hoa-thuong-te-cong-nhung-cau-chuyen-ky-la-am-chi-lai-lich-khong-binh-thuong
Hòa thượng Tế Công: Những câu chuyện kỳ lạ ám chỉ lai lịch không bình thường
- bởi tamthuc --
- 21/09/2017
Tế Công vốn tên là Lý Tu Duyên, là người Thiên Thái thời nhà Tống. Tương truyền rằng, kể từ lúc ông sinh ra đã xuất hiện nhiều chuyện kỳ thú, ám chỉ lai lịch không bình thường.
Đài sen rơi xuống đất, La Hán chuyển thế
Trong “Tế Công toàn truyện” ghi lại, có một người lương thiện tên là Lý Mậu Xuân, đến La Hán đường thắp hương cầu con, chợt thấy tượng thần từ đài sen rơi xuống đất. Tính Không trưởng lão nói: “Thiện tai thiện tai, viên ngoại nhất định sinh quý tử, chúc mừng viên ngoại”.
Lý viên ngoại về đến nhà, đêm nào vợ ông là Vương thị cũng mơ thấy một vị La Hán tặng cho mình một đóa hoa sen ngũ sắc. Vương thị tiếp nhận hoa sen rồi nuốt vào bụng, không lâu sau liền mang thai. Sau đó sinh ra một bé trai, lúc chuẩn bị sinh, xuất hiện ánh sáng màu đỏ che phủ cả phòng, mùi thơm lạ lùng xông vào mũi, viên ngoại vô cùng mừng rỡ.
Đứa bé này sau khi ra đời, khóc không ngớt mãi cho đến ngày thứ 3. Ngày hôm đó có thân hữu từ quê nhà đến chúc mừng, trong nhà tiếng chuyện trò râm ran. Bỗng có người báo rằng có phương trượng Tính Không từ chùa Quốc Thanh, đích thân đến chúc mừng viên ngoại.
Viên ngoại ra ngoài nghênh đón, Tính Không hòa thượng nói: “Chúc mừng viên ngoại, mọi việc tốt đẹp cả chứ?”
Viên ngoại nói: “Không hiểu sao con tôi cứ khóc không ngớt từ khi được sinh ra cho đến tận bây giờ. Tôi đang rất lo về việc này. Lão hòa thượng, ngài có diệu pháp gì điều trị không?”.
Tính Không nói: “Đừng lo! Viên ngoại hãy vào trong bế lệnh công tử ra cho ta xem, thì sẽ biết nguyên nhân ngay thôi”.
Viên ngoại nói: “Đứa bé vẫn chưa đầy tháng, đưa ra ngoài e rằng không tiện”.
Tính Không nói: “Không sao. Viên ngoại lấy áo phủ lên người đứa bé là được”.
Viên ngoại nghe xong liền vội vàng bế đứa bé ra ngoài cho mọi người cùng xem. Đứa bé có ngũ quan thanh tú, tướng mạo khôi ngô, nhưng lại khóc nỉ non không ngớt. Tính Không hòa thượng tới xem, đứa bé vừa thấy hòa thượng, lập tức ngừng khóc, còn nở nụ cười.
Lão hòa thượng dùng tay sờ vào đỉnh đầu của đứa bé nói: “Chớ cười, chớ cười, lai lịch của ngươi ta biết rõ”.
Theo tương truyền thì đứa bé Lý Tu Duyên này chính là La Hán Hàng Long chuyển thế.
Từ đó trở đi, đứa bé không khóc nữa. Tính Không nói: “Viên ngoại, ta nhận đứa bé này làm đồ đệ, đặt tên là Lý Tu Duyên”.
Viên ngoại đồng ý, ẵm đứa bé vào trong, rồi chuẩn bị chay tịnh cho hòa thượng. Ăn uống xong, những thân hữu của viên ngoại đều đi về, Tính Không trưởng lão cũng rời đi.
