No icon

khi-tiet-cua-tri-thuc-xua-tha-chiu-chet-doi-chu-khong-vi-mieng-an-ma-khom-lung

Khí tiết của trí thức xưa: Thà chịu chết đói chứ không vì miếng ăn mà khom lưng

Người Trung Quốc xưa đối vấn đề ăn uống đều rất coi trọng mối quan hệ giữa “thực”  và “tiết” . “Tiết” tức khí tiết, nhân cách. Để giữ nhân cách và khí tiết của mình, rất nhiều người thà nhịn đói chịu chết chứ không chịu nhục khom lưng.

miếng ăn, khom lưng, đào uyên minh,

Đào Uyên Minh không vì năm đấu gạo mà chịu nhục khom lưng. (Ảnh: Haolishi)

Trong “Lễ Ký – Đàn Cung” có ghi lại một câu chuyện như sau: Thời Xuân Thu, nước Tề vào một năm nọ bị mất mùa, có một người tên là Kiềm Ngao cho nấu cơm rồi bày ra bên đường để những người đang bị đói đến ăn.

Một ngày nọ, có một người lấy tay áo che mặt đi tới, nhìn bộ dạng thất thểu có thể đoán được anh ta đã bị đói nhiều ngày. Kiềm Ngao một tay bưng cơm, một tay bưng nước, ra dáng ban phát nói lớn: Này, lại ăn đi!”.

Không ngờ người đói nọ ngẩng đầu nhìn Kiềm Ngao, một lúc lâu mới nói: Ta cũng vì không ăn cơm của loại người có giọng điệu như ông nên mới như thế này”. Nói xong, người nọ liền bỏ đi, chẳng bao lâu bị chết đói.

Người bị đói trong câu chuyện trên là một người vô danh tiểu tốt, nhưng trước mặt kẻ bố thí đã giữ được nhân cách và sự tôn nghiêm của bản thân. Mạnh Tử cũng có nói: Nhất đan tự, nhất đậu canh, đắc chi tắc sinh, phất đắc tắc tử; hô nhĩ nhi dữ chi, hành đạo chi nhân phất thụ; xúc nhĩ nhi dữ chi, khất nhân bất tiết dã”. Ý rằng, một giỏ cơm, một bát canh, có được thì sẽ sống, không có thì sẽ chết đói. Nhưng nếu như la hét mà bố thí thì người qua đường cũng không nhận, lấy chân đá tới mà bố thí thì ngay cả người ăn xin cũng không thèm.

Trong dân gian Trung Quốc xưa nay vẫn truyền tụng câu:Ngạ tử sự tiểu, thất tiết sự đại”, ý nói chết đói là việc nhỏ, thất tiết mới là chuyện lớn.

Để giữ nhân cách và khí tiết, có người nhịn đói chịu chết, có người suốt đời nghèo khổ long đong. Đào Uyên Minh không vì năm đấu gạo mà khom lưng chính là điển hình cho loại người như vậy.

Đào Uyên Minh tên thật là Đào Tiềm là thi nhân cuối thời Đông Tấn. Ông là người tài đức nhưng bởi vì không muốn chứng kiến sự hủ bại của quan lại thời ấy mà cự tuyệt làm quan, chọn cách sống đạm bạc, về quê ở ẩn. “Không vì năm đấu gạo mà khom lưng” là câu chuyện nổi tiếng mà hậu nhân vẫn lưu truyền để ca ngợi khí tiết, đức hạnh của người trí thức như ông.

TAMTHUC
miếng ăn, khom lưng, đào uyên minh,

Đào Uyên Minh đã có được sự tự do của tâm hồn, có được sự tôn nghiêm của nhân cách, đã viết ra những bài thơ bài văn lưu phương bách thế. (Ảnh: Kknews)

Đào Uyên Minh sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm quan. Ông nội của ông là danh tướng Đào Khản, người lập công dựng nước Đông Tấn. Tuy rằng cả ông nội và cha đều làm đại quan nhưng gia đình Đào Uyên Minh lại sống một cuộc sống rất đạm bạc, gia cảnh nghèo khổ. Đến đời Đào Uyên Minh, cha mất sớm, gia cảnh trong nhà vẫn rất bần cùng. Tuy vậy, ông không cảm thấy có chút phiền lòng mà vẫn uống rượu, đọc sách, làm thơ.

