những tài liệu của ông để lại vẫn còn giúp ích rất nhiều cho các chuyên gia khảo cổ Ấn Ðộ và họ cũng công nhận những ghi chép của Đường Tăng là chính xác.
Ngày nay, tháp Đại Nhạn tại Tây An cũng được chính Huyền Trang dựa theo kiến trúc tháp nhà Phật thời Ấn Độ cổ để xây dựng.
“Đại Từ Ân Tự Tam Tàng Pháp Sư truyện” là cuốn sách do hai đệ tử của Đại sư Huyền Trang viết nên từ những điều mà bản thân Huyền Trang trải qua. Đây thực sự là cuốn tư liệu lịch sử vô cùng quý giá. Trong cuốn sách đó có ghi lại một nạn sinh tử hiểm ác mà Đại sư đã trải qua.
Câu chuyện về Đường Tăng thật trong lịch sử vượt nạn sinh tử khi đi lấy kinh
Khi Đại sư Huyền Trang đi bộ tới khu vực trung Ấn Độ, một hôm ông đã kết bạn với hơn 80 người tại địa phương, cùng họ ngồi thuyền thuận theo sông Hằng tới nước A Da Mục Khư. Trên đường đột nhiên có mười mấy chiếc thuyền của bọn cướp đột nhiên xông ra từ rừng cây ở hai bên bờ. Chiếc thuyền mà Huyền Trang ngồi nhanh chóng trở nên náo loạn, có người sợ quá đã nhảy xuống sông để tìm cơ hội thoát thân.
Đại sư Huyền Trang đã từng nhiều lần gặp phải bọn cướp, những tên sát nhân cơ bản đều được Huyền Trang giáo hóa. Nhưng bọn cướp lần này tuyệt đối không tầm thường chút nào. Chúng không những cướp của mà còn muốn cướp một chàng trai tuấn tú để tế lễ cho vị nữ Thần mà chúng thờ phụng.
Mùa tế lễ sắp qua, mà bọn cướp lại đang phiền não về việc chưa tìm kiếm được người để tế Thần. Ngay lúc đó có tên vừa nhìn thấy Đại sư Huyền Trang liền hét lên: “Dùng tên hòa thượng cao to, tuấn tú này hiến tế, thực là quá may mắn!” Đại sư Huyền Trang khuyến thiện không thành, những người bạn đồng hành van xin bọn cướp cũng vô ích, cuối cùng họ đều bị bọn cướp giải đi.
Những tên cướp đã sửa xong đàn tế lễ, hai tên cầm đao dí sát vào Đại sư Huyền Trang và dẫn ngài lên đài. Đại sư tự biết đã vô vọng, bèn xin bọn cướp cho một chút thời gian, để ông tự mình đả tọa viên tịch. Bọn cướp thấy vậy vô cùng khiếp sợ trước phong thái và sự bình tĩnh của Đại sư mà tự thoái lui. Những người bạn đồng hành của Đại sư khóc thành một dãy dưới đàn tế Thần, còn Đại sư thành tâm niệm Phật, phát nguyện vãng sinh, muốn được nghe chân kinh của Phật Di Lặc, sau đó còn hạ thế cứu độ những tên cướp đã giết hại ông.
Có lẽ, trong lúc đối mặt nạn sinh tử, ông đã chứng ngộ được cảnh giới đại từ bi của bậc giác giả nhà Phật, làm cảm động trời đất, trời đất liền thay đổi. Trong tích tắc, gió đen nổi lên, cuốn theo cát đá, sóng dâng ngập trời, thuyền gần như bị lật úp. Bọn cướp sợ hãi lập tức quỳ sụp xuống lạy trời, hỏi mọi người: “Vị hòa thượng này là ai? Lai lịch là gì?”
Có người nói với bọn cướp: “Đây là Pháp sư Huyền Trang từ Đông Thổ Đại Đường đi lấy kinh. Việc các ngươi làm đều khiến thượng thiên phẫn nộ, các người còn không mau sám hối!”
