No icon

le-vu-lan-khoi-nguon-tu-cau-chuyen-muc-kien-lien-cuu-me

Lễ Vu Lan khởi nguồn từ câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ

Trong Phật giáo, ngày 15 tháng Bảy âm lịch, được gọi là Ngày Tự tứ, đồng thời cũng được người thời nay gọi là ngày Vu Lan Bồn Tiết, gọi tắt là lễ Vu Lan. Ngày lễ này bắt nguồn từ câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ.

vu lan, Mục Kiền Liên, cứu mẹ, Bài chọn lọc,

Mục Kiền Liên thương mẹ, xuống cõi quỷ đưa bát cơm cho mẹ nhưng bà không ăn được. (Ảnh: Wikipedia)

Theo tăng nhân Thích Chí Bàn triều đại Nam Tống ghi chép lại trong “Phật tổ thống kỷ”, ngày lễ Vu Lan bắt đầu sớm nhất tại Trung Quốc vào thời Nam Bắc triều năm 538, lúc ấy Lương Vũ đế mang chậu đồ chay Vu Lan đến chùa Đồng Thái (hiện tại là chùa Nam Kinh Kê Minh) nhờ chư tăng cúng.

Từ đó trở đi, ngày rằm tháng Bảy hàng năm, lễ Vu Lan được tổ chức ở nhiều chùa khác. Đến thời nhà Đường, thì lễ Vu Lan được tổ chức rộng khắp và rất long trọng. Ngày lễ Vu Lan khởi nguồn từ câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ.

Mục Kiền Liên là người có thần thông đệ nhất trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau khi tu luyện xuất được thần thông, ông liền muốn báo đáp công ơn sinh dưỡng của mẫu thân.

Ông dùng công năng thiên nhãn thông thấy được mẹ của mình rơi vào cõi ngạ quỷ trong lục đạo luân hồi, bởi vì phải hoàn trả nghiệp đã tạo ra khi còn sống nên bà đã bị tra tấn, không được ăn uống, toàn thân chỉ còn da bọc xương.

Mẫu thân của Mục Kiền Liên rốt cuộc đã tạo nghiệp nghiêm trọng gì mà phải chịu tội như vậy? Khi còn sống, bà là người rất tham lam, hay nổi giận, ác niệm rất nặng, lại còn không tu khẩu, không tu dưỡng hành vi, đối xử cay nghiệt với mọi người, hơn nữa lại phỉ báng Phật, Pháp, Tăng.

Mục Kiền Liên là một người con hiếu thảo, chứng kiến mẫu thân chịu khổ chịu đói, ông đã không cầm được lòng, dùng thần thông hóa ra một bát thức ăn đưa đến trước mặt mẫu thân.

vu lan, Mục Kiền Liên, cứu mẹ, Bài chọn lọc,

Nghiệp của ai người đó phải hoàn trả, dù là người thân cũng không thay thế được. (Ảnh: Pinterest)

Mẫu thân Mục Kiền Liên lấy được đồ ăn, sợ quỷ đói khác giành ăn, vội vàng tay trái che bát lại, tay phải vội vàng bốc đồ ăn cho vào miệng, nhưng khi đồ ăn cứ lên đến trước miệng thì lại hóa thành than nóng, không thể nào ăn được, mà khi than nóng rơi xuống mặt đất thì lại biến trở lại thành đồ ăn.

Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng bi thương! Mặc dù có thần thông quảng đại, nhưng không thể cứu giúp được mẹ của mình.

TAMTHUC

Thế là Mục Kiền Liên liền đi đến hỏi Đức Phật, rằng làm thế nào mới có thể cứu giúp mẹ mình thoát khỏi cõi ngạ quỷ.

Đức Phật nói: “Mẹ của ông nghiệp sâu nặng, một người không thể cứu độ được, cần phải dùng thần uy của chúng tăng thập phương mới có thể cứu được”. Đức Phật bảo ông rằng, ngày mười lăm tháng Bảy chính là cơ hội. Nói như người ngày nay, thì ngày này có năng lượng rất mạnh mẽ. Tại sao lại nói như vậy?

Ngày 15 tháng Bảy, ngày các tăng ni xuất gia hoàn thành mùa An Cư Kiết Hạ (Mùa hạ từ ngày 16/04-15/07 âm lịch, các tăng ni chỉ ở trong chùa chuyên tâm ngồi thiền tu học, không ra ngoài), và trong ngày này phải ra ngoài sám hối tội nghiệp của mình (gọi là ngày “Tự tứ”) chấm dứt Hạ An Cư, cho nên ngày này năng lượng thiện mạnh nhất.

Đức Phật dặn dò Mục Kiền Liên, vào ngày này chuẩn bị ngũ quả, bữa cơm trăm vị và quần áo, đủ loại dụng cụ, cho vào trong cái chậu, thỉnh mời chúng tăng thập phương đến cúng dường, cùng phát ra thiện niệm cầu nguyện thì mới có thể cứu được mẹ. Sau đó Mục Kiền Liên đã làm theo lời dạy của Đức Phật và cứu được mẹ mình ra khỏi cõi ngạ quỷ.

>>> Chuyện cổ Phật gia: Thần thông cũng không thắng được nghiệp lực

Thiện ác tất có báo ứng

vu lan, Mục Kiền Liên, cứu mẹ, Bài chọn lọc,
Làm việc thiện hay ác đều có báo ứng tương xứng, đó chính là thiên lý. (Ảnh: Sohu)

Câu chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi cõi ngạ quỷ là có sự tương đồng với tư tưởng “hiếu đạo” của Nho gia trong văn hóa truyền thống. Con cái hiếu đạo với cha mẹ, đây là gốc rễ làm người, là đạo lý thuận trời đất và cũng là truyền thống xưa nay của người phương Đông nói riêng và con người thế gian nói chung.

Mặt khác, nó cũng thể hiện ra đạo lý bất biến “thiện ác có báo”. Nghĩa là một người nếu sống mà làm việc thiện thì sẽ được thiện báo. Trái lại, nếu một người sống mà làm nhiều việc ác, tạo nghiệp thì bản thân nhất định sẽ phải hoàn trả.

Mẹ của Mục Kiền Liên khi còn sống tham lam, ích kỷ, thậm chí còn phỉ báng tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) nên khi chết bị đày đọa xuống cõi ngạ quỷ chịu tội. Điều này cũng cho thấy, con người ta khi sống mà tạo nghiệp thì chỉ có thể tự mình chịu khổ để trả nghiệp mới có hy vọng được thoát ly khỏi khổ ải.

Cho dù là một người có thần thông quảng đại như Mục Kiền Liên cũng không thể gánh thay được nghiệp của người khác, dù đó là cha mẹ hay người thân thích của mình. Đây cũng chính là lý do Mục Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng cũng không thể tự cứu được mẹ thoát khỏi cõi ngạ quỷ.

Cho nên, xưa nay trong cả Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo đều dạy con người sống phải hành thiện tích đức. Việc tu hành là ở ngay tại bản thân mình, nhận được thiện báo hay ác báo là do bản thân mình mà ra.

Nhưng câu chuyện cũng cho chúng ta thấy một điều kỳ diệu, chính là khi con người tỉnh ngộ, làm nhiều việc thiện, có rất nhiều năng lượng thiện lành được ngưng tụ lại thì sẽ khiến Thần Phật cảm động và có thể cứu vớt được tội lỗi của mình.

Lê Hiếu biên dịch

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/le-vu-lan-khoi-nguon-tu-cau-chuyen-muc-kien-lien-cuu-me.html

Comment