Đứa trẻ đã gặp qua là không quên được, không màng công danh
Thời gian trôi qua thật mau, thoáng chốc Lý Tu Duyên đã bảy tuổi, ít nói ít cười, không bao giờ chơi đùa với những đứa trẻ trong thôn. Đến tuổi đi học, Lý viên ngoại mời tú tài tên Đỗ Quần Anh dạy cho Lý Tu Duyên và hai đứa trẻ khác tại nhà của mình.
Lý Tu Duyên ngay từ lúc nhỏ hễ gặp qua thứ gì là không thể quên, đọc sách nhanh như gió, học vấn và tài năng đều xuất chúng. Đỗ tiên sinh cảm nhận thấy sự khác thường, nên hay nói với người khác rằng: “Lý Tu Duyên sau này nhất định sẽ thành người đại khí”.
Đến năm 14 tuổi, Lý Tu Duyên thuộc lòng Tứ thư, Ngũ kinh, Chư Tử Bách Gia, còn thường xuyên cùng với hai người bạn học làm thơ trong lớp, khẩu khí khoáng đạt. Lý Tu Duyên rất giỏi học đạo, cuốn kinh sách nào cũng thích, đọc không sót quyển nào.
Tới năm 18 tuổi, phụ mẫu của Lý Tu Duyên đều mất, mọi chuyện to nhỏ trong nhà đều do người cậu Vương An Sĩ lo liệu. Lý Tu Duyên cũng không màng công danh kể từ đây.
TAMTHUCKhám phá hồng trần, hiểu rõ cuộc đời huyền ảo, lập chí xuất gia
Một ngày, Lý Tu Duyên mang tiền giấy đến chỗ phần mộ đốt cho phụ mẫu, sau đó để lại cho Vương viên ngoại một lá thư rồi bỏ nhà đi.
Vương viên ngoại hai ngày không thấy cháu trai trở về, liền cho người đi khắp nơi tìm kiếm. Đến khi Vương viên ngoại thấy lá thư mở ra xem, bên trong viết: “Tu Duyên đi, không cần tìm. Năm nào tương kiến, sẽ biết rõ”. Sau đó Vương viên ngoại tiếp tục tìm kiếm cháu trai nhưng không thấy tung tích.
Nói về Lý Tu Duyên, sau khi rời nhà đi du hành tứ xứ, đã đến Hàng thành, lúc dùng hết tiền bạc mang theo, liền vào trong một ngôi miếu xin xuất gia, nhưng không ai dám giữ lại. Vì thế Lý Tu Duyên đã đến chùa Linh Ẩn ở Tây Hồ gặp lão phương trượng của chùa, nói muốn xuất gia. Phương trượng này chính là Minh Nguyên Không trưởng lão, thiền sư Hạt Đường Huệ Viễn.
Vừa thấy Lý Tu Duyên, biết rõ đây là La Hán Hàng Long đến thế gian, Minh Nguyên Không trưởng lão đã dùng gậy đánh Lý Tu Duyên 3 cái, để khai mở thiên môn, nhờ vậy mà Lý Tu Duyên đã biết được nguồn cội của mình, rồi bái Nguyên Không trưởng lão làm thầy, lấy tên Tế Công.
Từ đó, Lý Tu Duyên đột ngột trở nên điên điên khùng khung, vì thế người trong chùa gọi ông là hòa thượng điên, bên ngoài còn gọi ông là Tế tăng điên. Tế Công mặc dù điên khùng, nhưng lại rất tốt tính, hành thiện trừ ác, tế thế cứu nhân, lưu lại cho đời sau những câu chuyện thần kỳ.
Vận chuyển gỗ trong giếng cổ
Tương truyền rằng, Tế Công sau khi rời khỏi chùa Linh Ẩn, đã đến chùa Tịnh Từ đảm nhiệm việc sao chép kinh thư, ở đây cũng có rất nhiều chuyện kỳ thú liên quan đến ông.