Đào Uyên Minh từ nhỏ đã là người ham thích đọc sách, không muốn theo đuổi con đường công danh sự nghiệp, làm quan lớn. Mặc dù ông thường bị đói vì trong nhà không có gì ăn nhưng vẫn lấy việc học làm vui.

Về sau, gia cảnh ngày càng khốn khó, Đào Uyên Minh dù chăm chỉ làm ruộng nhưng cũng không đủ nuôi gia đình. Lúc ấy, bạn bè đều khuyên ông nên ra làm quan vừa phục vụ dân chúng lại có thể sinh tồn. Để sinh tồn, Đào Uyên Minh đành chấp nhận. Ông làm qua một chức quan nhỏ, được quan trên hậu đãi bởi tài năng đức độ, nhưng do bởi nhìn không quen tác phong tồi tệ chốn quan trường, chẳng bao lâu ông xin từ chức.

Về sau ông vẫn làm qua một số chức quan nhỏ, trải qua cuộc sống lúc làm quan lúc ở ẩn. Lần cuối cùng Đào Uyên Minh làm quan đó là vào năm Nghĩa Hi thứ nhất (năm 405). Năm đó, ông đã qua tuổi “bất hoặc” (40 tuổi), theo lời khuyên của bạn bè ông ra làm huyện lệnh Bành Trạch.

Có một lần trên quận phái tên đốc bưu luôn “cậy quyền cậy thế, tác uy tác phúc” xuống xem xét tình hình. Có tiểu lại bảo Đào Uyên Minh đó là người của bên trên phái xuống, phải ăn mặc chỉnh tề cung kính mà nghênh tiếp. Ông nghe xong than dài và nói rằng: “Ta không vì bổng lộc 5 đấu gạo của huyện nhỏ này mà khom lưng khúm núm phục vụ cho những người ấy”.

Nói xong ông liền từ quan về nhà. Đào Uyên Minh làm huyện lệnh Bành Trạch chỉ hơn 80 ngày. Lần từ quan này, ông vĩnh viễn rời khỏi chốn quan trường. Từ đó trở đi ông vừa đọc sách làm thơ, vừa tham gia cày cấy sinh sống.

Về sau do bởi nông điền luôn gặp phải thiên tai, nhà lại bị cháy, gia cảnh ngày càng túng bấn, nhưng trước sau ông vẫn không ra làm quan để cầu bổng lộc, thậm chí ngay cả Thứ sử Giang châu tặng đến gạo và thịt ông cũng kiên quyết không nhận. Triều đình từng cho mời ông làm Trứ tác lang cũng bị ông từ chối.

Đào Uyên Minh qua đời trong cảnh nhà bần hàn. Ông vốn có thể sống một cuộc sống thong dong, chí ít cũng không phải lo cái ăn cái mặc, nhưng ông đã lấy nhân cách và khí tiết để đánh đổi, nên ông đã chọn lấy cuộc sống nghèo khổ thiếu ăn thiếu mặc nhưng tâm bình an.

Nhưng ở đời, có mất thì cũng có được, Đào Uyên Minh đã có được sự tự do của tâm hồn, có được sự tôn nghiêm của nhân cách, đã viết ra những bài thơ bài văn lưu phương bách thế. Ông lưu lại cho đời sau một gia tài văn học quý báu và cũng để lại một tài sản tinh thần vô giá. Khí tiết cao thượng trong sáng “không vì năm đấu gạo mà khom lưng” của ông đã trở thành tấm gương cho văn nhân và hậu nhân nhiều đời.

Tuệ Tâm (s/t)

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/khi-tiet-cua-tri-thuc-xua-tha-chiu-chet-doi-chu-khong-vi-mieng-an-ma-khom-lung.html

Comment