Bọn cướp vội vàng khấu đầu bái lạy trước Đại sư Huyền Trang. Lúc đó Huyền Trang đã đả tọa nhập định, nhìn thấy mình bay qua ba tầng trời Tu Di Sơn, chứng kiến sự trang nghiêm nơi xứ Phật…
Sóng gió dần dần đi, bọn cướp lấy tay chạm vào người Đại sư Huyền Trang. Đại sư liền xuất định và hỏi: “Đã đến lúc rồi sao?” Ông nghĩ rằng đã đến lúc bị bọn cướp chém đầu rồi.
Bọn cướp lập tức hoan hô vui mừng nói: “Pháp sư vẫn chưa tọa hóa!” (Ngồi thiền mà ra đi). Chúng lập tức đến bên ông vái lạy mà sám hối. Huyền Trang khai thị Phật Pháp cho chúng và khuyên bảo chúng rằng đừng vì lợi ích nhất thời mà gieo xuống hậu quả khôn cùng. Kết quả, tất cả bọn cướp đều vứt bỏ hung khí, từ bỏ sát nhân, thụ ngũ giới và quy y chính đạo. Từ đó về sau, chúng gặp ai cũng ca tụng uy đức của Đại sư Huyền Trang và kể về niềm vui khi được độ của mình. Người đời cũng tán tụng không ngớt.
Nhân vật Đường Tăng do diễn viên Từ Thiếu Hoa thủ vai được coi là thành công nhất trong phim Tây Du Ký. (Ảnh: hkgalden.com)
Khác với hình tượng Đường Tăng trong tiểu thuyết và phim ảnh là một tín đồ đạo Phật thành tâm, rất tốt bụng, nhưng trước khó khăn thì đành chịu, thậm chí nhút nhát, cẩn thận dè dặt quá mức, ở ngoài đời, thực, Đường Tăng lại là một vị đại sư gan dạ, giàu lòng bác ái và luôn tin tưởng vào sự thành tâm của đạo Phật.
Chuyến đi của Đường Tăng không gặp phải yêu tinh ăn thịt người nhưng cũng gặp không ít khó khăn vất vả. Có khi ông phải nhịn đói nhịn khát suốt 7, 8 ngày ròng rã giữa sa mạc nắng chang chang, không một bóng cây, không người qua lại. Hay bị thổ dân ăn thịt người bắt giữ, song lần nào ông cũng tự nhủ: “Thà đi về phía Tây mà chết chứ quyết không quay về Đông mà giữ lấy mạng sống”.
13 năm lưu trú tại Ấn độ, Đường Tăng đã đi viếng hầu hết các di tích của đạo Phật, ở lại chùa Na Lan Ðà, học đạo trong 6 năm. Sau 6 năm học tập, Đường Tăng là một trong ba người học trò giỏi nhất của vị cao tăng Giới Hiền. Theo sách khảo cứu Pháp văn, Đường Tăng là một nhà sư có đạo đức và là một học giả uyên thâm, một nhà du thám kỳ tài, một nhà sử học uyên bác, một nhà địa lý học đa tài, một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, một nhà phiên dịch giỏi không ai bằng. Lúc còn ở Tây Phương, đi đến đâu, thầy cũng nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình từng địa phương.
Trưa Mùng 5/2/664, Đường Tăng đã viên tịch vì bệnh tại chùa Ngọc Hoa, thọ 69 tuổi. Sử chép rằng, ngày cử hành tang lễ có đến một triệu người ở Trường An và các vùng lân cận theo về để đưa tiễn. Đám táng xong, có đến 3 vạn người cất lều cư tang gần mộ phần. Có lẽ từ xưa đến nay đến đế vương cũng chưa có vị nào được ngưỡng mộ sùng bái bằng vị thánh tăng có một không hai này.
TinhHoa tổng hợp
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/duong-tang-that-trong-lich-su-di-thinh-kinh-nhu-the-nao.html
Comment