Diệu Tung thiền sư là trụ trì đời thứ 29 của chùa Tịnh Từ, ông muốn trùng kiến lại chùa nên cần phải quyên tiền. Trưởng lão biết Tế Công nhanh nhẹn, liền nhờ ông viết một bảng cáo thị nói rõ mục đích của mình.
Tế Công nói: “Trưởng lão có lời, tôi không dám chối từ. Chỉ là rượu không say, cấu tứ khó coi, thỉnh trưởng lão thưởng một bình rượu để trợ giúp hành văn”.
Trưởng lão liền cho người mua rượu, Tế Công rất vui vẻ uống rượu xong rồi đứng dậy vung bút viết. Bảng cáo thị sau khi dược dán đã kinh động toàn bộ thành Hàng Châu, rồi được lưu truyền rộng khắp, đến cả Hoàng đế Nam Tống cũng đọc nó. Hoàng thượng lại thấy có viết “Thượng khấu Cửu Thiên” và những diệu ngữ khác, liền phái người mang đến 3 vạn quan tiền bố thí cho chùa Tịnh Từ trùng tu.
Diệu Tung trưởng lão tạ ơn hoàng ân, rồi lại cùng Tế Công bàn bạc làm sao đi Tứ Xuyên mua gỗ về trùng kiến chùa. Tế Công nói: “Tôi sẽ nghĩ cách, Tứ Xuyên đường xa, chi bằng để cho ta uống say, ba ngày sau sẽ có gỗ tốt để dùng”.
Như vậy, Tế Công lại uống đến say mềm, ngủ liền ba ngày, đợi đến lúc tỉnh lại thì đột nhiên hô to: “Gỗ đã đến! Gỗ đã đến!”. Trưởng lão nghe thấy, hỏi: “Gỗ ở đâu?”.
Tế Công nói: “Gỗ được vận chuyển từ sông Tiền tới giếng ở trong chùa rồi, hãy cho người xuống giếng, làm cái trục quay để kéo từng khúc từng khúc lên là được”. Một lát sau những khúc gỗ rất to nổi trên mặt nước trong giếng.
Thế là chúng tăng đến kéo gỗ lên, cứ kéo khúc này lên khúc khác lại xuất hiện trong giếng, kéo đến khúc thứ 70, thì người thợ mộc đứng bên cạnh nói: “Đã đủ rồi!”. Vừa dứt lời thì không thấy khúc gỗ nào trong giếng nữa.
Từ đó về sau, cái giếng này được gọi là “giếng thần vận chuyển”, còn gọi là giếng cổ vận chuyển gỗ, bên cạnh chiếc giếng còn xây một cái đình, và khúc gỗ cuối cùng được đặt xuống đáy giếng. Người ta thường thắp nến rồi dùng dây thả xuống giếng để quan sát khúc gỗ này. Giếng cổ đã trở thành một trong những di tích cổ thu hút nhất của chùa Tĩnh Từ.
Triều đại Nam Tống Khai Hy năm thứ 2 (năm 1206), Tế Công viên tịch trong tư thế ngồi thiền. Phút lâm chung ông có làm một bài thơ:
Lục thập niên lai lang tạ
Đông bích đả đảo tây bích
Ư kim thu thập quy lai
Y cựu thủy liên thiên bích
Tạm dịch:
Sáu mươi năm đời ta tan tác
Tường phía đông xô tường phía tây
Góp nhặt mãi vẫn về tay trắng
Nước liền trời biếc một màu mây.
Sau khi ông mất, thi thể ông được chôn cất tại núi Đại Từ ở Tây Nam Hàng Châu, sau đó người dân ở đây cũng xây tháp viện Tế Công hai tầng lầu.
Lê Hiếu biên dịch
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/hoa-thuong-te-cong-nhung-cau-chuyen-ky-la-am-chi-lai-lich-khong-binh-thuong.html
Comment